The Church in the Darkness là tựa game rất khó mô tả trải nghiệm mà nó mang đến, nhưng nếu nhìn nhận ở khía cạnh câu chuyện kể thì đây là một trải nghiệm rất thành công. Tuy nhiên, ở khía cạnh thiết kế thì trò chơi có nhiều vấn đề có thể gây tranh cãi.
Church in the Darkness đưa bạn đến với Vic, một cựu cảnh sát “tùy chọn giới tính” đang tìm kiếm đứa cháu bỏ nhà đi bụi để tham gia giáo phái bí ẩn. Tuy nhiên, đây không phải là một trải nghiệm phiêu lưu hành động kiểu “rambo đây”. Trò chơi thiên về lối chơi hành động lén lút với góc nhìn top-down khá khó chịu. Nhiệm vụ của bạn là xâm nhập xuất quỷ nhập thần như một bóng ma vào khu trại của giáo phái nói trên và lôi cổ đứa cháu trời đánh về. Tuy nhiên, bên cạnh đường hiểm trở, nơi này không có gì khác ngoài những thành phần cuồng tín bắn trước rồi nói chuyện sau, y như trong game Far Cry 5. Vấn đề ở chỗ, bạn chỉ được phép mang theo một dụng cụ tùy chọn như túi cứu thương hoặc khẩu súng lục, thử hỏi trò chơi muốn bạn sống sao?
Điểm “nhấn” đầu tiên trong trải nghiệm Church in the Darkness là ngay cả ở mức khó mặc định với nhiều tính năng hỗ trợ, độ khó của trò chơi vẫn khá cao và nhiều khi gây ra nhiều tình huống hết sức ức chế. Trên phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm, giữ nút B sẽ giúp bạn nhìn thấy đường tầm nhìn của tất cả mọi nhân vật trong game, bao gồm người dân vô tội và những kẻ “tội đồ” súng ống đì đùng. Tầm nhìn màu xanh là nhân vật quan trọng cần chú ý, màu vàng là dân thường và màu đỏ là kẻ thù. Thế nhưng, ngay từ vài phút đầu trải nghiệm, trò chơi đã khiến tôi bị rối vì có quá nhiều tầm nhìn cùng xuất hiện và chồng chéo lên nhau rất khó quan sát. Nhiều khoảnh khắc hành động lén lút vô cùng ức chế vì bạn gần như không thể “ra tay” rồi cao chạy xa bay như những tựa game cùng thể loại khác, đặc biệt từ góc nhìn top-down rất khó quan sát.
Cay đắng nhất là ngay cả khi cầm súng trên tay thì việc nhắm bắn cũng “không phải dạng vừa đâu”. Đạn dược khá khan hiếm nên những tình huống “có tất cả nhưng thiếu đạn” xảy ra như cơm bữa, nhất là những khi bạn tưởng “sóng gió” nhưng thật ra là “chém gió”, khiến người chơi rất dễ “đau đầu” ở những phân đoạn về sau. Chưa kể, Church in the Darkness cũng không cho bạn nhiều cơ hội để tẩu thoát, vì nếu đánh động kẻ thù thì cơ hội “hãy trao cho anh” rất thấp. Đó là chưa nói, hành động lén lút làm “kẻ sát nhân” cũng rất dễ dẫn đến những kết cục “sáng mắt chưa” sau khi bạn lôi cổ được đứa cháu trời đánh “tẩu thoát ngoạn mục”. Đây có vẻ là thiết kế có chủ ý của nhà phát triển, chỉ có điều tôi không hoàn toàn hiểu hết được ý đồ của họ trong không ít trường hợp.
Bởi lẽ, trải nghiệm Church in the Darkness không phải tuyến tính mà người chơi có nhiều cách để hoàn thành nhiệm vụ. Với số lượng kết thúc khá nhiều, người chơi khá tự do trong việc quyết định kết cục nào sẽ diễn ra tùy theo hành động của bạn trong suốt trải nghiệm. Không những vậy, “tội ác” của người chơi còn bị kẻ thù rêu rao trên “loa phường” ở khắp mọi nơi, với những lời lẽ rất khó nghe và mang nặng yếu tố cực đoan. Ngay cả các nhân vật quan trọng mà bạn cần phải nói chuyện cũng sẽ có ứng xử khác biệt trong mỗi lần chơi tùy vào quyết định trước đó của người chơi, khiến trải nghiệm càng muôn phần khó đoán trước, đến mức mang cảm giác đánh đố hơn là tính thử thách cao.
Để “hỗ trợ” cho “cuộc chơi”, bạn có thể nhặt súng lục, shotgun, thuốc mê hay thậm chí thuốc độc cùng nhiều thứ khác để loại trừ kẻ thù theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện thì rất khó “nhìn thấy mặt trời” vì kẻ thù sẽ đổ xô ra săn lùng người chơi khắp nơi. Nhân vật chính chỉ có một cách duy nhất là vô hiệu hóa báo động để “giảm nhiệt” nhưng đòi hỏi phải có vật phẩm hỗ trợ tương ứng, nên khả năng này không phải lúc nào cũng dễ dàng triển khai. Đó là chưa nói tới việc khi kẻ thù úa ra, việc tiếp cận thiết bị báo động cũng là một vấn đề và đôi khi chưa kịp làm gì thì Vic đã phải trả giá khi hết đạn hoặc không có “đầy đủ trang bị” để đối đầu với kẻ thù. Khó là vậy!
Dường như như thế chưa “đủ đô”, nhà phát triển còn bổ sung thêm yếu tố roguelike để luôn làm mới trải nghiệm một cách “độc lạ”, nhưng đó là nếu bạn thật sự muốn thế. Về cơ bản, mỗi khi để nhân vật “chết yểu”, thay vì điều chỉnh màn chơi như phần lớn các tựa game khác có yếu tố này, Church in the Darkness sẽ thay đổi tính cách tất cả các nhân vật trong lượt chơi mới. Điều này có nghĩa là cho dù bạn vẫn chơi “sao y bản chính” lần chơi trước, thì kết cục có thể sẽ khác đi vì hành xử của các NPC khi này đã thay đổi, không “ứng biến” giống như lần trước đó. Đây là một ý tưởng khá hay ho nếu xét ở góc độ người chơi, nhưng với những ai không thích sự thử thách sẽ có cảm giác nhà phát triển hơi quá tay.
Dù vậy, ở khía cạnh câu chuyện kể thì trò chơi để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc với nhiều cảm giác khá nặng nề. Church in the Darkness lấy bối cảnh vào những năm 1970, thời kỳ khá đen tối trong lịch sử khu vực Nam Mỹ nhưng được nhà phát triển khắc họa rất chân thật bất ngờ. Trước khi chơi game, tôi đã tra cứu lại lịch sử Nam Mỹ khá kỹ, nhưng khi trực tiếp trải nghiệm ít nhiều vẫn cảm thấy sốc. Nhiều vấn đề mang tính lịch sử ngày xưa chỉ được biết sơ sài qua môn lịch sử thế giới, nay được thể hiện bằng những lời thoại mạnh miệng của hai “trùm cuối”. Tất cả đều khiến tôi bị “cú sốc lịch sử”, từ những vấn đề phân biệt chủng tộc, thế giới thứ ba hay các vấn đề tín ngưỡng tôn giáo của thời kỳ nói trên và không chỉ thế.
Tuy tôi đánh giá cao sự liều lĩnh của nhà phát triển khi xây dựng nội dung có thể gây nhiều tranh cãi và trao quyền quyết định cho người chơi, nhưng nhiều đối tượng người chơi có thể không cùng quan điểm này với tôi. Mặt khác, phiên bản Nintendo Switch tuy mang đến trải nghiệm “năng động” với khả năng cơ động cao, cực kỳ phù hợp với lối chơi đặc trưng của trò chơi, nhưng đáng tiếc lại vướng các vấn đề tốc độ khung hình không ổn định dù đồ họa low-poly không nặng là một điều hơi thất vọng.
Sau cuối, The Church in the Darkness mang đến cảm giác trải nghiệm khá lẫn lộn. Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hào hứng với cảm giác trải nghiệm mới mẻ và thử thách, nhưng càng về sau thì yếu tố này càng trở thành “gánh nặng” trong trải nghiệm, dễ dàng đánh đố bất kỳ người chơi kiên nhẫn nào, đặc biệt khi nhiều yếu tố của trò chơi sẽ luôn mang đến cho bạn cảm giác không thoải mái vì chủ đích thiết kế của nhà phát triển. Nếu yêu thích lối chơi này, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không muốn bỏ qua.
The Church in the Darkness được phát hành cho PC (Windows, macOS), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác