The Inner World là một trải nghiệm point and click hấp dẫn ở nhiều khía cạnh, mang bối cảnh trong một thế giới viễn tưởng lạ lùng đầy thú vị.
Inner World không phải là một game mới mà trò chơi đã được phát hành trên PC khá lâu, nhưng chỉ đến năm ngoái mới được lên console. Mới đây, tựa game phiêu lưu giải đố hấp dẫn này cũng chính thức có phiên bản dành cho nền tảng Nintendo Switch. Chỉ tiếc là phiên bản này lại không được tối ưu tốt cho trải nghiệm trên hệ máy này.
Trò chơi lấy bối cảnh ở vùng đất Asposia hư cấu, tồn tại ẩn sâu trong một không gian hình cầu. Đó là một thế giới hoàn toàn tách biệt và có ba giếng thần để nhận không khí từ bên ngoài. Chính vì đặc trưng riêng mà ở đây không có mặt trời chiếu sáng, người dân ở đây sinh hoạt dưới ánh sáng do những sinh vật gọi là FosFos phát ra. Nhân vật của người chơi là anh chàng Robert với tính cách thơ ngây vốn chỉ sống trong cung điện. Không may là một sự hậu đậu đã khiến cậu ta phải trả giá và phát hiện nhiều điều bất ngờ về thế giới xung quanh. Cuộc phiêu lưu của người chơi bắt đầu từ đây.
Về cơ bản, đây là một tựa game point and click đúng kiểu truyền thống. Trong đó, người chơi phải khám phá mọi thứ trong từng cảnh, tương tác với các nhân vật khác và thu thập mọi vật phẩm cần thiết cho việc giải đố, thúc đẩy câu chuyện phát sinh diễn biến mới. Thế nhưng khác với nhiều tựa game cùng thể loại khác khi sai lầm của người chơi có thể đánh đổi bằng mạng của nhân vật, Inner World thì ngược lại, bạn không thể chết hay thất bại trong game. Chính vì thế mà phần lớn thử thách trong trải nghiệm đến từ những câu đố của trò chơi.
Đây cũng là một trong những điều mà tôi thích nhất ở trong Inner World. Các câu đố của trò chơi được thiết kế cân bằng, mang tính thực tế và pha lẫn trong đó là yếu tố hài hước thú vị. Phần lớn những câu đố đều có thể giải quyết bằng những suy nghĩ thông thường với tình huống tương tự trong cuộc sống, không đánh đố người chơi bằng những ý tưởng xa vời hay không thiết thực. Bạn không chỉ sử dụng các vật phẩm nhặt được cho mục đích giải đố, mà còn phải tìm cách kết hợp chúng với nhau để cho ra một vật phẩm hữu dụng hơn. Chẳng hạn như việc kết hợp con giun với một nhánh cây có thể tạo thành một cái ná, vừa hài hước lại vừa hiệu quả rõ rệt, nhưng có hơi tội nghiệp con giun thì phải.
Nói thế không có nghĩa Inner World không có câu đố khiến bạn phải “nát óc” suy nghĩ. Tuy nhiên, yếu tố độ khó được nhà phát triển thiết kế tăng dần theo mức độ phức tạp hợp lý chứ không nhảy vọt đánh đố người chơi. Ngay cả khi bạn gặp khó khăn với các câu đố, trò chơi cũng làm rất tốt khâu gợi ý phù hợp theo ngữ cảnh và tiến độ giải đố. Hệ thống gợi ý của trò chơi rất chi tiết và giải thích rõ ràng từng bước về cách thức vận hành của câu đố đó như thế nào. Ban đầu, game chỉ là đưa ra ý tưởng nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể xem thêm những gợi ý chi tiết hơn đến mức “nói toạc móng heo” phải làm gì.
Dù vậy, tôi vẫn gặp khó khăn và không thể nào “nuốt nổi” một câu đố hỏi về mật khẩu dù đã đọc rất kỹ phần gợi ý của trò chơi. Theo tìm hiểu của tôi thì ngôn ngữ gốc của trò chơi là tiếng Đức, và phiên bản tiếng Anh là đã được chuyển ngữ. Có thể đây chính là vấn đề khiến một số câu đố gây khó hiểu và tối nghĩa trong cách giải thích lời giải. Điều này dường như cũng lý giải một câu chửi không phù hợp, xuất hiện duy nhất một lần trong chương ba khiến tôi khá bất ngờ, trong khi toàn bộ phần còn lại của trò chơi đều dùng ngôn từ khá nhẹ nhàng, dí dỏm và phù hợp với người chơi nhỏ tuổi.
Tuy nhiên, vấn đề đáng đề cập nhất chính là cách mà trò chơi chuyển đổi điều khiển từ bàn phím và chuột ban đầu sang gamepad trên các nền tảng console. Đáng nói là dù game từng được phát hành trên nền tảng di động hỗ trợ điều khiển cảm ứng, nhưng Inner World lại không hỗ trợ cách điều khiển này trong phiên bản Nintendo Switch. Thay cho việc dùng cần analog giả lập con trỏ chuột như nhiều tựa game khác, trò chơi sử dụng các nút điều khiển trên gamepad Con để hiển thị dấu hiệu báo các vật dụng hoặc nhân vật mà bạn có thể tương tác. Thế nhưng, thay vì kết hợp sử dụng màn hình cảm ứng ở chế độ handheld của Nintendo Switch, để tương tác với vật phẩm hay nhân vật nào thì bạn phải dùng hai phím vai (shoulder) trên tay cầm để chuyển qua lại giữa mọi thứ.
Đáng buồn là ngay cả khi gắn dock để xuất hình ra tivi thì việc điều khiển vẫn giữ nguyên như vậy chứ không hỗ trợ điều khiển bằng cử chỉ như trong game The Room từng làm khá tốt. Vấn đề ở chỗ, hệ thống điều khiển dùng gamepad này được thiết kế không hợp lý. Thông thường, khi bạn muốn tương tác với một vật nào hay ai đó thì hay có xu hướng lại gần vật dụng hoặc nhân vật đó hơn. Thế nhưng, thay vì khi nhấn nút thì trò chơi xoay vòng giữa các điểm tương tác gần vị trí nhân vật nhất rồi đến các điểm xa hơn trong bán kính nhất định, Inner World lại chuyển qua lại rất lung tung không theo một trật tự nào.
Đã vậy, mỗi lần bạn chuyển cảnh trong cùng một chương nội dung, trò chơi lại hiện màn hình loading mất từ năm đến mười giây. Vấn đề ở chỗ, phần lớn các câu đố buộc bạn phải chuyển qua lại giữa vài ba cảnh khác nhau rất thường xuyên, có khi chuyển cảnh chỉ để lấy một món đồ nào đó nhưng vẫn phải chờ loading liên tục rất khó chịu. Nếu bạn bí một câu đố nào đó không biết làm gì và phải thường xuyên chuyển qua lại các cảnh để tìm xem có bỏ sót gì không, thì càng bực mình vì thời gian loading hơn. Tôi để ý có một số cảnh không hiểu vì sao có thời gian tải lâu gấp đôi các cảnh khác dù không tương tác nhiều bằng.
Đành rằng nhịp độ chơi của một game point and click vốn không nhanh và Inner World không phải là ngoại lệ. Nhưng nếu đó là vì thiết kế gameplay như vậy thì khác, còn đây là do khi vấn đề tải dữ liệu chuyển cảnh trong khi đồ họa của trò chơi không phải quá nặng. Tôi không hiểu sao nhà phát triển lại không thiết kế cho tải trước dữ liệu khi người chơi điều khiển nhân vật bước vào điểm di chuyển đến một cảnh khác. Như vậy, không những trò chơi mang đến một trải nghiệm liền mạch hơn mà còn hạn chế việc gián đoạn trải nghiệm ở mức tối thiểu. Đáng tiếc là điều này đã không được nhà phát triển thực hiện.
Sau cuối, The Inner World mặc dù vẫn vướng một số vấn đề trong điều khiển lủng củng và loading gây khó chịu, nhưng thật khó phủ nhận đây là một trong những tựa game phiêu lưu giải đố hay nhất được phát hành cho nền tảng console. Nếu bỏ qua vấn đề hai vấn đề này thì trò chơi có đầy đủ mọi thứ mà bạn có thể mong đợi: cốt truyện thú vị, nhân vật dễ thương, lời thoại hóm hĩnh, đồ họa ấn tượng, các câu đố cân bằng về độ khó hết sức hợp lý và hệ thống gợi ý “chuẩn không cần chỉnh”. Đó là chưa kể thế giới Asposia được xây dựng khá chi tiết với những truyền thuyết mới mẻ rất thú vị, không hề “đụng hàng” với những tựa game khác trên thị trường. Nếu yêu thích thể loại game phiêu lưu giải đố point and click thì đây là một tựa game mà bạn không thể bỏ qua.
The Inner World được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, Android và iOS.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác