The Dark Pictures Anthology: The Devil in Me là phần chơi thứ tư, đánh dấu kết thúc mùa thứ nhất của series game phiêu lưu hành động rùng rợn Dark Pictures Anthology. So với các phần chơi trước, nhà phát triển Supermassive Games có vài cải tiến thú vị trong xây dựng cơ chế gameplay. Đặc biệt, trò chơi sở hữu cốt truyện về Herman Webster Mudgett, kẻ sát nhân hàng loạt có thật ngoài đời từng được nhà văn Erik Larson chấp bút thành tiểu thuyết phi hư cấu lịch sử The Devil in the White City rất ăn khách vào năm 2003.
Herman Webster Mudgett là kẻ lừa đảo chuyên nghiệp và là đối tượng của hơn 50 vụ kiện chỉ riêng Chicago của Mỹ vào những năm 1890. Để che giấu thân phận tội phạm, hắn đổi tên thành Henry Howard Holmes, xây tòa nhà hai tầng ở thành phố này và sau đó biến nó thành khách sạn ba tầng với một tầng hầm. Người ta đồn bên trong được thiết kế như mê cung với cả trăm căn phòng. Từ phòng tra tấn bí mật, hơi ngạt, lò hỏa táng cho tới hàng loạt cạm bẫy hại người, dù không có bằng chứng nào xác thực những lời đồn đại kể trên.
Bất chấp điều đó, tòa nhà của Holmes vẫn được người ta gọi là “lâu đài sát nhân” Murder Castle. Tòa nhà này và câu chuyện về bác sĩ Henry Howard Holmes trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tiểu thuyết ăn khách hư cấu lẫn phi hư cấu. The Dark Pictures Anthology: The Devil in Me cũng vậy. Thậm chí vào năm 2017, kênh truyền hình History của Mỹ còn phát sóng bộ phim tài liệu American Ripper gồm tám tập để truy tìm manh mối chứng minh Holmes cũng là Jack the Ripper, kẻ giết người hàng loạt khét tiếng có thật cùng thời ở London.
Với The Dark Pictures Anthology: The Devil in Me, nhà phát triển Supermassive Games đã đi được nửa chặng đường của series. Đây cũng là phần chơi kết thúc mùa thứ nhất của Dark Pictures Anthology với câu chuyện kể dựa trên nhân vật phản diện có thật trong lịch sử. Không những thế, người viết còn thoáng nhận ra nhiều tình tiết dường như lấy cảm hứng từ series phim kinh dị Saw. Đó là những tình huống đẩy người chơi vào thế khó, với những lựa chọn đòi hỏi sự nhạy bén để phát hiện gợi ý trong trải nghiệm và đưa ra quyết định đúng.
So với The Quarry, những lựa chọn này cân não hơn nhiều. Tuy nhiên, nhờ rút tỉa được cả dây kinh nghiệm trong các game Dark Pictures Anthology cộng với chút may mắn, người viết vẫn mở khóa được kết thúc đẹp trong lần chơi Devil in Me đầu tiên. Kỳ thực, chỉ có một lựa chọn gần cuối trải nghiệm để lại cảm giác bất công khi không có bất kỳ manh mối nào để đưa ra quyết định đúng. Thế nhưng đó chưa phải những gì hấp dẫn nhất trong trải nghiệm game, trừ khi bạn không quan tâm đến nhân vật có thật Henry Howard Holmes.
Cũng như các phần chơi trong series game Dark Pictures Anthology, trải nghiệm Devil in Me đưa bạn nhập vai 5 nhân vật khác nhau thuộc đoàn làm phim indie đang trên bờ vực phá sản. Nhận được lời mời không thể chối từ để vực dậy công ty giải trí, giám đốc Charlie cùng ê kíp lên đường đến bờ bến lạ và giật mình nhận ra hòn đảo họ vừa đặt chân tới có những bí mật chết người. Vậy là sự hào hứng ban đầu biến mất, nhường chỗ cho những pha đấu trí đầy cân não cùng kẻ sát nhân ẩn mặt có hành tung bí mật, thoắt ẩn thoắt hiện.
Ở góc độ người chơi, Dark Pictures Anthology: The Devil in Me giải quyết khá tốt những vấn đề trong các phần chơi cũ. Chẳng hạn dàn nhân vật mỗi người một cá tính và có những tương tác gần gũi với cuộc sống hơn. Đó là chưa kể phần dẫn truyện cũng có nhịp độ khá tốt đặc biệt đầu trải nghiệm game, dành nhiều khoảng thời gian cho người chơi làm quen với các nhân vật hơn. Những khoảnh khắc sinh tử bất ngờ của mỗi nhân vật cũng vì thế mà có sức nặng hơn, khiến người viết có sự quan tâm nhất định khả năng sống sót của họ hơn.
Các quyết định mà người chơi phải đưa ra cũng hại não nhiều hơn. Mỗi lựa chọn đều để lại hậu quả bất ngờ về sau, nếu bạn không có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước những manh mối và gợi ý cực kỳ tinh tế xuất hiện trong suốt trải nghiệm game. Đơn cử có những phân đoạn đòi hỏi người chơi phải lựa chọn giữa khả năng sống sót của một trong hai nhân vật. Nếu không để ý đến tình tiết được hé lộ thoáng qua trước đó, bạn có thể đưa ra quyết định sai lầm khiến một trong hai nhân vật thiệt mạng trong khi có thể cứu được cả hai.
Một cải thiện dễ thấy so với các phần chơi trước là cơ chế gameplay đa dạng hơn và được lồng ghép thú vị vào trải nghiệm khám phá. Chẳng hạn phân đoạn sử dụng microphone để dò tìm vị trí của nguồn âm thanh phát ra trong nhà hay sử dụng máy ảnh để chụp hình hiện trường làm bằng chứng cung cấp cho cảnh sát sau này. Dark Pictures Anthology: The Devil in Me cũng có một số minigame như “bẻ khóa”, nhưng không phải lúc nào cũng để lại cảm giác dễ chịu vì thiết kế cơ chế điều khiển chưa trực quan khi trải nghiệm bằng tay cầm.
Trong khi đó, khía cạnh giải đố để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều với những pha sửa điện của một nhân vật trong trải nghiệm, vừa phiền phức vừa mất thời gian nếu không nói là kém hào hứng. Đặc biệt, số lượng vật phẩm thu thập là điểm cộng đáng chú ý của Dark Pictures Anthology: The Devil in Me. Những vật phẩm này cung cấp rất nhiều tư liệu, giai thoại và truyền thuyết về Henry Howard Holmes, khuyến khích người chơi vượt qua sợ hãi và khám phá khắp nơi để tìm thêm thông tin về tên sát nhân có thật trong lịch sử này.
Nói “vượt qua sợ hãi” nhưng kỳ thực trải nghiệm game chỉ dừng ở mức rùng rợn hơn là kinh dị đáng sợ. Khác với những không gian khám phá rộng lớn trong trải nghiệm The Quarry, phần chơi kết thúc Dark Pictures Anthology mùa thứ nhất của nhà phát triển Supermassive Games diễn ra ở không gian nhỏ hẹp lúc mờ lúc tỏ nhiều hơn. Thứ ánh sáng bạn thấy nhiều nhất là từ đèn pin hoặc thiết bị điện tử của mỗi nhân vật với cường độ và khả năng soi sáng khác nhau. Chẳng hạn sáng nhất là đèn pin của ông Charlie còn Kate dùng điện thoại thì tối hơn.
Khác biệt nhất là phó nháy Mark sử dụng đèn flash từ máy ảnh, tạo nên thứ ánh sáng đầy ma quái và chỉ có thể chớp sáng trong khoảng thời gian ngắn mỗi khi bạn bấm nút. Ở góc độ người chơi, những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ này tạo nên sự thú vị cho game, biến trải nghiệm trở nên phong phú hơn và không còn cảm giác một màu sắc rùng rợn như các phần chơi trước nữa. Điều này cũng góp phần tạo nên bầu không khí được thay đổi liên tục mỗi khi người chơi điều khiển nhân vật khác trong trải nghiệm game.
So với phần chơi House of Ashes trước đó trong series, The Devil in Me mang nhiều cảm giác trải nghiệm game hơn mà không hề mất đi cảm giác điện ảnh vốn là định hướng quen thuộc của series Dark Pictures Anthology. Thế nhưng, người viết nhận thấy đồ họa game có phần kém hơn một chút, nhất là thiết kế môi trường không chi tiết bằng The Quarry vừa phát hành trước đó. Biểu cảm trên khuôn mặt của các nhân vật vẫn có nhiều tình huống thiếu tự nhiên, đặc biệt là chuyển động của ánh mắt. Ngược lại, phần âm thanh tiếng động được xử lý tốt và không lạm dụng những pha hù dọa người chơi.
Ở thời điểm bài viết, vấn đề lớn nhất của Dark Pictures Anthology: The Devil in Me là lỗi game trong chế độ chơi co-op. Đây dường như là “đặc sản” của nhà phát triển Supermassive Games khi các phần chơi trước đều gặp phải tình trạng tương tự, nhất là trên PC. Mặc dù vậy, người viết hầu như không gặp lỗi gì nghiêm trọng hay gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm game khi chơi solo trên PlayStation 5. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi có gặp tình trạng không thể mở điện thoại để soi đường đi khi trò chơi chuyển sang nhân vật điều khiển khác. Không rõ đó là lỗi game hay chủ ý thiết kế của đội ngũ phát triển.
Sau cuối, The Dark Pictures Anthology: The Devil in Me mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động rùng rợn cực kỳ hấp dẫn, nhất là những ai tò mò về nhân vật có thật Henry Howard Holmes. Điểm cộng lớn nhất của game là giá trị chơi lại cao cùng nhiều cải tiến nhỏ nhưng thú vị so với các phần chơi trước. Tất cả được lồng ghép vào câu chuyện vụ án có thật và mối quan hệ lắm ‘drama’ của các nhân vật hư cấu. Nếu bạn yêu thích series này, đây chắc chắn vẫn là cái tên vô cùng đáng cân nhắc.
The Dark Pictures Anthology: The Devil in Me hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!