Sphinx and the Cursed Mummy là phiên bản remaster của game hành động đi cảnh 3D hấp dẫn từ những năm 2000.
Phần lớn người chơi Việt có lẽ không biết đến Sphinx and the Cursed Mummy dù trò chơi ra mắt vào thời kỳ hoàng kim của bộ ba PlayStation 2, Xbox và GameCube. Sau một thời gian dài phát hành bản remaster cho PC, đến tận bây giờ người chơi Nintendo Switch mới được chạm tay đến tựa game hành động đi cảnh 3D hấp dẫn này.
So với các tựa game ra mắt ở thời điểm đó như Jax and Daxter hay Ratchet and Clank, kỳ thực Sphinx and the Cursed Mummy có khá nhiều lợi thế với lối chơi đi cảnh 3D hấp dẫn, nội dung thú vị và trên hết là chủ đề “không đụng hàng”. Trò chơi lấy bối cảnh tại Ai Cập cổ đại và đưa người chơi đến với định mệnh trớ trêu của hai nhân vật á thần Sphinx và vương tử Tutenkhamen. Từ đây, người chơi sẽ lần lượt hóa thân thành mỗi nhân vật và thực hiện sứ mệnh của mình để bảo vệ vận mệnh của Ai Cập trước những mưu mô hiểm độc manh nha… trỗi dậy.
Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, Sphinx and the Cursed Mummy đã khiến tôi ấn tượng với đồ họa phong cách hoạt hình của trò chơi trên nền tảng Nintendo Switch. Chuyển động của nhân vật khá mượt mà, thiên về yếu tố hài hước nhất là khi nhìn chàng hoàng tử Ai Cập bước cứ như chân này đá chân kia. Trò chơi sử dụng những gam màu nóng khá ấn tượng, chất lượng đồ họa ở mức khá tốt so với bản remaster trên PC. Không những tăng độ phân giải so với tựa game gốc, trò chơi thậm chí cũng nâng cấp phần hình ảnh rất sắc nét khá ấn tượng.
Các nhân vật cũng có biểu cảm khá tốt, dù vẫn có chút hạn chế so với nhiều tựa game ngày nay. Môi trường có độ chi tiết cao và thiết kế màn chơi tuy cũ vì vẫn giữ nguyên từ phiên bản gốc, nhưng mang đến trải nghiệm khá ấn tượng với độ khó tương đối cao. Hiệu năng và hiệu ứng ánh sáng được thể hiện tốt trên phần cứng yếu kém của Nintendo Switch. Chỉ có điều đáng phàn nàn là thao tác nhảy trong game khá đánh đố người chơi, cảm giác như nhân vật lơ lửng khó đoán do phần đổ bóng bị tiết giảm tối đa, rất khó quan sát điểm rơi của nhân vật.
Cơ chế save game cũng là một vấn đề gây khó chịu với những ai không có một thời tuổi thơ với những tựa game kinh điển ngày xưa. Sphinx and the Cursed Mummy không có hệ thống autosave mà thay vào đó, người chơi phải save thủ công ở các vị trí save nhất định dọc màn chơi. Điều đó đồng nghĩa nếu để nhân vật chết, bạn sẽ mất từ 15 đến 30 phút chơi lại các phân đoạn cũ trước đó. Vấn đề ở chỗ, một số đoạn chuyển cảnh cũng không cho người chơi bỏ qua, nếu xui xẻo thì bạn còn phải mất thời gian xem lại những phân đoạn này, khá là bực mình.
Về cơ bản, gameplay của Sphinx and the Cursed Mummy mang cảm giác giống như bạn đang trải nghiệm hai tựa game khác nhau vậy. Trải nghiệm của nhân vật á thần Sphinx thiên về khám phá và chiến đấu giống như phần lớn những tựa game thuộc thể loại này trên thị trường. Trong khi đó, hoàng tử Ai Cập với khả năng chiến đấu hạn chế lại có lối chơi thiên về giải đố và yếu tố hành động lén lút nhiều hơn. Tuy nhiên, yếu tố giải đố trong game có thể gây nhiều khó khăn cho người chơi do thường khá khó hiểu và không có những hướng dẫn gợi ý như thường thấy như các tựa game ngày nay.
Với những ai từng có một thời tuổi thơ game dữ dội ngày xưa, nét hoài cổ này có thể là một điểm cộng của trò chơi. Thế nhưng, phần lớn người chơi mới chưa từng có dịp trải nghiệm Sphinx and the Cursed Mummy trước đây chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn với yếu tố “khó không tưởng” này. Chưa kể, góc nhìn camera “thiếu muối i-ốt” trong không ít trường hợp rất dễ khiến bạn “nổi đóa” vì sự “lì lợm” của nó, thường xuyên mắc kẹt vào một cảnh nào đó hoặc không thuận tiện để quan sát. Yếu tố này phần nào cũng gây khó khăn không nhỏ trong trải nghiệm game.
Bù lại, toàn bộ trải nghiệm lại khá hấp dẫn và không tạo cảm giác nhàm chán do thường xuyên thay đổi “khẩu vị” gameplay mỗi khi chuyển sang nhân vật khác. Điều khiến tôi cảm thấy tiếc là Sphinx and the Cursed Mummy không có lồng tiếng cho lời thoại của các nhân vật. Mặc dù tính năng này vốn cũng không hề có trong phiên bản gốc của trò chơi, nhưng sự thiếu vắng của nó lại mang đến cho những người chơi như tôi cảm thấy có điều gì đó thiếu thiếu, không thổi được cái hồn cho các nhân vật như thường thấy trong những tựa game thuộc thể loại này.
Mặt khác, nhịp độ chơi của game cũng có chút vấn đề, không tạo được cảm giác tò mò và quan tâm cho người chơi trong trải nghiệm. Nhiều phân đoạn khá dài và thường buộc người chơi phải quay lại những vị trí cũ, trong khi lại ít xuất hiện thêm tình tiết nội dung gì mới để tạo sự hào hứng trong trải nghiệm. Cũng may là Sphinx and the Cursed Mummy khá có lợi thế về gameplay, với các câu đố thú vị và phần trải nghiệm của hai nhân vật đầy hào hứng nên cũng giảm bớt cảm giác khó chịu này. Tuy nhiên đây không hẳn là điểm yếu của trò chơi vì nó là vấn đề từ gốc rễ thiết kế ban đầu của game gốc rồi.
Sau cuối, Sphinx and the Cursed Mummy mang đến một trải nghiệm hành động đi cảnh hấp dẫn không chỉ ở yếu tố câu chuyện, mà còn ở nhân vật và những câu đố thú vị. Dù vẫn vướng phải một số vấn đề xuất phát từ “lịch sử để lại” của bản game gốc, nhưng trò chơi cân bằng khá tốt giữa yếu tố thần thoại và lịch sử Ai Cập trong trải nghiệm là một điểm cộng đáng chú ý. Nếu yêu thích thể loại này thì không có lý do gì mà bạn lại bỏ qua tựa game này. Trải nghiệm thậm chí còn kết hợp tuyệt vời với khả năng cơ động của máy chơi game Nintendo Switch.
Sphinx and the Cursed Mummy phiên bản remaster được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác