Song of Horror: Episode 4 tiếp tục đưa người chơi truy dấu vết nhà văn Husher với trải nghiệm kinh dị sinh tồn, nhưng lần này được lấy cảm hứng từ Amnesia: The Dark Descent.
Cuối episode 3, người chơi tìm được manh mối về Husher ở địa điểm mới: tu viện thánh Cecilia (St. Cecilia’s Abbey). Thế nhưng, thánh địa này đã bị Presence “làm mưa làm gió” và trở thành cơn ác mộng mới của người chơi. Lần này, bạn sẽ có thêm sự giúp đỡ của Ernest Finnegan, nhà khảo cổ học nổi tiếng và cũng là bạn thân của Husher. Đáng chú ý, episode 4 mang nhiều cảm giác Amnesia: The Dark Descent khi xây dựng tu viện theo kiến trúc gothic, hơi khác biệt so bối cảnh hiện đại trong ba episode trước.
Khám phá tu viện thánh Cecilia mở rộng câu chuyện kể khá nhiều, giải thích dần mọi thứ nhưng kết thúc vẫn còn chờ người chơi trong Song of Horror: Episode 5. Kỳ thực, địa điểm này là thử thách khó nhằn nhất trong số bốn episode đã phát hành. St. Cecilia’s Abbey không chỉ rộng mà còn được chia làm nhiều khu vực hơn so với episode 3, thậm chí có cả sân rộng lớn bao quanh. Đó là chưa kể nơi này có nhiều không gian hơn chờ bạn khám phá, từ khu vực nhà thờ cho đến hầm mộ ẩn sâu bên dưới tưởng không sợ ai ngờ sợ không tưởng.
Ở góc độ người chơi, Song of Horror: Episode 4 mang cảm giác khá tham vọng trong thiết kế. Kỳ thực, episode này sở hữu không gian màn chơi rộng nhất trong số bốn episode. Điều này ít nhiều khiến tôi lo lắng episode 5 sẽ không có kết thúc để lại dấu ấn trong lòng người chơi mà nhiều tựa game thuộc thể loại này thường hay mắc phải. Ngược lại, yếu tố gameplay vẫn mang nhiều cảm giác quen thuộc với những ai thường “đi đu đưa đi” trong các tựa game kinh điển của thể loại “sợ hết hồn” này.
Những điểm làm nên sự khác biệt của Song of Horror vẫn tiếp tục giữ nguyên trong Episode 4, như “trấn cửa” hay nín thở kẻo chết v.v… Tuy nhiên ở khía cạnh gamemplay và giải đố, phần chơi này có một số yếu tố gợi nhiều cảm giác của những cái tên kinh điển ngày xưa của dòng game kinh dị sinh tồn. Đơn cử như câu đố chế thuốc khiến tôi liên tưởng ngay đến Resident Evil hay phân đoạn “kính chiếu yêu” nửa đầu trải nghiệm lập tức gợi nhắc tôi đến cơ chế gameplay trong Fatal Frame mà series DreadOut đã kế thừa khá tốt.
Không chỉ ở khía cạnh gameplay, Song of Horror: Episode 4 còn để lại nhiều “dấu ấn” từ văn học hay âm nhạc trong cả achievement. Chẳng hạn khi bạn hoàn thành phần chơi này sẽ nhận được thành tích The Unforgiven vốn là tên bài hát nổi tiếng của nhóm nhạc heavy metal Metallica. Hay như thành tích One for All, All for One rõ ràng là nhắc đến tác phẩm văn học Ba người lính ngự lâm của nhà văn Alexandre Dumas người Pháp. Thậm chí ngay cả hình đại diện cho các thành tích mà bạn mở khóa được cũng là những easter egg thú vị.
Hơi tiếc một chút là yếu tố giải đố trong Song of Horror: Episode 4 không còn câu đố “ảo tung chảo” như “vụ án máy chiếu” từng khiến tôi hơi hack não trong episode 3 nữa. Thay vào đó, nó thiên về kiểu truyền thống giống như hai episode đầu hơn. Mặc dù điều này có thể gây ra ý kiến trái chiều, nhưng lại phục vụ khá tốt cho ý đồ của nhà phát triển khi muốn tri ân những cái tên đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tựa game kinh dị sinh tồn khác trên thị trường hiện nay mà Song of Horror cũng là một trong số đó.
Đáng chú ý, nhà phát triển vừa cập nhật bổ sung thêm độ khó mới E.T.A. Hoffmann ở thời điểm bài viết. Chế độ chơi này loại bỏ yếu tố permadeath, cho phép người chơi có thể chọn nhân vật khác hoặc chơi lại từ checkpoint cuối cùng khi bạn “sơ suất” để nhân vật chết. Ngoài thay đổi này ra, toàn bộ trải nghiệm vẫn được giữ nguyên về độ khó và chất kinh dị đáng sợ được rất nhiều người chơi Song of Horror yêu thích. Bạn đừng mong đợi Presence sẽ lành như cục bột vì “tên đồ tể” này vẫn không khác gì “bò điên” như trước đây.
Dù vậy, không thể phủ nhận độ khó mới ít nhiều cũng giúp trải nghiệm dễ thở hơn, nhất là những ai vốn không quen với “cơn ác mộng” đầy căng thẳng mà Song of Horror mang đến trong suốt 5 episode. Chưa kể, mỗi episode mới lại bổ sung thêm cơ chế gameplay mới cho mục đích “cướp mạng” nhân vật của người chơi. Thiết kế này khá hiếm thấy trong những tựa game kinh dị sinh tồn trên thị trường hiện nay, nhưng nó lại lại hiệu quả cực kỳ trong trải nghiệm mà tựa game này mang đến.
Sau cuối, Song of Horror: Episode 4 tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của nó khi mang đến trải nghiệm kinh dị sinh tồn đáng sợ như ba episode trước. Kết thúc của phần chơi này chắc chắn sẽ khiến nhiều người chơi tò mò khi câu chuyện của Song of Horror gần như đi vào ngõ cụt. Hy vọng episode 5 sẽ có nút thắt bất ngờ thú vị cho những ai thích cảm giác “hết hồn chim én” mà tựa game này đã, đang và sẽ mang đến.
Song of Horror: Episode 4 hiện chỉ có trên PC (Windows), yêu cầu phải hoàn thành ba episode trước mới có thể trải nghiệm.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!