Tears of Avia là game nhập vai chiến đấu theo lượt khá thuần khiết của thể loại này với phong cách đồ họa anime và không đặt nặng tính chiến thuật.
Tears of Avia có cốt truyện mở đầu khá hào hứng lấy bối cảnh thế giới Estera xinh đẹp. Thế nhưng, đây không phải là tập trung của trò chơi. Nội dung game xoay quanh nhân vật điều khiển do bạn lựa chọn giữa 5 nhân vật ban đầu. Trải qua nhiệm vụ đầu tiên mang tính hướng dẫn gameplay cơ bản, người chơi biết đến Tears với sức mạnh bí ẩn và khái niệm Seeker, chỉ những người có mối liên quan mật thiết với tinh thể nói trên. Tương truyền họ có khả năng mở cánh cổng nối quỷ giới mà nhiều đối tượng cũng đang tìm kiếm.
Kỳ thực, cốt truyện của Tears of Avia khá nhạt nhòa và chỉ là phương tiện để đưa người chơi đến với các cuộc chiến trong trải nghiệm game. Thậm chí, nhà phát triển CooCooSqueaky Games cũng chẳng cố gắng hợp thức hóa cuộc gặp gỡ của 5 nhân vật nói trên khi họ gia nhập party. Người chơi chỉ vô tình đụng độ các nhân vật còn lại và quyết định có nhận sự giúp đỡ của họ hay không. Tuy nhiên, đây chỉ là nhân vật mở đầu chứ kỳ thực có đến 16 nhân vật điều khiển mà bạn sẽ mở khóa trong suốt trải nghiệm về sau.
Các nhân vật này được chia thành 5 lớp nhân vật khác nhau: Warrior, Brawler, Ranger, Mage và Healer. Mỗi lớp nhân vật lại có ba cây kỹ năng khác nhau mà bạn có thể thăng cấp bằng điểm kỹ năng nhận được khi thăng cấp trong chiến đấu. Mỗi kỹ năng lại còn có thể thăng cấp với vật phẩm nâng cấp mua trong shop. Tuy nhiên, nếu muốn ‘max’ tất cả thì bạn phải cày cuốc khá nhiều. Đáng chú ý, mỗi vũ khí đều có kỹ năng riêng hao tốn SP khi sử dụng, nhưng đều khá hữu ích trong các tình huống chiến đấu.
Về cơ bản, Tears of Avia sở hữu hệ thống chiến đấu theo lượt. Cốt truyện chỉ là bình phong để dẫn dắt người chơi kéo party lên đến 5 nhân vật đi chiến đấu ở các hang động mà thôi. Lựa chọn thiết kế này khiến tôi cảm thấy hơi tiếc cho các công trình kiến trúc mà đội ngũ phát triển xây dựng nên các thành phố. Những nơi này chỉ là cầu nối cho các hoạt động mua bán vật phẩm phục vụ mục đích chiến đấu của người chơi. Thế nhưng, trải nghiệm chiến đấu cũng không có nhiều khác biệt so với những tựa game cùng thể loại khác.
Chiến trường trong Tears of Avia thường diễn ra ở khu vực tương đối nhỏ. Cuộc chiến cũng không có tính chiến thuật để thỏa mãn những ai đã trải nghiệm lâu năm thể loại này. Ở thiết lập độ khó Normal, kẻ thù thường quá yếu để có thể làm khó người chơi. Thậm chí, bạn còn có thể chỉ sử dụng một nhân vật “cân” tất cả kẻ thù. Chế độ Hardcore thì kẻ thù mạnh hơn và có thêm yếu tố môi trường gây tác động đến đôi bên, nhưng nếu người chơi để nhân vật thiệt mạng thì lại là vấn đề rất nghiêm trọng.
Thú vị nhất là hệ thống “ước gì được nấy”. Kỳ thực là bạn cúng vàng để nhận sủng ái của các vị thần nhằm tăng chỉ số nào đó cho nhân vật. Các chỉ số “xin xỏ” này đều có liên quan mật thiết với nhau nhưng bạn không bao giờ có được nhân vật vô đối. Về cơ bản, khi người chơi cúng vàng cho thần này thì những vị còn lại sẽ lập tức có ác cảm. Nếu bạn tăng chỉ số từ vị thần này thì sẽ giảm chỉ số từ vị thần khác. Vấn đề là người chơi có cần đến những sủng ái này không khi mà thiết lập Normal có phần quá dễ?
Mặt khác, giá trị chơi lại của Tears of Avia nằm ở hệ thống chiến trường với có ba thử thách khác nhau. Bạn không nhất thiết phải thực hiện những thử thách này, nhưng hoàn thành chúng sẽ mang đến phần thường ngon hơn. Người chơi cũng không nhất thiết phải hoàn thành ba thử thách cùng một lúc mà bạn có thể chơi đi chơi lại thành nhiều lần. Tuy nhiên, phần lớn những thử thách này thường không thể thực hiện ở lần đầu trải nghiệm, bạn chỉ có thể hoàn tất trong những lần chinh chiến về sau khi các nhân vật mạnh hơn.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Tears of Avia là nhịp độ game vô cùng lề mề, nhiều khi biến thành sự thử thách lòng kiên nhẫn của người chơi từ cốt truyện đến các trận đánh lớn khi số lượng kẻ thù đông đảo. Không những thế, các thành phố trong game cũng thiếu sinh khí. Mặc dù NPC không tới nỗi ít nhưng người chơi chỉ có thể tương tác với các nhân vật trong party hoặc chủ shop, số còn lại đều không thể tương tác. Tương tự, đồ họa 3D với tạo hình nhân vật kiểu anime nhìn cũng đáng yêu nhưng không tạo được điểm nhấn riêng.
Một điểm trừ “nhỏ như con thỏ” nhưng không thể không đề cập đến là Tears of Avia có giao diện game và menu tùy biến nhân vật rất xấu. Đã vậy còn không có những tính năng giúp trải nghiệm thuận tiện hơn như thường thấy. Chẳng hạn xoay vòng lựa chọn thay vì chỉ có thể chuyển lựa chọn qua trái hoặc qua phải. Ngược lại, điểm cộng lớn nhất của trò chơi là nhạc nền rất “chất”, vừa có hồn vừa có giai điệu mang đậm dấu ấn riêng. Mỗi thành phố đều có bản nhạc riêng và tôi đặc biệt thích bài nhạc chủ đề của trò chơi.
Sau cuối, Tears of Avia mang đến một trải nghiệm nhập vai chiến thuật đơn giản, có phần phù hợp với người chơi casual hơn là hardcore. Nếu bạn thích trải nghiệm game thiên về chiến trận hoặc mới làm quen với thể loại này, đây có thể là cái tên khá đáng cân nhắc.
Tears of Avia hiện có cho PC (Windows, macOS) và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox One.