The Falconeer là game nhập vai với hệ thống không chiến độc đáo. Tuy nhiên, trò chơi để lại cảm giác khá trái chiều trong thiết kế game với độ khó đôi khi tăng cao bất thường. Đặc biệt là một số thứ gây ức chế vì lối chơi nặng tính lặp lại trong khoảng nửa sau trải nghiệm, mang nhiều cảm giác như để kéo dài thời lượng hơn là thật sự có đầu tư. Ngược lại, trải nghiệm game lại gây nhiều ấn tượng ở khả năng tận dụng sức mạnh phần cứng mới, cho phép tốc độ khung hình lên đến 120fps mượt mà.
The Falconeer lấy bối cảnh thế giới Great Ursee rộng lớn đầy bí ẩn, tạo chút gì đó gợi nhớ đến những cái tên kinh điển như Panzer Dragoon hay Crimson Skies với chút cải tiến. Nhân vật của người chơi là một Falconeer, cách gọi trong game của những người cưỡi chim chiến (Warbird) với khả năng chiến đấu, sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau. Mỗi loại Warbird sẽ có chỉ số khác biệt ảnh hưởng đến cảm giác trải nghiệm, trong khi các Falconeer cũng được chia thành các lớp nhân vật với ưu và khuyết điểm riêng.
Thay cho trải nghiệm tuyến tính, Falconeer sử dụng thế giới mang cảm giác mở dù không thật sự như vậy. Khía cạnh chiến đấu lấy ý tưởng từ các trận không chiến của những tựa game cùng thể loại, mang cảm giác như phiên bản tinh gọn của Star Wars: Squadron hay một trong những tựa game không chiến khiến tôi rất hào hứng là Ace Combat 7. Dù vậy, tựa game của nhà phát triển Tomas Sala mang cảm giác linh hoạt hơn trong điều khiển chim chiến, bất kể bạn sử dụng tay cầm hay thiết bị chuyên dụng.
Warbird của người chơi có thể thực hiện những màn chao lượn nhanh như cắt, né tránh đường đạn tấn công từ kẻ thù hoặc đảo ngược tình thế trong những trận chiến trên biển. Nếu có gì khác biệt so với những tựa game không chiến mà tôi từng trải nghiệm, có lẽ là tốc độ di chuyển của chim chiến chậm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết là điểm trừ vì nó giúp người chơi dễ nhắm bắn hơn trong các chiến trận. Chưa kể, chim ưng có khổng lồ đến đâu cũng không thể nhanh bằng chiến đấu cơ.
Không biết có phải là chủ ý của nhà phát triển hay không, nhưng tốc độ chậm của các Warbird cũng giúp người chơi có nhiều cơ hội để ngắm cảnh hơn, một trong những khía cạnh mà The Falconeer đã làm rất tốt. Trò chơi sở hữu phong cách đồ họa rất đặc biệt, mang đến những khung hình có tính nghệ thuật cao dù thoạt nhìn qua có vẻ rất bình thường. Trải nghiệm trên Xbox Series X ở độ phân giải 4K thậm chí còn ấn tượng hơn về độ nét so với Xbox One già cỗi. Đó là chưa kể đến những khoảnh khắc sấm chớp giật giữa trời.
Chuyển động của chim chiến khá ấn tượng. Bạn có thể thấy rõ điều này khi quan sát những khoảnh khắc sải cánh hay thực hiện những cú lượn của Warbird từ trên cao. Không những vậy, The Falconeer cũng rất biết tận dụng lợi thế hình ảnh cho bạn tạo những shot hình tuyệt đẹp qua Photo Mode. Bạn nào bị cận như tôi hẳn sẽ hào hứng với các thiết lập tùy chỉnh lại kích thước của giao diện cho phù hợp với mắt của mỗi người chơi, chứ không chỉ riêng khía cạnh tăng giảm cỡ chữ to hay nhỏ như thường thấy.
Khía cạnh câu chuyện kể cũng là điểm cộng bất ngờ của The Falconeer. Về cơ bản, người chơi sẽ được tham gia vào những phe nhóm khác nhau trong thế giới Great Ursee thông qua bốn chapter nội dung. Nó giúp người chơi hiểu được quan điểm và động cơ của mỗi bên trong cuộc chiến lớn. Đáng chú ý là trò chơi cũng không có giới hạn nào để buộc bạn phải trải nghiệm theo thứ tự nhất định. Quyết định trải nghiệm chapter nào trước hoàn toàn tùy thuộc vào mong muốn của người chơi.
Thế nhưng như đã nói ở đầu bài, vấn đề lớn nhất của The Falconeer là độ khó thiếu cân bằng trong các màn chơi. Đáng nói, thiết kế game thiếu các checkpoint giữa những nhiệm vụ, khiến bạn phải chơi lại từ đầu màn sau mỗi lần “tử vì đạo”. Sau khi ghi nhận góp ý, nhà phát triển đã có chỉnh sửa nhưng ở thời điểm bài viết, các cập nhật này chỉ mới phát hành cho PC mà thôi. Hy vọng những vấn đề về độ khó bất nhất, gây cảm giác trải nghiệm bất công sẽ dần được giải quyết trong các bản cập nhật mới.
Vấn đề khó chịu nhất của The Falconeer là thiết kế nhiệm vụ nặng tính lặp lại, nhất là nửa cuối trải nghiệm. Thậm chí chỉ trong vài tiếng đầu trải nghiệm, bạn gần như đã kinh qua toàn bộ nhiệm vụ của game. Mặc dù cũng chia thành những ý tưởng như chiến đấu, hộ tống hay “Death Stranding“, thế nhưng những nhiệm vụ này đều gần như tương tự nhau. Ngay cả khía cạnh tùy biến nhân vật cũng vậy. Chỉ có khác biệt là các trận đánh boss, nhưng chưa đủ để tạo cảm giác mới mẻ trong suốt thời lượng game.
Ở khía cạnh hiệu năng, việc The Falconeer hỗ trợ tốc độ khung hình 120fps tuy ấn tượng về mặt lý thuyết, nhưng thực tế không nhiều mẫu ti vi hỗ trợ ở thời điểm năm 2020 cũng là một trở ngại không nhỏ với nhiều người chơi. Trong khi đó, nếu trải nghiệm với màn hình vi tính có tính năng này thì bạn lại bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng hình ảnh độ nét cao trên màn ảnh lớn. Điều này khiến tính năng đáng chú ý của game lại trở thành điểm cộng khá mờ nhạt dù đó không phải là lỗi của nó.
Sau cuối, The Falconeer mang đến một trải nghiệm nhập vai không chiến khá trái chiều. Một mặt, bạn sẽ bị cuốn hút bởi lối chơi hấp dẫn cùng đồ họa đẹp mắt và mượt mà khi đầu tư đúng mức cho trải nghiệm game. Ở khía cạnh ngược lại, những điểm trừ về thiết kế gameplay nặng tính lặp lại và tốc độ khung hình 120fps đòi hỏi thiết bị nghe nhìn đắt tiền có thể là trở ngại rất lớn với không ít người chơi. Rút hầu bao hay không có lẽ còn tùy thuộc vào khả năng “lựa cơm gắp mắm” thiết bị của bạn vậy!
The Falconeer được phát hành cho PC (Windows), Xbox Series S/X và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!