Terrorhythm (TRRT) là tựa game về âm nhạc tuy không mới về lối chơi nhưng lại khá hấp dẫn trong trải nghiệm khi kết hợp giữa yếu tố nhấn theo nhịp quen thuộc và cuộc chiến chống khủng bố “hoành tráng”.
PC vốn không phải là “giang sơn” của thể loại game về âm nhạc, nhưng Terrorhythm lại ra mắt trên nền tảng này trước khi đến với người chơi Nintendo Switch. Trong phần lớn trường hợp, một tựa game được phát hành sau trên các nền tảng khác thường sẽ có một số điểm nhấn gì đó để bù đắp khoảng thời gian “xa cách” nói trên. Đáng tiếc, phiên bản Nintendo Switch trong trường hợp này lại kém hơn bản PC ở khía cạnh được xem là một trong những điểm nhấn của trò chơi.
Terrorhythm đưa bạn đến với một chiến binh chiến đấu vì công lý vào giữa thế kỷ 25. Khi đó, cả thế giới bị một chính quyền chuyên chế “cách âm” khiến khắp nơi chìm trong lặng im. Nhân vật của người chơi sử dụng nhịp điệu trong âm nhạc để phá vỡ hệ thống an ninh được chính quyền dùng để ngăn chặn mọi âm thanh “thâm nhập” vào xã hội và đó là mục tiêu của bạn: chiến đấu theo nhạc. Mặc dù nghe có vẻ khó tin nhưng đó là câu chuyện trong game mà có lẽ bạn chẳng đọc được ở đâu khác ngoài phần mô tả của trò chơi. Toàn bộ trải nghiệm đều không có bất kỳ lời giới thiệu hay đề cập đến nội dung này mà chỉ đặt bạn vào cuộc chiến với giai điệu.
Trò chơi mở đầu với phần cân chỉnh (calibrate) độ trễ tương tác (input delay), điều mà rất thường thấy ở bất kỳ tựa game âm nhạc nào. Tuy nhiên, thiết lập này có vẻ chỉ hợp lý về mặt lý thuyết chứ trên thực tế, mỗi lần tôi trải nghiệm đều có những độ trễ khác nhau tùy vào điều kiện sức khỏe hoặc tâm lý khi đó. Chính vì vậy mà không ít lần việc điều chỉnh này ban đầu lại gây “thảm họa” về sau, dẫn đến những lần bấm nút thiếu chính xác do độ trễ nói trên. Trong khi đó, một tính năng thường thấy của dòng game này là độ trễ của nhịp nhạc (delay) so với hiển thị trên màn hình thì trò chơi lại không cho phép điều chỉnh.
Trải nghiệm Terrorhythm được nhà phát hành mô tả thuộc thể loại đối kháng và arcade, do vậy bạn cũng đừng mong đợi gì nhiều về số lượng thông tin cần thiết cho trải nghiệm. Điều đó thể hiện rõ ngay ở khâu chọn màn chẳng hề cung cấp thông tin gì về bài nhạc trong màn chơi đó, mang cảm giác như “trải nghiệm mù” khá khó chịu. Lối chơi của game chỉ xoay quanh bốn nút nhấn, trong đó hai nút bấm để tấn công bên trái và bên phải, một nút bấm để mở rộng tầm tấn công và một nút bấm để “gồng” lên và tung tuyệt kỹ “một chấp hai”. Người chơi chỉ cần thực hiện đúng hành động theo tình huống trên màn hình và hoàn thành bài nhạc là xong.
Nghe có vẻ dễ và kỳ thực trải nghiệm Terrorhythm khá dễ nếu bạn biết phải làm gì. Bằng không, nó có thể khá thử thách và nhanh chóng trở thành một thảm họa ngoài mong đợi. Trong suốt màn chơi, kẻ thù sẽ xuất hiện ngẫu nhiên bên trái hoặc phải để tấn công nhân vật. Tuy nhiên, bạn vẫn phải nhấn theo nhịp liên tục ngay cả khi không có kẻ thù để giữ combo. Nếu muốn xoay hướng tấn công, người chơi cần đổi nút bấm tương ứng. Đây là một thiết kế khá khó hiểu và không được giải thích rõ ràng, khiến ban đầu tôi cảm thấy rất rối khi màn hình liên tục báo beat missed hoặc combo lost nhưng không biết bấm sai ở chỗ nào, khá là ức chế.
Về cơ bản, mọi nút bấm đều theo nhịp nhạc. Người chơi phải nhấn liên tục theo nhịp kể cả khi sử dụng hai nút bấm còn lại để mở rộng tầm tấn công hay tung tuyệt kỹ khi cần thiết. Tất nhiên, nó sẽ đi kèm với yếu tố tương khắc cụ thể. Đơn cử như kẻ thù vác khiên vàng sẽ phản đòn khi bạn sử dụng tuyệt kỹ, trong khi những kẻ thù thích trò “hai đánh một không chột cũng què” sẽ “đi về nơi xa” khi trúng đòn tuyệt kỹ của nhân vật. Bấm sai nhịp sẽ khiến kẻ thù tấn công nhân vật và khi bạn hết máu thì “game over”. Nghe có vẻ nhẹ nhàng như kỳ thực ngược lại, nhất là có những khi đó không phải là lỗi của bạn.
Vấn đề lớn nhất của Terrorhythm trên nền tảng Nintendo Switch là xảy ra tình trạng khựng hình khi số lượng kẻ thù trên màn hình quá nhiều hoặc khi bạn bị trúng đòn. Đáng nói, đó không phải tình trạng sụt giảm tốc độ khung hình như thường thấy mà là hiện tượng khựng hình trong khoảng gần nửa giây, đủ nhiều để phá hỏng combo của người chơi hoặc gây nên tình trạng kẻ thù tiếp cận ngoài nhịp nhạc, dẫn đến những lần mất máu khá oan uổng rất bực mình. Không những vậy, thiết kế game không cho người chơi cơ hội sửa sai nên dễ khiến trải nghiệm game nhiều khi khá ức chế, nhất là ở độ khó hoặc rank cao hơn.
Dù vậy, điểm trừ lớn nhất của phiên bản Nintendo Switch là không hỗ trợ nội dung do người chơi tạo ra như trên PC giống Double Kick Heroes. Tuy đây là hạn chế từ Nintendo chứ không phải nhà phát triển muốn vậy nhưng vẫn khó tránh khỏi cảm giác so bì khi người chơi PC có thể thoải mái sử dụng nhạc của mình cho trải nghiệm, trong khi người chơi Nintendo Switch lại khá hẩm hiu với số lượng nội dung được nhà phát triển cung cấp sẵn rất ít. Đã vậy, trải nghiệm lại còn nặng tính “cày cuốc” do bị hạn chế bởi rank, đòi hỏi bạn phải chơi khá nhiều để mở khóa bài nhạc tương tự như trường hợp của Muse Dash.
Sau cuối, Terrorhythm (TRRT) mang đến một trải nghiệm âm nhạc khá hấp dẫn, nhưng một số vấn đề của phiên bản Nintendo Switch không may lại khiến trải nghiệm không hoàn mỹ như mong muốn. Trò chơi có ý tưởng khá thú vị và cũng đã làm rất tốt ở khâu hiện thực hóa ý tưởng, nhưng vẫn còn sót lại vài vấn đề hiệu năng. Đây là điều khá đáng tiếc khi xét trên đồ họa có dấu ấn rất riêng và ấn tượng dù không hề nặng tải. Hy vọng nhà phát triển sẽ sớm tung ra bản vá cho bản Nintendo Switch để trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Terrorhythm (TRRT) được phát hành cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác