Tactics Ogre: Reborn là bản làm lại lần thứ hai của game nhập vai chiến thuật kinh điển Tactics Ogre: Let Us Cling Together từ thời Super Famicom ngày xưa, tiếp nối sau bản làm lại đầu tiên cho nền tảng máy chơi game cầm tay PlayStation Portable cách đây hơn 20 năm tính đến thời điểm bài viết. Nguyên bản game là phần chơi thứ hai trong series Ogre Battle, đồng thời cũng là tiền thân của game nhập vai chiến thuật kinh điển Final Fantasy Tactics ra mắt vào năm 1997 và đều do ông Matsuno Yasumi chấp bút kịch bản lẫn chỉ đạo.
Chính vì vậy mà bạn đừng ngạc nhiên khi cả hai trò chơi có nhiều nét tương đồng trong cơ chế gameplay. Khác biệt lớn nhất là bối cảnh và dàn nhân vật điều khiển. Tuy nhiên, bản chuyển ngữ sử dụng Tactics Ogre: Reborn được lấy từ bản làm lại Let Us Cling Together cho PlayStation Portable, nên tên nhân vật và nhiều danh từ riêng hơi khác bản quốc tế được chuyển nền lên PlayStation thông dụng hơn. Trải nghiệm game vẫn đưa người chơi đến với quần đảo Valeria khi cuộc nội chiến đang diễn ra.
Sau thời gian dài thịnh vượng và sống trong hòa bình, sự kiện nhà vua băng hà biến nơi đây thành vùng chiến sự của ba phe: Bakram, Galgastani và Walister. Trong vai thanh niên Denam người Walister, bạn phải đưa ra những quyết định làm xoay chuyển câu chuyện kể. Tùy vào lựa chọn của người chơi mà vận mệnh của Denam và các nhân vật khác được định đoạt. Kỳ thực, đề tài trong câu chuyện kể của Tactics Ogre: Reborn khá nặng nề. Những quyết định mà bạn phải đưa ra cũng không hề dễ dàng khi gián tiếp dẫn đến những kết cục khác nhau.
Tất nhiên, Denam không hề đơn độc trong cuộc chiến khi còn có sự ủng hộ của người bạn thời thơ ấu Vyce, cô em gái Catiua và nhiều nhân vật khác trong suốt cuộc hành trình dài. Thế nhưng, đằng sau đó còn là những âm mưu chính trị đen tối đang chờ bạn khám phá thông qua trải nghiệm game. Điểm cộng đầu tiên của Tactics Ogre: Reborn là cốt truyện phân nhánh cộng với những nút thắt đầy kịch tính bất ngờ, góp phần không nhỏ giúp mang lại giá trị chơi lại khá cao cho game dù là nguyên bản hay các bản làm lại.
Thú vị hơn, Tactics Ogre: Reborn còn cho phép bạn quay ngược những khoảnh khắc cốt truyện quan trọng trước đó, thay đổi quyết định ban đầu và chuyển sang phân nhánh câu chuyện kể mới. Ngược lại, cách mở đầu câu chuyện của trò chơi gây khó hiểu, không có sự giới thiệu có lớp có lang mà nhảy thẳng vào giữa bối cảnh cốt truyện. Đó là chưa kể nhạc nền xuất sắc được làm mới trong bản làm lại này, cộng với phần lồng tiếng cả Anh ngữ và Nhật ngữ vốn không hề có trong nguyên bản và bản làm lại cho PlayStation Portable.
Tuy nhiên, nếu người viết nhớ không lầm thì bản chuyển nền cho Sega Saturn mà tôi từng chơi có phần lồng tiếng Nhật, dù không đầy đủ như Tactics Ogre: Reborn mà chỉ một số phân đoạn nhất định. Mặc dù vậy, cả hai phần lồng tiếng chỉ dừng ở mức ổn chứ không xuất sắc và gợi chút cảm giác hoài cổ. Người viết chỉ không biết đây là chủ ý của nhà phát triển khi chọn giọng diễn viên lồng tiếng hay là vô tình trùng hợp “đúng người đúng thời điểm”. Dù vậy, đó là lựa chọn khá thú vị cho bản làm lại của một game từ thập niên 90.
Ở góc độ người chơi, Tactics Ogre: Reborn khá trung thành với nguyên bản khi mang nhiều cảm giác quen thuộc. Từ đồ họa nhìn hơi cũ kỹ, cho tới hệ thống chiến đấu khá truyền thống trong các game nhập vai chiến thuật đương thời. Trò chơi không có các cơ chế gameplay như mối quan hệ gây ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ của các nhân vật hay trò xếp chồng nhân vật đầy hài hước như Disgaea 6. Thế nhưng, thiếu những cơ chế đó không hề khiến cuộc chiến trong game trở nên kém hấp dẫn nếu không nói là ngược lại: đầy hào hứng và cuốn hút.
Địa hình đóng vai trò khá quan trọng trong chiến thuật của người chơi. Chẳng hạn, bắn tên đến kẻ thù ở vị trí cao hơn nhân vật trong party có thể dẫn tới những hệ quả như tên bay không tới và lao vào địa hình bên dưới kẻ thù. Thậm chí tệ hơn là trúng vào đồng đội đang đứng lớ ngớ giữa đường. Yếu tố thuộc tính cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong chiến trận, đòi hỏi người chơi phải tính toán và khai thác triệt để nhằm tạo lợi thế cho phe ta. Đáng chú ý, tính thử thách khá cao trong game nguyên bản có sự điều chỉnh thú vị.
Cụ thể, Tactics Ogre: Reborn bổ sung tính năng mới Chariot Tarot, cho phép người chơi có thể quay ngược lại các lượt đi trước đó nếu bạn cảm thấy bế tắc với chiến thuật hiện tại. Thú vị hơn, sự “quay ngược thời gian” này còn tạo dòng thời gian mới, giúp bạn dễ dàng quay lại dòng thời gian cũ ban đầu. Tuy không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề, nhưng ít nhất nó cũng phần nào giúp điều chỉnh tính thử thách vốn khá cao trong trải nghiệm đặc trưng của game gốc so với bản làm lại này.
Đáng nói, nhiều tính năng mới trong Tactics Ogre: Reborn dường như được đưa vào nhằm giảm tính thử thách của game nguyên bản. Đơn cử tính năng Buff Card xuất hiện ngẫu nhiên những thẻ buff cho nhân vật thu thập trên chiến trường, mang tới lợi thế hơn về chỉ số cho nhân vật đó đến hết trận đấu. Tuy người chơi phải điều động nhân vật đi thu thập thẻ để hưởng lợi, nhưng không thể phủ nhận những thẻ buff này có thể gây xáo trộn trận đấu, nhất là khi kẻ thù cũng có thể nhận được buff tương tự khiến chúng mạnh hơn rất nhiều.
Vấn đề ở chỗ, nếu như Chariot Tarot là sự lựa chọn của người dùng khi sử dụng hoặc không sử dụng tính năng này, Buff Card lại không cho bạn quyết định tương tự. Nếu không dùng, kẻ thù vẫn có thể sử dụng, gây bất lợi cho người chơi trong trận chiến và không có cách nào để vô hiệu hóa tính năng này. Một thay đổi đáng chú ý khác là Tactics Ogre: Reborn loại bỏ các trận chiến ngẫu nhiên trong game gốc. Người chơi có thể cày cho nhân vật thủ công theo cách khác nhưng bị giới hạn bởi cấp độ của party.
Đây là giải pháp để hạn chế người chơi chăm chỉ cày cuốc khiến nhân vật trở nên quá mạnh. Thay vào đó, Tactics Ogre: Reborn bổ sung cơ chế mới gọi là Union Level. Cơ chế này giới hạn cấp độ tối đa của nhân vật theo party thay vì theo nhân vật và chỉ được mở khóa tăng dần theo cốt truyện. Thiết kế này tuy giúp nhà phát triển kiểm soát được độ khó của các trận chiến trong trải nghiệm game, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi có thể khiến chiến trận trở nên thử thách hơn không cần thiết với một số người chơi.
Một khác biệt đáng chú ý khác là Tactics Ogre: Reborn loại bỏ hệ thống lớp nhân vật và thay vào đó là sử dụng vật phẩm để đổi sang lớp nhân vật khác, giảm thời lượng cày cuốc so với nguyên bản rất nhiều. Trong bản làm lại Tactics Ogre: Let Us Cling Together cho PlayStation Portable, người chơi phải cày cuốc từ đầu cho mỗi lớp nhân vật mới. Với bản Reborn, người chơi dễ dàng đổi sang lớp nhân vật khác với cấp độ của nhân vật vẫn giữ nguyên và kỹ năng riêng tương ứng với cấp độ lớp nhân vật cũng được mở khóa ngay lập tức.
Kỳ thực, tôi có cảm giác bản làm lại Tactics Ogre: Reborn hướng đến người chơi mới nhiều hơn và giúp trải nghiệm game dễ tiếp cận với số đông hơn. Chẳng hạn, bạn sợ phạm sai lầm trong việc đưa ra quyết định thì đã có Chariot Tarot lo, muốn tăng nhịp độ trận chiến thì chỉ cần bấm nút High-Speed Mode là xong. Vấn đề ở chỗ do trải nghiệm đặc trưng, trận chiến trong game có sự xuất hiện của rất nhiều nhân vật, đến mức việc triển khai chiến thuật đôi lúc cũng không cần thiết vì quân ta quá đông, chỉ cần đánh hội đồng kẻ thù là thắng chắc.
Mặt khác, phần đại tu hình ảnh của Tactics Ogre: Reborn để lại cảm giác khá trái chiều khi nhà phát triển không sử dụng công nghệ HD-2D như Triangle Strategy. Môi trường trong trận chiến tuy chi tiết, nhưng không tránh khỏi cảm giác nó được mặc định phủ bộ lọc hình ảnh lên sprite từ bản làm lại cho PlayStation Portable để tạo cảm giác hoài cổ. Đó là chưa kể asset được tái sử dụng rất nhiều, khiến không ít chi tiết trông cứ hao hao nhau. Dù vậy, không thể phủ nhận artwork và tạo hình các nhân vật vẫn có dấu ấn rất riêng.
Sau cuối, Tactics Ogre: Reborn mang đến một trải nghiệm nhập vai chiến thuật đầy hào hứng khi vừa giữ được cảm giác hoài cổ của game gốc, vừa bổ sung và điều chỉnh các cơ chế gameplay giúp game thân thiện với người chơi mới hơn. Tuy vẫn còn chút thiếu sót khi không thể làm hài lòng tất cả, nhưng đây vẫn cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn, nhất là những ai yêu thích thể loại này nói chung và series Ogre Battle kinh điển nói riêng.
Tactics Ogre: Reborn hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!