Motorola Razr, Sega Dreamcast hay Flappy Bird đều là những sản phẩm cực kỳ thành công nhưng lại có số phận “hẩm hiu” vì bị nhà sản xuất khai tử quá sớm.
Trong lịch sử, có không ít các sản phẩm công nghệ khác nhau từ phần cứng, phần mềm đến các ứng dụng, dịch vụ,… dù gây được tiếng vang lớn nhưng lại bị các nhà sản xuất cho “về vườn” quá sớm.
Có nhiều lý do khác nhau khiến chúng phải “chết yểu”: từ một thương vụ mua bán, nhận quá nhiều chỉ trích hoặc chỉ đơn giản là do không còn ai sử dụng. Một cách thầm lặng, đột ngột hoặc được công bố rộng rãi, nhưng dù sao chúng vẫn khiến nhiều người tiếc nuối và ngỡ ngàng như 13 sản phẩm sau đây do VnReview chuyển ngữ từ bài bình chọn của trang tin Tech Insider:
1. Motorola Razr
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2004, Razr là một trong những dòng điện thoại thành công nhất thời điểm 1 thập kỷ trước nhờ thiết kế đẹp, mạnh mẽ, chắc chắn cùng kiểu dáng siêu mỏng mà không nhiều mẫu điện thoại thời đó đó có được. Razr bị Motorola khai tử vào năm 2008, lúc này smartphone đang bắt đầu phổ biến
2. Motorola Droid Razr
Thương hiệu Razr được Motorola “hồi sinh” vào năm 2011 bằng dòng smartphone Droid chạy Android của hãng. Dù mang những đặc điểm làm nên “thương hiệu” của Razr: thiết kế mạnh mẽ, kiểu dáng siêu mỏng, nhưng Droid Razr không thực sự thành công như mong đợi, có lẽ vì “cái bóng” quá lớn của đàn anh đi trước cùng sự “lên ngôi” của nhiều mẫu smartphone khác.
3. Google Reader
Google Reader là một trong những dịch vụ đọc tin tức ra đời sớm nhất và phổ biến nhất trên Internet. Tuy nhiên, càng về sau thì người dùng Google Reader càng ít đi, đó cũng là lý do dịch vụ này bị gã khổng lồ “khai tử” vào năm 2013.
4. Máy quay phim Flip
Với thiết kế đơn giản và thanh lịch, dòng sản phẩm máy quay phim di động Flip tồn tại từ năm 2006 đến năm 2011. Công ty sáng tạo ra Flip là Pure Digital bị Cisco mua lại vào năm 2009. Flip là một trong những nạn nhân khi Cisco từ bỏ mảng tiêu dùng. Ngoài ra, khi tính năng quay phim trên smartphone ngày càng được các hãng nâng cấp thì những mẫu máy quay chuyên biệt như Flip cũng “đi vào dĩ vãng”.
5. Sega Dreamcast
Được giới thiệu lần đầu vào năm 1999, một số tựa game nổi tiếng gắn liền với Dreamcast như Soul Calibur hay Sonic Adventure. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi ra mắt, Sega đã nhanh chóng ngừng sản xuất và “khai tử” hoàn toàn Dreamcast. Hãng cũng từ bỏ mảng kinh doanh máy chơi game console từ đây.
6. Sunrise Calendar
Đây là ứng dụng lịch cho Android và iOS từng “gây bão” vào năm 2013. Năm 2015, Microsoft mua lại ứng dụng này với giá 100 triệu USD, tuy nhiên hãng đã quyết định cho dừng hoạt động Sunrise Calendar từ ngày 31/8 sắp tới.
7. Parse
Năm 2013, Facebook đã mạnh tay chi 85 triệu USD để mua lại Parse, nền tảng giúp các nhà phát triển viết và quản lý các ứng dụng dành cho di động như Android, iOS và Windows. Dù khá được ưa chuộng nhưng Facebook mới đây tuyên bố Parse sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 28/1/2017.
8. Mailbox
Ứng dụng quản lý mail của Orchestra Software cũng từng “gây bão” khi ra mắt năm 2013 nhờ những tính năng độc đáo cùng các cử chỉ vuốt giúp quản lý email một cách dễ dàng hơn. 1 tháng sau khi ra mắt, “ông lớn đám mây” Dropbox tuyên bố “thâu tóm” Mailbox. Mailbox đã bị Dropbox “khai tử” vào đầu năm nay để hãng tập trung cho các sản phẩm đám mây khác của mình.
9. Google Glass
“Trông đáng sợ hơn hữu ích” là những gì trang công nghệ Tech Insider nói về Google Glass trong bài viết này. Dù được khá nhiều sự quan tâm và từng được phát hành thương mại nhưng Google Glass đã bị Google từ bỏ vào đầu năm 2015 vì lý do chưa sẵn sàng cho thị trường hiện nay.
10. Flappy Bird
Nhờ độ gây nghiện cực cao, Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” lan rộng ra toàn thế giới trong đầu năm 2014. Anh cũng xác nhận mình kiếm được 50 ngàn USD mỗi ngày từ các quảng cáo trong tựa game này. Tuy nhiên, Flappy Bird nhanh chóng bị Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ khỏi App Store vào tháng 2/2014 vì có quá nhiều bình luận trái chiều gây áp lực cho anh.
11. Aereo
Ra mắt vào năm 2012, dự án khởi nghiệp Aereo cho phép bạn xem TV trực tuyến từ Internet. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Mỹ đã kéo Aereo đi xuống vì phán quyết vi phạm bản quyền. Aereo tự khai tử mình vào năm 2014 và Tivo nhanh chóng mua lại khối tài sản còn lại của Aereo đầu năm 2015 với giá 1 triệu USD.
12. Zune
Tồn tại trong 5 năm nhưng Zune đã không thể thành công trong sứ mệnh đối đầu trực tiếp với iPod của Apple. “Sống sót” từ năm 2006 đến năm 2011, Zune là cái tên “đi tiên phong” với các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Zune Music Pass, “tiền thân” của Spotify và Apple Music ngày nay.
13. iPod Classic
Thông tin khai tử iPod Classic của Apple vào năm 2014 sau 13 năm tồn tại đã khiến nhiều người tiếc nuối. iPod Classic chính là sản phẩm khởi đầu cho phong trào vòng xoay clickwheel làm nên thương hiệu iPod của Apple.
Theo VnReview