Streets of Rogue là một cái tựa rất dễ gây nhầm lẫn nhưng kỳ thực đây không phải là một game đi cảnh chặt chém, mà thuộc thể loại nhập vai với thiết kế màn chơi phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán.
Trải nghiệm Streets of Rogue mở đầu với một pha hành động “không lẫn vào đâu được”, khiến tôi liên tưởng ngay đến cái tên kinh điển Grand Theft Auto. Chỉ một thứ không có là những pha lái “xế điếc” hoặc “xe điên”, còn lại thì gì cũng có mà thậm chí còn phức tạp hơn tựa game nói trên. Chưa kể, thiết kế màn chơi được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán khiến trải nghiệm game vô cùng hào hứng, nhưng cũng tùy thuộc vào cách xây dựng chiến thuật “giết người diệt khẩu” của người chơi. Mỗi màn đều có nhiệm vụ chính đòi hỏi bạn phải hoàn thành mới có thể tiếp tục trải nghiệm ở màn chơi mới.
Mặc dù nghe có vẻ hơi nhàm chán nhưng kỳ thực ngược lại. Streets of Rogue khởi đầu với 6 lớp nhân vật trong tổng số hơn 20 lớp nhân vật mà bạn có thể mở khóa trong suốt trải nghiệm. Một số trong đó là những hình tượng khá bất ngờ, chẳng hạn như chàng khỉ đột không thể dùng vũ khí mà chỉ “giải quyết vấn đề” bằng nắm đấm. Từng lớp nhân vật đều có kỹ năng, trang bị và phương pháp làm nhiệm vụ riêng, tạo cảm giác hoàn toàn mới mẻ khi trải nghiệm với những nhân vật khác nhau. Đơn cử như “siêu trộm” có khả năng tàng hình thì phải đi “mót đồ”. Nhân vật “siêu chiến binh” lại lăm lăm machine gun trên tay cùng mớ thuốc nổ, dễ dàng “thổi bay” các bức tường hay “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” bất kỳ kẻ thù nào cản trở người chơi làm nhiệm vụ.
Mỗi lớp nhân vật mới được mở khóa đều mang đến giá trị chơi lại cho Streets of Rogue. Đây cũng là điểm cộng lớn nhất của tựa game này. Ngay cả thiết kế màn chơi là một trong những điểm cộng không hề nhỏ trong trải nghiệm game, cho phép bạn tha hồ sáng tạo cách thực hiện với yêu cầu nhiệm vụ. Từ những pha rambo “em thích thì chị chiều” cho đến tận dụng yếu tố môi trường để “ném đá giấu tay” kẻ thù, tất cả đều có thể thực hiện theo cách mà bạn muốn. Thậm chí, trải nghiệm càng hấp dẫn hơn khi thiết kế màn chơi luôn được phát sinh ngẫu nhiên, mỗi lần chơi lại màn cũ vì bất cứ lý do gì cũng đều mang đến cảm giác mới mẻ tuy có hơi dễ đoán. Điều này buộc người chơi phải liên tục tùy cơ ứng biến và học lấy những sai lầm cũ trong trải nghiệm.
Bởi lẽ, mọi sai lầm của bạn đều gây nên hậu quả khôn lường, không thể sửa sai mà chỉ có thể “làm lại cuộc đời” với một nhân vật mới. Không những vậy, thiết kế màn chơi cũng khá thú vị khi được xây dựng đa dạng về chủ đề, từ khu ổ chuột đầy tệ nạn xã hội cho đến màn “đi dạo” ngoài công viên đều để lại dấu ấn rất riêng. Mỗi màn chơi lại có rất nhiều căn phòng hay hành lang thông nhau, tha hồ cho người chơi tận dụng để thực hiện nhiệm vụ “đầu xuôi đuôi lọt”. Thiết kế này còn kết hợp hài hòa với một số yếu tố tương tác môi trường và kỹ năng của mỗi lớp nhân vật, liên tục mang đến cảm giác khá hào hứng trong suốt trải nghiệm Streets of Rogue.
Đơn cử như bạn có thể mua cục đá để phá các hàng rào laser hay các công cụ “bẻ khóa” và hack để làm “việc ấy”. Yếu tố chiến thuật cũng có thể tận dụng cho những yêu cầu nhiệm vụ nhất định, giúp trải nghiệm Streets of Rogue “nhẹ nhàng” hơn. Chẳng hạn thay vì tốn công sức và đạn dược để chiến đấu với kẻ thù tập kết ở gần cửa ra vào, người chơi có thể “nhàn cư vi bất thiện” bằng cách đập vỡ kính cửa sổ để chuyển hướng sự chú ý của kẻ thù hoặc hack máy tính từ bên ngoài, từ đó hành động lén lút lẻn vào trong để làm việc-mà-ai-cũng-biết-là-gì-đấy. Đáng tiếc, hệ thống nhiệm vụ cũng là điểm yếu nhất trong thiết kế gameplay của trò chơi, nhưng nó cũng không to tát đến mức phá hỏng trải nghiệm.
Về cơ bản, phần lớn nhiệm vụ chỉ xoay quanh tiêu diệt một NPC nào đó hoặc “thó” một vật phẩm nhất định, thiếu sự đa dạng về yêu cầu. Tuy nhiên, người chơi lại khá tự do trong việc thực hiện nhiệm vụ như thế nào. Sự hạn chế chỉ tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của bạn trong mỗi thiết kế màn chơi của mà thôi. Ngay cả mỗi giải pháp cũng đều có rất nhiều lựa chọn và người chơi khá tự do trong việc quyết định dùng vũ lực hay “ném đá giấu tay” như thế nào để đạt mục đích. Đơn giản như sử dụng súng đạn, không nhất thiết phải trực tiếp tiêu diệt kẻ thù mà bạn có thể tận dụng những vật phẩm dễ cháy nổ ở gần đó để “ngư ông đắc lợi” trong trường hợp này.
Tương tự, thay vì cầm súng trên tay xông vào cướp vật phẩm nhiệm vụ, bạn hoàn toàn có thể đập vỡ kính cửa sổ xa nơi vật phẩm được cất giấu nhất, chờ chủ tiệm đi xem xét để lẻn vào “khắng” và cao chạy xa bay trước khi NPC quay lại. Mỗi nhiệm vụ trong từng màn chơi đều có nhiều cách để giải quyết, quan trọng là bạn có nghĩ đến và chịu khó xem xét tình hình trước khi thực hiện hay không. Lối thiết kế này mang đến cho người chơi cảm giác khá thỏa mãn và cũng là điểm cộng gameplay rất lớn của Streets of Rogue. Đổi sang một lớp nhân vật mới và tận dụng những kỹ năng mới giống như bạn đang chơi một tựa game mới vậy, khá hào hứng và hấp dẫn.
Tuy nhiên, Streets of Rogue cũng không hề “miễn nhiễm” với các vấn đề trong trải nghiệm. Một trong số đó là cảm giác chiến đấu đôi lúc có phần thiếu chính xác, nhất là những khi bạn “một mình chống mafia”. Nó rất dễ tạo cảm giác ức chế với thiết lập permadeath vốn không hề không cho bạn cơ hội thứ hai. Một vấn đề khác tuy không “bự như bánh xe bò” nhưng cũng không thể không nhắc đến, đó là phong cách đồ họa với góc nhìn top down của game không có dấu ấn riêng như Ruiner mà chỉ trông đơn giản như The Escapists mà thôi. Bù lại, sự kết hợp giữa các lớp nhân vật và kỹ năng độc đáo, cùng màn chơi phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán là những điểm cộng đáng chú ý nhất khi mang đến giá trị chơi lại rất cao trong trải nghiệm game.
Sau cuối, Streets of Rogue mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá ấn tượng về gameplay và giá trị chơi lại. Trừ khi yếu tố permadeath là một rào cản lớn, đây chắc chắn là cái tên phải có trong bộ sưu tầm game của bạn.
Streets of Rogue được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác