Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 là bộ sưu tầm gồm hai bản remaster của game Tony Hawk’s Pro Skater và Tony Hawk’s Pro Skater 2 từ cách đây 20 năm.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên hai tựa game này trong series Tony Hawk’s Pro Skater được remaster. Vào năm 2001, người chơi hệ máy Xbox kinh điển từng đón nhận bản remaster độc quyền tương tự trong Tony Hawk’s Pro Skater 2x. Hơn 10 năm sau đó, hai phần chơi này tiếp tục được remaster một lần nữa trong Tony Hawk’s Pro Skater HD cho các nền tảng thời điểm đó, trừ Wii. Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 là lần remaster thứ ba cho các nền tảng hiện đại với nhiều cải tiến về mọi mặt so với bản remaster trước đó.
Chính xác là thế. Kỳ thực, Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 không phải là bản remaster của hai phần chơi đầu tiên phát hành cách đây 20 năm, mà từ Tony Hawk’s Pro Skater HD. Sở dĩ tôi nhận định như vậy là vì hai tựa game này có rất nhiều điểm tương đồng về thiết kế màn chơi. Điểm khác biệt lớn nhất giữa cả hai là hiệu ứng ánh sáng, màu sắc và mức độ chi tiết. Bản HD sử dụng những tông màu nhìn có vẻ cổ điển. Còn 1 + 2 chọn tông màu hiện đại hơn, tôn lên nét đẹp và cảm giác thực tế của khối kiến trúc được xây dựng trong các màn chơi.
Cụ thể hơn, các màn chơi trong bản HD có xu hướng dùng những gam màu tạo cái nhìn cũ kỹ, có lẽ để che giấu hạn chế phần cứng lúc bấy giờ. Trong khi đó, Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 sử dụng tông màu tươi sáng, rực rỡ hơn. Đây là điều mà tôi chợt nhận ra sau khi trải nghiệm bản chơi thử gần đây. Đơn cử như màn chơi Warehouse trong bản HD có màu vàng nhờ nhờ của ánh đèn nhân tạo khá khó chịu. Ngược lại, bản 1 + 2 lại tràn ngập ánh sáng tự nhiên rực rỡ từ ngoài trời chiếu vào qua những khoảng trống trên cao.
Đồ họa ấn tượng với mức độ chi tiết cao và hiệu ứng ánh sáng rất đẹp là điều không cần phải bàn cãi. Các màn chơi không còn chút dấu vết gì của đồ họa thời PlayStation xưa cũ, khi xét hình ảnh nguồn mà bản remaster này sử dụng để đại tu lại đồ họa. Nếu bạn trải nghiệm trên hệ máy và ti vi có hỗ trợ HDR thì càng tuyệt vời. Ánh sáng trong các không gian ngoài trời và những góc tối thiếu sáng do vị trí di chuyển theo thời gian thật của nhân vật và kiến trúc xây dựng đều được tái hiện rất chân thật trong từng khung cảnh.
Tuy nhiên, nhạc mới là điểm cộng đầu tiên tạo cho tôi ấn tượng về cảm giác hoài cổ. Chào đón người chơi ngay từ đầu trải nghiệm là bài nhạc bất hủ Guerilla Radio của nhóm nhạc rock Rage Against The Machine. Nó vang lên giữa khoảnh khắc “người chim” Tony Hawk biểu diễn thành công cú xoay 900 độ đầy ấn tượng hơn 20 năm trước. Bên cạnh đó là một số gương mặt skater thế hệ trẻ. Trong số này, tôi chỉ nhận ra cô gái vàng hai quốc tịch Mỹ và Phần Lan Lizzie Armanto của làng ván trượt thế hệ 9x với nhiều thành tích đáng nể.
Phần lớn những bài nhạc trong hai phần chơi gốc đều “tái xuất” trong Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2. Không những thế, bản remaster còn sở hữu sương sương hơn 30 bài nhạc mới. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hào hứng với những bài nhạc kinh điển trong trải nghiệm game ngày xưa như Superman hay Guerilla Radio hơn. Những bài nhạc này mang đến cảm giác hoài cổ đáng nhớ hơn những giai điệu mới được thêm vào như Lost Control. Nói vậy không có nghĩa là các bài nhạc mới không hay, chỉ là chúng không hợp với gu âm nhạc của tôi thôi.
Lối chơi của Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 đúng như những gì bạn vẫn nhớ về trò chơi dù là các phần chơi gốc hay những bản remaster trước đây. Người chơi vẫn thực hiện những kỹ thuật biểu diễn và thu thập các vật phẩm theo yêu cầu trong từng thiết kế màn chơi khác biệt. Mỗi màn chơi đều được xây dựng khá đa dạng các chướng ngại vật đóng vai trò là cơ hội biểu diễn của người. Tôi đặc biệt ấn tượng màn chơi Mall mang thiết kế và sử dụng tông màu nhìn khá ‘creepy’, cảm giác như “siêu thị ma” bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi.
Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 cũng có một số điểm nhấn nhẹ “rất cưng” mang dấu ấn thời đại, như sự xuất hiện của drone trong vài màn chơi. Hay như màn hình trong màn School hiện thông báo đóng cửa vì dịch Covid-19. Đó là chưa kể đến sự xuất hiện của chim muông cũng như sóc cũng trong màn chơi này. Những chi tiết rất nhỏ này tạo không khí riêng cho từng màn chơi trong bản remaster mới. Theo trí nhớ của tôi, những điều này vốn không hề có trong các bản game gốc lẫn remaster cũ, đặc biệt là những yêu cầu mới trong mỗi màn chơi.
Đáng chú ý, mặc dù màn chơi trong hai game là độc lập, nhưng mọi thứ khác đều sử dụng chung. Điều này giúp trải nghiệm có phần dễ dàng hơn, nhất là khi bạn có thể sử dụng điểm kỹ năng thu thập được từ các màn chơi của THPS1 để làm lợi thế trải nghiệm với các màn trong THPS2 và ngược lại. Phần tutorial cũng làm rất tốt sứ mệnh của nó chi tiết đến từng kỹ thuật cơ bản, giúp người chơi mới dễ dàng làm quen với trải nghiệm ngay cả khi bạn chưa từng chơi tựa game Tony Hawk’s Pro Skater nào trước đây.
Việc thực hiện những “tuyệt chiêu” khi đầy thanh Special vẫn rất hào hứng. Tái hiện màn biểu diễn huyền thoại ‘The 900’ của Tony Hawk chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Thế nhưng, bên cạnh các yêu cầu của màn chơi vốn đã không kém phần thử thách, hấp dẫn nhất vẫn là những thách thức (challenge) dành riêng cho mỗi nhân vật điều khiển trong trải nghiệm game. Tuy mỗi nhân vật chỉ có 21 challenge, nhưng do số lượng nhân vật điều khiển khá đông đảo tạo nên giá trị chơi lại cho game khá cao, nhất là những ai thích sự hoàn hảo.
Không phải tự nhiên mà chúng được gọi là ‘challenge’ vì thường đòi hỏi bạn phải biểu diễn một loạt kỹ thuật nối tiếp nhau để giành điểm thưởng. Điểm này được cộng dồn vào hệ thống thăng cấp cùng với tiền thưởng trong game để bạn mua ván trượt hoặc “làm điệu” cho nhân vật. Đó là chưa kể chế độ chơi multiplayer và bảng xếp hạng trực tuyến dành cho những ai thích tính cạnh tranh. Đáng chú ý là công cụ Create A Park để bạn thiết kế màn chơi và chia sẻ với mọi người trên toàn thế giới cho những ai thích sáng tạo.
Thậm chí, nếu không thích các nhân vật có sẵn, người chơi cũng có thể tạo nhân vật riêng mang cá tính của mình thông qua tính năng Create A Skater. Tính năng này cho phép tùy biến skater cũng sương sương và bạn có thể tạo ra bốn nhân vật khác nhau làm đại diện. Hấp dẫn là thế nhưng Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 vẫn có một số thiếu sót khá đáng tiếc. Một trong số đó là sự biệt tích của nhân vật ẩn Spider-Man. Lý do hợp lý nhất có lẽ là đơn vị giữ bản quyền người nhện không cho phép sử dụng hình ảnh nhân vật này trong game.
Ngoài ra, dường như cũng vì vấn đề cấp phép sử dụng mà Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 cũng không có các màn chơi độc quyền trong bản remaster đầu tiên là Tony Hawk’s Pro Skater 2X. Đây là điều khiến tôi cảm thấy chút đáng tiếc vì cả hai đều chung nhà phát hành. Tuy nhiên, những màn chơi nói trên cũng không phải quá xuất sắc cộng với khoảng cách hai thế hệ console, nên việc “biến ước mơ thành hiện thực” như mong mỏi của tôi vốn là điều không đơn giản. Chính vì thế mà tôi cũng không xem các thiếu sót này là điểm trừ.
Sau cuối, Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 mang đến một trải nghiệm trượt ván khá xuất sắc. Trò chơi có sự cân bằng hoàn hảo trong mọi khía cạnh, giữa những yếu tố cũ đã làm nên thành công cho tựa game gốc cùng các nhân tố của thời đại hiện nay. Dù là người chơi mới yêu thích trượt ván hay những ai hâm mộ Tony Hawk nói riêng và series game này nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, đây đích thực là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn!
Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Bản PC hiện chỉ có trên Epic Games Store.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác