Khoảng 3 năm trước, khi mình đang làm biên tập viên – thiết kế tại tạp chí e-CHÍP, mình có biên tập qua bài viết của anh Hoàng Ngọc Giao có tên Trò chơi “siêu di động”. Ba năm trước anh đã dự đoán về thế giới của những trò chơi gọi là “siêu di động”, trong đó có một công cụ hỗ trợ đắc lực, đó chính là Google Glass. Đã ba năm trôi qua, Google Glass đã “tạm ngưng sứ mệnh”, nhưng thế giới trò chơi “siêu di động” đã rục rịch bắt đầu phổ biến với Pokémon GO. Mời bạn xem lại bài viết của anh và rất có thể đánh giá của anh về tiềm lực của Google Glass vẫn đúng, và những năm tiếp theo sẽ là năm của những thiết bị “siêu di động” như Google Glass, khi thị phần thiết bị di động đã bão hòa. Dưới đây là bài viết của anh.
Thế giới “siêu di động” đang mở ra với sự xuất hiện của mắt kính thông minh và đồng hồ thông minh. Điều này kéo theo sự phát triển trò chơi “siêu di động”.
Công ty nghiên cứu thị trường IDC dùng thuật ngữ ultramobile (siêu di động) để chỉ loại thiết bị lai giữa máy tính xách tay và máy tính bảng. Thực ra, những máy tính nhỏ bé, đeo trên người (wearable computer), như mắt kính thông minh và đồng hồ thông minh, mới xứng đáng là thiết bị siêu di động, do người dùng có thể gửi và nhận thông tin trong trạng thái vận động mạnh, với hai tay tự do.
Các loại đồng hồ thông minh hiện có trên thị trường đều hoạt động dựa vào kết nối Bluetooth với điện thoại thông minh trong túi người dùng. Với dự án mắt kính thông minh Glass, Google đang hướng đến việc chế tạo một máy tính thực sự, có thể hoạt động độc lập. Đồng hồ thông minh chắc chắn cũng phát triển theo hướng tương tự. Có lẽ chỉ sau năm năm nữa, thiết bị siêu di động sẽ trở nên phổ biến.
Tuy còn là sản phẩm thử nghiệm và rất đắt (1500 USD), kính Google Glass đã nhận được những phản hồi tích cực. Robert Scoble – nhà bình luận công nghệ, cựu nhân viên Microsoft – kể rằng từ khi dùng kính Google Glass, ông thích nó đến nỗi ít khi tháo ra. Scoble còn đưa lên mạng bức ảnh do ông tự chụp bằng Google Glass khi đang… tắm dưới vòi sen (chụp qua gương). Không rõ vô tình hay hữu ý, Scoble quảng cáo cho khả năng chống nước của Google Glass.
Sau khi thử dùng Google Glass, Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook – tỏ ra phấn khích và mong muốn triển khai dịch vụ Facebook cho Google Glass. Trong một hội thảo, Sergey Brin – người sáng lập Google – đã đưa kính Google Glass của mình cho Zuckerberg đeo thử.
Dennis Crowley – người sáng lập Foursquare, mạng xã hội phụ thuộc vị trí người dùng – cũng nôn nóng nắm bắt thời cơ đang mở ra với Google Glass. Người dùng thiết bị siêu di động là người năng động, thường di chuyển, do vậy những dịch vụ phụ thuộc vị trí của người dùng trở nên đắc dụng hơn bao giờ hết. Crowley cũng là người hâm mộ đồng hồ thông minh. Anh luôn đeo ở cổ tay phải một chiếc Jawbone UP hoặc Nike+ Fuelband. Sau lần tham dự hội chợ thiết bị di động tại Barcelona, Crowley cho rằng tương lai của Foursquare phụ thuộc vào những thiết bị di động đeo trên người, thay thế cho điện thoại (non-phone gadget).
Ngoài dịch vụ thông tin phụ thuộc vị trí, dịch vụ chia sẻ ảnh và phim mang đến lợi ích rõ ràng, thiết bị siêu di động có thể có ưu thế nào khác để thu hút người dùng?
Người dùng Google Glass sẽ nhận thông báo tự động về tin mới ở Google+ hoặc về cuộc gọi Google Hangouts. Đó là việc đã nằm trong kế hoạch của Google. Tuy nhiên, điều này có thể trở thành… quấy nhiễu hơn là tiện ích.
Có người hy vọng phần mềm nhận dạng và tìm thông tin tự động về người đối diện sẽ đem đến các ứng dụng thú vị. Người dùng thiết bị siêu di động có thể kín đáo tìm thông tin về người mà mình đang trò chuyện trong buổi tiệc nào đó, chẳng hạn tình trạng hôn nhân của người ấy, để quyết định… theo đuổi hoặc không. Tuy nhiên, khi “người theo đuổi” cứ liếc nhìn vào đồng hồ thông minh, cô gái thông minh ngồi trước mặt anh sẽ “diễn dịch” rằng anh đang sốt ruột, không muốn tiếp chuyện, và đó là sự xúc phạm ghê gớm!
Tadhg Kelly – nhà thiết kế trò chơi – cho rằng yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, của thiết bị siêu di động chính là trò chơi! Theo Kelly, trò chơi thu hút mọi người đến với máy tính, xưa nay vẫn vậy:
“Chính trò chơi quyết định thành công của máy tính. Trò chơi làm cho máy tính trở nên hấp dẫn, khiến mọi người không ngừng nói chuyện về nó. Khi bạn đang gõ trên máy một văn bản nào đó, hiếm khi có người vỗ vai bạn và hỏi: ‘Đây là phần mềm gì?’. Nhưng nếu bạn đang bị hút hồn vì trò chơi trên chiếc iPad mới, những người ở gần bạn chắc chắn sẽ tò mò. Họ muốn biết điều hay ho đó là gì, tìm ở đâu. Tình trạng như vậy xảy ra thường xuyên khi trò chơi Angry Birds vừa xuất hiện.
Đợt iPhone đầu tiên thu hút những người đam mê công nghệ. Tuy nhiên, số đông người dùng chỉ đến với iPhone sau khi có cửa hàng App Store. Ứng dụng loại nào được mua nhiều nhất ở App Store? Chính là trò chơi”.
Kính Google Glass hoặc đồng hồ thông minh có màn hình bé xíu, có thể giúp tái hiện những trò chơi đơn giản trên điện thoại di động, nhưng khác ở chỗ người chơi phải điều khiển trò chơi bằng giọng nói. Kelly cho rằng với màn hình nhỏ của thiết bị siêu di động, chỉ những trò chơi lớn là thích hợp. Trò chơi lớn là trò chơi được tổ chức trên thực địa, trong trường học, trong công viên, trong khu phố hoặc trong cả thành phố. Những trò chơi lớn sử dụng công nghệ định vị (dựa vào GPS, mạng di động, mạng Wi-Fi khu vực) đã từng được tổ chức nhưng có lẽ chỉ thiết bị siêu di động mới có khả năng cuốn hút nhiều người tham gia trong tương lai.
Các trò chơi trực tuyến Bot Fighters, Mindwarping và ARQuake được phát triển dựa trên ý tưởng giống nhau: nhân vật đại diện (avatar) của người chơi chỉ có thể di chuyển khi người chơi thực sự di chuyển! Bạn thử hình dung người chơi có thể gặp “đối thủ” nào đó trong công viên và phải “chiến đấu” theo luật để thắng cuộc và tăng điểm. Đối thủ có thể là người thực trước mặt và tình trạng cuộc giao tranh được truyền về máy chủ dựa vào tương tác giữa hai đồng hồ thông minh (theo cách tương tự như hai máy trò chơi cầm tay Nintendo 3DS tương tác nhờ công nghệ Streetpass). Đối thủ có thể là người ảo, chỉ xuất hiện trên màn hình Google Glass hoặc đồng hồ thông minh, được điều khiển bởi người chơi ở xa.
Trò chơi rượt bắt Can You See Me Now? từng được thử nghiệm trong khuôn viên Đại học Nottingham (Anh) cuối thập niên 1990 cũng có thể đến với thiết bị siêu di động trong tương lai. Can You See Me Now? có hai loại người chơi: người chơi ngồi yên và người chơi di chuyển. Người chơi ngồi yên phải điều khiển nhân vật đại diện của mình trên máy tính sao cho không lọt vào tầm mắt của người chơi di chuyển. Nhờ máy tính cầm tay PDA nối với máy GPS (với thao tác khá rườm rà), người chơi di chuyển xác định được vị trí của đối thủ trên bản đồ. Thiết bị siêu di động có thể làm cuộc chơi gay cấn hơn nhiều.
Năm 2004, một nhóm sinh viên Đại học New York tổ chức trò chơi Pac-Man trong khu Manhattan của thành phố New York. Trò chơi được đặt tên là Pac-Manhattan. Bốn sinh viên mặc áo mưa đóng vai bốn “con ma” Blinky, Pinky, Inky và Clyde trong trò chơi Pac-Man. “Căn cứ địa” của ma là công viên trung tâm Washington Square Park. Xuất phát từ đó, bốn con ma bắt đầu lùng sục các dãy phố để tìm Pac-Man – một thanh niên trong trang phục màu vàng nổi bật. Pac-Man phải “chạy như ma đuổi” vì sẽ “chết” ngay nếu bị chàng hoặc nàng mặc áo mưa nào đó chạm vào người. Những người chơi trên đường phố phải liên tục gọi điện thoại cho nhóm điều khiển ở “trung tâm”, đọc số hiệu dán trên những dãy phố. Nhờ vậy, trung tâm có thể thông báo cho Pac-Man vị trí của bốn “con ma”.
Hai thành viên của nhóm Pac-Manhattan – Mattia Romeo và Gregory Trefry – nay đã ra trường, thành lập Công ty Gigantic Mechanic – công ty thiết kế trò chơi lớn chuyên nghiệp. Romeo và Trefry từng tổ chức khu Manhattan thành một sân gôn (golf) ảo. Nhìn vào màn hình iPhone, người chơi biết rõ vị trí của mình trên sân gôn ảo. Khi di chuyển đến vị trí đặt quả gôn ảo, người chơi cầm iPhone vụt mạnh tay như thể đang đánh gôn thực sự. Bộ đo gia tốc (accelerometer) bên trong iPhone giúp máy chủ nhận được thông tin về lực tác động vào quả gôn ảo. Máy chủ tính toán đường đi của quả gôn cùng vị trí đáp của nó trên sân gôn ảo và gửi thông tin trở lại iPhone để hiển thị trên màn hình.
Thiết bị siêu di động chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ của những trò chơi do Romeo và Trefry thiết kế. Người chơi sẽ hòa nhập vào trò chơi ở mức sâu hơn, “quyết liệt” hơn, vì không phải cầm thiết bị nào trên tay.
Trong tập phim The Game của loạt phim truyền hình Star Trek – The Next Generation (1987 – 1994), trung tá William Riker mang một thiết bị trò chơi đặc biệt từ hành tinh Risa về tàu Enterprise. Khi đeo thiết bị vào mắt, người chơi thấy những hình loa và hình tròn chồng lên cảnh vật trước mặt. Người chơi dùng ý nghĩ để điều khiển cho hình tròn chạy vào trong hình loa. Phi hành đoàn Enterprise mê mải với trò chơi mới lạ, say mê với sự thăng cấp trong trò chơi, không biết đó thực chất là thiết bị tẩy não, giúp những người Ktarian trên hành tinh Risa nắm quyền điều khiển Enterprise.
Một ngày nào đó, bạn sẽ gặp trên đường phố những người bị “tẩy não”. Họ có thể lẩm bẩm “OK Glass, Right” (qua phải) hoặc “OK Glass, Left”(qua trái) để điều khiển các vật thể trước mắt, tạo bởi kính Google Glass (câu lệnh nói cho Google Glass bắt đầu bằng “OK Glass”). Họ có thể đánh tay vào không trung như chiến đấu với người vô hình hoặc thảng thốt bỏ chạy như bị “ma ám”.
Bạn biết rằng mình đang bước vào thế giới trò chơi siêu di động.