Strife: Veteran Edition là bản cải tiến của tựa game nhập vai góc nhìn thứ nhất kinh điển Strife: Quest for the Sigil. Đây là cái tên phát hành cùng thời với những game FPS kinh điển ngày xưa như Doom, Doom II, Heretic v.v… và cũng sử dụng game engine id Tech 1 từng để lại nhiều dấu ấn ngày xưa. Ở thời điểm ra mắt ban đầu, Strife giống như sản phẩm đi trước thời đại với thiết kế gameplay hấp dẫn và độc đáo, đủ sức sánh vai cùng những cái tên FPS hiện đại ở khía cạnh này.
Trò chơi lấy bối cảnh hậu tận thế dưới sự cai trị của Order. Giáo phái độc tài này lấy danh nghĩa thần Sigil, kỳ thực là một loại vũ khí hủy diệt để đe dọa và kiểm soát người dân về vật chất và tâm linh. Nhân vật của người chơi là một kẻ vô danh, tỉnh dậy trong thế giới đen tối pha lẫn giữa yếu tố viễn tưởng và ‘fantasy’ nói trên. Bạn có thể thấy những người lính máy móc theo nghĩa đen, ăn mặc như quân thập tự chinh cầm súng đi tuần tra khắp mọi nơi và nói chuyện xấc láo với nhân vật chính.
Đồ họa hoài cổ của Strife: Veteran Edition tuy không gây ấn tượng khi so với những tựa game hiện đại ngày nay, nhưng có phong cách nghệ thuật rất riêng và nhiều nét giống Doom ngày xưa. Điều này được thể hiện qua thế giới game rộng lớn nhưng rất thú vị, hội tụ đủ mọi ý tưởng hiện đại thường thấy trong những tựa game ngày nay. Tên lửa đạn đạo hay người máy đều có đủ. Nó mang cảm giác lai giữa thời trung cổ và cyberpunk, trong khi các công trình xây dựng mang chút kiến trúc thời Victoria ngày xưa.
Kỳ thực, đó là sự lai tạo khá độc đáo không chỉ ở khía cạnh đồ họa mà cả gameplay. Lối chơi của Strife: Veteran Edition là những gì bạn có thể hình dung ở một tựa game FPS và nhập vai. Về cơ bản, người chơi điều khiển nhân vật di chuyển ở góc nhìn thứ nhất, tương tác với các NPC để nhận nhiệm vụ và thay đổi trang bị cho mục đích chiến đấu. Thiết kế nhiệm vụ khá đa dạng, từ việc giải cứu tù binh cho đến phá hủy các nhà máy điện hoặc tham gia các hoạt động khác nhằm chấm dứt sự cai trị của tổ chức Order.
Bạn thậm chí cũng có thể thực hiện các hành động lén lút bằng cách cải trang, nhưng một số kẻ thù có khả năng nhìn thấu qua lớp ngoại trang này. Tuy nhiên, khía cạnh hành động lén lút của Strife: Veteran Edition không giống các tựa game thuộc thể loại này như Desperados III. Nó chỉ tạo cảm giác đa dạng trong trải nghiệm chiến đấu. Thế nhưng, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện khi kẻ thù là những người máy, không thể một nhát đoạt mạng như chiến binh ninja trong Ghostrunner.
Với góc nhìn thứ nhất, trải nghiệm Strife: Veteran Edition khá giống bất kỳ tựa game FPS kinh điển nào dùng chung game engine id Tech 1. Nhân vật của người chơi có thể sử dụng rất đa dạng các loại vũ khí, thậm chí đậm chất viễn tưởng. Đơn cử như cảm giác khiến kẻ thù “bốc hơi” bằng Mauler hay dùng súng phun lửa “nướng mọi” lũ người máy chẳng khác nào cầm khẩu BFG tả xung hữu đột trong Doom ngày xưa cả. Đó là tôi còn chưa nhắc đến súng phóng lựu huyền thoại và các “đồ chơi” hạng nặng khác.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Strife: Veteran Edition là hệ thống bản đồ có gì đó sai sai. Không phải nó quá rộng hay thiết kế tầm thường, mà là có nhiều nét tương đồng với những cái tên kinh điển ngày xưa dày đặc các cánh cửa bí mật như Doom. Vấn đề là yếu tố này lại không phù hợp với trải nghiệm nhập vai. Bạn sẽ gặp rất nhiều công tắc, đòi hỏi phải tìm chìa khóa mệt xỉu để mở những cánh cửa đóng kín. Đôi lúc, những công tắc này lại để mở ra những nơi không mong đợi chẳng khác nào đánh đố người chơi.
Điều khiến tôi khá ấn tượng là mặc dù mắc phải vấn đề nói trên, nhưng hệ thống màn chơi lại được xây dựng thông nhau khéo léo. Tuy nhiên, do hạn chế công nghệ ngày xưa mà đây cũng có thể là điểm trừ. Chẳng hạn vị trí của các NPC luôn cố định, bất kể tình hình chiến sự thay đổi. Không những vậy, một điểm trừ mà tôi nghĩ có thể bất công cho Strife: Veteran Edition là nội dung game có rất nhiều lỗ hổng khó chấp nhận. Vấn đề ở chỗ, đó cũng là yếu tố ít được coi trọng trong những tựa game thập niên 90.
Đáng chú ý, Strife: Veteran Edition có nhiều kết thúc khác nhau tùy vào lựa chọn của người chơi. Nếu bạn chơi kỹ hoặc thuộc tuýp người theo chủ nghĩa hoàn hảo, thời lượng game cũng không quá dài mà chỉ tốn khoảng nửa ngày. Hơi tiếc là trò chơi có nhạc nền khá chán, không để lại nhiều ấn tượng như Duke Nukem 3D: 20th Anniversary World Tour. Đồng thời, bản Veteran cũng không được cập nhật để tận dụng phần cứng trên các hệ máy hiện đại hay bổ sung thêm màn chơi mới như tựa game nói trên.
Ngoài việc kèm theo bản demo như một tùy chọn vô thưởng vô phạt, nhà phát triển Nightdive Studios bổ sung vài tính năng giúp trải nghiệm thuận tiện hơn. Những ai muốn “1 vé về với tuổi thơ” hẳn sẽ hào hứng với thiết lập tùy chọn giúp giữ tính nguyên bản của tựa game gốc bao gồm cả lỗi game. Tính năng này được tắt mặc định và giấu khá sâu trong thiết lập. Điều này cho thấy nhà phát triển đã bỏ khá nhiều công sức cho bản Veteran chứ không phải “hút máu” những người chơi thích hoài cổ.
Sau cuối, Strife: Veteran Edition mang đến một trải nghiệm nhập vai khá độc đáo và hấp dẫn không chỉ ở gameplay mà cả khía cạnh hoài cổ. Nếu bạn muốn quay ngược thời gian để trải nghiệm những cái tên kinh điển xuất sắc của ngày xưa, đây chắc chắn là cơ hội không thể bỏ qua.
Strife: Veteran Edition hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác