The Good Life là game phiêu lưu nhập vai khá độc đáo khi kết hợp giữa yếu tố sinh tồn và hệ thống nhiệm vụ mang đậm sắc màu mô phỏng cuộc sống đầy hấp dẫn. Trải nghiệm game là câu chuyện thật như bịa với nhiều nút thắt bất ngờ của cô phóng viên ảnh Naomi Hayward tại Rainy Woods. Thị trấn hẻo lánh và bí ẩn này được mệnh danh là nơi hạnh phúc nhất thế giới. Đó cũng là điều mà Naomi phải điều tra để thanh toán món nợ không phải vài chục ngàn, mà là vài chục triệu bảng Anh cho “chủ nợ” Morning Bell.
Nếu từng chơi hai game D4: Dark Dreams Don’t Die và Deadly Premonition kinh điển, có lẽ bạn không lạ gì cái tên Suehiro Hidetaka, thường được “dân chơi” biết đến với biệt danh SWERY hay Swery65. Các tựa game do ông chỉ đạo và biên kịch thường có điểm chung là cách kể chuyện “ảo ma Canada” và không kém phần hài hước với những pha “bẻ lái” vô cùng bất ngờ. Ngược lại, phần trình bày mà cụ thể là đồ họa và hiệu năng game thường không ấn tượng tương xứng. The Good Life cũng không hề ngoại lệ khi có đầy đủ những vấn đề trên.
Từ chuyển động thiếu sự chăm chút đến những đoạn chuyển cảnh đôi lúc khiến người viết không tránh khỏi cảm giác thở dài, nếu không vì lý do này thì cũng lý do nọ. Đó là cảm giác rất khó tả mà tôi thường gặp khi trải nghiệm những tựa game do ông Hidetaka biên kịch và chỉ đạo. Điểm chung của chúng là đều sở hữu những ý tưởng độc đáo với các cơ chế gameplay được thiết kế thiếu cân bằng một cách có chủ ý. Gọi là hào hứng cũng không hẳn, nhưng càng kiên nhẫn chơi trải nghiệm lại càng cuốn hút thì không sai vào đâu được.
Đón tiếp Naomi khi bước chân đến thị trấn Rainy Woods là người phụ nữ ngồi trên chiếc xe lăn. Sau khi thu xếp chỗ ở ổn thỏa, “chủ nợ” Morning Bell yêu cầu Naomi tải hình ảnh của thị trấn Rainy Woods lên trang Flamingo để kiếm ’emoke’ và quy đổi tương đương một bảng Anh. Vậy là công cuộc “cày cuốc” để kiếm tiền trả nợ của người chơi bắt đầu. Không lâu sau đó, nhân vật chính phát hiện bí mật đầu tiên ở thị trấn này là trừ người phụ nữ ngồi xe lăn gặp lúc đầu, mọi người dân ở đây đều biến thành chó hoặc mèo vào ban đêm.
Naomi cũng nhanh chóng sở hữu năng khả năng biến thành thú vật với khả năng đánh hơi như chó và trèo tường như mèo. Thú vị là những cơ chế gameplay kể trên được mở khóa trong những tình huống đầy ngẫu hứng. Thế nhưng, đó chỉ mới vài phút mở đầu trải nghiệm. Người chơi còn tiếp tục trải qua cảm giác ‘ngạc nhiên chưa’ trước những thiết kế bất ngờ, mang đậm phong cách Swery trong suốt trải nghiệm về sau. Chẳng hạn, người dân Rainy Woods đều có thói quen và sinh hoạt cá nhân mỗi ngày theo chu kỳ ngày và đêm.
Họ cũng có những mối quan hệ riêng tư và công ăn việc làm như những con người ngoài đời thật trong cuộc sống xung quanh bạn. Rainy Woods là nơi khá hẻo lánh với mật độ dân cư rất ít nên cũng như nhiều vùng quê hẻo lánh trong nước ta, chỉ sau vài ngày lang thang cùng Naomi là bạn dễ dàng trở thành “bà tám” với mọi người ở đây. Thiết kế thú vị này để lại cảm giác người thật việc thật rất quen thuộc, nhất là khi thế giới trong Good Life được xây dựng khá mở và cho phép người chơi tự do khám phá nếu bạn có đủ kiên nhẫn.
Đáng chú ý, Naomi cũng cần có sự chăm sóc bản thân giống như chúng ta ngoài đời. Vấn đề cơm áo gạo tiền được xây dựng khá thú vị trong trải nghiệm Good Life và để lại nhiều cảm giác quen thuộc từ cuộc sống đời thường. Chẳng hạn đói phải ăn, mệt mỏi phải nghỉ ngơi. Chưa kể ốm đau, thậm chí thương tích gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống mà bạn phải chú ý. Thiếu vệ sinh cá nhân như tắm rửa cũng tác động không tốt đến tinh thần của Naomi như cuộc sống chúng ta, gây ảnh hưởng rất nhiều thứ trong trải nghiệm game.
Bên cạnh những vấn đề phải giải quyết kể trên, mục tiêu của người chơi vẫn là cày tiền thông qua hoàn thành các nhiệm vụ chính và phụ trong Good Life. Bạn có thể tải các hình ảnh chụp từ thị trấn Rainy Woods lên Flamingo theo từng yêu cầu nhiệm vụ. Trước hết là để kiếm tiền chi tiêu cá nhân cho Naomi và trang trải cuộc sống khá đắt đỏ ở Rainy Woods, còn sau đó nữa thì hạ hồi phân giải chờ bạn khám phá. Yếu tố kinh tế cũng xuất hiện trong trải nghiệm game khi nhiều thứ khá tốn kém mà bạn không thể không bỏ tiền ra sở hữu nó.
Đơn cử thuốc thang hay chỉ đơn giản là cái bánh nhỏ cho Naomi “nạp năng lượng” cũng tốn rất bộn tiền Đó chỉ là so sánh giữa nền kinh tế nơi vùng quê hẻo lánh của nước Anh ở Good Life với Nhật Bản trong Yakuza 0 và “giấc mơ Mỹ” từ Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition. Mặc dù đắt đỏ như vậy, nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi các nhân vật trong Good Life không được lồng tiếng toàn bộ mà lúc có lúc không. Có những nhân vật như bị hội chứng Tourette khi không nói gì mà chỉ thốt ra những từ rất tùy hứng.
Ban đầu, các NPC trong Rainy Woods khá thú vị để bạn tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của họ phục vụ cho công việc điều tra. Thế nhưng đó chỉ là ấn tượng ban đầu. Về sau, họ chẳng nói chẳng rằng mà cứ giao cho Naomi hàng đống việc phải làm, khiến người chơi phải chạy vắt giò lên cổ phục vụ. Từ làm shipper bất đắc dĩ đến tìm đồ vật và địa điểm dựa trên những manh mối chẳng khác nào đánh đố. Có những nhiệm vụ chỉ diễn ra trong thời gian nhất định, đòi hỏi người chơi phải khẩn trương nếu không muốn nỗi sợ bị bỏ lỡ ám ảnh.
Đã vậy, thế giới trong Good Life rất rộng nhưng lại không cho phép người chơi đánh dấu đường đi nước bước, gây không ít khó khăn trong việc theo dõi nhiệm vụ. Việc di chuyển giữa các điểm làm nhiệm vụ khá ức chế lúc mới trải nghiệm, khiến tôi có cảm giác nhà phát triển cố ý kéo dài thời lượng chơi nhưng không phải vậy. Cụ thể, “phiên bản cún” di chuyển nhanh hơn Naomi nhưng đường làm nhiệm vụ có nhiều chướng ngại vật dành cho mèo. Trong khi đó, việc chuyển đổi giữa hóa thân chó và mèo được thiết kế kém thuận tiện.
Vấn đề khó chịu này sớm được giải quyết khi nhân vật chính học cách cưỡi cừu. Từ thời điểm này về sau, việc di chuyển giữa các điểm làm nhiệm vụ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhịp độ chơi cũng thay đổi nhanh hơn, thay cho cảm giác ban đầu đi mãi không biết khi nào mới tới điểm làm nhiệm vụ. Mặc dù vậy, đội ngũ phát triển cũng khá tinh tế trong thiết kế game. Nhiều nhiệm vụ trước đó có tính hỗ trợ người chơi khá tốt khi mở các điểm dịch chuyển nhanh giữa những khu vực nhất định trong quá trình trải nghiệm game.
Tuy Good Life sở hữu nhiều hệ thống gameplay hấp dẫn và có sự kết nối khá thú vị trong trải nghiệm, nhưng chúng chỉ dừng ở mức cơ bản. Chẳng hạn trồng trọt rất đơn giản, chỉ cần gieo xuống đất rồi đánh một giấc là hôm sau có thể thu hoạch rồi. Bạn không cần phải nhiều tốn tiền mua đồ ăn mà Naomi có thể ăn độc mỗi món khoai tây ngày này qua ngày nọ như người dân địa phương thị trấn Rainy Woods. Điều này đặc biệt quan trọng khi tiền bạc rất cần thiết trong trải nghiệm game, tương tự cuộc sống ngoài đời thật vậy.
Mọi thứ mà bạn muốn làm ít nhiều đều cần đến tiền, từ mua quần áo cho đến trang hoàng nhà cửa và vườn tược. Món nợ mà Naomi phải trả tuy đóng vai trò mở đầu câu chuyện, nhưng lại không phải tập trung của Good Life. Giống như cái tựa, trải nghiệm game hướng người chơi tham gia vào các hoạt động đời thường tương tự The Sims cộng với yếu tố điều tra. Mọi thứ khác chỉ là chất xúc tác để cuốn người chơi vào cuộc sống đời thường đầy hài hước, sở hữu rất nhiều bất ngờ và không giống bất kỳ trải nghiệm game nào mà tôi từng chơi.
Sau cuối, The Good Life mang đến một trải nghiệm phiêu lưu nhập vai mô phỏng cuộc sống khá độc đáo. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là thiết kế nhiệm vụ mang nặng cảm giác chạy việc ở vài tiếng ban đầu khi nhịp độ chưa tăng tốc. Nếu đủ kiên nhẫn vượt qua khoảng thời gian lề mề nói trên và yêu thích những bất ngờ trong các game của ông Hidetaka, đây kỳ thực là cái tên rất đáng để bạn cân nhắc và ngược lại.
The Good Life hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!