The Princess Guide là một game nhập vai hành động thú vị với hệ thống gameplay độc đáo.
Từ trước đến nay, JRPG là dòng game nhập vai nổi tiếng đến từ đất nước mặt trời mọc, luôn mang đến trải nghiệm khác biệt so với dòng game nhập vai của các nước phương tây như series game The Witcher hay Elder Scrolls. Phần lớn đều được thiết kế những hệ thống gameplay phức tạp nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, đặc biệt là nhiều ý tưởng độc đáo và đôi khi ngớ ngẩn. Các yếu tố này thường mang đến cho người chơi nhiều hướng trải nghiệm và thử nghiệm rất có chiều sâu khá thú vị. The Princess Guide có thể xem là một trong số này, với ý tưởng nội dung hết sức hài hước về bốn nàng công chúa “ngốc xít” và lối chơi chặt chém “nhặt mót”, kết hợp với yếu tố visual novel.
Princess Guide đưa người chơi đến với vai trò osin, à nhầm, một chiến binh dũng mãnh nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến ngang dọc khắp nơi. Một ngày đẹp trời, nhân vật của người chơi bỗng tự hỏi vì sao mình lại phải chinh chiến khắp nơi mệt mỏi xương cốt như thế này. Từ đây, mục đích sống mới bất ngờ xuất hiện. Đó là công việc đào tạo những nàng công chúa của các vương quốc khác nhau biết cách tu thân, trị quốc và bình thiên hạ. Mặc dù nghe qua thì có vẻ giống với game Valthirian Arc: Hero School Story mà tôi từng trải nghiệm trước đây, nhưng kỳ thực cả hai chỉ có chung lối chơi hành động nhập vai trong chiến đấu, chứ mọi thứ còn lại đều hoàn toàn khác biệt.
Điểm cộng đầu tiên mà bạn dễ dàng thấy có lẽ là Princess Guide có một dàn bốn nhân vật nữ xinh đẹp, với tính cách rất riêng và phong cách chiến đấu khác nhau. Mỗi tội, tất cả đều khá “tăng động”, mang đến cảm giác rất hài hước mỗi khi nhân vật trò chuyện. Hệ thống gameplay của game cũng khá dễ làm quen, hướng dẫn chi tiết và đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình trải nghiệm tôi nhận thấy menu được thiết kế hơi rối và phức tạp một chút. Nếu không chịu khó tìm tòi kỹ lưỡng, người chơi rất dễ bỏ sót nhiều thứ thú vị, vô tình gây trở ngại không đáng có trong trải nghiệm. Thậm chí, một số tình huống chiến đấu có thể khiến bạn mất thời gian thao tác và thay đổi chiến thuật của đội hình ngay giữa chiến trường “rực lửa”.
Đồ họa của Princess Guide chia làm hai phong cách khác nhau rõ rệt, khiến bạn có thể rất thích hoặc rất ghét nó. Nếu như các đoạn trò chuyện với lối dẫn truyện như một game visual novel mang đậm phong cách anime, thì trong chiến đấu lại chuyển sang đồ họa chibi dễ thương đặc trưng. Hài hước nhất là những phân đoạn “visual novel”, nhân vật hoạt náo đến mức dễ khiến bạn cảm thấy “loạn thị”, rất buồn cười. Ban đầu, yếu tố này có khiến tôi cảm thấy khó chịu vì hành động của nhân vật khá bất thường, nhưng một khi quen dần lại cảm thấy vui mắt, giải tỏa tâm trạng khó chịu ban đầu. Đó cũng là khi bạn bắt đầu đọc những lời thoại hài hước của công chúa, đặc biệt là khi những phát ngôn của cô nàng “ngốc xít” thường khiến người chơi không nhịn được cười.
Khen và chê là cơ chế gameplay độc đáo nhất trong trải nghiệm Princess Guide. Trong các đoạn visual novel, công chúa sẽ nói những điều mà bạn có thể sử dụng lựa chọn Praise (khen) hoặc Scold (la rầy) để nàng ta biết đó là điều tốt hay xấu. Hai lựa chọn này chính là cách mà người chơi đào tạo công chúa, tạo nên mối gắn kết với nhân vật chính mở khoá các nhiệm vụ tập huấn đặc biệt. Thú vị là cơ chế này cũng xuất hiện trong chiến đấu, giúp tăng chỉ số hoặc hồi máu cho công chúa khi chinh chiến. Tất nhiên, bạn phải khen và chê đúng thời điểm, chứ không phải lợi dụng tính năng này để tạo lợi thế trong chiến đấu. Bởi lẽ, công chúa sẽ không phản hồi lại những lần khen hoặc chê “tào lao mía lao” của người chơi.
Bên cạnh cơ chế khen chê nói trên, trải nghiệm trong Princess Guide chủ yếu xoay quanh việc kéo quân đi chiến đấu theo các nhiệm vụ định sẵn. Người chơi sẽ điều khiển quân di chuyển trên khắp bản đồ đến các điểm làm nhiệm vụ theo thời gian thật. Kẻ thù thì ngược lại, có thể xuất hiện ngẫu nhiên trên bản đồ, tạo nên các cuộc đụng độ không mong muốn. Lối chiến đấu của trò chơi tương tự như những tựa game hành động nhập vai chặt chém khác. Bạn không chỉ trực tiếp điều binh mà còn khiển tướng nữa. Điểm khác biệt ở đây là một yếu tố mà tôi có cảm giác nó được lấy cảm hứng từ dòng game phòng thủ tháp: relic. Về cơ bản, trong mỗi màn chơi sẽ có những thánh tích đặt rải rác mà bạn có thể chiếm lấy để sử dụng làm lợi thế cho quân ta trong cuộc chiến, như hồi máu hay để tấn công ngược lại kẻ thù.
Ở thời điểm ban đầu, trải nghiệm game khá đơn giản do người chơi chỉ phải di chuyển quân giữa các địa điểm để thực hiện nhiệm vụ tuyến tính định trước. Thậm chí nếu muốn, bạn cũng có thể chủ động né tránh kẻ thù bằng cách chọn đường vòng nhưng sẽ tốn thời gian hơn. Đây cũng là điều mà tôi không thích khi một số nhiệm vụ có hạn chế thời gian khá ngắn ngủi, đòi hỏi bạn phải di chuyển quân thận trọng. Đơn giản vì thời gian di chuyển cũng được tính vào thời gian làm nhiệm vụ. Có một nhiệm vụ khoảng vài chapter đầu đã khiến tôi khá “lao đao” cũng vì thời gian hạn chế này. Tuy nhiên, càng về sau mức độ phức tạp càng tăng lên, đòi hỏi người chơi phải di chuyển nhiều quân cùng một lúc trên bản đồ. Nếu không chú ý máu và trang bị của quân ta, bạn sẽ phải trả giá đắt.
Ở góc độ người chơi game, trải nghiệm chiến đấu trong Princess Guide rất hào hứng, không mang nhiều cảm giác lặp lại gây khó chịu vì có nhiều cơ chế hỗ trợ để “hóa giải” điều này. Tuy nhiên, trò chơi lại có tính “cày cuốc” khá cao. Phần lớn đều đòi hỏi người chơi chiến đấu hết từng đợt kẻ thù xuất hiện trong những không gian màn chơi tuyến tính, để mở khóa đường đi mới. Xen lẫn trong đó là những relic mà bạn tìm được hoặc một trận đánh boss ở cuối nhiệm vụ, luôn tạo nên cảm giác chiến đấu chặt chém khá hào hứng. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là các cơ chế chiến đấu và nâng cấp có hơi phức tạp. Chưa kể hệ thống menu khá rườm rà, thiết kế thiếu trực quan, đòi hỏi người chơi tốn không ít thời gian mày mò để làm quen.
Đây có thể xem là điểm trừ lớn nhất của game, dễ khiến bạn lầm tưởng hệ thống chiến đấu đơn giản và khó, hơn là có chiều sâu và cần sự ngâm cứu kỹ lưỡng từ phía người chơi. Một yếu tố cũng không thể không nhắc tới là hệ thống thuê tướng và lính để tạo thành những quân mới. Tuy khá hữu dụng trong việc điều binh khiển tướng khi bạn cần bảo vệ một khu vực nào đó, nhưng ngoài yếu tố “chia để trị” ra thì tính năng này gần như không có tác dụng gì khác. Về cơ bản, chiến đấu bằng quân nào thì các cơ chế gameplay vẫn tương tự nhau. Người chơi vẫn phải tận dụng phong cách chiến đấu của quân đó làm lợi thế trong trận chiến.
Sau cuối, The Princess Guide mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai chặt chém khá hấp dẫn và hài hước, rất có chiều sâu với hàng loạt cơ chế gameplay đặc trưng và độc đáo. Điểm trừ của trò chơi là hệ thống chiến đấu và điều khiển có thể khiến bạn tốn không ít thời gian để làm quen. Còn ở những khía cạnh còn lại thì game làm khá tốt. Đó là chưa nói đến hình vẽ các nhân vật theo phong cách anime và nhạc đều tuyệt vời, giúp tăng thêm sự hào hứng trong trải nghiệm. Nếu yêu thích thể loại này và muốn tìm kiếm một tựa game phù hợp để bạn có thể chơi lâu dài lẫn ngắn hạn, đây là một cái tên rất đáng chú ý mà bạn không nên bỏ qua. Chưa kể, thiết kế game rất phù hợp với khả năng cơ động trên hệ máy Nintendo Switch.
The Princess Guide được phát hành cho PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.