Đánh giá game Toki

Đăng bởi: Ngày: 26/01/2019

Toki là phiên bản remake của tựa game arcade cùng tên ra mắt cách đây vừa tròn 30 năm.

Phiên bản gốc Toki có lẽ hoàn toàn xa lạ với hầu hết người chơi Việt. Trò chơi ra mắt năm 1989 trên nền tảng arcade, tức là điện tử thùng hay còn gọi là xèng, xu hay thẻ, tùy từng khu vực địa phương. Đây là thời điểm mà những tựa game như Warriors of Fate (còn gọi là tam quốc chí), Knights of the Rounds (hiệp sĩ bàn tròn) hay Cadillacs and Dinosaurs (còn gọi là bộ đội hoặc công viên khủng long) đang làm mưa làm gió trên nền tảng này ở các tụ điểm chơi game khắp nước.

Tuy nhiên, nếu may mắn sở hữu máy Amiga từ ngày xưa thì có thể bạn đã từng có cơ hội trải nghiệm bản chuyển nền tựa game đi cảnh siêu khó này. Độ khó của trò chơi cũng phải một 7 một 10 so với “huyền thoại” Ghosts ‘n Goblins được phát hành trên nền tảng arcade trước Toki phiên bản gốc vài năm. Chính vì vậy mà việc Toki được remake là một bất ngờ cực kỳ thú vị, nhất là những ai từng có một tuổi thơ hết sức dữ dội và tốn bộn tiền để “phá đảo” trò chơi.

Toki đưa người chơi đến với câu chuyện của chàng chiến binh Toki trong cuộc phiêu lưu giải cứu nàng thơ xinh đẹp Miho bị một gã pháp sư xấu xa bắt cóc. Bị bắt quả tang, hắn đã định hô biến Toki thành một con tinh tinh nhưng kết quả lại biến Toki thành một con khỉ không đuôi với khả năng “bắn phá” siêu phàm. Với hình hài mới, người chơi phải giúp Toki vượt qua muôn trùng khó khăn và những cạm bẫy giăng đầy màn chơi, giải cứu “người tình trăm năm” và hóa giải lời nguyền.

Đánh giá game Toki

Ngay từ những khung hình đầu tiên, tôi đã khá ấn tượng với lối đồ họa vẽ tay của trò chơi trong cảnh nền. Nếu so với phiên bản gốc thì đây là một yếu tố mới đáng chào đón, mang đến cái hồn hơn cho màn chơi. Toàn bộ cảnh nền đều sử dụng nhiều gam màu ấn tượng, mang dấu ấn rất riêng trong mỗi màn chơi, không tạo cảm giác lặp lại hay hao hao nhau như một số tựa game khác. Ngay cả chuyển động của nhân vật cũng khá mượt mà với các biểu cảm khá hài hước, gợi nhớ đến trải nghiệm hoài cổ của tựa game gốc.

Tạo hình của kẻ thù trong Toki đều mang đến cảm giác vui nhộn và khá đa dạng, từ loài khỉ không đuôi cho tới zombie, ma trơi rồi dơi, cá hay nhện v.v…, không thiếu một sinh vật thường gặp trong game nào. Tất cả đều có tạo hình hết sức độc đáo và hài hước, mang đậm dấu ấn riêng khá thú vị. Ngay cả boss cũng được thiết kế khổng lồ với hình dạng “mỗi người một vẻ” và có những đòn tấn công rất hài hước, luôn mang đến cảm giác quen thuộc nếu bạn đã từng trải nghiệm phiên bản gốc trên nền tảng arcade của trò chơi. Kể cả khi chưa từng chơi game gốc, bạn cũng sẽ cảm thấy ấn tượng với những con boss được vẽ tay độc đáo trong bản remake này.

Tuy chúng vẫn giữ nguyên những đặc điểm cũ, nhưng tất cả mọi thứ đều được được vẽ lại để tăng thêm chi tiết, hỗ trợ khung hình 16:9 thông dụng hiện nay, thậm chí là thể hiện rõ nét hơn yếu tố đặc trưng của từng con boss khổng lồ đầy ấn tượng. Thế nhưng, các trận đánh boss lại không gây nhiều khó khăn cho người chơi. Hầu hết chỉ là canh một khoảnh khắc hớ hênh của boss để “tay nhanh hơn não” là chiến thắng gần như cầm chắc trong tay. Chưa kể, đồ họa mới cũng góp một phần không nhỏ trong việc làm tăng độ khó, chủ yếu vì có nhiều yếu tố nguy hại trong đó dễ gây nhầm lẫn chúng chỉ là một phần của cảnh nền vô hại trong game.

Bên cạnh phần điều khiển khá cơ bản và không sử dụng nhiều nút nhấn, mang nhiều cảm giác hoài cổ ngày xưa trong trải nghiệm thì nhạc cũng là một điểm cộng của trò chơi. Toki vẫn trung thành với những bản nhạc cũ, nhưng được hòa âm phối khí lại để mang đến âm hưởng tươi mới so với phần nhạc cũ. Đáng tiếc là trò chơi không có chọn lựa cho phép người chơi tùy chỉnh giữa hai soundtrack của phiên bản remake và game gốc cũ. Điều này vô tình làm mất đi một chút giá trị của trò chơi trong việc giữ gìn cảm giác hoài cổ của phiên bản cũ.

Đánh giá game Toki

Nhắc đến Toki thì không thể không đề cập đến mức độ thử thách của trò chơi trong từng thiết kế màn chơi, ngay cả ở độ khó dễ nhất. Đây có lẽ cũng là điểm gây nhiều ấn tượng nhất trong trải nghiệm game, thậm chí đến mức khiến bạn khóc thét. Hầu hết mọi “chi tiết thừa” trong toàn bộ màn chơi đều là những cạm bẫy được nhà phát triển cố tình thiết kế, nhằm mục đích ngăn bước tiến của Toki trên con đường giải cứu tình yêu của mình. Một số trong đó đều gần như là cái chết không thể tránh khỏi khá bất công.

Thế nhưng tôi không xem đây là một điểm trừ vì yếu tố này cho thấy nhà phát triển cố gắng giữ gìn trọn vẹn gameplay cũ, do cái gốc ban đầu của trò chơi là nền tảng arcade vốn luôn được thiết kế để “móc túi” người chơi nhiều nhất. Trò chơi bù trừ lại yếu tố này bằng việc cung cấp số lượng mạng cho nhân vật khá dồi dào, nhưng phần trải nghiệm lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố thử và sai để vượt qua. Nhân vật của người chơi chỉ có thể chịu được một đòn tấn công và trúng đòn lần nữa sẽ khiến bạn phải hồi sinh từ checkpoint.

Không chỉ vậy, màn chơi cũng có giới hạn thời gian khá khó chịu. Đáng chú ý là cấu trúc màn chơi vẫn giữ nguyên như cũ, có khác chỉ là được khoác lên một lớp đồ họa mới nhìn có sức sống hơn. Đi kèm với đó là nhiều chi tiết cảnh nền và tiểu tiết thú vị trên các nhân vật và kẻ thù, bao gồm cả boss. Chỉ tiếc là Toki không có chế độ chuyển qua lại giữa đồ họa gốc ban đầu và đồ họa remake mới như Wonder Boy: The Dragon’s Trap.

Cũng giống như các tựa game đi cảnh kinh điển quen thuộc, nhân vật của người chơi có thể nhặt các vũ khí mới rất mạnh, mang nhiều nét giống các loại súng trong game Contra ngày xưa. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhặt các “thánh tích” để sử dụng kỹ năng đặc biệt của nhân vật, chẳng hạn như đôi giày nhảy cao hay mũ bảo hiểm để đỡ đòn tấn công, tận dụng chúng làm lợi thế trong cuộc hành trình. Tuy nhiên, tất cả vật phẩm dạng này chỉ có tác dụng sử dụng trong một khoảng thời gian hạn chế, nên tính hữu dụng của chúng cũng chỉ ở mức độ tương đối, chủ yếu vẫn đòi hỏi sự cẩn thận và khả năng trải nghiệm đi cảnh của người chơi hơn.

Đánh giá game Toki

Sau cuối, Toki là một trải nghiệm đi cảnh khá hài hước và có phần quái dị ở khía cạnh đồ họa. Đây có thể là điểm cộng với người chơi này nhưng cũng có thể là điểm trừ với người chơi khác. Thế nhưng, thật khó để phủ nhận việc trò chơi có không ít vấn đề trong thiết kế bất công đầy cố ý, ngay cả ở độ khó dễ nhất. Yếu tố này vốn bắt nguồn từ cái gốc ban đầu của trò chơi và được nhà phát triển cố ý giữ nguyên trong phiên bản remake này. Dù vậy, nếu yêu thích lối chơi đi cảnh với độ khó cao của những tựa game kinh điển ngày xưa, thì đây chắc chắn là một cái tên đáng chú ý. Ít nhất thì phiên bản remake cũng có một số điều chỉnh giúp trải nghiệm game “đỡ khổ” hơn một chút so với phiên bản gốc trên nền tảng arcade.

Toki hiện chỉ được phát hành cho Nintendo Switch.

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.