Song of Memories là game visual novel hấp dẫn và độc đáo trong trải nghiệm “tiểu thuyết bằng hình” quen thuộc từ Nhật Bản.
Có thể bạn đã từng nghe đến những cụm từ như hiệu ứng domino, hiệu ứng cánh bướm, thuyết hỗn mang v.v… với cảm giác như “vịt nghe sấm”. Kỳ thực, đó là một trong những cách diễn giải khác của mối quan hệ nhân quả, vốn là trải nghiệm quen thuộc trong những game thuộc thể loại visual novel. Đặc điểm chung của những tựa game này là mỗi hành động dù nhỏ của nhân vật chính, cũng có thể tạo nên một chuỗi sự kiện tiếp diễn với kết quả thay đổi. Song of Memories là một trong những tựa game như thế.
Trải nghiệm trong Song of Memories mang cho tôi cảm giác trò chơi là một câu chuyện kể tương tác hơn là visual novel. Mỗi lựa chọn của người chơi có thể rẽ sang những nhánh tình tiết câu chuyện hoặc một địa điểm khác, mang đến cơ hội gặp gỡ một nhân vật nào đó. Chính vì vậy mà trải nghiệm game diễn ra với nhịp độ khá chậm rãi. Tuy nhiên, đây là đặc điểm chung của dòng game visual novel nên tôi không xem đây là một điểm trừ. Trò chơi có khá nhiều ý tưởng sáng tạo để mang đến sự khác biệt thú vị so với các game cùng thể loại khác trên thị trường. Mặt khác, những lựa chọn câu trả lời của bạn có thể dẫn đến mối quan hệ nhân quả bất ngờ, nhưng nhiều khi người chơi chỉ biết được sau khi đã trải nghiệm tất cả những nhánh rẽ đó.
Vấn đề ở chỗ, trò chơi tạo những thay đổi tình tiết khá bất ngờ, thế nhưng không phải mọi lựa chọn đều gây nên tác động rẽ nhánh nói trên. Điều này dễ khiến người chơi có cảm giác trải nghiệm game không có mối quan hệ nhân quả nhất định. Chưa kể, một số hệ quả cũng khá tinh tế, ban đầu chỉ mang đến cho người chơi những thông tin làm nền cho câu chuyện, phải về sau mọi chuyện mới “hạ hồi phân giải”. Chẳng hạn một phân đoạn ở khoảng một tiếng đầu trò chơi, lựa chọn đi dạo công viên một vòng trước khi về sẽ dẫn đến cuộc gặp gỡ với một nhân vật đang gây nhiều tò mò ban đầu, nhưng nếu lựa chọn đi thẳng về nhà thì bạn lại bất ngờ đụng độ một nhân vật khác không ngờ tới.
Song of Memories đưa người chơi đến với nhân vật Minato Kamishiro. Tuy bạn có thể thay đổi họ và tên cho nhân vật chính, nhưng lại không thể tùy biến cho nhân vật của mình như game Arcade Spirits. Minato sống cùng cô em gái Fuuka, ba mẹ của họ đã mất một tai nạn bất ngờ. Từ đây, các mối quan hệ với những người bạn của cả hai tại Ouka Acadamy xảy ra dưới tác động của người chơi thông qua việc tương tác. Điều thú vị là câu chuyện trong game khá có chiều sâu. Ban đầu chỉ là những cuộc trò chuyện về cuộc sống đời thường diễn ra hàng ngày của các nhân vật, cho đến khi biến cố xảy ra sau đó làm đảo lộn mọi thứ.
Đồ họa có lẽ là một trong những điểm ấn tượng của Song of Memories trong trải nghiệm. Artwork trong game không chỉ dừng ở mức đẹp mà phải gọi là rất đẹp. Các nhân vật nữ đều “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” rất ấn tượng. Yếu tố fan service cũng được nhà phát triển phát huy thế mạnh ở đây khi xây dựng hình ảnh các nhân vật có hơi thiếu cân đối phía trên một chút. Điểm thú vị nhất là hệ thống E-mote tạo được biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể cho nhân vật, mang cảm giác các nhân vật đều “sống” chứ không còn là những bức ảnh chân dung 2D đơn điệu quen thuộc trong phần lớn các game visual novel khác trên thị trường.
Đây là một điểm cộng hết sức độc đáo của trò chơi giúp làm nhẹ đi cái cảm giác “mỏi mắt” thường trực, khi phải đọc lời thoại quá nhiều trong hầu hết các tựa game visual novel mà Song of Memories cũng không phải là ngoại lệ. Thay vì đọc chữ và chữ như thường thấy, người chơi có thể bật chế độ Auto và ngồi theo dõi câu chuyện bằng những hình ảnh và chuyển động cơ thể của các nhân vật rất thú vị theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trò chơi cũng có một số tính năng fan service khá thú vị, chẳng hạn như bạn có thể giấu đi khung lời thoại để chụp những screenshot giữ lại khoảnh khắc yêu thích nào đó của các nhân vật trong game.
Điều tôi khá thích trong trải nghiệm Song of Memories chính là các nhân vật đều mang cá tính rất riêng. Chẳng hạn như Satsuki là một cô nàng khó tính và rất dễ mất lòng mọi người vì những câu nói “thẳng như ruột ngựa”. Ngược lại, Natsume lại là một cô nàng nhút nhát, chỉ mới nghĩ đến một tình huống nào đó thôi là đã lặn mất tăm chứ đừng nói đến chuyện thực hiện kế hoạch. Trừ hình thể một số nhân vật hơi thiếu cân đối nhằm thu hút ánh nhìn của người chơi, diện mạo của các nhân vật đều rất xinh xắn, cùng với chuyển động cơ thể khá thú vị và phần lồng tiếng “quá đỉnh” đã thổi nên cái hồn cho mỗi nhân vật.
Từng nhân vật như vậy đều có kết thúc tốt và xấu riêng, tất nhiên còn có cả rất nhiều “phần thưởng” thú vị chờ đón người chơi ở khoảng nửa sau trải nghiệm đến khi kết thúc game. Trò chơi thậm chí còn có hệ thống Chart để bạn có thể dễ dàng theo dõi những tình tiết nào liên quan đến nhân vật nào, quay lại trải nghiệm tương ứng từ đó để mở khóa nhánh rẽ mới. Tính năng này giúp trải nghiệm game có giá trị chơi lại cực cao. Thế nhưng, tuy Chart được xây dựng giống như một thời khóa biểu khá thú vị, phần chú thích lại không rõ ràng về cách vận dụng nó trong trải nghiệm như thế nào, dễ khiến người chơi lúng túng trong lần đầu trải nghiệm.
Dòng thời gian trong game cũng là một vấn đề gây khó hiểu, khiến tôi không rõ đây có phải là lỗi dịch thuật hay không. Đơn cử như ở đầu trò chơi, khi lịch dự kiến thì Kanon sẽ về nhà vào ngày chủ nhật và trước đó thì người chơi lại có cơ hội để “đi riêng” với nhân vật này. Thời điểm đó, Kanon vẫn chưa về nhà nhưng cách trò chuyện lại gợi ý nhân vật đã dọn về nhà khiến tôi cứ mang cảm giác có gì đó sai sai. Đây chỉ là một ví dụ điển hình ở ngay đầu trò chơi. Điều này cho thấy một số tình tiết hoặc sai ở khâu dịch thuật hoặc nhà phát triển đã nhầm lẫn khi ghép một phân đoạn chưa xảy ra vào nhầm dòng thời gian.
Tuy vấn đề này không gây tác động gì tới trải nghiệm, nhưng nó vẫn có thể khiến bạn cảm thấy lùng bùng với các tình tiết diễn ra khá lộn xộn, không tuân theo dòng thời gian của trò chơi như thế này. Ngoài ra, còn một vấn đề cũng đáng nhắc đến là cỡ chữ phụ đề của trò chơi hơi nhỏ, trong khi khoảng không gian dành cho phần phụ đề lời thoại lại dư rất nhiều nhưng không được sử dụng hết. Tôi tuy không bị cận thị nhưng cũng phải ngồi tương đối gần mới cảm thấy dễ đọc được chữ. Một yếu tố cũng khá nhỏ nhặt là phần lời thoại thỉnh thoảng bị dư ra một khoảng trống giữa các từ viết tắt liền nhau trong tiếng Anh, ai khó tính sẽ cảm thấy “chướng mắt”.
Thế nhưng, trải nghiệm visual novel không phải là điều duy nhất mà Song of Memories mang đến. Trò chơi còn có cả một hệ thống chiến đấu gọi là Dream 4 You với năm nhân vật AI xinh xắn, đáng yêu khác. Đây là phần trải nghiệm khá giống một phiên bản rút gọn của game Hatsune Miku về âm nhạc. Người chơi sẽ nhấn các nút bấm xuất hiện trên màn hình vừa khớp với thời gian vòng tròn thu lại để gây sát thương cho kẻ thù. Chiến đấu sẽ giúp thăng cấp cho các nhân vật D4U. Tuy nhiên, phần chiến đấu này chỉ hào hứng ban đầu chứ về sau lại khá mất thời gian. May mắn là nhà phát triển đã bổ sung thêm nút Skip, cho phép bạn bỏ qua những trận chiến này mà vẫn tự động thắng, tập trung hơn vào phần trải nghiệm câu chuyện kể.
Sau cuối, Song of Memories mang đến một trải nghiệm visual novel với cốt truyện có nút thắt rất thú vị, các nhân vật hấp dẫn cùng với chút yếu tố nhập vai độc đáo. Trò chơi có số lượng ending rất nhiều, mang đến giá trị chơi lại rất cao cùng với hệ thống e-mote tạo được cái hồn khá ấn tượng cho nhân vật dù chuyển động hơi lặp lại. Đó là chưa nói bên cạnh phần trải nghiệm cốt truyện với nhiều đường rẽ nhánh, trò chơi có rất nhiều nội dung cộng thêm đáng chú ý và soundtrack cũng rất hay. Nếu yêu thích thể loại game visual novel đặc trưng có tiết tấu chậm, bạn khó lòng có thể bỏ qua tựa game này.
Song of Memories hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!