The Legend of Heroes: Trails through Daybreak II xây dựng câu chuyện kể tiếp nối vài tháng sau cái kết của phần chơi trước. Trải nghiệm game lại đưa người chơi nhập vai nhân vật chính Van Arkride, lúc này đang ngủ trưa trong văn phòng công ty thì “tình cũ” Elaine Auclair ghé thăm. Người chơi được biết về một kẻ giết người hàng loạt vô cùng nguy hiểm với khả năng điều khiển Grendel như Van đang lẩn trốn ở Calvard. Cuộc điều tra bắt đầu.
Từ đây, trải nghiệm Legend of Heroes: Trails through Daybreak II trở nên phân cực với người chơi cũ và mới, điều mà tôi tưởng rằng Legend of Heroes: Trails through Daybreak đang cố giải quyết để thu hút người chơi mới đến với series này. Thay vào đó, cốt truyện của trò chơi xây dựng xoay quanh ý tưởng du hành thời gian, làm mất đi cách tiếp cận thân thiện với người chơi mới vốn là điểm cộng của phần chơi trước. Thật bất ngờ.
Thậm chí, Legend of Heroes: Trails through Daybreak II không ngại đưa các nhân vật lẫn cốt truyện trong các bản Trails cũ xuất hiện trong trải nghiệm game mới. Không những vậy, ý tưởng du hành thời gian không được xây dựng tiết chế mà gần như trở thành công cụ duy nhất đến mức lạm dụng để biên kịch chấp bút nên tất cả tình tiết và nút thắt trong câu chuyện kể. Cách xây dựng cốt truyện như thế để lại trong tôi không ít cảm xúc lẫn lộn.
Về cơ bản, đó vẫn là cốt truyện khá thú vị nhất là ở khía cạnh phát triển nhân vật. Vấn đề ở chỗ cách giải quyết vấn đề thông qua yếu tố du hành thời gian, ít nhiều trở nên lặp lại đến mức khiến tôi cảm thấy nhàm chán vì quá dễ đoán. Mọi sai lầm và mất mát đều được giải quyết thông qua cơ chế nói trên, lặp đi lặp lại nhiều đến mức mang cảm giác như để câu giờ và kéo dài thời lượng chơi, thay vì đóng góp gì cho yếu tố kể chuyện.
Tôi không thể không nhận thấy cốt truyện trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak II tập trung vào những khoảnh khắc đáng nhớ và phát triển nhân vật nhiều hơn. Tuy nhiên, hướng kể chuyện này cũng vô tình khiến những người chơi mới gặp khó khăn trong tiếp nhận câu chuyện kể và số lượng nhân vật không hề nhỏ từ các phần chơi trước của series. Mặc dù vậy, trò chơi lại gây ấn tượng với lối chơi rất thỏa mãn, đặc biệt là hệ thống chiến đấu.
So với phần chơi trước, hệ thống chiến đấu của Legend of Heroes: Trails through Daybreak II có vài cải tiến đáng kể. Thậm chí cũng không sai khi nói đây là một trong những tựa game nhập vai sở hữu hệ thống chiến đấu hào hứng và có chiều sâu nhất. Cơ chế chiến đấu theo thời gian thật giờ đây mở rộng hơn với khả năng hợp đồng tác chiến giữa hai nhân vật bằng Ex-Chain, bên cạnh các hành động chiến đấu đơn điệu trong game tiền nhiệm và không chỉ dừng ở đó.
Một trong những bổ sung thú vị cho hệ thống chiến đấu quen thuộc từ phần chơi trước là Cross Charge, cho phép nhân vật khác trong party nhảy vào làm choáng kẻ thù khi người chơi “né tránh hoàn hảo”. Và bạn làm điều này thông qua bấm nút. Đó là chưa kể khả năng tấn công nhanh và khi sử dụng Ex-Chain giúp trải nghiệm hành động chiến đấu hào hứng hơn. Tuy không còn mang nhiều cảm giác trợ chiến nhưng vẫn chưa đủ chiều sâu bằng chiến đấu theo lượt.
Trong nhiều trường hợp, hệ thống chiến đấu chặt chém theo thời gian thật khá hữu ích với những kẻ thù thông thường hoặc cấp thấp, giúp giảm thiểu thời gian “bày binh bố trận” trong trải nghiệm game hơn. Tâm điểm của trải nghiệm chiến đấu vẫn là hệ thống chiến đấu theo lượt. Cơ chế này có giao diện được thiết kế lại đôi chút, hiệu quả hơn với thông tin rõ ràng, giúp người chơi dễ dàng nhận diện lượt tấn công của tất cả nhân vật hơn.
Yếu tố “liều ăn nhiều” cũng là một chiến thuật thú vị. Chằng hạn nếu lượt tiếp theo của kẻ thù kèm theo biểu tượng đòn trí mạng, bạn có thể sử dụng Freeze để vô hiệu hóa lượt đi của chúng hoặc dùng Delay và chấp nhận rủi ro. Hoặc trì hoãn lượt tấn công của kẻ thù hoặc trong trường hợp xui xẻo bị ‘missed’, bạn mất cơ hội phản công và vô tình tạo lợi thế cho kẻ thù. Ý tưởng tuy đơn giản nhưng mang đến yếu tố chiến lược rất hào hứng.
Cũng như những thay đổi trong hệ thống chiến đấu của Like a Dragon: Infinite Wealth, vị trí đứng của nhân vật điều khiển tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm chiến đấu. Chẳng hạn, bạn có thể dời nhân vật để tránh đòn tấn công kẻ thù sắp tung ra. Điểm mới của hệ thống chiến đấu theo lượt trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak II là khả năng thiết lập đòn phản công để nhận thưởng thêm khi bị tấn công ở vị trí nhất định.
Không khó để thấy chiến đấu vẫn tiếp tục là điểm nhấn của trải nghiệm Legend of Heroes: Trails through Daybreak II, tương tự phần chơi trước. Đáng chú ý, trò chơi còn có hoạt động gọi là Marchen Garten. Đây là hầm ngục nhiều tầng với thiết kế roguelike phát sinh kết cấu mỗi tầng bằng thuật toán ngẫu nhiên, tương tự True Reverie Corridor trong trải nghiệm Trails into Reverie. Mục tiêu của người chơi là đưa party xông pha các tầng hầm ngục thực hiện các yêu cầu ngẫu nhiên.
Những yêu cầu này khá đơn giản và đến phút cuối sẽ là một trận boss chiến đầy thử thách chờ bạn phô diễn chiến lược. Tùy vào “màn trình diễn” của người chơi mà party sẽ nhận những phần thưởng “bốc thăm may mắn” hỗ trợ cho trải nghiệm chiến đấu. Vấn đề ở chỗ những vật phẩm nhận được thường không mấy tương xứng với thời gian và công sức mà người chơi bỏ ra. Thay vào đó, Marchen Garten mang cảm giác là nơi để bạn cày cấp cho party hơn.
Với thiết lập độ khó mặc định, việc cày cấp cho party thật sự không cần thiết lắm khiến thiết kế này tuy có nhiều tiềm năng để khai thác, nhưng lại không được nhà phát triển Nihon Falcom tận dụng hiệu quả. Đó là chưa kể với thời lượng chơi không hề ngắn, số lượng trận chiến mà bạn phải tham gia là không hề nhỏ để phải kiếm thêm chiến trận trong Marchen Garten. Đáng chú ý hơn là trò chơi có sự trở lại đáng chào đón của các minigame vui vẻ.
Một trong số đó trò câu cá kinh điển vốn đã bị cho “bay màu” khỏi trải nghiệm Legend of Heroes: Trails through Daybreak, nay đã trở lại trong phần chơi này. Bạn có thể câu cá ở bất kỳ nơi nào miễn là có nước chảy, ít nhiều cũng mang đến những khoảnh khắc giải trí nhẹ nhàng sau các trận đánh mệt nhoài. Và những lần du hành thời gian nặng cảm giác lặp lại nếu không nói có phần lạm dụng như để kéo dài thời lượng chơi trong trải nghiệm game nữa chứ.
Bên cạnh đó còn có những minigame khác mà tôi không liệt kê, để dành cho bạn khám phá và giải trí trong quá trình trải nghiệm game. Tôi nghĩ nhiều người chơi sẽ cần đến chúng để giải tỏa cảm xúc vui buồn lẫn lộn khi chơi Legend of Heroes: Trails through Daybreak II vì lý do vừa đề cập. Và nếu bạn trải nghiệm game trên máy Switch như tôi thì tin mừng là trò chơi có hiệu năng khá tốt. Hiện tượng giảm tốc độ khung hình tuy vẫn có nhưng hiếm khi xảy ra.
Về mặt hình ảnh, Legend of Heroes: Trails through Daybreak II có chất lượng đồ họa khá tốt trên hệ máy của Nintendo. Tuy hình dựng hơi đơn giản nhưng nhìn vẫn ổn, không mờ ảo vì độ phân giải thấp. Các yếu tố fan service vẫn có. Tuy không mạnh bạo như Tokyo Clanpool tôi mới chơi gần đây, nhưng ít nhiều cũng đủ để thu hút ánh nhìn của không ít người chơi yêu thích yếu tố này trong trải nghiệm game. Dù vậy, giao diện game vẫn gây khó chịu ở chế độ handheld.
Cụ thể, cỡ chữ quá nhỏ và giao diện không được tối ưu cho màn hình của máy Switch. Vấn đề này không được điều chỉnh so với phần chơi trước. Tôi đồ rằng dù bạn chơi trên Steam Deck hay thậm chí Lenovo Go có màn hình lớn hơn một chút, trải nghiệm game vẫn không mấy dễ dàng trừ khi bạn không đọc cũng chẳng quan tâm đến cốt truyện. Ngay cả giao diện game lẫn các menu tùy biến nhân vật cũng rất nhỏ, đến mức một số chữ còn hiển thị sai lệch, rất khó chịu.
Khuyến cáo bạn nên trải nghiệm Legend of Heroes: Trails through Daybreak II ở chế độ gắn dock xuất hình ra màn hình hoặc tivi lớn để bảo vệ mắt khi chơi trên nền tảng của Nintendo. Không hiểu sao nhà phát triển Nihon Falcom lại bỏ sót vấn đề thiết kế quan trọng như vậy giữa thời buổi máy chơi game cầm tay đang trở thành một trào lưu phát triển rất mạnh. Điều này đặc biệt khó chịu khi trò chơi là trải nghiệm game nhập vai rất nặng về đọc chữ.
Nhạc nền trong Legend of Heroes: Trails through Daybreak II tuy mang đến cảm xúc hơi khác so với game tiền nhiệm, nhưng phù hợp với bầu không khí và câu chuyện kể của trò chơi. Tuy không xuất sắc như Metaphor: ReFantazio hay những phần chơi Persona, nhưng sự đa dạng về giai điệu cũng như sự chỉn chu không thể bàn cãi ở khía cạnh chất lượng và số lượng góp phần không nhỏ giúp trò chơi có thêm một điểm cộng xứng đáng khác.
Sau cuối, The Legend of Heroes: Trails through Daybreak II mang đến một trải nghiệm nhập vai khá thú vị. Tuy không còn cảm giác mới mẻ như game tiền nhiệm cũng như cốt truyện không đọng lại nhiều dấu ấn trong cách kể chuyện, nhưng đây vẫn là phần chơi đáng chào đón. Đó là nhờ những cải tiến giúp trải nghiệm chiến đấu trở nên hấp dẫn, tạo thành vòng lặp gameplay thỏa mãn. Chỉ là một số người chơi có thể khó tránh khỏi chút cảm giác hụt hẫng nếu kỳ vọng nhiều ở trò chơi và ngược lại.
The Legend of Heroes: Trails Through Daybreak II hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!