The Shattering là game tâm lý rùng rợn thiên về câu chuyện kể trên nền đồ họa gây ấn tượng mạnh ở khía cạnh mỹ thuật, mang thông điệp về đề tài mà từ trước đến nay rất hiếm khi được khai thác.
Sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở thành vấn đề không nhỏ trong xã hội hiện đại ngày nay. Trong khi phần lớn những tựa game kinh dị rùng rợn thường khai thác khía cạnh này cho vai phản diện, Shattering lại chọn hướng ngược lại. Nhân vật của người chơi là John Evans, một nhà văn gặp khó khăn trong việc tìm không gian yên tĩnh để sáng tác quyển tiểu thuyết mới. Sau vụ tai nạn dẫn đến mất trí nhớ tạm thời, nhân vật được điều trị thông qua liệu pháp thôi miên. Người chơi sẽ chìm đắm trong tâm trí của John, nhớ lại toàn bộ câu chuyện đã diễn ra như thế nào dẫn đến tình trạng hiện tại của nhân vật chính.
Lối chơi của Shattering mang nhiều nét tương đồng với What Remains of Edith Finch mà tôi từng trải nghiệm cách đây khá lâu. Tuy nhiên, nhà phát triển Super Sexy Software cũng có chút thay đổi để mang dấu ấn riêng, không chỉ ở khía cạnh hình ảnh, âm thanh mà ngay cả câu chuyện kể. Thay vì để nhân vật thuật lại mọi chuyện như tựa game nói trên, người chơi sẽ hòa mình trong những lời kể thông qua trải nghiệm game. Trò chơi sở hữu phong cách đồ họa khá độc đáo, gây tác động mạnh đến thị giác khi sử dụng tông trắng lạnh lẽo cho bối cảnh. Màu sắc chỉ được áp dụng cho yếu tố tương tác, tạo nên những hình ảnh có tính mỹ thuật rất cao.
Câu chuyện kể trong Shattering được thuật lại qua lời của bác sĩ và độc thoại của nhân vật chính lẫn các thông điệp xuất hiện trên màn hình. Chúng có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ màn hình máy tính cho đến giữa không gian màn chơi như một cách từ ngữ hóa cảm nhận của John. Bên cạnh việc giúp người chơi hiểu rõ hơn những suy nghĩ của nhân vật chính, những thông điệp này còn có tính gợi ý giúp bạn biết phải làm gì để thúc đẩy tình tiết nội dung tiếp diễn. Không những vậy, trải nghiệm game còn có sự hậu thuẫn khá tuyệt vời của đội ngũ lồng tiếng thật sự thổi hồn cho nhân vật.
Hình ảnh trong Shattering mang phong cách thiết kế tối giản khá giống Superliminal. Khác biệt lớn nhất là bối cảnh đều là những khoảng không trống rỗng màu trắng, không có bất kỳ ai khác ngoài những gợi ý của bác sĩ điều trị và dòng suy nghĩ của nhân vật chính. Phong cách đồ họa trắng và xám được điểm xuyến bằng những yếu tố tương tác sử dụng màu sắc làm điểm nhấn thị giác. Ý tưởng dùng màu sắc khá hay khi vừa giúp người chơi phân biệt rõ yếu tố tương tác, vừa bao hàm những ý nghĩa khác phù hợp với câu chuyện kể trong game mà tôi không muốn “nói toạc móng heo”, để dành cho bạn chiêm nghiệm.
Dù vậy, trò chơi có một điểm yếu khá đáng tiếc là câu chuyện kể ban đầu khá chậm rãi, không gây ấn tượng mạnh mẽ. Chỉ khi người chơi trải nghiệm về sau, mọi thứ mới tạo sự chú ý nhất là cách dùng hình ảnh mang nhiều ẩn ý. Đây có lẽ là chủ ý xây dựng nội dung của đội ngũ biên kịch nhằm giúp người chơi khám phá sâu hơn những gì thật sự diễn ra trong tâm trí của John. Trong một số tình huống, bạn có thể đưa ra chọn lựa trả lời khi bác sĩ đặt câu hỏi. Tuy nhiên, các lựa chọn này dường như được thiết kế để trắc nghiệm người chơi ở khía cạnh tâm lý, chứ nó không gây tác động gì đến cốt truyện hay tình tiết trải nghiệm.
Shattering cũng không hoàn hảo. Thế nhưng, các vấn đề của game sẽ là điểm trừ tùy vào mức độ khó tính và khả năng thấu hiểu của bạn. Một trong những điểm trừ lớn nhất của trò chơi là hiệu năng trong một số khu vực khá kém, có hiện tượng giật hình khá nặng nề cho đến khi bạn điều khiển nhân vật rời khỏi nơi đó. Có lẽ game có chút vấn đề tối ưu hóa hiệu năng vì đó chỉ là những khung cảnh khá bình thường, không có dấu hiệu gì cho thấy phải tải nặng cả. Mặt khác, cảm giác điều khiển kết hợp cùng tông màu trắng và xám đặc trưng trong thiết kế môi trường của game có thể gây tình trạng nhức đầu chóng mặt với một số người chơi.
Thậm chí, tôi còn vô tình phát hiện Shattering dường như gặp nhiều vấn đề hiệu năng khi trải nghiệm bằng tay cầm hơn. Ngược lại, cảm giác điều khiển bằng tay cầm lại khiến tôi ít bị chóng mặt hơn so với dùng chuột và bàn phím. Chưa kể, game có thời gian tải dữ liệu khá lâu, nhưng may mắn là “khoảnh khắc sốt ruột” này chỉ diễn ra trước khi vào Act mới, nên tôi cũng không xem là điểm trừ đáng chú ý. Dù vậy, cách xây dựng nội dung có thể là điểm trừ với không ít người, đòi hỏi bạn phải có chút kiến thức về sức khỏe tâm thần để có sự thấu hiểu những gì mà nhân vật đã trải qua. Điều này vốn không đơn giản với phần lớn mọi người.
Sau cuối, The Shattering mang đến một trải nghiệm “mô phỏng đi bộ” khá hấp dẫn, gây ấn tượng gần như mọi khía cạnh từ kể chuyện, đồ họa cho tới khâu xử lý âm thanh và lồng tiếng. Nếu yêu thích những tựa game thiên về câu chuyện kể, đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý mà bạn không nên bỏ qua.
The Shattering hiện chỉ có cho PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác