Cùng hướng đến thiết kế tràn viền tối giản, bộ đôi smartphone ở tầm giá dưới 7 triệu là Oppo K3 và Vsmart Live có cách thực hiện khác biệt và mang đến nhiều sự thú vị bên cạnh việc được cập nhật các tính năng hợp thời.
# Thiết kế
Xét về kiểu dáng thì Oppo K3 chú trọng sự thon dài trong khi Vsmart Live có phần mũm mỉm hơn bởi tỉ lệ màn hình mà chúng áp dụng khác biệt giữa 19,5:9 và 18,5:9.
Cả hai nhà sản xuất đều chú trọng vát gọn phần viền màn hình, kể cả trên và dưới nhưng theo hướng đi khác nhau. Đó là Oppo K3 tối giản viền nhờ thiết kế cụm camera trượt ẩn vào cạnh trên như nhiều smartphone gần đây. Có vẻ như chính mô-đun này đã góp phần khiến thân máy dày hơn ở mức 9,4mm so với 8,3mm của Vsmart Live dù đại diện thương hiệu Việt có viên pin lớn hơn.
Còn Vsmart Live chọn giải pháp tối giản mặt trước và chia đều phần benzen cho cả trên và dưới trông cân đối và giúp viền trên có đủ không gian chứa camera selfie cùng các cảm biến nhưng cũng không cho cảm giác quá dư dả. Tổng thể kích thước của Vsmart Live cũng gọn gàng hơn bởi màn hình máy khiêm tốn hơn.
Về chất liệu thì cả hai đồng đều áp dụng vỏ nhựa với mặt lưng đính kèm hiệu ứng chuyển màu gradient bắt mắt. Phần lưng của Oppo K3 trông đối xứng hơn với các chi tiết xếp dọc trải lên trục giữa còn Vsmart Live “ngầu” hơn bởi cụm ba camera hầm hố nằm lệch về góc trái trên lưng máy.
Các giao tiếp trên bộ đôi này tương đồng từ việc duy trì giắc tai nghẹ 3,5mm, dùng USB Type cho đến sự thiếu vắng khe cắm thẻ nhớ mở rộng. Điểm nhấn trên Oppo K3 còn đến từ cụm camera selfie pop-up có thời gian bật lên chỉ 0,74 giây với độ bền đạt 200.000 lần “thò thụt”. Nhưng đó cũng chính là điểm dễ bị “tổn thương” hơn so với Vsmart Live nguyên khối.
# Tính năng
Cùng sử dụng tầm nền AMOLED giúp bộ đôi này đều có lợi thế màu sắc nịnh mắt, độ tương phản cao cùng màu đen sâu. Oppo K3 có diện tích hiển thị nhỉnh hơn với kích thước 6,5 inch so với 6,2 inch trên Vsmart Live và cả hai máy đạt độ phân giải Full HD+ sắc nét trong tầm giá.
Cả hai máy đều được trang bị cảm biến vân tay nhúng trong màn hình có tốc độ nhận dạng cùng độ chính xác được cải thiện dù còn khiêm tốn so với cảm biến vân tay điện dung truyền thống.
Xét về cấu hình, cả hai smartphone thể hiện hiệu năng ngang ngửa khi lần lượt sử dụng dòng chip Snapdragon tầm trung mới, cụ thể là Oppo K3 dùng Snapdragon 710 còn Vsmart Live đồng hành với Snapdragon 675. Khi kiểm thử hiệu năng tổng hợp cả hai máy với AnTuTu Benchmark cho thấy Vsmart Live có điểm tổng hợp cao hơn Oppo K3: 174.000 điểm/165.000 điểm.
Điểm chi tiết cho thấy Oppo K3 có hiệu năng GPU tốt hơn khi dùng Adreno 616 so với Adreno 612 của Vsmart Live. Bù lại trong thử nghiệm với Geekbench cho thấy nhân Kryo 460 của Snapdragon 675 vượt trội hơn Kryo 360 của Snapdragon 710 với kết quả: 2.400 điểm/1.500 điểm (đơn nhân) và 6.600 điểm/5.900 điểm (đa nhân). Thực tế thì cả hai smartphone đều đảm đương tốt các tác vụ thường ngày.
Đối với các game 3D phổ biến như Liên Quân Mobile, PUBG Mobile chúng đều có thể chơi mượt mà, hiếm khi xảy ra hiện tượng giật lag ở tốc độ ổn định. Oppo K3 cho thấy khả năng tối ưu phần mềm trội hơn khi được trang bị tính năng GameBoost 2.0 giúp máy tối ưu hệ thống hiệu quả, hạn chế giật, lag khi chơi game.
Trang bị cụm 3 camera – 48MP (f/1.7, PDAF), 8MP (f/2.2, ống kính góc siêu rộng), 5MP (f/1.9, cảm biến đo chiều sâu) – giúp Vsmart Live trước hết nhỉnh hơn đối thủ Oppo K3 dùng camera kép – 16MP (f/1.7, PDAF) và 2MP (f/2.4, cảm biến đo chiều sâu) – ở khả năng chụp ảnh linh hoạt hơn bởi có thêm camera góc siêu rộng bên cạnh khả năng chụp xóa phông đồng đều nhau.
Camera góc siêu rộng mang đến lợi thế cho Vsmart Live về góc chụp đặc biệt trong không gian hẹp và khả năng ghi hình bao quát hơn. Ưu điểm chụp ảnh trên Oppo K3 đến từ kinh nghiệm lâu năm trong việc tối ưu phần mềm với các chế độ chụp đêm Handheld Night Mode, cải thiện ánh sáng với Chroma Boost, chức năng làm đẹp và AI so với một anh lính mới như Vinsmart được trang bị phần cứng phong phú.
Điển hình là ở phiên bản phần mềm hiện tại Vsmart Live chỉ hỗ trợ tốc độ màn trập tối đa 0,5 giây trong khi đối thủ cho phép tùy chỉnh phơi sáng nhiều giây. Bộ đôi này cùng hỗ trợ quay video đến 4K cùng camera trước 16MP đáp ứng tốt nhu cầu tự chụp trên smartphone tầm trung.
Màn hình gọn đi kèm viên pin 4.000mAh giúp Vsmart Live đáp ứng thời gian sử dụng dài hơi hơn so với đối thủ, đủ cho một ngày với thời gian mở màn hình từ 7-8 giờ. Trong khi viên pin 3.765mAh giúp Oppo K3 thoải mái chinh chiến trong một ngày.
Đại diện của Oppo cũng có thời gian sạc pin nhanh hơn nhờ công nghệ VOOC 3.0 (20W) nạp đầy pin trong khoảng 1 giờ 20 phút trong khi Vsmart Live với chuẩn Quick Charge 3.0 (18W) cần tầm 1 giờ 40 phút cho việc nạp năng lượng.
Kết luận
Cả hai máy đều có hiệu năng tối ưu trong tầm giá cùng những trang bị hiện đại như cảm biến vân tay trong màn hình, sạc nhanh, chụp xóa phông…Oppo K3 có ngoại hình bắt mắt hơn bởi cụm camera pop-up, hiệu ứng gradient nổi bật hơn và màn hình lớn hơn. Vsmart Live cho phép ghi hình linh hoạt cùng thời lượng pin dài hơn.
Thảo Trần