Tháng 9 vừa qua Microsoft công bố Surface Book, và ngay lập tức mẫu máy tính này nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới công nghệ lẫn người tiêu dùng. Thế nhưng bạn có biết rằng để đạt được tiếng tăm như ngày hôm nay, Panos Panay cùng những đồng sự trong đội phụ trách sản phẩm Surface phải dành rất nhiều thời gian và tâm huyết của mình hay không? Hãy đọc câu chuyện được biết bởi David Pierce, biên tập biên của Wired dưới đây…
(Panos Panay)
Sản phẩm muộn màng
Trong gần như toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của mình, Microsoft không chế tạo máy vi tính. Bởi hãng không cần chế tạo, phần mềm của hãng được cài đặt trên phần lớn thiết bị trên toàn thế giới rồi. Nhưng vào những năm 2000, nhu cầu của người sử dụng bắt đầu chuyển hướng sang dạng sản phẩm có tính tích hợp cao hơn. Họ muốn những mẫu máy tính được thiết kế chuyên biệt cho phần mềm của mình, và phần mềm ấy phải làm cho thiết bị của họ hoạt động tốt hơn. Apple có cả đơn vị chế tạo phần cứng lẫn phần mềm, và cho phép hãng này đạt được thành quả mà Microsoft không với tới được.
Khi được công bố vào năm 2012, Windows 8 hứa hẹn sẽ mang đến một loại thiết bị mới, và Microsoft dự định sẽ chế tạo một sản phẩm tốt nhất. Panay và đội của mình đến nhiều cửa hàng và hỏi nhân viên bán hàng rằng họ nên mua cái gì, và thường được hỏi lại rằng các anh chị dự định sẽ làm gì với thiết bị đó? Với một vài trường hợp, máy tính bảng là lựa chọn hoàn hảo, nhưng với một vài trường hợp khác, bạn sẽ cần một chiếc máy tính xách tay. Panay nhận ra rằng thay thế hai thiết bị kể trên bằng một thiết bị “hai trong một” là một cơ hội kiếm tiền.
Những mẫu máy tính lai Surface đầu tiên không được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, và doanh số èo uột khiến cho Microsoft mất đến 900 triệu đô la tài sản. Nhưng Panay vẫn tiếp tục. Khi Surface Pro 3 ra mắt vào năm 2014, thông điệp tiếp thị cũng được thay đổi – “chiếc máy tính bảng thay thế máy tính xách tay của bạn”, và đồng thời Microsoft cũng định hướng cho mẫu thiết bị này đối đầu với MacBook Air thay vì iPad. Doanh số, mức độ hài lòng và lợi nhuận đều tăng.
Kể cả khi đã tạm rút khỏi “mặt trận máy tính bảng”, đội Surface lại tiếp tục quan sát xung quanh. “Tôi nghĩ ngợi liên tục về một thiết bị cao cấp”, Panay nói, “và nhìn thẳng vào đối thủ Apple của mình”. Ông hoàn toàn biết cách đối đầu với MacBook Air, song còn MacBook Pro thì sao? Thành viên trong đội nói chuyện với rất nhiều người, tìm hiểu lý do họ yêu thích chiếc máy vi tính của mình, ghi chép lại và hệ thống các ý tưởng cho thiết bị Surface kế tiếp.
Panay nhận thấy một điều, mọi người điều liên tục hỏi ông rằng, “Thế khi nào thì anh định chế tạo một chiếc máy tính xách tay đây?”. Cuối cùng họ quyết định chế tạo máy tính xách tay, nhưng phải là một thiết bị vừa có tính ứng dụng cao, mà lại vừa thật sự mới mẻ.
Thiết kế
Khi đội bắt đầu thảo luận về việc họ có thể làm gì với một chiếc máy tính xách tay, kế hoạch được vạch ra và được tiến hành một cách nhanh chóng. Mẫu máy đó phải có thiết kế tốt nhất, cấu hình mạnh nhất, một chiếc máy tính xách tay ấn tượng nhất mà bạn từng thấy. “Đó là cơ sở ban đầu”, Panay nói, “tôi muốn bất cứ ai khi nhìn vào sản phẩm này đều nói rằng, đây rồi, ơn giời nó đây rồi, đây là cái máy tính mà tôi mong ước”.
Panay đứng trước một chiếc bàn dài màu đen trong xưởng thiết kế. Ông đặt lên bàn một trong những mẫu Surface Book thử nghiệm đầu tiên – đó là hai tấm bìa màu đen với hình vẽ, có thể mở ra và gập vào như một cuốn sách bìa cứng với một mẩu băng dính màu vàng đề dòng chữ “Surface”.
“Ralf (Groene, trưởng nhóm thiết kế Surface) bước vào phòng làm việc của tôi và nói, “Hãy làm máy tính xách tay”. Đây là thứ mà Ralf đem tới đầu tiên. Đại khái là anh ta nói, “Nó giống như cuốn sách”, còn tôi bảo, “kinh dị quá đấy”. Thế nhưng, nó trở thành hình ảnh ẩn dụ cho toàn bộ dự án – một cuốn sách”. Một trong hai “bản thử nghiệm” của Ralf Groene vẫn nằm trong phòng làm việc của Panay.
(Kait Schoeck)
“Tôi nghĩ đấy là một biểu tượng thật tuyệt để chúng tôi tham khảo”, nhà thiết kế công nghiệp của nhóm Surface, Kait Schoeck nói, “và bạn chỉ cần làm một chiếc máy tính xách tay tốt nhất có thể”.
Schoeck và Groene đều không chỉ dừng lại ở những phác họa, mà họ còn tạo ra những mẫu thử nghiệm cho tất cả những ý tưởng của họ. Có một mẫu thử nghiệm đầu tiên với hình dáng rất lạ lùng – Schoeck gọi đó là “cuốn sổ hình giọt nước”. Khi gập lại, hai phần hơi tách nhau ra một chút, giống như một cuốn tạp chí hay một cuốn sổ được cuộn lại. Thế nhưng cuối cùng họ lại gác lại ý tưởng ấy như nhiều ý tưởng khác, và chuyển sang một mẫu thử nghiệm khác. Họ tiếp tục công việc với tốc độ cao nhất, để chế tạo một mẫu máy tính xách tay tốt nhất mà họ có thể tưởng tượng ra.
“Và sau đó, chúng tôi tạm dừng lại”, Panay ngừng lại theo đúng nghĩa đen, giống như thể ông muốn làm câu chuyện trở nên sinh động hơn nữa. “Mấu chốt ở đây là gì?”. Đội Surface muốn thử tất cả, đào sâu vào tất cả mọi thể loại… và rồi làm bạn sốc với những thứ mà bạn chưa bao giờ nghĩ nó sẽ tồn tại. Một cái gì đó sẽ phải khác với truyền thống của Microsoft, khác với Surface, thứ đó không thể chỉ đơn thuần là một mẫu máy tính xách tay tuyệt vời, nó cần một thứ quan trọng khác.
“Và thứ đó là thứ rất đơn giản”, Panay nói, “và rồi”, ông lại ngừng lại, “biến hình”.
Biến hình
Hãy tưởng tượng một thiết bị đối lập với Surface Pro – nó gần như là một chiếc máy tính xách tay, với một số người nó luôn luôn là một chiếc máy tính xách tay, nhưng lại phải có tính năng như một chiếc máy tính bảng để phục vụ bạn khi cần.
Panay muốn gọi nó là “bìa kẹp hồ sơ”, một thứ mà bạn sẽ cầm theo khi cần dùng nó và khi có yêu cầu cụ thể. Giống như một kiến trúc sư cho khách hàng xem bản thiết kế, giống như một bác sĩ đem theo những phác đồ điều trị, hay giống như một người sắp đi ngủ vác một vài tài liệu lên giường để đọc. Thiết bị đó phải làm được những việc đó, và phải làm tốt việc đó, nhưng không được phép ảnh hưởng tới vai trò máy tính xách tay của mình.
Giấc mơ một mẫu “máy tính xách tay tối thượng” khiến cả đội buộc lòng phải quay lại bàn vẽ thiết kế. Họ cần chế tạo một mẫu máy tính xách tay với vẻ ngoài tuyệt vời, hỗ trợ cảm ứng và bút cảm ứng, cấu hình “hàng khủng”, và phải có cả chế độ máy tính bảng. Đó dường như là một bài toán không thể giải được.
“Nếu bạn cầm một chiếc máy tính bảng khoảng nửa cân lên trên”, Groene giải thích, “bạn sẽ cần phần đế nặng hơn một nửa cân ở dưới”. Một chiếc máy tính bảng mạnh cần hệ thống chân đế đủ nặng, và kết quả là một mẫu máy tính xách tay nặng nề không ai thích ra đời – trừ khi bạn có thể làm một điều “điên khùng” nào đó, ví dụ như chế tạo phần đế sao cho nó to hơn khi mở lên.
Mô hình “cuốn sổ hình giọt nước” là giải pháp cho vấn đề mà đội gặp phải. Khi bản lề hình tròn được mở ra, nó sẽ tăng diện tích của phần chân đế của chiếc máy tính xách tay, giúp chân đế trở nên chắc chắn hơn và giúp máy không bị lật ra phía sau. “Nó chắc chắn hơn”, Groene nói. Và nhẹ nữa, bớt đi được “vài trăm gram” trọng lượng của chiếc máy.
Khi đã tìm ra giải pháp để chiếc máy tính có thể tự mình đứng vững, đội lại tiếp tục tìm kiếm giải pháp biến hình cho mẫu máy này. “Đại loại là chuyện “biến hình” này có liên quan đến chuyện gây dựng lòng tin”, Panay giải thích, “Bạn không muốn những người yêu thích thiết bị do bạn chế tạo phải gắng sức mới sử dụng được và lắm lúc gặp những tình huống khó xử vì nó”.
Hệ thống biến hình đó gồm hàng trăm mức độ cùng hệ thống các bộ chuyển và thanh trượt phức tạp, mở lần lượt từ cụm này sang cụm khác. Đội Surface định hình một thuật ngữ cho toàn bộ hệ thống đó – clickety-clack (tiếng lách cách nhịp nhàng). Bất cứ cái gì kêu lách cách theo nhịp “đều là thủ thuật quảng cáo”, Panay cho hay. Ông “vặn vẹo” Surface Book không biết bao nhiêu lần trong lúc giới thiệu, và liên tục tạo ra âm thanh “tách tách tạch tách tạch tách tách” – “không phải là kiểu biến hình truyền thống đâu nhé”, ông nói.
Đội Surface tỏ ra thích thú với một thứ vật liệu gọi là “sợi cơ bắp”, đó là một loại hợp kim có thể thay đổi hình dạng khi bị tác động bởi lực hoặc dòng điện. Schoeck nhấn vào một nút, mở phần màn hình được cắt rời và cho thấy cơ cấu bên trong bao gồm những “sợi cơ bắp” kể trên. Kể cả đến bây giờ, gương mặt của Schoeck lẫn Panay đều rạng rỡ hẳn lên khi nhìn thấy cơ cấu này làm việc. “Phải nói rằng đó là một khoảnh khắc kỳ diệu, khoảnh khắc mà chúng tôi nhìn thấy nó làm việc”, Schoeck cho hay.
Khi họ bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để tháo phần trên khỏi phần dưới, một người nêu ra ý tưởng. Liệu bạn có thể vuốt ngón tay dọc theo “công tắc biến hình” của máy để tháo rời phần trên được không? Và liệu rằng có thể có một dàn đèn LED màu xanh sáng lên để báo rằng bạn đã có thể tách rời hai phần của chiếc máy hay không?
Để một dải đèn LED có thể chiếu sáng xuyên được lớp vỏ ma-giê là một điều rất khó, nhưng họ đã làm được. Để lớp hợp kim ma-giê ấy có thể nhận diện được ngón tay của bạn, cũng khó, nhưng họ cũng làm được. “Chúng tôi thực sự đã giải quyết được”, Panay nói, nhưng nó là giải pháp sai lầm. Bạn cần phải thực hiện thao tác một cách chính xác, và lắm lúc bàn tay của bạn vô tình lại thực hiện thao tác này một cách không mong muốn. “Quả thực nó là thứ rất tuyệt vời cho việc quảng cáo, nhưng lại là thứ vớ vẩn với một sản phẩm”, Panay nói thêm.
Thế nên họ sử dụng một phím duy nhất, nằm ở góc trên cùng bên phải của bàn phím. Bạn cần phải giữ phím này một lúc – đội Surface không muốn bạn vô tình kích hoạt cơ chế biến hình. Nhưng dù sao thao tác ấy rất đơn giản – giữ và máy biến hình. Một đứa trẻ năm tuổi cũng có thể làm được, Panay khẳng định.
Máy tính xách tay và hơn thế nữa
Dự án Surface Book được tiến hành trong khoảng hai năm rưỡi. Nó nằm trên bàn thiết kế với đội kỹ thuật trong khoảng hai năm, và các phiên bản thử nghiệm được phòng thí nghiệm chế tạo trong khoảng 18 tháng. Thậm chí 9 tháng trước, không có bất cứ một ai ngoài đội Surface được nhìn thấy Surface Book. Cuối cùng, những lãnh đạo cấp cao của Microsoft yêu cầu Panay trình bày về dự án mà ông đang thực hiện.
Panay gọi Surface Book là mẫu “máy tính tối thượng”, ông giới thiệu về cơ cấu bản lề, về bàn phím, và về màn hình đẹp tuyệt vời của mẫu máy này. “Lúc đó thì họ phản ứng thế này, ối chao ôi”, ông nói. Rồi “biến hình”. Tất cả mọi người trong căn phòng – Satya Nadella (CEO của Microsoft) và những lãnh đạo khác của tập đoàn, đều ngạc nhiên. “Trông nó giống như là một trò ảo thuật”, Panay nói.
Panay quyết định sẽ giới thiệu với tất cả mọi người mẫu sản phẩm này với vai trò là một chiếc máy tính xách tay. “Và rồi khi mọi người nhìn vào, họ đều nói rằng đây là một mẫu máy tính xách tay đáng từng đồng tiền bát gạo”. Khi Panay và đội của mình bắt đầu giới thiệu Surface Book với các đối tác và các nhà phân phối của mình, họ không tách rời chiếc máy ra.
Đội Surface vô hiệu hóa tính năng này, thậm chí là bỏ cả “công tắc biến hình” khỏi bàn phím. Không có bất cứ ai ngoài đội ngũ nhân viên của Microsoft và thành viên gia đình một số nhân vật đặc biệt nhìn thấy màn hình của Surface Book có thể tách rời ra khỏi chân đế cho đến thời điểm khoảng một tháng trước khi sản phẩm này được giới thiệu.
Panay thích nói rằng Surface Book không phải là thế hệ đầu tiên của bất cứ thứ gì hết, mà đó là kết quả của tất cả những thứ mà ông, đội của mình và Microsoft học hỏi và tích lũy được trong suốt 5 năm vừa qua. Những điều đó bao gồm cách chế tạo màn hình, bút cảm ứng, bàn phím và trackpad như thế nào, thất bại là điều thế nào, và làm thế nào để xây dựng tầm nhìn đủ dài để 900 triệu đô la “bốc hơi” kia không đánh gục bản thân mình.
Trước khi quay lại với công việc của mình, Panay còn nói thêm một điều nữa – những cái lỗ hình chữ nhật nằm xung quanh cạnh màn hình của Surface. “Nhìn vào đây, và bạn sẽ thấy mỗi lỗ đều có khoảng cách giống hệt nhau. Thế nhưng nếu một sản phẩm bị trả lại, và lỗ thứ ba nó hơi xa ra…”, ông kéo dài giọng, còn Schoeck thì bắt đầu cười phá lên.
Song đấy không phải chỉ là một tình huống hài hước giả định, mà là câu chuyện khẳng định rằng đội Surface còn phải tiếp tục nỗ lực để sửa chữa những lỗi lầm tưởng chừng nhỏ nhặt mà không ai để ý. Panay và đội của mình làm công việc mà nhiều người cho rằng đó là những việc “lo bò trắng răng” như vậy. Khi được hỏi tại sao họ lại làm thế, ông nghĩ ngợi một lúc, rồi nhún vai, “Nghĩa vụ với lương tâm thôi!”.
Nguyễn Tiến (theo e-CHÍP Online)