Sparklite là game hành động nhập vai mang nhiều cảm giác quen thuộc với những ai yêu thích tựa game kinh điển Legend of Zelda: A Link to the Past, nhưng với điểm nhấn khác biệt là yếu tố roguelike kỳ vọng sẽ giúp trải nghiệm luôn tươi mới.
Trải nghiệm game đưa bạn đến với nhân vật chính Ada, một nữ kỹ sư tài ba trong một chuyến “công tác” đã gặp cơn bão khủng khiếp. Trong khi chưa kịp hoàn hồn thì một đám “cục nhớt” ở đâu bỗng dưng xuất hiện và làm hỏng phi thuyền, buộc nhân vật phải leo lên tàu cứu hộ và rơi tự do xuống vùng đất Geodia. Sau màn giới thiệu ban đầu với trận đánh boss “không trượt phát nào”, cuộc phiêu lưu của người chơi bắt đầu từ đây. Cũng như bao tựa game xoay quanh yếu tố roguelike khác, điểm nhấn của Sparklite không phải nằm ở cốt truyện mà chính là ở gameplay chặt chém hấp dẫn.
Vấn đề ở chỗ, nếu có thể mô tả ngắn gọn về trải nghiệm game, tôi nghĩ câu thành ngữ cày sâu cuốc bẫm là phù hợp nhất. Đây cũng là lối trải nghiệm khó tránh khỏi của phần lớn những tựa game có yếu tố roguelike. Về cơ bản, Sparklite có thể xem là một dạng tiền tệ trong thế giới Geodia và người chơi cần rất nhiều để mở khóa shop, nâng cấp kỹ năng và trang bị. Nghe có gì đó sai sai nhưng bạn đọc chính xác đấy, vì Ada cần Sparklite nhiều khủng khiếp để mở khóa các shop cho những mục đích khác nhau, trong đó bao gồm nâng cấp, mở rộng phi thuyền nâng các nâng cấp tiện ích v.v… và v.v…
Ở Geodia, con người sống trên Refuge, một khu trại tập trung lơ lửng giữa không sau một trận động đất khiến mặt đất tan hoang. Tuy nhiên, Sparklite thì nằm dưới mặt đất và người chơi phải chiến đấu với các loại quái vật trong các hang động hay từ môi trường màn được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán để có được chúng. Trải nghiệm chiến đấu mang nhiều nét giống với Moonlighter. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai tựa game ở khía cạnh nâng cấp kỹ năng, hỗ trợ và nhân vật chính là nữ. Vũ khí của người chơi là chiếc cờ lê đa năng với khả năng tùy biến cao nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu? Đó cũng là công việc chính mà bạn phải làm: “cày” Sparklite.
Nếu đã trải nghiệm nhiều tựa game roguelike khác, có lẽ bạn không lạ gì với việc “cày cuốc” để nâng cấp cho nhân vật mạnh hơn. Sparklite cũng không phải ngoại lệ. Phần lớn thời gian trải nghiệm là đi đánh quái và chắt cóp “từng đồng” Sparklite. Nếu để nhân vật chết trong trải nghiệm, Ada sẽ được đưa trở lại Refuge nhưng cả thế giới màn chơi hiện tại sẽ thay đổi ngẫu nhiên, khác biệt như một thế giới mới. Về mặt lý thuyết, điều này giúp trải nghiệm luôn tươi mới. Chưa kể mỗi khu vực khám phá đều mang những chủ đề khác nhau, được thể hiện bằng đồ họa pixel đẹp mắt, sử dụng nhiều màu sắc rực rỡ và bắt mắt.
Môi trường màn chơi và các nhân vật đều được thể hiện độ chi tiết cao, thậm chí ban đầu còn khiến tôi tưởng nhầm là một phần chơi mới chung vũ trụ với Moonlighter do có quá nhiều nét tương đồng. Không những vậy, phần nhạc nền cũng để lại ấn tượng tốt, từ những bản nhạc được sáng tác riêng cho từng khu vực trải nghiệm tới những trận đánh boss đều khá hào hứng, tạo được cái không khí trải nghiệm hấp dẫn khi kết hợp với lối chơi roguelike đặc trưng. Kỳ thực, Sparklite gây ấn tượng không phải vì nó có nhiều ý tưởng sáng tạo hay mới mẻ mà là cảm giác quen thuộc theo công thức cũ, tạo thành trải nghiệm có tính vòng lặp.
Nói đơn giản thì Sparklite khá nặng cảm giác lặp lại, nhưng yếu tố này được giảm bớt đi rất nhiều nhờ vào việc thiết kế các hệ thống gameplay đơn giản mà hấp dẫn cùng hệ thống nâng cấp khá có chiều sâu. Mỗi lượt “khám phá và chiến đấu” thường chỉ kéo dài khoảng gần nửa tiếng, nhưng cảm giác nhân vật mạnh hơn đều có thể thấy rõ, tạo cảm giác tưởng thưởng khá lớn cho người chơi. Đây chính là yếu tố tạo nên sự cuốn hút trong trải nghiệm. Vấn đề ở chỗ, bạn sẽ để Ada chết rất nhiều, nhưng mỗi lần chết lại là một cơ hội để nâng cấp kỹ năng giúp nhân vật mạnh hơn, để “một lần nữa thôi” có kết quả tốt hơn.
Cảm giác như sự cố gắng của bạn cuối cùng cũng được đền đáp trong trải nghiệm game là một cái gì đó cực kỳ lôi cuốn, khiến trải nghiệm game rất dễ gây nghiện với cảm giác “chơi thêm chút nữa rồi nghỉ” nhiều lần như thế. Không những vậy, những ai từng một thời yêu thích cái tên kinh điển Legend of Zelda: A Link to the Past càng có thêm lý do để bị cuốn hút bởi trải nghiệm Sparklite vì mang nhiều cảm giác quen thuộc, từ cách xây dựng các hang động cho đến một số câu đố rất kinh điển của tựa game nói trên. Dù vậy, không thể phủ nhận đây cũng là điểm trừ với những bạn nào không thích “cảm giác quen quen”, nhất là khi một bên là tượng đài lâu năm trong khi một bên là một tựa game lấy cảm hứng từ đó.
Thế nhưng, Sparklite không hẳn là không có vấn đề. Trước hết là vấn đề riêng của phiên bản Nintendo Switch mà có lẽ bạn cũng đoán ra chính là hiệu năng. Tốc độ khung hình của trò chơi không ổn định trong một số trường hợp, đặc biệt là trên Refuge. Ngay cả trong chiến đấu cũng xảy ra tình trạng này, nhưng do tốc độ của kẻ thù khá nhanh trong khi Ada thì chậm nên dễ gây cảm giác bực bội hơn. Ngoài ra, bản thân trò chơi còn vướng phải một số vấn đề về thiết kế khá khó chịu. Đơn cử như khả năng lướt (dash) của Ada luôn có khoảng dừng sau mỗi pha hành động này, nên thường gây nhiều ức chế khi đánh boss, hết sức bực mình.
Không những vậy, yếu tố roguelike của trò chơi cũng mắc phải vấn đề tương tự Moonlighter là không gian màn chơi tuy có thay đổi về kết cấu, vị trí này nọ nhưng không đủ nhiều để tạo cảm giác hoàn toàn mới mẻ. Chỉ khoảng chục lần “chết đi sống lại” là bạn sẽ gặp một lần trùng lặp kết cấu và càng chơi nhiều thì nó càng xảy ra nhiều hơn, không tránh khỏi cảm giác nhàm chán khi trải nghiệm kéo dài. Đã vậy, người chơi không có cách nào để quay về Refuge ngoài việc để nhân vật chết nên cảm giác hơi mất tự do và khó chịu không hề nhỏ trong trải nghiệm. Chưa kể, các trận đánh boss kém hào hứng vì khá dễ đoán.
Sau cuối, Sparklite mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá hào hứng nhưng nặng về yếu tố cày cuốc vừa là điểm trừ lẫn điểm cộng tùy vào quan điểm của người chơi. Nếu thích những tựa game mang đến cho bạn cảm giác tưởng thưởng đầy phấn khích, đây là một cái tên rất đáng cân nhắc. Tuy nhiên nếu không thích yếu tố cày cuốc trong trải nghiệm thì rõ ràng Sparklite không phải dành cho bạn rồi.
Sparklite hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, Android và iOS.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
[text-blocks id=”game-box”]