The Room of 2 Monsters là game nhập vai hấp dẫn của nhà phát triển người Việt, kết hợp với yếu tố giải đố và tâm lý dẫn đến những thay đổi thú vị có giá trị chơi lại cao trong gameplay.
Truyền thuyết kể rằng ở khu rừng Samomor có một cánh cửa thần kỳ, là cầu nối cho bất kỳ ai đến với điều mà họ đang tìm kiếm. Đó là mở đầu cho câu chuyện trong The Room of 2 Monsters, một trải nghiệm nhập vai kể về câu chuyện của hai người bạn thân Jack và Henry. Một ngày nọ, Jack đột nhiên biến mất giữa bao hoài bão và ước mơ dang dở, để lại bức thư bí ẩn nhắn nhủ Henry đến Samomor để tìm mình. Không chần chừ, Henry lập tức đến khu rừng bí ẩn nói trên, gặp gỡ nhiều “người lạ ơi” để hỏi thăm tung tích cậu bạn thân.
The Room of 2 Monsters là sản phẩm game của trí tuệ Việt và được xây dựng trên game engine RPG Maker MV khá nổi tiếng, “chuyên trị” những tựa game nhập vai 2D. Theo thông tin mà tôi thu thập được thì nó là công sức trong gần hai năm trời của nhà phát triển solo Sang Hendrix “tuổi trẻ tài cao” sinh năm 1996. Mặc dù đây không phải là tựa game đầu tay, nhưng dường như nó được chăm chút nhiều hơn những tựa game trước đó của cùng nhà phát triển. Trò chơi sở hữu câu chuyện kể có nhiều thông điệp ý nghĩa nếu bạn tinh ý nhận ra.
Dù vậy, những thông điệp trong trải nghiệm Room of 2 Monsters chưa đủ mạnh mẽ do một số vấn đề xây dựng game. Bạn có thể thấy rõ đó ngay từ phần lời thoại thỉnh thoảng có nhiều đoạn cố ý “cà khịa” người chơi suốt từ đầu đến cuối trải nghiệm. Nó vô tình biến một số thông điệp như phần “tâm sự” của Jack và Henry hay một số phân đoạn có vẻ như nói về vấn đề bảo vệ môi trường trở nên khá lạt lõng giữa những câu thoại có tính “cà khịa” nói trên.
Tuy game chưa cập nhật bản tiếng Anh, nhưng cách dùng từ trong lời thoại của các nhân vật khiến tôi có cảm giác nội dung được biên kịch xây dựng từ ngoại ngữ và chuyển sang tiếng Việt. Cách làm này không hề mới với những sản phẩm có ý định phát hành quốc tế ngay từ đầu, đơn cử như phim điện ảnh Việt là một ví dụ điển hình. Trong các trường hợp này, khâu chuyển ngữ sau đó giữ vai trò rất quan trọng nhưng nhà phát triển Sang Hendrix lại làm chưa tốt.
Các nhân vật thiếu sắc thái và cá tính riêng trong trải nghiệm game. Dù số lượng NPC không nhỏ so với thời lượng chơi nhưng lời thoại mang cảm giác một màu, nhiều chỗ khá dông dài và lủng củng. Đây có lẽ là điểm trừ lớn nhất của Room of 2 Monsters khi câu thoại có quá nhiều từ thừa không cần thiết. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy sai chính tả cũng như lỗi nhập liệu. Có từ dường như nhà phát triển muốn nói tránh nên cố ý để sai chính tả, nhưng tôi nghĩ nên chọn cách khác cho mục đích “che không full” sẽ tốt hơn.
Lối chơi của game xoay quanh yếu tố giải đố với những màn “đấu trí” người chơi để tìm ra ai mới là kẻ đáng tin và xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của bạn. Mỗi lựa chọn trong từng trường hợp có thể dẫn đến diễn biến thay đổi về sau, ít nhiều đều làm thay đổi yếu tố giải đố trong trải nghiệm nhưng không quá nhiều. Ở góc độ người chơi, thiết kế này có thể mang đến giá trị chơi lại tương đối cao cho game, nhưng nếu cốt truyện mới là điều mà bạn theo đuổi thì nó lại không mang nhiều ý nghĩa lắm trong trường hợp này.
Các câu đố trong Room of 2 Monsters khá lắt léo với những ai ít chơi game giải đố và không chịu quan sát yếu tố môi trường lẫn gợi ý, nhưng không tạo cảm giác thỏa mãn mỗi khi hoàn thành. Một phần vì lời thoại dài dòng nên dễ khiến bạn cảm thấy rối, nhưng phần còn lại cũng vì chúng không quá thử thách đến mức gây khó cho người chơi vì nhiều lý do. Tôi không rõ nó có phải là thiết kế chủ ý của nhà phát triển không, nhưng câu đố sẽ thành cơn ác mộng nếu bạn vô tình hay cố ý làm mất đi một “manh mối” nào đó trong trải nghiệm.
Đáng chú ý, Room of 2 Monsters trao cho người chơi cơ hội “diệt khẩu” các NPC, nhưng lại không cảnh báo bạn về hậu quả của điều đó. Nếu thích làm “serial killer”, người chơi sẽ tự dẫn mình vào những tình huống “hậu quả khôn lường” rất khó chịu, trong khi cứ tưởng game bị lỗi. Không những vậy, trò chơi còn được thiết kế khá tuyến tính khi tách rời yếu tố giải đố trong từng khung cảnh, giới hạn bằng việc ngăn người chơi di chuyển sang những khung cảnh khác một khi bạn chưa hoàn thành được câu đố hiện tại.
Đơn cử như có câu đố trong phần gợi ý có nhắc đến tên một nhân vật. Theo nhận định thông thường, tôi đã quay lại tìm NPC này để “hỏi cho ra lẽ”, nhưng cô ta vẫn nhất mực chối không có liên quan gì đến vụ án trong câu đố trước đó, khiến người viết khá chưng hửng. Kỳ thực, đây là hai câu đố khác nhau và việc lời gợi ý có nhắc đến tên một NPC vốn chẳng liên quan gì đến yếu tố giải đố trong trường hợp này là không phù hợp. Vấn đề này lại dính tới “vụ án” lời thoại mà tôi đã đề cập ở trên.
Ngay cả điều khiển cũng có vấn đề đáng bàn. Mặc dù trải nghiệm game như Room of 2 Monsters phù hợp với điều khiển tương tác thuần cảm ứng hơn, nhưng nhà phát triển lại chọn giải pháp cần analog và các nút bấm ảo mô phỏng lại tay cầm Xbox. Tôi nghĩ thiết kế này nhằm chuẩn bị phát hành trên PC hoặc console trong tương lai. Vấn đề ở chỗ, lựa chọn này khiến trải nghiệm game kém hấp dẫn hơn vì thao tác điều khiển rườm rà, lại dễ bấm nhầm nút “rút dao” dẫn đến những cái chết oan mạng của các NPC, vô cùng ức chế.
Sau cuối, The Room of 2 Monsters mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hấp dẫn với yếu tố giải đố và những lựa chọn làm thay đổi yếu tố gameplay, tạo nên giá trị chơi lại khá cao so với thời lượng tương đối ngắn. Tuy một số vấn đề của trò chơi cùng với lỗi vặt có thể khiến trải nghiệm kém thuận tiện hơn, nhưng khó có thể phủ nhận đây vẫn là một sản phẩm game có sự đầu tư nghiêm túc trên nền tảng di động, rất đáng cân nhắc.
The Room of 2 Monsters hiện chỉ có trên Android.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!