Streets of Rage 4 là phần chơi mới nhất của series game chặt chém Streets of Rage kinh điển từ thời Sega Genesis (Mega Drive) ngày xưa. Tuy trò chơi dung hòa khá tốt giữa gameplay kinh điển và cải tiến, nhưng kỳ thực nhà phát triển vẫn có thể làm tốt hơn thế.
Sở hữu lối chơi đi cảnh chặt chém 2D đơn giản và hấp dẫn, không khó để series này thu hút một lượng người chơi không nhỏ ở thời kỳ hoàng kim của thể loại này vào thập niên 90. Thậm chí, nó còn có các bản game fanmade hấp dẫn sau gần 3 thập kỷ không có phần chơi mới nào phát hành. Thế nên, khi Streets of Rage 4 được công bố và tung trailer “nhá hàng”, không ít người chơi yêu thích series này ngờ vực khả năng thành công của phần chơi mới.
Tôi tuy không nằm trong số đó, nhưng cũng không hâm mộ series này bằng Final Fight hay những cái tên khác cùng thời. Một trong muôn vàn lý do đó là vì thiết kế gameplay khá bất công, gây nhiều ức chế đặc biệt là những trận đánh boss. Không những thế, các phần chơi cũ còn có vấn đề với hitbox một số kẻ thù khá khó chịu. Đáng tiếc, Streets of Rage 4 dù sở hữu một số cải tiến gameplay đáng chú ý, nhưng vẫn sa lầy vào những vấn đề muôn thuở của series này. Điều này tạo cho tôi cảm giác khen chê lẫn lộn, khó tránh khỏi hoài nghi về ý tưởng thiết kế “hay không bằng hên” của nhà phát triển.
Streets of Rage 4 lấy bối cảnh khoảng một thập kỷ sau phần ba và mối nguy hại cũ đã khép lại. Mr. X và tập đoàn tội phạm của hắn đã bị nhóm nhân vật của người chơi tiêu diệt. Thế nhưng, mầm mống tội ác vẫn còn và được hai người con song sinh Y kế thừa, tiếp tục gây nên sự hỗn loạn mới. Khắp nơi trong thành phố Wood Oak không còn phân biệt đâu là cảnh sát và ai là tội phạm. Trước sự trỗi dậy của cái ác, cựu chiến binh “già mà gân” Axel cùng đại tẩu Blaze “gừng càng già càng cay” tái hợp, ra tay dẹp loạn và điều tra cặp đôi Y. Khác biệt lớn nhất là lần này họ phải tự lực cánh sinh.
Nét mới dễ nhận thấy nhất là nhân vật của người chơi sẽ có tuyệt chiêu và tuyệt kỹ mang nặng tính cá nhân. Về cơ bản, thi triển tuyệt chiêu sẽ khiến nhân vật mất máu, nhưng bạn có thể hồi lại thông qua tấn công kẻ thù. Tuy nhiên, nếu bị kẻ thù “ném đá giấu tay” trước khi kịp hồi, người chơi sẽ mất gấp đôi máu. Đây là thiết kế thú vị khi mang tính tưởng thưởng hấp dẫn cho hành động “liều ăn nhiều”. Ngược lại, tuyệt kỹ chỉ có thể sử dụng thông qua thu thập vật phẩm hình ngôi sao giấu đâu đó trong môi trường màn chơi, nhưng cũng chỉ “tất sát” trong không gian hẹp chứ không còn khả năng đánh lan như các phần chơi cũ.
Lối chơi của Streets of Rage 4 khá tương đồng với các phần chơi trong series này, vẫn là trải nghiệm chặt chém đi cảnh màn hình ngang quen thuộc. Nhiệm vụ của bạn là điều khiển nhân vật sử dụng quả đấm để tiêu diệt tất cả chướng ngại vật. Ở khía cạnh này thì trò chơi mang đến cảm giác khá thỏa mãn. Người chơi có thể hạ gục kẻ thù và cướp vũ khí chúng làm “gậy ông đập lưng ông”. Vũ khí khá đa dạng, từ dao cho tới tuýp sắt hay thậm chí về sau còn có cả vũ khí nhìn như thanh long đao hư cấu của Quan Vũ. Tuy nhiên, tất cả giống như hàng giả kém chất lượng, phần lớn chỉ dùng đôi ba lần là vứt và không có ngoại lệ.
So với các phần trước, gameplay trong Streets of Rage 4 có vài cải tiến dù vẫn duy trì những điểm đặc trưng của series. Chẳng hạn, mỗi nhân vật đều có ưu và khuyết điểm rõ nét hơn. Đơn cử như Axel tuy tung đòn nào “ngon lành cành đào” đòn nấy, nhưng bài combo “lề mề” hơn so với Blaze cân bằng giữa lực đánh và tốc độ. Tương tự, Cherry chiến đấu nhanh như chớp nhưng lực đánh yếu, trong khi Floyd tấn công đúng kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nhìn chung, mỗi nhân vật đều được thiết kế mang phong cách chiến đấu khác nhau, đáp ứng phần lớn lối chơi cá nhân trong trải nghiệm.
Bên cạnh đó, bạn có thể mở khóa thêm nhân vật khi thỏa điều kiện của game. Thiết kế này không mới, nhưng nó giúp Streets of Rage 4 có giá trị chơi lại cao hơn. Cảm giác “chặt chém” cũng thỏa mãn hơn khi nhân vật có thể tung loạt combo “hạ gục nhanh tiêu diệt gọn” kẻ thù ngay cả khi chúng đang bị hất tung trên không hoặc thông qua lợi dụng “bức tường vô hình”, khá hữu dụng khi chơi co-op. Tuy nhiên nếu không cẩn thận, bạn có thể bị kẻ thù “gậy ông đập lưng ông”. Tuy nhiên, trò chơi khiến tôi có chút thất vọng trong thiết kế màn chơi, mang cảm giác đa dạng hóa nửa vời.
Kỳ thực, chỉ có vài màn ban đầu là tạo cảm giác đa dạng rồi thiết kế nhạt dần và lặp lại về sau. Thậm chí, mỗi màn có thời lượng rất ngắn, khiến người chơi chưa kịp hào hứng với cảm giác đa dạng nửa vời đó thì đã đụng boss ở cuối màn. Đáng chú ý, tôi phát hiện một màn chơi có cảnh nền nhân vật ngồi trên ghế, nhìn kỹ giống hệt tạo hình “thám tử ngủ gật” Mori trong bộ manga và anime Detective Conan, không lẫn vào đâu được. Cảm giác có gì đó sai sai mà không biết mắt tôi sai hay nhà phát triển sai. Thế nhưng, đáng bàn nhất là game sở hữu nhiều thiết kế bất công để “cà khịa” người chơi.
Một trong những vấn đề gây ức chế nhất trong Streets of Rage 4 là hitbox rất tùy hứng. Nó khiến việc “chặt chém” kẻ thù thường xảy ra tình trạng thấy vậy mà không phải vậy. Nhìn cứ tưởng sẽ trúng nhưng kỳ thực cứ đánh là hụt. Đáng nói, vấn đề này cũng gây tác động tương tự trong thao tác nhặt vật phẩm, đặc biệt khiến tôi tức phát điên khi đang cầm vũ khí và muốn lấy gà tây hay trái táo để hồi máu. Điều khó hiểu là dù chưa sử dụng hết tất cả các nút bấm trên tay cầm, nhưng nhà phát triển lại thiết lập dùng chung hai hành động ném vũ khí và nhặt vật phẩm cho một nút bấm.
Tuy nghe có vẻ không to tát nhưng khi kết hợp với vấn đề hitbox “tào lao mía lao” nói trên, trải nghiệm Streets of Rage 4 nhiều lần đẩy tôi vào tâm trạng vô cùng ức chế. Thử tưởng tượng bạn đang cầm vũ khí “xịn” để dành đánh kẻ thù nhưng khi bấm nút định lấy đồ hồi máu, nhân vật không những không lấy đã đành mà còn ném luôn vũ khí đang cầm đi mất, không nổi điên mới lạ. Ở góc độ người chơi, tôi nghĩ nếu cần thiết phải tiết kiệm nút bấm vì lý do gì đó, sẽ hợp lý và dễ tương tác hơn nếu sử dụng dùng chung nút tấn công và lấy vật phẩm, trong khi thiết lập cầm và ném vũ khí chung một nút khác.
Vấn đề điều khiển lẽ ra đã là điểm trừ không nhỏ của Streets of Rage 4, nhưng tôi tìm được giải pháp tạm thời là chuyển Input Setup sang Legacy. Nhờ vậy có thể du di cho qua dù nó chưa thuận tiện như mong muốn. Bù lại, thay vì đưa ra các thiết lập Easy, Normal hay Hard như thường thấy, game cho phép bạn tùy biến độ khó khá thú vị theo cách riêng nhưng phải chịu hy sinh “high score”. Thậm chí nếu để nhân vật mất hết mạng, người chơi còn có thể “retry” và sử dụng một số “buff” được thiết lập sẵn làm lợi thế. Cách thiết kế này cho phép người chơi đủ mọi trình độ dễ tiếp cận game hơn và là một điểm cộng thú vị về mặt ý tưởng.
Tuy nhiên, thiết kế nói trên không giải quyết được vấn đề hitbox gây nhiều ức chế. Mặc dù điều này có thể hơi thiên về cảm nhận cá nhân nhưng với tôi, điều khiển luôn là yếu tố sống còn của bất kỳ tựa game đi cảnh chặt chém nào và Streets of Rage 4 đã không làm tốt điều đó. Nếu có gì để gỡ gạc, có lẽ phải kể đến số lượng bí mật mang đậm cảm giác hoài cổ và đồ họa vẽ tay rất đẹp trong trải nghiệm. Giá trị chơi lại cao thông qua yếu tố mở khóa nhân vật mới, cùng hai chế độ chơi khác là Arcade và Battle cũng hấp dẫn không kém. Thế nhưng, nếu so kè đối thủ khác thì Fight’N Rage thậm chí còn làm tốt hơn ở gần như mọi khía cạnh.
Ngay cả boss cũng vậy khi mang nhiều thiết kế bất công. Trong khi nhân vật của người chơi khá hạn chế khả năng di chuyển thì boss lại vô cùng linh hoạt. Thậm chí, chúng có thể đứng từ cạnh bên kia màn hình tấn công bạn đang đứng ở cạnh đối diện. Không những vậy, boss còn có khả năng đánh lan rất rộng chiếm hơn phân nửa màn hình, trong khi tuyệt kỹ “tất sát” dùng vật phẩm sao của nhân vật chỉ có phạm vi rất nhỏ hẹp. Đó là chưa kể chuyển động đòn tấn công cũng có vấn đề về số lượng khung hình nhất định như hệ thống chiến đấu của Trials of Mana, dễ khiến những trận đánh boss mang đến cảm giác “không thể tin được” theo nghĩa xấu.
Sau cuối, Streets of Rage 4 mang đến một trải nghiệm chặt chém và hấp dẫn nếu bạn có thể chấp nhận một số vấn đề thiết kế mang nhiều cảm giác bất công của trò chơi. Với những ai yêu thích series Streets of Rage kinh điển ngày xưa, đây chắc chắn là cái tên rất đáng chú ý nhưng nếu “phớt tỉnh Ăng-lê”, những vấn đề của trò chơi rất đáng để bạn cân nhắc lại trước khi quyết định rút hầu bao.
Streets of Rage 4 được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!