Môi trường mạng hiện nay không còn an toàn cho trẻ nếu cha mẹ không kiểm soát chặt chẽ khi số liệu cho thấy 50% vụ mua bán trẻ em xuất phát từ thông tin trên mạng.
Khi điện thoại thông minh, máy tính ngày càng phát triển, trẻ em tiếp tục nghiện điện thoại, nghiện mạng xã hội, song song đó tìm hiểu những thông tin về tình dục, bạo lực,… không chọn lọc, không phù hợp.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, tại Việt Nam, 80% người dân không có kỹ năng chia sẻ thông tin và thông tin cá nhân, không có kỹ năng bảo vệ con em của mình trước môi trường mạng, 50% vụ mua bán trẻ em xuất phát từ thông tin trên mạng.
Chứng nghiện trò chơi trực tuyến ở trẻ em xuất hiện từ khá lâu, ngót nghét cũng gần 15 năm. Khi đó, điều kiện sở hữu máy vi tính, smartphone còn hạn chế nên trẻ em ra tiệm Internet để chơi game khá phổ biến.
Vềsau này, điều kiện sở hữu thiết bị di động đã trong tầm tay của đại bộ phân người dân do giá thành thiết bị ngày càng thấp. Việc tiếp cận Intrent, mạng xã hội theo đó cũng trở nên dễ dàng và đơn giản hơn với người dùng, trong số đó có không ít trẻ em.
Việc tiếp cận này khi chưa được trang bị kỹ năng khiến trẻ tiết lộ đời sống riêng tư một cách vô tình hay hữu ý. Việc tiết lộ này là cơ hội cho những đối tượng xấu theo dõi tâm lý, hành vi của các em để lợi dụng vào mục đích bạo lực, tình dục, thậm chí bắt cóc trẻ.
“Khi trẻ em cầm trên tay chiếc điện thoại, tất cả hàng rào bảo vệ đều vô hiệu, nên lúc này sự hướng dẫn của cha mẹ mới là quan trọng. Cha mẹ không nên xâm phạm đời tư của trẻ bằng cách kiểm tra điện thoại, theo dõi truy cập, hãy chỉ cho trẻ cách chọn lọc thông tin”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng ý kiến, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững cho rằng, trẻ em ngày nay được sinh ra trong thời buổi công nghệ. Các em là những công dân số, chúng ta không nên cấm trẻ quyền tiếp cận nhưng hãy quan tâm đến việc trao quyền và bảo vệ trẻ khi trẻ tiếp cận môi trường mạng.