The Outer Worlds phiên bản Switch là một bất ngờ thú vị khi tựa game nhập vai hành động tuyệt vời này cập “cảng vũ trụ” Nintendo Switch, biến điều không thể thành có thể dù phải đổi lấy “sự giảm tải” về chất lượng đồ họa.
Nếu bạn từng yêu thích những cái tên nhập vai kinh điển như Fallout: New Vegas hay Star Wars: Knights of the Old Republic II, có lẽ Outer Worlds cũng không hề thua kém ở khía cạnh câu chuyện kể có tính châm biếm và mỉa mai chua cay. Trò chơi lấy bối cảnh tương lai đầy hư cấu với giả định tổng thống Mỹ William McKinley không bị ám sát, dẫn đến Theodore Roosevelt không có cơ hội làm người đứng đầu nước Mỹ. Kết quả là tạo nên những siêu tập đoàn khổng lồ thi nhau thuộc địa hóa và thay đổi sinh quyển các hành tinh trong vũ trụ.
Trải nghiệm Outer Worlds bắt đầu đâu đó vào thời điểm năm 2355 khi Hope được nhà khoa học điên Phineas Welles phát hiện trôi dạt ở vùng ven của hành tinh Halcyon. Khi tiếp cận tàu vũ trụ này, vị khoa học gia nói trên đã hồi sinh được nhân vật của người chơi là hành khách trên đó, cảnh báo bạn nguy cơ sụp đổ của Halcyon do sự bất tài của “Hội đồng” nắm quyền chi phối cuộc sống ở hành tinh này. Người chơi bắt đầu cuộc phiêu lưu thông qua phần tạo nhân vật khá chi tiết. Tuy nhiên, điểm trừ không hề nhỏ là nhân vật nữ có vẻ chỉ là sự chỉnh sửa nhỏ từ nhân vật nam nên không tạo cảm giác nữ tính.
Sau khâu tạo nhân vật khá chi tiết với các chỉ số, khuôn mặt và “tài lẻ” riêng, người chơi sẽ tiếp cận hành tinh Halcyon để thực hiện các nhiệm vụ được Phineas giao phó. Trải nghiệm game có rất nhiều lựa chọn có thể gây hậu quả hoặc kết quả tốt tùy vào quyết định của người chơi. Kỳ thực, đội ngũ biên kịch đã xây dựng khá tốt yếu tố câu chuyện kể, phản ánh nhiều mảng tối và cả những vấn đề trong xã hội hiện đại ngày nay. Đơn cử như ở đầu trải nghiệm là câu chuyện về tranh giành nguồn năng lượng, một nhóm người bất đồng ý kiến đã dứt áo ra đi và để lại chỗ trống nhân lực cần thiết để phát triển thị trấn.
Tùy vào trải nghiệm và lựa chọn hướng làm nhiệm vụ của bạn mà câu chuyện nêu trên dẫn đến “happy ending” hay đổ máu không cần thiết. Nếu làm tốt, bạn có thể thuyết phục nhóm người trên trở về, mang theo bí kíp trồng cây của họ để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thị trấn. Ngược lại, người chơi phải đổ máu hoặc “gây thù chuốc oán” với một bộ phận những người bất đồng ý kiến, dẫn đến ít nhiều khó khăn trong những nhiệm vụ về sau. Mọi quyết định thuộc về người chơi, thậm chí bạn có thể làm một tên cuồng sát dùng súng đạn vô tình để giải quyết tất cả cũng được, nhưng gieo gì thì gặt nấy.
Mỗi nhiệm vụ trong Outer Worlds đều được xây dựng khá chi tiết và tỉ mỉ với nhiều tình tiết tạo cơ hội cho người chơi hành động và khám phá, tương tự như trên. Các nhân vật đồng hành cũng vậy, mỗi người đều có tính cách riêng và nhận định về nhau khá rõ nét, không khác gì cảm nhận của người chơi về một nhân vật trong số đó vậy. Thậm chí giống như bạn, những nhân vật đồng hành cũng sở hữu kỹ năng và suy nghĩ riêng. Mỗi người đều sở hữu lợi thế nhất định trong những lĩnh vực có thể giúp bạn trong suốt cuộc hành trình. Chẳng hạn cô thợ máy Parvati mà người chơi gặp ở đầu trải nghiệm có khả năng sửa chữa rất giỏi và hơn thế nữa.
Đơn cử như đầu trải nghiệm, Parvati có thể giúp bạn sửa chữa một người máy an ninh bị hư hỏng, giúp người chơi nhận lại sự giúp đỡ khá bất ngờ trong nhiệm vụ sau đó. Những tình huống như thế đều có tính nhân quả rõ nét khá thú vị, nhưng còn tùy thuộc vào nhân vật đồng hành mà bạn đi cùng có kỹ năng phù hợp hay không. Chính yếu tố này ít nhiều đều giúp tăng giá trị chơi lại cho game, nhất là khi hệ thống kỹ năng được thiết kế để bạn không thể “max” tất cả trong lần đầu trải nghiệm. Kỳ thực, Outer Worlds được xây dựng gameplay, câu chuyện kể và hệ thống nhiệm vụ khá tốt, không có gì để phàn nàn.
Thế nhưng, phiên bản Switch lại có một số vấn đề về hiệu năng và chất lượng đồ họa suy giảm khá lớn. Cá nhân tôi cho rằng đây là sự đánh đổi hợp lý, nhưng sẽ tốt hơn nếu nhà phát triển có thể chăm chút lại từng texture trong phiên bản này để mang đến chất lượng đồ họa tốt hơn, thay vì “cắt giảm mạnh tay” giống như sử dụng phần mềm chỉnh sửa hàng loạt vậy. Nếu như phiên bản Xbox One của The Outer Worlds mà tôi trải nghiệm trước đây mang đến thế giới rực rỡ, sống động và tác động mạnh đến thị giác của người chơi, bản chuyển nền trên hệ máy của Nintendo mang cảm giác như một thế giới đổ nát hậu tận thế vậy.
Cây cỏ nhìn lèo tèo và không có chút sinh khí, trong khi trường nhìn xa xa mờ câm. Điều an ủi là hiệu năng game khá ổn ở chế độ handheld, nhưng không phải không có vấn đề. Một trong những điểm trừ lớn nhất về hiệu năng của Outer Worlds phiên bản Switch là hiện tượng sụt giảm tốc độ khung hình khi chiến đấu. Tình trạng này xảy ra mỗi khi kẻ thù xuất hiện nhiều trên màn hình, gần như vô hiệu hóa cơ chế trợ nhắm trong trải nghiệm mỗi khi kẻ thù di chuyển. Trong khi đó, nhắm bắn thủ công cũng không hề dễ do độ chính xác thấp đặc trưng của tay cầm Joy-Con, chủ yếu vì hành trình di chuyển của cần analog ngắn.
Điều này khiến tính năng sử dụng con quay hồi chuyển để nhắm bắn khi trải nghiệm trên Nintendo Switch ở chế độ trở nên khá cần thiết. Vấn đề là không phải ai cũng muốn trải nghiệm nhắm bắn bằng tính năng này. Chưa kể, khả năng làm chậm thời gian Tactical Time Dilation cũng vì đó mà trở nên hữu dụng hơn, nhất là những khi đụng độ kẻ thù. “Kho” vũ khí cũng góp phần giúp trải nghiệm chiến đấu trở nên thú vị hơn với các loại vũ khí science. Thế nhưng, tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình trong trải nghiệm lại gây không ít ức chế cho người chơi, nhất là về gần cuối game ở thiết lập độ khó cao.
Một vấn đề cũng không thể không nhắc đến là thời gian tải dữ liệu lâu và thường xuyên. Dù vậy, nó còn tùy thuộc vào lối chơi cá nhân của mỗi người. Ngoài việc thời gian chờ tải dữ liệu mỗi khi chuyển sang khung cảnh mới khá lâu, chẳng hạn từ phi thuyền bước ra bề mặt hành tinh hay ngược lại, Outer Worlds phiên bản Switch cũng tải dữ liệu khá nhiều lần khi di chuyển khám phá thông thường nếu bạn để nhân vật chạy. Vấn đề ở chỗ, màn chơi rộng lớn trong game, cùng với nhiệm vụ thường di chuyển xa khiến người chơi không thể không chạy, đặc biệt là khi khung cảnh không còn là hoa thơm cỏ lạ do cắt giảm chất lượng đồ họa.
Sau cuối, The Outer Worlds phiên bản Switch mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động nhập vai khá xuất sắc ở nhiều khía cạnh, nhưng điểm trừ lớn nhất lại nằm ở hiệu năng không tốt dễ dẫn đến ý kiến trái chiều từ phía người chơi. Nếu không quá khó tính với vấn đề tốc độ khung hình “hụt hơi” hoặc chiếc máy của Nintendo là lựa chọn duy nhất, trò chơi hoàn toàn là sự đánh đổi hợp lý cho khả năng “chơi game console” mọi lúc mọi của Nintendo Switch. Trường hợp ngược lại, bạn nên trải nghiệm tựa game tuyệt vời này trên nền tảng khác.
The Outer Worlds được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Bản PC hiện chỉ có trên Epic Games Store. Xem thêm các bài kinh nghiệm chơi game The Outer Worlds.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!