Spirit Hunter: NG là tựa game lấy đề tài kinh dị mang nhiều nét văn hóa dân gian Nhật Bản, yếu tố độc đào và tò mò luôn hấp dẫn không ít người chơi. Vấn đề ở chỗ, với trải nghiệm “tiểu thuyết trực quan” đặc trưng, liệu trò chơi có làm mất đi yếu tố hấp dẫn nói trên không? Bạn sẽ có câu trả lời ngay bên dưới.
Spirit Hunter: NG có một lịch sử khá rắc rối. Trò chơi phát hành lần đầu vào năm ngoái cho nền tảng PlayStation Vita với cái tên ngắn gọn là NG và không được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Sau đó khoảng một tháng thì Death Mark được phát hành. Khi chuyển ngữ cả hai tựa game nói trên, nhà phát hành Aksys Games dường như muốn biến Spirit Hunter thành cả một series visual novel cho thị trường phương Tây khi thêm tiền tố Spirit Hunter vào tên của cả hai tựa game nói trên.
Điều thú vị là mặc dù phát hành lần đầu sớm hơn, nhưng NG lại được xem là phần chơi thứ hai trong series Spirit Hunter và có một số điểm cải tiến về gameplay so với Death Mark. Dù vậy, bạn không nhất thiết phải chơi qua Death Mark để có thể trải nghiệm NG. Kỳ thực, cả hai có dàn nhân vật và bối cảnh khác nhau và Spirit Hunter: NG lấy nội dung 5 năm sau sự kiện trong Spirit Hunter: Death Mark với một số kết nối đến các nhân vật cũ, nhưng tuyến truyện khác biệt hoàn toàn và không liên quan đến cốt truyện cũ.
Nội dung trong Spirit Hunter: NG đưa bạn đến với nhân vật chính Kijima Akira với quá khứ “lẫy lừng”. Thế nhưng sau khi được người dì đón về nuôi dưỡng, Kijima đã trở thành một con người khác để làm gương cho cô em gái Ami. Mọi chuyện bắt đầu khi mối quan hệ của Ami và Kijima trở nên gắn kết hơn và những câu chuyện liên quan đến Ami bắt đầu ám ảnh Kijima, buộc người chơi phải đối mặt với lời nguyền bí ẩn của truyền thuyết đô thị và đấu tranh với các thế lực bóng tối để hé màn bí mật về nó.
Ngay từ những hình ảnh ban đầu, Spirit Hunter: NG đã mang đến cho tôi một cảm giác khá ấn tượng về phong cách đồ họa. Artwork của trò chơi rất ấn tượng, nhất là các NPC mà bạn tương tác và không khí mang cảm giác u ám rùng rợn đặc quánh xuyên xuốt trải nghiệm game. Mặc dù không có yếu tố hẹn hò, lãng mạn hay hình ảnh “nóng bỏng” như nhiều tựa game visual novel khác cùng xuất xứ từ Nhật Bản, nhưng trò chơi lại không thiếu những hình ảnh khiến bạn rùng mình và những pha jump scare “hết hồn chim én” khi quyết định trải nghiệm Scary Mode.
Nếu bạn đã trải nghiệm vài game visual novel trước đây, có lẽ không cần phải nói nhiều về lối chơi đặc trưng của thể loại này. Spirit Hunter: NG vẫn dẫn dắt người chơi trải nghiệm qua những cảnh nền tĩnh, trong đó bạn sẽ trò chuyện với các nhân vật khác. Điểm khác biệt là yếu tố tương tác theo kiểu point and click được lồng ghép khéo léo vào lối chơi visual novel, giúp người chơi có thể tìm hiểu thêm chi tiết về mọi thứ trong môi trường màn chơi cho mục đích trải nghiệm game.
Bạn sẽ sử dụng đèn pin để điểm sáng những thứ muốn tương tác hay thu thập thông tin cũng như nhặt lấy một số vật phẩm cho mục đích “giải đố” về sau. Khía cạnh kinh dị trong trải nghiệm Spirit Hunter: NG cũng buộc bạn đụng độ với những linh hồn, góp phần khiến gameplay ngày càng căng thẳng hơn về sau. Đây là lúc người chơi phải đưa ra lựa chọn đúng trong số những lựa chọn mà trò chơi liệt kê. Vấn đề ở chỗ, lựa chọn đúng hay sai dựa trên những thông tin mà bạn đã thu thập trước đó, thường là phải sử dụng đúng vật phẩm nào đó.
Ý tưởng về hồn ma trong Spirit Hunter: NG có lẽ không xa lạ với nhiều người chơi vì nó khá quen thuộc trong văn hóa tâm linh của phương đông. Chúng ta thường cho rằng hồn ma là những linh hồn chưa được siêu thoát vì vẫn còn nặng nợ với trần gian, thường là do những ân oán chưa được giải quyết của họ khi còn sống. Chính vì vậy, mục đích chính của bạn không phải là đưa ra lựa chọn để hạ gục kẻ thù. Lựa chọn đúng ở đây là phải giải quyết “ấn oán giang hồ” của linh hồn đó. Lựa chọn sai chỉ có thể giải quyết phần ngọn là hạ được kẻ thù, nhưng có thể gây hậu quả đến cho người thân của Kijima, đó mới là vấn đề.
Đây mới là lúc mà chất kinh dị trong văn hóa đất nước mặt trời mọc tỏa sáng trong trải nghiệm Spirit Hunter: NG. Khác với các nước phương tây thường mang đến nỗi ám ảnh kinh hoàng dựa trên những “thế lực hắc ám” khát máu, giết người như ngóe, yếu tố kinh dị trong văn hóa phương đông mà đặc biệt là Nhật Bản “nhẹ nhàng” hơn, nhưng dễ dàng khiến bạn “dựng tóc gáy” hơn dù mang nhiều yếu tố đời thường trong cuộc sống hơn. Phần lớn những linh hồn trong game đều phải chịu những nỗi đau đớn trong tâm hồn trước khi chết, khiến họ biến thành những “hồn ma báo oán” phải chịu cảnh đau khổ dằn vặt khi đã chết đi. Làm sao để giải thoát những ân oán của các linh hồn chính là trải nghiệm của người chơi.
Bên cạnh đó, điểm sáng khác trong trải nghiệm Spirit Hunter: NG còn nằm ở hệ thống Judging, cho phép Kijima có thể phản ứng tích cực hoặc tiêu cực khi tương tác với các nhân vật khác với năm cấp độ khác nhau. Hệ thống này giúp người chơi đa dạng hóa cảm xúc cá nhân trong câu chuyện kể hơn, góp phần tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa người chơi với các NPC trong game, bất chấp thời gian tương tác giữa bạn và họ đôi khi khá ngắn ngủi. Thiết kế này mang đến sự khác biệt và thú vị so với những tựa game cùng thể loại khác trên thị trường, khiến những tình huống nguy hiểm của những NPC diễn ra trong game gieo vào tâm trí người chơi cảm giác sợ hãi và lo lắng họ thật sự.
Ngay cả nội dung và cách kể chuyện trong Spirit Hunter: NG cũng rất cuốn hút, không chỉ ở khía cạnh nội dung hấp dẫn mà còn nhờ vào dàn nhân vật thú vị nữa. Mặc dù khâu lồng tiếng không được “phủ” khắp trải nghiệm game, nhưng đội ngũ biên kịch cũng rất biết cách tiết chế phần câu chuyện kể dày đặc chữ thường thấy chỉ còn ở mức vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít. Điều này không đòi hỏi bạn phải liên tục đọc một lượng chữ đồ sộ so với nhiều tựa game cùng thể loại khác trên thị trường và là một điểm cộng đáng khen.
Không những vậy, sự kết hợp với nhiều cơ chế gameplay kể trên, ít nhiều cũng làm tăng sự tương tác và đồng thời giảm sự mệt mỏi vì đọc chữ thường thấy của thể loại này. Spirit Hunter: NG còn tạo sự kịch tính với hệ thống Crisis Choice. Về cơ bản, đây là những lựa chọn trong khoảnh khắc nguy kịch, đòi hỏi người chơi phải đưa ra quyết định nhanh và chính xác nếu không muốn “game over”. Dù không hề mới mẻ hay sáng tạo nếu so với thể loại game nhập vai, nhưng ý tưởng thao tác di chuyển như các tựa game khám phá hang động là một điểm cộng cho sự bổ sung thú vị trong thể loại visual novel.
Sau cuối, Spirit Hunter: NG mang đến một trải nghiệm visual novel xuất sắc, kết hợp độc đáo giữa các yếu tố gameplay đặc sắc từ nhiều thể loại khác nhau. Nếu muốn tìm kiếm một tựa game mang đến cho bạn cảm giác rùng rợn lạnh sống lưng trong trải nghiệm, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ thuyết phục. Thậm chí, nếu bạn yêu thích Spirit Hunter: Death Mark, “phần tiếp theo” này càng là cái tên không thể bỏ qua.
Spirit Hunter: NG được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác