Site icon TRAINGHIEMSO.VN

Đánh giá game Terminator: Resistance

Đánh giá Terminator: Resistance

Terminator: Resistance là tựa game FPS khá đặc biệt khi chọn cách thể hiện khác biệt với phim, như thể nó được nhà phát triển Teyon tạo ra để tri ân cho hai bộ phim Terminator của đạo diễn James Cameron.

Sau thất bại nặng nề với Terminator Salvation cách đây hơn chục năm, các nhà sản xuất dường như không còn mặn mà với việc ra mắt game ăn theo các bộ phim Terminator mới nữa. Chính vì thế mà sự xuất hiện của Terminator: Resistance khiến tôi không đặt nhiều kỳ vọng, ai ngờ kết quả lại là một sự ngạc nhiên thú vị. Tuy ra mắt cùng thời điểm, nhưng Terminator: Resistance không hề liên quan gì đến phim Terminator: Dark Fate về mặt nội dung. Thay vào đó, trò chơi lấy bối cảnh diễn ra ở tương lai sau thảm họa Judgement Day, chấp bút thành một câu chuyện sử dụng dàn nhân vật hoàn toàn mới.

Đây là một ý tưởng khá thú vị, nhất là đối với một người rất yêu thích các bộ phim Terminator như tôi. Điều đáng ngạc nhiên là các nhà làm phim dường như không mấy mặn mà với ý tưởng khá hay ho này. Bao bộ phim Terminator hầu như đều lấy bối cảnh quay ngược thời gian, dẫn đến các phần phim từ Terminator 3 về sau đều thiếu sáng tạo về mặt nội dung hoặc làm không tới. Terminator: Dark Fate mới chiếu màn ảnh bạc cũng chọn hướng đi này, tuy khá hơn nhưng vẫn khiến tôi cảm thấy hơi thất vọng. Terminator: Resistance giống như gãi đúng chỗ ngứa đó, với bối cảnh đúng như tôi luôn mong mỏi và đó là điều tuyệt vời nhất của tựa game này.

Cốt truyện trong Terminator: Resistance giống như nó được chấp bút bởi cùng biên kịch của hai phần phim Terminator và Terminator 2: Judgment Day, tạo một sự liên kết rất chặt chẽ về mặt nội dung. Người chơi có thể xem đây là tiền truyện, cầu nối hay thậm chí kết thúc hoàn chỉnh của hai phim Terminator cũng đều đúng. Những ai yêu thích phim nói trên sẽ nhận ra cách xây dựng các tình tiết trong game ít nhiều đều mang đến cảm giác quen quen. Điều đó được thể hiện qua rất nhiều tình huống trong trải nghiệm gợi nhớ đến tình tiết phim, khiến tôi có cảm giác nhà phát triển Teyon cũng là “fan cứng” của series phim này.

Chẳng hạn, lần đầu Jacob đối mặt Infiltrator giống hệt như khi Kyle đụng độ T-800 lần đầu tiên trong phim. Hay phân đoạn lãng mạn nhẹ nhàng mà không kém phần nồng nàn giữa Jacob và nhân vật nữ trong game, khiến tôi nhớ ngay đến cảnh tương tự giữa Sarah và Kyle trong phim. Không những vậy, ngay cả achievement/trophy trong game cũng là các câu nói nổi tiếng từ phim như Hasta la Vista, baby, I’ll be Back của người máy T-800 do Arnold thủ diễn hay Easy Money của John Connor khi còn nhỏ. Ngay cả điều kiện để mở khóa các achievement/trohpy này cũng liên quan đến phim một cách có chủ ý, tạo cho tôi cảm giác vừa bất ngờ vừa thích thú.

Như bạn có thể đoán ra, nhân vật của người chơi là Jabob Rivers thuộc lực lượng quân kháng chiến chống sự trỗi dậy của Skynet. Vào năm 2028, trong một trận đối đầu với đạo quân của Skynet càn quét ở Pasadena, một người máy siêu cấp có tạo hình và hành xử giống hệt con người đã trà trộn vào hàng ngũ quân kháng chiến, tiêu diệt toàn bộ lực lượng nơi đây. Hay không bằng hên, nhân vật chính may mắn được một người bí ẩn giúp trốn thoát và vô tình đồng hành cùng một nhóm người dân kẹt lại trong vụ tấn công nói trên. Cuộc chiến của Jacob cùng mọi người để sinh tồn và liên lạc với quân kháng chiến bắt đầu.

Terminator: Resistance có khởi đầu khá chậm rãi, thậm chí khá nhàm chán và đòi hỏi người chơi chút kiên nhẫn để “nhận thưởng” gameplay hấp dẫn hơn về sau. Đây là thời điểm mà trò chơi hướng dẫn bạn khá chi tiết các cơ chế gameplay. Thế nhưng, nhà phát triển có vẻ hơi quá tay khi tốn quá nhiều thời gian cho người chơi làm quen với các cơ chế không gây nhiều khó khăn này. Sau khoảng 2 tiếng trải nghiệm, phần hấp dẫn nhất mới bắt đầu chờ bạn phía trước, đặc biệt là những ai yêu thích các bộ phim Terminator. Mọi thứ, từ cái không khí đặc trưng cho đến âm thanh tiếng động đều mang đến một cảm giác rất quen thuộc từ phim.

Lối chơi của Terminator: Resistance không có điểm gì sáng tạo, nhưng lại là sự kết hợp tốt hơn mong đợi của nhiều cơ chế gameplay “cũ người mới ta”, tạo nên một trải nghiệm khá hấp dẫn. Thế giới trong game khá rộng lớn nhưng không mở mà hơi tuyến tính. Dù vậy, cách thiết kế màn chơi đặc trưng vẫn mang đến cho người chơi không gian khám phá khá tự do và thỏa mãn. Đó là chưa kể đến cái không khí trong game được tạo dựng rất phù hợp cho trải nghiệmm, luôn mang cảm giác quen thuộc với hai phần phim nói trên. Tuy nhiên, bạn đừng quên thu thập nguyên liệu chế đồ được đặt rải rác lẫn giấu kín trong màn chơi.

Terminator: Resistance có độ khó mặc định không cao và thường khá hào phóng trong việc cung cấp cho người chơi các nhu yếu phẩm quan trọng như đạn dược và túi cứu thương để hồi máu. Nếu chịu khám phá hoặc làm nhiệm vụ phụ, bạn có thể tìm thấy rất nhiều địa điểm đặt workbench chế đồ, gần như cần là có nên không gây nhiều khó khăn, trừ khi bạn bắn quá tệ thì “toang”. Trải nghiệm game cũng được phân bổ khá tốt thời lượng chơi. Trong phần lớn thời gian, bạn sẽ di chuyển giữa các khu vực hao hao nhau với sự trợ giúp của bản đồ để thực hiện các nhiệm vụ chính và phụ, mục đích chủ yếu là tìm kiếm nguyên liệu chế đồ và chip Skynet để nâng cấp súng.

Xen lẫn với những đoạn lang thang khắp nơi, tà tà tiêu diệt kẻ thù nói trên là các màn chơi đấu súng với lũ người máy của Skynet kịch tính và căng thẳng hơn. Nhà phát triển chăm chút game khá kỹ, nên trải nghiệm rất hiếm khi trở nên nhàm chán trừ lúc khởi đầu. Trò chơi cũng bổ sung một số cơ chế như bẻ khóa hay hack các thiết bị, thậm chí là hành động lén lút để giữ trải nghiệm luôn tươi mới, trao cho người chơi cảm giác tự do tự tung tự tác khá thú vị. Khả năng nâng cấp vũ khí đa dạng, nhưng số lượng Skynet Chip cho mục đích này quá nhiều khiến tôi cảm thấy hơi phiền phức mỗi khi cần “tăng damage” cho súng.

Số lượng súng cũng không ngoại lệ, đa dạng đủ xài nhưng một số vũ khí rất mau “lỗi thời”. Đơn cử như khẩu Pistol và Uzi chỉ sau khoảng hai tiếng đầu trải nghiệm là xem như vô dụng luôn, không còn cần dùng tới khi đã có khẩu plasma và các loại vũ khí mạnh hơn. Cảm giác rất giống lối thiết kế kinh điển của dòng game FPS ngày xưa, mang nhiều cảm giác hoài cổ “có mới nới cũ” quen thuộc. Điểm trừ nhỏ là các pha đối đầu nếu xét về độ giật của súng thì có lẽ không thật lắm, nhưng cũng không đến mức đáng chỉ trích. Ngược lại, phần xử lý âm thanh các loại súng và nhạc nền khá tuyệt vời, mang nhiều cảm giác hoài cổ từ phim.

Kẻ thù có lẽ không cần phải nói, vì mang cảm giác rất tương đồng với thiết kế trong phim dù có thêm một số người máy mới. AI của bọn người máy tuy chỉ ở mức trung bình, nhưng nếu bạn sơ suất để chúng phát hiện thì cuộc chiến khi đó “bao phê”, sơ sẩy cũng “restart checkpoint” như chơi. Tương tự, hệ thống kỹ năng chỉ ở mức cơ bản, nhưng kỹ năng nào cũng hết sức hữu dụng trong trải nghiệm, ít nhiều đều buộc người chơi phải suy nghĩ cẩn thận trước khi mở khóa một kỹ năng nào đó. Bên cạnh đó, các lựa chọn hội thoại dẫn đến kết cục khác nhau cũng là một điểm cộng khác trong thiết kế game của nhà phát triển Teyon.

Sau cuối, Terminator: Resistance mang đến một trải nghiệm FPS thân quen và tuyệt vời nếu bạn yêu thích hai phần phim Terminator và Terminator 2: Judgment Day của đạo diễn James Cameron. Điểm trừ đáng tiếc của trò chơi có lẽ là chất lượng đồ họa nhìn như được phát triển từ nhiều năm về trước, cùng với biểu cảm của các nhân vật có gì đó sai sai, nhất là khi phân cảnh lãng mạn giữa hai nhân vật diễn ra. Tuy nhiên, nếu bạn không phải “fan cứng” của phim Terminator, trải nghiệm game có thể kém hấp dẫn hơn. Dù thế, đây vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc ngay cả trong trường hợp này.

Terminator: Resistance được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

[text-blocks id=”game-box”]

Exit mobile version