Super Lucky’s Tale là tựa game đi cảnh mang chút cảm giác “lẩu thập cẩm” trong thiết kế màn chơi xen kẽ giữa 2D và 3D, phù hợp với nhiều đối tượng người chơi.
Mặc dù có nhiều điểm giống nhau, nhưng Super Lucky’s Tale không hoàn toàn giống với phiên bản thực tế ảo Lucky’s Tale từng phát hành cho Oculus Rift. Thay vào đó, trò chơi được xây dựng mới màn chơi và tập trung nhiều hơn vào khía cạnh vật phẩm thu thập. Tuy nhiên, tựa game này không phải phần tiếp theo của Lucky’s Tale mà được phát triển mới, tương tự như phiên bản New Super Lucky’s Tale được phát hành cho Nintendo Switch gần đây. Dù vậy, nhân vật chính của người chơi vẫn là Lucky, bé cáo nhìn “rất cưng” với cuộc chiến chống lại vai phản diện Kitty Litter “tà ma ngoại đạo” và những bầy tôi của hắn.
Super Lucky’s Tale sử dụng phong cách hoạt hình dễ thương, với tạo hình các nhân vật từ vai chính, vai phụ hay thậm chí kẻ thù và boss đều rất đáng yêu. Thế giới trong game không chỉ được xây dựng đầy ắp những gam màu tươi sáng, rực rỡ, mà còn mang rất nhiều sắc thái qua tài “diễn xuất” của các NPC, tạo nên những thế giới game sống động trong suốt trải nghiệm. Đây có lẽ cũng là điểm cộng lớn nhất đập vào mắt người chơi đầu tiên, đặc biệt là khi bạn trải nghiệm game trên Xbox One X hoặc độ phân giải cao trên PC. Thiết kế màn chơi đều mang chủ đề riêng và được chia làm bốn thế giới khác nhau.
Bên cạnh phần lớn trải nghiệm mang lối chơi đi cảnh 3D, với nhiều cảm giác hoài cổ của những tựa game N64 thuộc thể loại này vào những năm 1995, Super Lucky’s Tale còn pha trộn những màn chơi đi cảnh 2D cùng một số đổi khác để tạo cảm giác mới mẻ. Tuy nhiên, điểm trừ thiết kế là phần lớn màn chơi đều tạo cảm giác hao hao nhau, chỉ một số là có sự khác biệt về thử thách chứ chưa đủ tạo cảm giác hào hứng nhiều như Crash Bandicoot N. Sane Trilogy. Nếu không có ý định hoàn thành thu thập 100%, người chơi chủ yếu chỉ nhảy né các chướng ngại vật và lặp lại trải nghiệm này đến cuối màn chơi.
Ngoại trừ một số màn chơi phụ “chui hố” thiên về giải đố, các màn chơi chính thường có các yêu cầu thu thập vật phẩm là đồng xu vàng, các chữ cái ghép lại tên của nhân vật chính và cỏ bốn lá ẩn giấu. Mặt khác, mỗi khi hoàn thành một yêu cầu thu thập hoặc trải nghiệm đến cuối màn, bạn sẽ nhận được vật phẩm quan trọng nhất là cỏ bốn lá. Hoàn thành màn chơi là yêu cầu dễ nhất, không đòi hỏi nhiều công sức mà chỉ cần người chơi cẩn thận không để nhân vật chết hết mạng. Dễ nhì và cũng không tốn nhiều công sức mấy là thu thập đồng xu vàng và ngọc để kiếm đủ tiền “hụi chết” là 300, nhận về một cỏ bốn lá khác.
Hấp dẫn nhất là thu thập các ký tự ghép lại thành tên LUCKY của nhân vật chính, thường được giấu trong màn chơi ở những vị trí khá bất ngờ hoặc thông qua một số mini-game nhất định không được tiết lộ rõ ràng. Khó nhất là tìm cỏ bốn lá ở một nơi vô cùng bí mật, thường đòi hỏi người chơi phải tương tác với môi trường màn chơi để mở cửa lối vào bí mật. Tuy không nhất thiết phải hoàn thành, nhưng cả hai yêu cầu này đều giúp mang đến giá trị chơi lại tương đối cho Super Lucky’s Tale, khuyến khích bạn khám phá màn chơi để thu thập thêm cỏ bốn lá, phục vụ cho mục đích mở khóa nhanh hơn màn đánh boss để chuyển sang thế giới mới.
Kỳ thực, cả bốn thế giới trong Super Lucky’s Tale đều không có nhiều khác biệt trong công thức thiết kế màn chơi. Mặc dù mang phong cách đồ họa dễ thương và đáng yêu trong tạo hình các nhân vật, nhưng các màn chơi trong game đôi khi có cảm giác khá đơn giản trong thiết kế, nhất là với những ai đã từng kinh quá rất nhiều game thuộc thể loại này. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác nhà phát triển Playful muốn hướng đến người chơi mới của dòng game đi cảnh 3D hoặc đối tượng người chơi trẻ hơn. Tuy nhiên, nếu không mắc phải một số vấn đề điều khiển và góc nhìn camera, trải nghiệm game không bao giờ có cảm giác thử thách người chơi.
Từ trước đến nay, dòng game đi cảnh 3D vốn có một số nguyên tắc nhất định cần quan tâm trong thiết kế là điều khiển tạo cảm giác chính xác và góc nhìn camera thuận tiện, lý tưởng nhất là khả năng xoay 360 độ. Thế nhưng, cả hai vấn đề nói trên đều xuất hiện trong trải nghiệm Super Lucky’s Tale. Trò chơi không cho phép bạn thay đổi góc nhìn camera tự do mà luôn cố định khoảng 30 hay 40 độ so với hướng nhìn của nhân vật, rất khó theo dõi tình hình. Đã vậy, cảm giác điều khiển còn thiếu chính xác, khi thực hiện những bước nhảy đều rất khó định hình vị trí nhân vật đáp xuống, nhất là khi cần “đạp đầu” kẻ thù đang bay ở trên không.
Hai vấn đề nói trên là “thủ phạm” gây nên những cái chết tức tưởi cực kỳ ức chế cho nhân vật chính, kể cả trong những tình huống đi cảnh thông thường. Ngược lại, các màn chơi phụ lại dễ dàng trở thành điểm sáng trong trải nghiệm Super Lucky’s Tale, nhưng có lẽ là vì thiết kế đặc trưng khiến chúng không bị tác động bởi hai “sai lầm vẫn là nhà phát triển” khó chịu nói trên hơn là vì lý do nào khác. Không những thế, các màn chơi này thường chiếm thời lượng ngắn, cũng không phải trải nghiệm bắt buộc nên khó lòng trở thành điểm bù đắp cho những thiếu sót trong thiết kế các màn chơi chính luôn vướng phải hai vấn đề nói trên.
Sau cuối, Super Lucky’s Tale mang đến một trải nghiệm đi cảnh rất đáng yêu nhưng dễ tạo cảm giác trái chiều về thiết kế gameplay. Một mặt, bạn sẽ rất yêu thích đồ họa “cu-te-phô-mai-que” của trò chơi, nhưng có thể sẽ khá khó chịu với góc nhìn camera “cần dũa lại cái nết” và yếu tố điều khiển kém chính xác. Thậm chí nếu khó tính, thời lượng game tương đối ngắn cũng có thể là một điểm trừ khi chỉ chiếm khoảng trên dưới năm tiếng trải nghiệm, tùy vào mức độ hoàn thành của bạn. Nếu những vấn đề trên chưa đủ khiến bạn “trầm tư”, đây chắc chắn là cái tên rất đáng cân nhắc với những ai yêu thích thể loại này.
Super Lucky’s Tale được phát hành cho PC (Windows) và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác