Super Mario RPG: Legend of the Seven Stars ra mắt trên nền tảng SNES vào năm 1996 đã gây được tiếng vang rất lớn. Thế nên không có gì lạ khi trò chơi bất ngờ được Nintendo bật đèn xanh cho bản làm lại theo phong cách quen thuộc. Đó là mọi thứ gần như chẳng có gì thay đổi kể cả lời thoại, chỉ đồ họa được đập đi xây mới hoàn toàn. Thậm chí nếu bản làm lại tiếp tục do Square Enix thực hiện, người viết có khi đã nghĩ đội ngũ phát triển tái sử dụng code game gốc ngày xưa như Secret of Mana bản 3D remaster.
Nếu so với những bản Super Mario Bros. với lối chơi đi cảnh đầy thử thách từ thời NES kinh điển, có lẽ Super Mario RPG: Legend of the Seven Stars là một trải nghiệm vô cùng khác biệt. Tuy vẫn là cuộc phiêu lưu của anh chàng thợ sửa ống nước Mario đi cứu công chúa Peach bị Bowser bắt cóc, nhưng nó lạ lắm. Chưa khi nào người chơi có dịp được thấy vương quốc Nấm, gặp gỡ những cư dân trong đó với đa dạng tính cách và câu chuyện hài hước về sự tranh đua ai có khả năng nhảy cao hơn cho đến năm… 1996.
Bản làm lại của Super Mario RPG: Legend of the Seven Stars hay tựa chính thức ngắn gọn hơn là Super Mario RPG cũng vậy. Những gì bạn còn nhớ về game gốc vẫn tiếp tục được kế thừa trong bản làm lại này. Những yếu tố hài hước vẫn giữ nguyên. Thật ra là phần lớn vẫn được duy trì chứ không phải tất cả. Một số tình tiết đã không còn phù hợp thời đại đã được đội ngũ phát triển thay mới, nhưng không gây ảnh hưởng đến trải nghiệm dù bạn là người chơi cũ hay mới của game. Dù vậy, không thể phủ nhận cốt truyện thiếu chiều sâu vẫn là điểm trừ lớn nhất không chỉ game gốc mà cả bản làm lại năm 2023 này. Đấy cũng không phải điều mà trò chơi hướng tới.
Thay vào đó là lối chơi đơn giản, kết hợp cùng câu chuyện kể vui nhộn với những nhân vật đáng yêu chứ không ai đáng ghét, đưa người chơi đi khắp vương quốc Nấm và làm những điều mà các game Mario trước đây chưa cho phép. Thậm chí cũng không sai khi nói bản làm lại có rất ít thay đổi so với game gốc. Ngoài khía cạnh nghe nhìn được làm mới với 60fps, hầu hết chỉ là những điều chỉnh rất nhỏ. Tuy vậy, tốc độ khung hình cũng không hoàn toàn mượt mà trong suốt trải nghiệm Super Mario RPG. Một số khu vực nhất định vẫn có hiện tưởng giảm tốc độ khung hình đến mức có thể nhận thấy, chủ yếu do một số hiệu ứng đồ họa dù không đến mức ấn tượng nhưng vẫn tạo gánh nặng lên phần cứng của máy Switch.
So với nguyên bản, Super Mario RPG bổ sung một số tính năng mới và vài điều chỉnh nhỏ vào hệ thống chiến đấu theo lượt của trò chơi. Những thay đổi này giúp trải nghiệm chiến đấu trở nên dễ dàng hơn, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào khả năng phản xạ nhanh nhạy của bạn. Một trong những bổ sung đáng chú ý nhất là Triple Moves tương tự All-Out Attack trong Persona 3 Reload, cho phép cả party tấn công tổng lực vào kẻ thù trong điều kiện nhất định. Thế nhưng không biết do đâu mà những lần sử dụng kỹ năng này đều khiến tốc độ khung hình như bị khựng trong giây lát khi diễn hoạt diễn ra. Tôi nghĩ có lẽ do vấn đề quản lý bộ nhớ đệm của trò chơi.
Tất nhiên vấn đề nhỏ như con thỏ đó không đủ tác động tiêu cực đến trải nghiệm chiến đấu trong Super Mario RPG. Thế nhưng nó vẫn để lại cho người viết chút cảm giác khó chịu khi những phân đoạn này diễn ra trong môi trường nhỏ, không đòi hỏi nhiều khả năng xử lý phần cứng như khám phá màn chơi, nhưng lại có chút vấn đề về hiệu năng hoặc tải dữ liệu. Bên cạnh đó, bản làm lại cũng có điều chỉnh bổ sung về dấu báo chấm than xuất hiện giúp người chơi bấm nút tương tác kịp thời để tăng sát thương hoặc khả năng phòng thủ cho nhân vật trong chiến đấu. Điều chỉnh này được tích hợp thẳng vào hệ thống gameplay và không thể vô hiệu hóa.
Dành cho những bạn nào chưa chơi nguyên bản năm 1996, hệ thống chiến đấu trong Super Mario RPG có phần tương tự Echo Generation nhưng được thiết kế đơn giản hơn. Người chơi chỉ phải bấm một nút tùy theo tình hình trận chiến để tăng sát thương cho đòn tấn công của nhân vật hoặc vô hiệu hóa kỹ năng công kích từ kẻ thù. Khác biệt lớn nhất giữa cơ chế này trong hai trò chơi là tựa game đề cập ở trên yêu cầu tương tác phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều. Với dấu báo chấm than được cập nhật bổ sung, trải nghiệm chiến đấu trong bản làm lại thậm chí dễ dàng hơn rất nhiều do game gốc trên SNES ngày xưa không có bằng hình ảnh nói trên, buộc người chơi phải bấm nút theo tổ tiên mách bảo.
Một bổ sung cũng đáng chú ý khác là một dạng kẻ thù mới. Chúng vẫn mang hình dáng của kẻ thù cũ nhưng cứng cựa và ra đòn mạnh hơn, đòi hỏi người chơi phải cẩn thận một chút. Tuy thế, chúng cũng không đáng ngại một khi bạn làm chủ được cơ chế bấm nút tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công của mỗi nhân vật. Tôi chỉ thấy hơi phiền phức vì sự xuất hiện của chúng không được báo trước cũng như tạo hình y hệt đồng bọn yếu hơn, dễ khiến người chơi chủ quan khinh định và vô tình dẫn đến những lần game over oan uổng. Đó cũng là kinh nghiệm xương máu của người viết. May là game over không phiền phức như nguyên bản ngày xưa vì Super Mario RPG đã bổ sung thêm tính năng autosave.
Thay đổi lớn nhất trong Super Mario RPG là khía cạnh nghe nhìn. Đồ họa của trò chơi vẫn giữ phong cách như phiên bản 16-bit ngày xưa, nhưng được khoác lên một lớp sơn hoàn toàn mới. Thậm chí nói phần nhìn mang đến sức sống mới cho game so với nguyên bản cũng không sai. Đi kèm đó là tông màu được tinh chỉnh lại sáng và dễ nhìn hơn. Mức độ chi tiết của hình ảnh cũng rất cao. Người viết thấy được cả những vệt bẩn dưới đất ở những nơi nhân vật đi ngang qua. Cảnh nền trông bắt mắt hơn rất nhiều. Từ những đám mây lượn lờ ở Nimbus Land, những chiếc lá ở khu rừng gần đầu trải nghiệm cho tới dung nham nóng rực ở Pipe Plaza. Vương quốc Nấm giờ đây lộng lẫy hơn.
Lớp đồ họa mới cũng cho phép đội ngũ phát triển tạo nên biểu cảm của nhân vật có hồn hơn. Đó là tôi còn chưa đề cập đến những đoạn chuyển cảnh tuyệt đẹp xuyên suốt trải nghiệm game. Đặc biệt khi Super Mario RPG khá trung thành với nguyên bản, nên mật độ những phân đoạn này khá nhiều chứ không hề ít. Đồng nghĩa diễn hoạt của nhân vật cũng thú vị và sinh động hơn game gốc. Phần nghe cũng có sự đại tu vô cùng lớn dưới sự giám sát của “phù thủy” Shimomura Yoko, nhà soạn nhạc gốc của nguyên bản năm 1996. Nếu bạn chưa kịp nhớ ra thì bà cũng chính là người đứng đằng sau một số bản hòa âm mới trong bản làm lại Live A Live cùng một số nhạc sĩ có tiếng khác từ thập niên 90.
Chỉ hơi bực là Super Mario RPG không có lồng tiếng. Trong khi phim hoạt hình Super Mario Bros. còn được lồng tiếng tử tế thì chẳng lý do gì không thể lồng tiếng cho game. Đây có lẽ là chỉ đạo chung trong những tựa game tự sản xuất của nhà Mario. Có lẽ chỉ duy nhất Nintendo mới bán game với mức giá AAA mà không có lồng tiếng như vậy. Vấn đề này tôi từng đề cập nên cũng không muốn càm ràm nữa. Trò chơi chỉ có một số âm thanh tiếng động liên quan đến cảm thán của nhân vật. Dù một số tiếng động chẳng hạn tiếng nức nở của Bowser nghe khá hài hước, nhưng nghe mãi vài thanh âm lặp lại trong suốt thời lượng chơi trên dưới 12 tiếng cũng khó tránh khỏi cảm giác nhàm chán.
Sau cuối, Super Mario RPG mang đến một trải nghiệm nhập vai rất hào hứng dù bạn là người chơi mới hay fan cứng của game gốc từ thời SNES ngày xưa. Với lối chơi đơn giản nhưng không kém phần thử thách, dàn nhân vật dễ thương nhiều màu sắc và vô số tình tiết hài hước nhẹ nhàng cùng khía cạnh nghe nhìn được làm mới hoàn toàn, những ai yêu thích các nhân vật kinh điển của Nintendo và lối chơi nhập vai thuần túy chắc chắn khó lòng có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của bản làm lại đáng yêu này.
Super Mario RPG hiện có cho Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!