Kể từ khi chính thức được khai sinh trong làng game thế giới cho đến nay, thể loại Fighting luôn luôn nằm trong top những thể loại game được chơi nhiều nhất và có nhiều fan hâm mộ nhất. Không chỉ vì sự cạnh tranh cao, hồi hộp và nghẹt thở trong từng đòn đánh nhằm hạ sinh mạng của đối thủ về 0… thể loại game Fighting còn là sự lí tưởng cho những ai muốn rèn luyện kĩ năng của bản thân để đoạt ngôi vị bá vương.
Thế nhưng bạn có biết hết những series Fighting được giới thiệu sau đây chưa?
1 – Street Fighter (Capcom)
Đã nhắc đến thể loại Fighting thì Street Fighter xứng đáng là cái tên đầu tiên hơn cả. Ra mắt phiên bản đầu tiên vào ngày 30 tháng 8 năm 1987, từ đó tới nay cái tên này đã mang về cho Capcom cả một núi tiền khổng lồ.
Với số lượng nhân vật đồ sộ cũng như thường xuyên góp mặt trong nhiều tựa game crossover cùng các hãng khác mà ví dụ tiêu biểu là Street Fighter x Tekken… Street Fighter mang đến cho người chơi những giờ phút thi đấu cực căng thẳng – những đường quyền đầy mạnh mẽ trong một hệ thống combo hoàn hảo, phức tạp. Street Fighter cũng thường xuyên góp mặt trong các giải đấu Esport dành cho Fighting mà trong đó giải EVO là nổi tiếng nhất.
Liệu bạn có thể thực hiện combo Shun Goku Satsu (Thuấn Ngục Sát) của Akuma hay Shouryuu Reppa (Thăng Long Liệt Phá) của Ken một cách thuần thục không?
2 – The King of Fighters (SNK)
Một series Fighter đình đám khác ra đời sau Street Fighter với những nhân vật mới cực sáng tạo, những đường combo tuyệt luân của hãng SNK… có cái tên nào khác ngoài The King of Fighters. Người ta rất hay nhầm lẫn series này với “người anh em cùng mẹ cùng cha” khác của SNK là Fatal Fury: King of Fighters. Fatal Fury chỉ là một tựa game nhỏ trong rất nhiều game Fighting của SNK, một số nhân vật nổi bật bên này về sau mới được đưa vào The King of Fighters.
Cái tên The King of Fighters có ý nghĩa là một giải đấu lớn tập hợp nhiều nhân vật nổi bật trong các tựa game của SNK. Họ sẽ tham gia vào một giải đấu lớn nhằm chọn ra người cuối cùng, người đó sẽ ngồi vào ngai vàng thống trị của King.
Trước đây, The King of Fighters được phát triển thành một tựa game Beat ‘Em Up màn hình ngang… tuy nhiên theo thời gian thì họ nhận thấy rằng phát triển theo hướng Fighting sẽ thú vị hơn và kết quả là bây giờ chúng ta có một series game siêu nổi tiếng, dàn trải trên rất nhiều hệ máy khác nhau.
3 – Tekken (Bandai Namco)
Khi những cái tên phía trên có mặt thì làm sao mà Tekken – một tên tuổi không thể gọi là nhỏ bé trong làng Fighting – lại vắng mặt cho được? Series này được đánh giá là đối thủ nặng kí nhất mà Street Fighter từng gặp phải.
Cốt truyện của game tập trung vào giải đấu Thiết Quyền Vương, một giải đấu được tổ chức bởi Mishima Zaibatsu nhằm chọn ra người sở hữu công ty Zaibatsu. Trong quá trình chơi, bạn sẽ khám phá được mâu thuẫn của gia tộc Mishima – những âm mưu đen tối và tàn độc của các võ sĩ tham gia giải đấu.
Game tập trung vào kiểu combat tay đôi với hệ thống gameplay bao gồm các động tác đỡ – ném – né đòn – đấu vật. Các phiên bản hiện đại sau này còn giới thiệu thêm cả hệ thống combo liên hoàn và các tuyệt chiêu đặc biệt, hơn nữa các nhân vật còn có thể phá nát sàn đấu và hất văng đối thủ ra ngoài. Tekken được biết đến là một trong những tựa game Fighting đầu tiên sử dụng đồ họa 3D.
Tekken được phát triển vào năm 1994. Cho đến năm 2017, nó đã có 9 tựa game phụ – 8 tựa game spin-off và 3 bộ film điện ảnh.
4 – Bloody Roar
Có mấy ai đã trải qua một thời tuổi thơ cực kì dữ dội mà không biết đến series Bloody Roar này nhỉ? Ngày ấy chúng ta có nhiều phiên bản khác nhau để gọi nó như Đấu Trường Thú, Đấu Trường Đẫm Máu, v.v…
Series này sẽ đưa chúng ta đến với các Zoanthrope, những người có năng lực hóa thú. Họ phải chiến đấu với nhau để tìm được câu trả lời còn bỏ ngõ của bản thân mình. Mỗi Zoanthrope đều đại diện cho một loài thú khác nhau, năng lực chiến đấu của họ cũng sẽ khác nhau. Có người thiên về tốc độ, có người chậm về tốc độ thì lại thiên về phòng thủ, có người lại tổng hợp được tốc độ và sức mạnh với những đòn tấn công vũ bão.
Hudson Soft chịu trách nhiệm phát triển series game này với Eighting, sau đó các công ty như Virgin Interactive – Activision – Konami là những công ty phát hành ra thị trường. Bloody Roar ra mắt tựa game đầu tiên vào năm 1997, sau đó là kết thúc với phiên bản cuối cùng vào năm 2004 trên PlayStation 2.
Bloody Roar sở hữu một hệ thống combo cực kì phức tạp nên để làm chủ được các nhân vật trong game bạn cần phải bỏ rất nhiều thời gian ra luyện tập.
5 – Series Dragon Ball
Chàng chiến binh đến từ tộc người Saiyan là Goku đã quá phổ biến với người Việt Nam trong những năm tháng qua. Có rất nhiều tựa game Fighting lấy chủ đề Dragon Ball trên các hệ máy khác nhau và tựa game nào cũng đạt được những thành công nhất định.
Vào thời kì hoàng kim của hệ máy PlayStation 2, series Dragon Ball của Bandai Namco có những tựa game đỉnh cao như Dragon Ball Budokai 1 – 2 – 3 – Tenkaichi. Người chơi có thể mặc sức thi triển những tuyệt kĩ đã làm nên thương hiệu của các nhân vật trong toàn series tại một môi trường 3D rộng lớn và đầy màu sắc. Sàn đấu cũng có thể bị phá vỡ và ở một số màn thì rớt khỏi sàn đồng nghĩa với việc thua trận.
Ở thời điểm hiện tại, tựa game mới nhất lấy chủ đề về Dragon Ball là Dragon Ball FighterZ trên PlayStation 4 và PC chiếm được rất nhiều cảm tình của vô số người hâm mộ. Nhạc nền cực bốc, nền đồ họa 2.5D đầy sáng tạo, hệ thống combo cực kì phức tạp nhưng đầy kích thích, số lượng nhân vật luôn được cập nhật thường xuyên qua các DLC… là những điểm mạnh mà người ta có thể tìm thấy ở tựa game này. Kể từ khi ra mắt cho đến nay, FighterZ đã được đưa vào các giải đấu Fighting lớn trên toàn thế giới và các cộng đồng Fighting liên tục thưởng thức tựa game này với niềm hân hoan và mê say.
Bạn có muốn kết thúc tên phản diện Frieza bằng tuyệt kĩ Kamehameha trứ danh không?
6 – Guilty Gear và BlazBlue (Arc System Works)
Trong làng game Fighting, Guilty Gear được biết đến là một series được ngợi khen với rất nhiều ưu điểm như gameplay tốt – nhạc nền hay – các nhân vật có cốt truyện thú vị – hệ thống combo đầy tinh xảo – đồ họa đẹp. Kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1998 cho đến nay, Guilty Gear đã được chuyển thể lên manga và cả anime nên số lượng tiêu thụ cùng với danh tiếng của nó cứ thế mà tăng lên. Cha đẻ của thương hiệu này là Daisuke Ishiwatari.
Ngoài Guilty Gear, Arc System Works còn một thương hiệu khác cũng không kém phần nổi tiếng với đàn anh của nó: BlazBlue. Theo chân cuộc phiêu lưu của hai nhân vật chính là Ragna the Bloodedge và Jin Kusanagi, người chơi sẽ tìm hiểu và khám phá được âm mưu phục sinh ác quỷ đầy đen tối của những kẻ xấu khác.