ToeJam & Earl: Back in the Groove là phần chơi thứ tư trong series game đi cảnh hành động ToeJam & Earl nổi tiếng trên nền tảng Sega Genesis từ thời đại 16 bit.
ToeJam & Earl có thể là một series game khá lạ lẫm với nhiều người chơi Việt vốn đa phần trải qua thời đại 16 bit vào những năm 1990 trên hệ máy Super NES. Tuy nhiên, phần chơi đầu tiên ToeJam & Earl vẫn là một tựa game khá đặc biệt khi kết hợp lối chơi đi cảnh với cơ chế gameplay roguelike có độ khó cao rất quen thuộc trong thiết kế game ngày nay. Sau ToeJam & Earl III: Mission to Earth không gây được tiếng vang, liệu ToeJam & Earl: Back in the Groove có thể mang về vinh quang về cho cặp đôi ToeJam và Earl như dự án góp vốn cộng đồng Kickstarter đã giúp trò chơi thấy được ánh hào quang?
ToeJam & Earl: Back in the Groove đưa người chơi đến với bộ tứ ToeJam, Big Earl, Latisha và Lewanda. Trong một cuộc du hành không gian, ToeJam đã “mượn tạm” phi thuyền Rapmaster Rocket của Lamont và gây tai nạn khiến con tàu vũ trụ này rơi thẳng xuống trái đất. Người chơi phải giúp đỡ bộ tứ thu thập các món quà và những “phụ tùng” rơi vãi của chiếc phi thuyền Rapmaster Rocket, tránh những người trái đất xấu xa để đạt được mục tiêu trở về hành tinh Funkotron đoàn tụ cùng bạn bè và gia đình.
Lối chơi của ToeJam & Earl: Back in the Groove mang nhiều cảm giác quen thuộc từ phần chơi đầu tiên. Người chơi có thể chọn một trong số các nhân vật nói trên và tận dụng những ưu và khuyết điểm riêng của mỗi người trong trải nghiệm. Chẳng hạn như ToeJam di chuyển nhanh nhưng có ít máu, trong khi Earl tuy chậm chạp nhưng được cái “trâu bò”. Nhân vật của người chơi có thể kiếm được điểm kinh nghiệm và thăng cấp nhờ vào các hoạt động trong trải nghiệm game, làm thay đổi điểm chỉ số ban đầu của họ.
Điểm nhấn trong trải nghiệm và cũng là của series ToeJam và Earl là các món quà với yếu tố rủi ro và phần thưởng quen thuộc. Người chơi không thể biết một món quà mà bạn nhặt được có gì nếu không mở chúng ra. Đó có thể là một thứ giúp đỡ bạn trong trải nghiệm, nhưng ngược lại cũng có thể gây hại cho cuộc phiêu lưu của nhân vật. Tôi nhớ có một món quà khiến tôi tức gần chết khi cứ báo động ầm ĩ cho kẻ thù người trái đất biết được sự hiện diện của nhân vật chính, khiến phần trải nghiệm hành động lén lút đơn giản trong trải nghiệm bị “tan tành mây khói”, khá là ức chế. Thà mở ra là “lên đường” ngay lập tức như Total Bommer còn đỡ nổi điên hơn.
Yếu tố hài hước trong trải nghiệm chủ yếu đến từ những món quà như “troll” người chơi và những hoạt cảnh diễn ra khi bạn tiếp xúc với kẻ thù. Thế nhưng, quà cáp không phải lúc nào cũng khiến bạn vui và bật cười với chúng. Chẳng như có món quà khiến bạn rơi xuống vực và quay lại màn chơi trước đó. Tất nhiên cũng có những món quà có chứa “đồ chơi” khá hữu ích trong trải nghiệm, hỗ trợ bạn né việc đụng độ với kẻ thù. Tránh voi chẳng xấu mặt nào có vẻ như rất đúng trong trường hợp này. Đụng độ chúng có thể dẫn đến những màn truy đuổi mất máu và thậm chí còn tệ hơn.
Trải nghiệm trong ToeJam & Earl: Back in the Groove thú vị ở chỗ nó khá khác biệt với những tựa game đi cảnh hành động khác trên thị trường. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa trò chơi có thể không phù hợp với mọi đối tượng người chơi. Phần lớn trải nghiệm thường buộc bạn phải bỏ trốn khỏi kẻ thù hay chính xác hơn là hành động lén lút để lẻn qua khỏi chúng mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, việc tiếp xúc gần với chúng cũng chính là những ý tưởng hài hước mà nhà phát triển đưa vào trong trải nghiệm một cách cố ý. Tùy mỗi người chơi mà những ý tưởng này có thể khiến bạn cười bò hay tệ hơn là cảm thấy nó vô duyên không thể tả.
Tuy nhiên, với những ai chưa từng trải nghiệm ToeJam và Earl phần chơi đầu tiên, bạn có thể cảm thấy kém hào hứng với những gì mà ToeJam & Earl: Back in the Groove mang đến. Trò chơi dường như hướng đến fan của series game ToeJam & Earl, tức là những người đã quá quen thuộc với trải nghiệm như thế này hơn là đối tượng người chơi mới. Bởi lẽ, trải nghiệm game trong phần chơi mới nhất chỉ hào hứng nếu bạn yêu thích series này từ trước cùng các nhân vật hài hước trong đó. Với những ai chưa từng biết đến series này thì cảm giác sẽ khá lạ lẫm vì nhiều vấn đề. Một trong số đó chính là cơ chế gameplay rất nhanh tạo cảm giác lặp lại khá nặng nề chỉ sau vài màn chơi.

Trải nghiệm game đa phần là lang thang trong các màn chơi, thu thập những món quà hoặc những mảnh vỡ cho Rapmaster Rocket, né tránh người xấu và trò chuyện với người tốt, tham gia các mini-game hài hước như thi hát ráp với Old Otis chẳng hạn. Sau khi bạn tìm được mảnh vỡ của phi thuyền thì lên thang máy để tiếp tục với màn chơi mới tương tự và cứ thế lặp lại. Lối thiết kế này có thể khiến những người chơi mới cảm thấy nhàm chán và nhanh chóng quay lưng với trò chơi. Chưa kể, trò chơi gần như không giải thích các cơ chế gameplay. Ngay cả tutorial mang tiếng là màn chơi hướng dẫn cũng không mang lại cho tôi thông tin gì đáng chú ý về cơ chế gameplay trò chơi. Đa phần đều buộc người chơi trải nghiệm theo kiểu thử và sai, đôi khi khá là ức chế.
Vấn đề ở chỗ các màn chơi trong game đều được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán. Chính vì thế mà yếu tố thử và sai trong trường hợp này rất dễ dẫn đến những sai lầm, vô tình phá hỏng mọi thứ mà bạn đã làm trong trải nghiệm trước đó. Mặt khác, những thứ mà người chơi phải thu thập trong trải nghiệm đều tương tự nhau, nếu có khác cũng chỉ là khác biệt NPC tương tác và địa điểm mà vật phẩm đó xuất hiện mà thôi. Thiết kế này dễ khiến trải nghiệm game trở nên nhàm chán khó tránh khỏi theo thời gian. Điều này khiến tôi tin rằng ToeJam & Earl: Back in the Groove chỉ phù hợp với fan của series game này, những người đã quen thuộc và kiên nhẫn với trò chơi hơn là người chơi mới.
Dù vậy, ToeJam & Earl: Back in the Groove vẫn gây ấn tượng không nhỏ với giá trị chơi lại cao trong phần chơi multiplayer lên đến bốn người, biến trải nghiệm game trở nên khá hỗn loạn nhưng cũng không kém phần hào hứng. Câu càng đông càng vui thật sự rất đúng trong trường hợp này. Nhà phát triển thậm chí còn hỗ trợ multiplayer online thông qua dịch vụ Nintendo Switch Online. Tính năng này khá thú vị ở chỗ cho phép những người chơi trong danh sách bạn bè có thể nhảy ngang vào giữa trải nghiệm chơi đơn của bạn. Tuy nhiên, nếu không thích thì người chơi có thể tắt tính năng này trước khi vào màn chơi. Thế nhưng, thật khó phủ nhận sự kết hợp với đồ họa kiểu hoạt hình vui nhộn đã biến trải nghiệm multiplayer trong game trở nên hết sức hấp dẫn và hào hứng.
Tất nhiên, ToeJam & Earl: Back in the Groove cũng không hoàn hảo và vấn đề của trò chơi nằm ở yếu tố kỹ thuật khá khó hiểu. Thỉnh thoảnh tôi vẫn gặp tình trạng game bị giật một cái giống như bị nấc cụt vậy. Nó không xảy ra quá thường xuyên mà chỉ thỉnh thoảng nên tôi cũng không thể xác định được vấn đề từ đâu. Vấn đề ở chỗ, với đồ họa kiểu hoạt hình khá nhẹ của trò chơi thì những trường hợp xảy ra ngẫu nhiên như thế này chỉ có thể là lỗi của game. Một vấn đề khác tuy nhỏ nhưng cũng đáng nói là trò chơi tải dữ liệu trước khi vào game khá lâu. Tuy nhiên, khi vào trải nghiệm thì thời gian tải dữ liệu giữa mỗi màn chơi có đỡ lâu hơn, nhưng vẫn là một vấn đề không thể không nhắc đến.
Sau cuối, ToeJam & Earl: Back in the Groove mang đến một trải nghiệm đi cảnh hành động khá hài hước và hào hứng, đặc biệt khi bạn chơi cùng bạn bè. Ngược lại, trải nghiệm chơi đơn kém hào hứng hơn do mang nặng cảm giác lặp lại, khiến trò chơi trở nên kén người hơn. Nếu yêu thích cặp đôi ToeJam và Earl và series game này ngày xưa thì đây chắc chắn là một tựa game mà bạn không nên bỏ lỡ.
ToeJam & Earl: Back in the Groove được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!