Đánh giá game Tamarin

Đăng bởi: Ngày: 13/09/2020

Tamarin là game phiêu lưu hành động với tạo hình nhân vật chính “siêu cute”, mang nhiều cảm giác ‘old-school’ trong thiết kế. Đây cũng là lý do tôi đưa tựa game này vào tầm ngắm khi biết về nó từ năm ngoái. Lý do khác là vì đội ngũ phát triển của trò chơi là những tên tuổi đã làm nên thành công của series Banjo-Kazooie kinh điển mà tôi rất thích. Không lâu sau khi công bố, nhà phát triển chơi trò mất tích và gần như không có cập nhật trong suốt một năm qua cho đến khi lặng lẽ phát hành cách đây không lâu.

Có thể bạn đã biết Tamarin là một loài khỉ chỉ nhỏ bằng con sóc, phân bổ ở phía nam Trung Mỹ đến phía tây bắc Colombia, lưu vực sông Amazon và Guianas. Chúng sinh sống trên cây ở các rừng mưa nhiệt đới, thường sống theo nhóm gồm một hoặc nhiều gia đình với khoảng từ 3 đến 9 con. Như bạn có thể đoán ra, nhân vật chính của game là bé khỉ Tamarin. Khi cả gia đình đang sống yên bình trong rừng, lũ kiến xấu xa bất ngờ kéo tới tàn phá và giết hại tất cả, dẫn đến cái kết là trải nghiệm của người chơi.

Một trong những điểm cộng lớn nhất của Tamarin là thiết kế màn chơi thông nhau. Mỗi lối đi mà người chơi mở khóa được đều giúp việc di chuyển giữa các khu vực được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trò chơi không phải là cuộc phiêu lưu đi cảnh 3D thuần túy như Yooka-Laylee mà tham lam hơn, mở rộng thêm yếu tố hành động bắn súng vào game. Các hoạt động này sẽ diễn ra xen kẽ trong suốt trải nghiệm. Trong đó, nhân vật nhím sẽ là nhân tố chính trong việc mở khóa các yếu tố môi trường hỗ trợ cho trải nghiệm của người chơi.

Nếu ở ngoài đời, bạn nhím có lẽ đã trở thành “nhân vật chính” trong một chuyên án điều tra. Bạn này không mê gì ngoài những vật phẩm đo đỏ thay cho tiền tệ, dùng để trao đổi từ súng cho đến mở khóa yếu tố môi trường như đệm nhún, hoa vô đối cho đến những thứ giúp người chơi tiếp cận khu vực mới. Kỳ thực, súng cũng không nhất thiết là công cụ giết kiến trong Tamarin. Bạn cần chúng để mở cánh cửa nối các khu vực thông nhau nói trên, đồng thời tự vệ trước những kẻ thù khổng lồ ngăn đường cản lối.

Đánh giá game Tamarin

Mặc dù sở hữu một số cơ chế gameplay khác biệt, nhưng lối chơi của Tamarin có nhiều nét tương đồng Yooka-Laylee vì tập trung vào yếu tố thu thập. Trong đó, thay vì thu thập Pagie thì người chơi thu thập đom đóm để mở khóa khu vực mới và chim xanh để được nhận thưởng đom đóm. Mỗi loại thu thập đều có thử thách riêng nhưng đều không quá phức tạp khiến bạn kêu trời. Đơn cử như đom đom có nhiều cách để thu thập. Bạn có thể “giải đố” khi bật một công tắc nào đó hoặc vô tình tìm được chúng lang thang trên đường.

Tôi để giải đố trong ngoặc kép là vì cách thiết kế mang tính đánh đố một cách khó chịu. Chẳng hạn bật công tắc sẽ xuất hiện đom đom ở vị trí nào đó mà bạn không thể biết chắc cùng bộ đếm giờ. Người chơi phải đi tìm quanh quẩn trong khu vực đó, dựa trên một số hình ảnh thoáng hiện khi bật công tắc để thu thập. Nếu không tìm thấy trong thời gian giới hạn, bạn phải bật lại công tắc và chúc may mắn lần sau. Tuy nhiên, ngay cả khi người chơi tìm được vị trí đánh đố đó, đom đóm cũng có thể chạy mất và cuộc đi cảnh truy đuổi diễn ra.

Vấn đề ở chỗ, Tamarin là cái tên mới nhất quay về với trào lưu thiết kế game đi cảnh 3D hồi thập niên 90. Điều đó có nghĩa là trải nghiệm game không có bản đồ, khiến người chơi rất dễ đi lạc vô vọng trong không gian màn chơi rộng lớn. Ức chế nhất là thiết kế màn chơi mang cảm giác hao hao nhau, nên rất khó phân biệt giữa các vị trí với những ai có “não cá vàng” như tôi. Nhà phát triển còn làm khó người chơi bằng những tấm biển chỉ dẫn địa danh nhỏ xíu, đòi hỏi bạn phải lại gần tương tác và hầu như chẳng giúp ích được gì.

Không những thế, Tamarin còn khiến tôi cảm thấy ức chế với cơ chế nhảy của nhân vật. Về cơ bản, nhân vật chính không có gì khác biệt về hành động cơ bản so với nhiều tựa game cùng thể loại. Cũng nhảy, lăn tròn và nhảy lộn ngược, không tạo sự khác biệt với những cái tên kinh điển ngày xưa. Trò chơi còn có thêm kiểu nhảy xa, đòi hỏi người chơi phải tương tác bấm nút khi mũi tên chỉ dẫn xuất hiện. Vấn đề ở chỗ, cơ chế này thường làm gián đoạn trải nghiệm, khiến tôi hay vô tình bỏ lỡ cơ hội và để nhân vật “lọt hố” khá bực mình.

Các thao tác nhảy cũng không “ngon lành cành đào” vì cảm giác khó kiểm soát hành động của nhân vật, nhất là trong những tình huống “em sai rồi, anh xin lỗi em đi” như khi rơi xuống nước. Khía cạnh bắn súng cũng không khá hơn với độ chính xác khá thấp, đặc biệt là súng máy. Bắn thì nhiều mà trúng chẳng bao nhiêu, lại khó biết rõ đối phương trúng đạn hay chưa. Tôi thường gặp ức chế nhiều nhất là những phân đoạn phải bắn một bầy chim để mở cửa. Cảm giác như hồng tâm cứ “lạc trôi” so với điểm nhắm của người chơi.

Đánh giá game Tamarin

Tuy nhiên, khó chịu nhất là cách xây dựng “dừng lại đây thôi” để tách biệt giữa hai trải nghiệm đi cảnh và bắn súng. Ở những phân cảnh chiến đấu, người chơi sẽ mất các kỹ năng đi cảnh và thay bằng các loại vũ khí mà bạn đã mở khóa được. Thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp những bé thú cần phải giải cứu nhưng nếu hành động chậm trễ, người chơi sẽ phải chơi từ đầu màn và bắt đầu lại “chiến dịch giải cứu” nói trên. Vấn đề ở chỗ, vị trí nhân vật giải cứu thường khá bất công vì rất dễ xảy ra tình trạng “súng cướp cò” đầy ức chế.

Một điểm trừ cũng không hề “nhỏ như con thỏ” là vị trí đặt checkpoint thường quá xa nhau. Tuy không thuộc loại khó, nhưng nếu lâm vào tình huống “em lỡ thôi à” trong những phân đoạn bắn súng khiến nhân vật bỏ mạng, bạn phải chơi lại một quãng đường khá mất thời gian. Vấn đề khiến tôi kém hào hứng nhất là do trải nghiệm bắn súng khá nặng tính lặp lại và kém hấp dẫn, nên việc phải chơi lại những phân đoạn này vì sai sót nhất thời, nhiều lúc mang cảm giác như cực hình vì yếu tố trừng phạt quá cao.

Chất lượng đồ họa trong Tamarin cũng để lại cho tôi cảm giác trái chiều. Một mặt, nhân vật điều khiển “cu-te-phô-mai-que” là điều không cần bàn cãi, nhưng tạo hình kẻ thù lại không đa dạng và thường tạo cảm giác như được thay màu cho khác biệt hơn. Hiệu ứng ánh sáng được xử lý rất tốt, trong khi môi trường màn chơi lại không có sự tương đồng về chất lượng. Nhà phát triển Chameleon Games dường chỉ chăm chút hình ảnh cho những gì có thể tương tác, còn mọi thứ tĩnh trong thế giới game đều nhìn kém hơn hẳn.

Chưa kể, góc nhìn camera nhiều lúc làm tôi phát nản khi cứ liên tục quay về khung hình mặc định, ngay sau khi bạn điều chỉnh để có tầm nhìn tốt hơn trong trải nghiệm game. Việc thiếu vắng phần tutorial cũng là một điểm trừ không nhỏ đối với nhiều người chơi, nhất là khi Tamarin có rất nhiều vật phẩm thu thập mà bạn không hề biết công dụng của chúng. Tuy trải nghiệm game đặc trưng gợi nhớ đến cái tên Jet Force Gemini kinh điển vào cuối thập niên 90, nhưng lại sở hữu nhiều điểm trừ đáng tiếc trong thiết kế game.

Đánh giá game Tamarin

Sau cuối, Tamarin mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động để lại cảm giác khá trái chiều. Trò chơi gợi nhiều cảm giác hoài cổ trong thiết kế cơ chế gameplay, khiến nó khó lòng tiếp cận nhiều đối tượng người chơi nhất là những ai quen lối chơi cầm tay chỉ việc. Mặc dù vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng đây là cái tên đáng chú ý nếu bạn muốn tìm kiếm trải nghiệm phiêu lưu hành động có thời lượng ngắn và không quá thử thách. Thế nhưng nếu không thuộc “người chơi tiềm năng” nói trên, trải nghiệm game có thể không dành cho bạn.

Tamarin hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4. Bản Xbox One sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Tamarin
Tamarin
Developer: Chameleon Games
Price: $ 8.99

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.