Mọi người vẫn biết trí thông minh nhân tạo (AI) được ứng dụng vào rất nhiều thiết bị, ở đa dạng lĩnh vực. Tuy nhiên, gần đây nó còn được phát triển để chẩn đoán bệnh tật bằng việc ngửi hơi thở con người.
AI xuất hiện vài năm trở lại đây và ngày càng được biết rộng rãi, nhất là với khả năng nhìn (như trong những chiếc xe không người lái, công nghệ nhận diện hình ảnh khuôn mặt), khả năng nghe (như Alexa và những trợ lý ảo khác).
Mới đây, các nhà khoa học ở Anh còn đưa AI lên tầm cao mới khi cho nó ngửi hơi thở của một ai đó và phát hiện ra bệnh tật của họ. Một việc dễ khiến bạn phải giật mình và tự hỏi làm thế nào để AI có thể siêu như vậy?
Nhóm bác sĩ, y tá, chuyên gia X-quang và các nhà vật lý y tế tại Trung tâm Ung thư Edinburgh đã thu thập mẫu hơi thở từ các bệnh nhân của họ. Mẫu sau đó được phân tích bởi hai nhóm, một bên là các nhà hóa học và một bên là các nhà khoa học máy tính.
Một khi các nhà hóa học xác định thủ công được một hợp chất có trong mẫu hơi thở của người bệnh, nó được biến thành dữ liệu để dạy lại mạng lưới học sâu của AI phía bên các nhà khoa học máy tính. Tính toán được tăng tốc bởi các thiết bị đặc biệt, được gọi là GPU, có thể xử lý nhiều phần thông tin khác nhau cùng một lúc.
Các mạng học sâu được đào tạo liên tục từ các mẫu phẩm hơi thở nó phân tích, từ đó, chúng ngày càng tiến bộ, cho đến khi có thể tự nhận ra được các chất hóa học cụ thể có trong mẫu hơi thở mà không cần đến các nhà hóa học nữa.
Trong nghiên cứu đầu tiên này, AI được định hướng sự tập trung vào nhận biết một nhóm hóa chất, được gọi là aldehyde, thường xuất hiện trong hơi thở của những bệnh nhân hoặc người bình thường bị stress.
Máy tính được trang bị công nghệ AI chỉ mất vài phút để tự động phân tích một mẫu hơi thở mà trước đây một chuyên gia cũng phải mất ít nhất vài giờ mới thực hiện được. Bởi hiệu năng của nó, AI giúp cho toàn bộ quá trình phân tích mẫu hơi thở trở nên rẻ hơn – nhưng trên tất cả nó làm cho phân tích cũng đáng tin cậy hơn.
Thú vị hơn nữa, với chức năng học sâu, AI có thể thu nhận thêm kiến thức và cải thiện độ chính xác của nó theo thời gian, khi nó phân tích nhiều mẫu hơn. Kết quả là phương pháp này không bị hạn chế đối với bất kỳ chất cụ thể nào, nghĩa là nó có khả năng ngửi thấy mọi thứ.
Trí tuệ nhân tạo được huấn luyện để phát hiện ngay cả một lượng nhỏ các hợp chất dễ bay hơi, có thể được ứng dụng rộng rãi trong y học, pháp y, phân tích môi trường và nhiều lĩnh vực khác. Nếu một hệ thống AI có thể phát hiện các dấu hiệu của bệnh tật, sau đó nó cũng có thể làm công việc chẩn đoán và kê đơn như một bác sĩ.
Dù vậy, bạn vẫn nên cân nhắc trước chẩn đoán của AI. Tốt nhất, các kết luận cuối cùng có lẽ vẫn nên do con người thực hiện.