The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom là hậu bản nối tiếp thành công của game phiêu lưu hành động thế giới mở Legend of Zelda: Breath of the Wild. Tuy gọi là hậu bản nhưng trò chơi có sự gắn kết khá mờ nhạt với phần chơi trước. Bạn không nhất thiết phải trải nghiệm phiên bản năm 2017 dù phần chơi mới cũng chẳng có mục Recap tóm lược cốt truyện. Không những vậy, trò chơi còn có phần hướng dẫn cơ bản mọi cơ chế gameplay cũ lẫn mới và tùy vào sự sáng tạo của người chơi mà trải nghiệm hào hứng như thế nào.
Tears of the Kingdom lấy bối cảnh người dân Hyrule sau đống đổ nát lại phải đối mặt với vấn nạn mới, dẫn đến cuộc điều tra của Zelda và Link dưới lâu dài Hyrule. Dưới đây, cặp đôi “tình trong như đã mặt ngoài còn e” như tưởng tượng của không ít người chơi tìm ra tài liệu mật về chủng tộc Zonai cổ đại và cuộc chiến với Demon King. Thế nhưng trong lúc khám phá, Link bị nhân vật bí ẩn cướp hết sức mạnh và phá hủy Master Sword còn công chúa Zelda thì biến mất, mở màn cho cuộc phiêu lưu mới vừa lạ lại vừa quen.
Quen là vì bạn sẽ “làm lại cuộc đời” với cuộc ghé thăm các “lăng mộ” Shrine, tìm nguồn sức mạnh thay cho những cơ chế gameplay cũ trong Breath of the Wild với môi trường thế giới mở như bạn đã biết. Còn lạ là nguồn sức mạnh này được nâng cấp và cải tiến rất nhiều so với các cơ chế gameplay cũ, góp phần không nhỏ nếu không nói là quan trọng khi mang đến trải nghiệm phiêu lưu và giải đố hào hứng hơn 7749 lần so với phần trước. Khu vực khám phá cũng không chỉ gói gọn ở mặt đất mà mở rộng lên trời và dưới lòng đất.
So với Breath of the Wild, Legend of Zelda: Tears of the Kingdom xây dựng trải nghiệm hoành tráng và nhiều chiều sâu hơn hẳn ở khía cạnh thiết kế. Tuy trò chơi tái sử dụng phần lớn yếu tố gameplay và rất nhiều asset trong phần chơi trước, nhưng số lượng nội dung mới được bổ sung cũng rất nhiều và mở rộng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với bản Legend of Zelda năm 2017. Những cơ chế gameplay này còn được mở khóa từ rất sớm và mang đến cảm giác trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, chứ không phải gần cuối game như God of War Ragnarök.
Đơn cử kỹ năng đầu tiên Ultrahand là sự nâng cấp thú vị của Magnesis trong Breath of the Wild và cả Hyrule Warriors: Age of Calamity. Nó không những dịch chuyển được mọi đồ vật tương tác từ xa, mà còn có khả năng gắn các vật thể vào nhau gần như không có giới hạn. Kỹ năng này vô cùng hữu dụng, giúp bạn dễ dàng tạo ra lối đi băng ngang những vực sâu mà bình thường Link không thể vượt qua. Mặc dù cơ chế điều khiển Ultrahand vẫn tạo cho người viết chút cảm giác lủng củng nhưng mức độ ứng dụng của nó rất cao.
Tương tự, Fuse là kỹ năng hợp nhất trang bị với nhiều loại vật liệu khác nhau, không chỉ tăng sức mạnh của trang bị trong chiến đấu mà cả độ bền của chúng. Chẳng hạn, bạn có thể ‘fuse’ lửa và mũi tên để gọi bà hỏa đến phụ làm món nướng mọi kẻ thù hoặc hợp nhất tảng đá với thanh kiếm, tạo ra công cụ vừa dùng phá núi vừa sử dụng như vũ khí hạng nặng với độ bền vượt trội. Nhắc đến trang bị thì tôi càng không thể không nhắc đến vấn đề độ bền vẫn tiếp tục gây ức chế trong trải nghiệm Legend of Zelda: Tears of the Kingdom.
Recall cũng là sự nâng cấp thú vị của Stasis. Không chỉ dừng vật thể như Stasis trong Dead Space, kỹ năng mới còn quay ngược thời gian của vật thể đang chuyển động, thậm chí “hoàn trả” một số thứ mà kẻ thù ném vào nhân vật chính nếu bạn đủ nhanh tay. Chỉ có Ascend là kỹ năng hoàn toàn mới chứ không giống bản nâng cấp của Cryosis trong Breah of the Wild. Kỹ năng này mang đến cho Link khả năng dịch chuyển xuyên các tầng tương tự vòng xuyên thấu của Doraemon vậy, nhưng chỉ áp dụng với trần chứ không phải sàn.
Khu vực nào cũng đòi hỏi bạn phải vận dụng hiệu quả và sáng tạo các kỹ năng mới của Link, từ chiến đấu và khám phá cho tới giải đố. Chẳng hạn nếu bạn sơ ý rơi khỏi điểm nhảy trên không thì dùng Recall để sửa chữa sai lầm. Gặp vách đá nhô ra khiến Link không thể tiếp tục trèo lên thì sử dụng ngay Ascend bay lên. Những vị trí tưởng chừng không thể tiếp cận như vực sâu hay nham thạch cũng dễ dàng được giải quyết thông qua sử dụng Ultrahand, tạo chiếc cầu vững chắc hay xe thô sơ từ những thanh gỗ hoặc phiến đá và bánh xe.
Bốn kỹ năng này đóng vai trò huyết mạch trong trải nghiệm game khi người chơi bắt đầu tiếp xúc với các công nghệ của chủng tộc Zonai cổ đại. Tuy nhiên, Legend of Zelda: Tears of the Kingdom lại cho “bay màu” Revali’s Gale, kỹ năng vô cùng hữu dụng trong phần chơi tiền nhiệm. Đây là kỹ năng bay lượn giúp người chơi đỡ mệt hơn trong những phân đoạn leo trèo khi trải nghiệm Breath of the Wild. Mặc dù trò chơi bù đắp bằng kỹ năng khác từ sage gió Tulin, nhưng nó có nhiều hạn chế hơn Revali’s Gale “thần thánh”.
Đóng vai trò quan trọng không kém trong trải nghiệm Legend of Zelda: Tears of the Kingdom là các công nghệ khoa học kỹ thuật tưởng lạ mà quen của chủng tộc Zonai cổ đại. Ban đầu chỉ là vật thể có hình thù như quạt hộp trong cuộc sống hiện đại, giúp nâng Link lên hoặc tạo chuyển động di chuyển theo hướng nhất định khi gắn vào vật thể tương ứng. Thế nhưng các công nghệ này càng nhiều hơn về sau, mang tới khả năng sáng tạo rất nhiều thứ tưởng chừng chỉ giới hạn ở trí tưởng tượng phong phú của bạn.
Kỳ thực, công nghệ của người Zonai gần như biến Legend of Zelda: Tears of the Kingdom thành trải nghiệm sandbox. Bạn có thể tạo nguyên mẫu người máy hay chiếc xe bigfoot cho trải nghiệm khám phá và chiến đấu, thậm chí những thứ tưởng không có ai ngờ lại có như súng phun lửa hay họng chữa cháy. Chưa kể, trong khi hầu hết vật phẩm công nghệ có thể tìm thấy trong trải nghiệm khám phá, game cũng có một số thiết bị mà bạn có thể “rã máy” và tận dụng công nghệ dùng một lần thay vì nhiều lần như hầu hết đồ Zonai khác.
Đó là do phần lớn món đồ được tạo ra đều không thể dùng vĩnh cữu mà cần nguồn năng lượng thông qua Energy Cell. Nếu chịu khó dành nhiều thời gian khám phá và yêu thích chế tạo, bạn cũng có thể mở khóa kỹ năng Autobuild từ khá sớm. Kỹ năng này giúp người chơi nhanh chóng tạo lại những tuyệt tác mà bạn đã dày công tạo ra trước đó. Đặc biệt, người chơi cũng có thể dùng Schema Stone và Yiga Schematic để mở khóa các công trình chế tạo mới mà bạn chưa từng thực hiện trong Legend of Zelda: Tears of the Kingdom.
Thế giới trong Legend of Zelda: Tears of the Kingdom giờ đây rộng lớn hơn và gồm ba tầng: các đảo lơ lửng trên không, mặt đất và dưới lòng đất. Về cơ bản, Sky Island là những hòn đảo rải rác ít diện tích hơn mặt đất và chúng chiếm không nhiều thời lượng chơi. Nơi đây có nhiều cách để bạn tiếp cận cộng với một lượng câu đố thú vị. Dù vậy, điều khiển Link lao mình từ trên không xuống ban đầu hào hứng bao nhiêu, càng về sau càng khiến tôi cảm thấy đang mất thời gian cho riêng hành động này.
Nếu từng trải nghiệm Breath of the Wild, bạn sẽ thấy tầng mặt đất trong phần chơi mới tuy quen thuộc với các địa danh cũ, nhưng có nhiều thay đổi so với phiên bản năm 2017. Đó là sự xuất hiện của vô vàn các hang động và địa điểm mới khuyến khích bạn khám phá nhiều hơn. Di chuyển bằng ngựa tuy vẫn thú vị như trước đây, nhưng lái chiếc mô tô hầm hố như dân chơi không sợ mưa rơi hấp dẫn hơn. Đáng sợ nhất là The Depths, khu vực dưới lòng đất được thiết kế như rừng thiêng nước độc chỉ chực chờ hút máu của Link.
Thú vị hơn, Depths còn là nơi ẩn giấu rất nhiều trang phục vốn trước đây chỉ dành cho những ai có amiibo. Điều bạn cần làm là chịu khó khám phá và vượt qua những thử thách không mấy dễ chịu ở nơi tăm tối sâu dưới lòng đất này. Đáng chú ý, nhịp độ chơi trong Legend of Zelda: Tears of the Kingdom cũng có nhiều cải thiện. Các câu đố giờ đây có chiều sâu hơn khi kết hợp cùng kỹ năng Ultrahand và Fuse của Link với tính sáng tạo rất cao. Thiết kế các dungeon và boss chiến cũng quy mô hơn Breath of the Wild.
Khám phá các dungeon cũng cân bằng hơn khi không còn tập trung thuần túy vào khía cạnh giải đố như Breath of the Wild, tạo cảm giác tự do hơn trong trải nghiệm game. Điều này cũng đặc biệt đúng trong yếu tố chế tác khi bạn có thể tạo ra rất nhiều thứ từ trí tượng tượng của bản thân và giải pháp thử sai. Giới hạn duy nhất của khả năng sáng tạo trong Legend of Zelda: Tears of the Kingdom là không phải vật phẩm nào cũng có thể gắn vào nhau, nhưng vẫn đủ đa dạng cho các tình huống trải nghiệm.
Chẳng hạn, bạn thử gắn bom vào khiên của Link để tăng mức độ nhảy cao của nhân vật bao giờ chưa? Đây là ý tưởng nó khá hữu dụng từ trải nghiệm cá nhân trong series game FPS Halo của tôi và cái kết đầy bất ngờ thú vị khi áp dụng vào Legend of Zelda: Tears of the Kingdom. Mặc dù nó có thể khiến Link “đăng xuất” khỏi thế giới game và màn hình ‘game over’ hiện lên nếu bạn không cẩn thận, nhưng đó là minh chứng cho khả năng sáng tạo đầy hào hứng của trò chơi mà hiếm có tựa game nào sánh bằng ở thời điểm bài viết.
Đồ họa trong Legend of Zelda: Tears of the Kingdom có sự nâng cấp nhẹ so với bản Breath of the Wild, nhưng vấn đề hiệu năng đôi lúc vẫn khiến người viết có chút khó chịu trong những khung cảnh có đông kẻ thù hoặc hiệu ứng particle. Điều bực bội là vấn đề hiệu năng cũng không khá hơn Breath of the Wild lúc mới ra mắt vào năm 2017. So với phần chơi trước, kẻ thù trong game nay đã đa dạng hơn cùng một số “tay to” chào đón bạn, góp phần nâng độ khó trong chiến đấu của trò chơi lên một bậc.
Thế nhưng bên cạnh hàng loạt cơ chế gameplay mới nhiều sáng tạo, Legend of Zelda: Tears of the Kingdom vẫn tồn đọng nhiều vấn đề kéo dài từ những phần chơi cũ mà không được Nintendo chú tâm giải quyết. Đó là chưa kể mức giá tăng cao hơn so với Breath of the Wild, như buộc người viết phải chấp nhận những điểm trừ này như tính năng thay vì xem nó là vấn đề của game. Cụ thể, cốt truyện trong phần chơi mới tiếp tục bị đội ngũ phát triển xem nhẹ và trải nghiệm chủ yếu tập trung vào giá trị chơi lại.
Đó là vẫn là câu chuyện kể rời rạc về “hiệp sĩ” Link giải cứu công chúa Zelda phải tìm đến sự giúp đỡ của các shark, à không các sage, nay được thay bằng cách gọi mới: champion. Trùm cuối vẫn là đối mặt với Ganon và cũng chẳng có nút thắt nào trong xây dựng cốt truyện. Đã vậy, trong khi mức giá đã tăng so với bản Breath of the Wild năm 2017, nhưng Legend of Zelda: Tears of the Kingdom chỉ được lồng tiếng trong các đoạn chuyển cảnh. Phần lớn hội thoại chỉ nghe a á ớ hoặc tiếng cười vô nghĩa của NPC.
Một số điểm trừ nhỏ như con thỏ khác cũng làm giảm sự hào hứng của người viết. Đơn cử phần thoại và hoạt cảnh trong các shrine chỉ “sao y bản chính” từ phần chơi trước sử dụng lại. Cách đệm nhạc trong những tình huống này cũng khá lạc trôi. Dù vậy, tôi nhận thấy âm nhạc trong game có sự bổ sung khá lớn số lượng bản nhạc và phối khí mới, chỉ tái sử dụng một số bản nhạc từ Breath of the Wild. Tuy nhiên, không phải bản nhạc nào cũng góp phần tạo không khí phù hợp trong trải nghiệm game.
Sau cuối, The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động thế giới mở khá đặc sắc. Phần chơi này cải thiện từ quy mô màn chơi cho tới cải tiến cơ chế gameplay và đồ họa, mang đến trải nghiệm khá liền mạch dù bản đồ được chia thành ba tầng. Điểm cộng lớn nhất của game là lối chơi có tính sáng tạo cao, trao cho người chơi sự tự do chế tác hiếm thấy trong trò chơi điện tử. Nếu yêu thích Breath of the Wild, khả năng cao đây vẫn là cái tên phải có trong thư viện game của bạn và ngược lại.
The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom hiện có cho Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!