Slime Heroes là game soulslike thân thiện gia đình với phong cách đồ họa hoạt hình dễ thương, tạo hình nhân vật đáng yêu kể cả kẻ thù. Mọi thứ vẫn cứ ‘cute-phô-mai-que như vậy cho đến khi những góc khuất vô cùng khó chịu trong trải nghiệm game dẫn bạn đến những cái chết oan uổng và bất công, nhất là khi đối đầu với những con mini boss ở các khu vực khám phá. Đó là khoảnh khắc tôi nhận ra trò chơi cũng không hẳn là một game soulslite như cách gọi của nhà phát triển.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận Slime Heroes khiến tôi bất ngờ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trò chơi cho phép bạn tùy chỉnh nhân vật slime với vài ý tưởng tạo hình vui nhộn, dù không tác động đến trải nghiệm game như thường thấy trong những game “cùng thể loại”. Trò chơi mở đầu với câu chuyện kể đơn giản về cuộc sống bình yên của nhân vật chính, thế rồi cái ác lan rộng và “mái ấm gia đình” đó đã phải hy sinh để đưa bạn đến một thế giới khác.
Mục tiêu của người chơi cũng đơn giản như cốt truyện mở đầu. Đó là chiến đấu để tìm đường về lại “mái nhà xưa”. Tuy là một tựa game thân thiện với gia đình, nhưng con đường của nhân vật chính cũng lắm chông gai khi chẳng mấy ai có niềm tin vào bé slime của bạn. Nói cho cùng, bạn chỉ là một con slime yếu ớt và đến từ một thế giới vốn rất yên bình. Trong khi vạn sự ở thế giới này phức tạp hơn rất nhiều, ít nhất là khía cạnh độ khó mặc định trong trải nghiệm chiến đấu.
Tất nhiên không thể so độ khó của Slime Heroes với những tựa game đình đám như Elden Ring hay Wo Long: Fallen Dynasty. Trò chơi mang đến trải nghiệm chiến đấu nhẹ nhàng và dễ tiếp cận hơn rất nhiều, đặc biệt khi bạn còn có thể chơi co-op 2 người. Cơ chế chiến đấu của trò chơi cũng được đơn giản hóa hơn và không có chiều sâu như hai cái tên vừa đề cập ở trên. Nhưng không vì thế mà những trận chiến trong game trở nên kém hào hứng hơn.
Ban đầu, nhân vật của bạn chỉ có thể sử dụng “quả đấm slime” nhưng không lâu sau đó, người chơi tìm được vũ khí đầu tiên là một thanh kiếm với khả năng gây sát thương cao hơn nhiều. Tất cả vũ khí trong Slime Heroes đều có cơ chế combo giống nhau, nhưng ít nhiều cũng mang đến cảm giác chiến đấu khác biệt. Chẳng hạn cây giáo tuy không gây sát thương bằng kiếm, nhưng tầm tấn công xa hơn chính là lợi thế của vũ khí này. Ngược lại, búa rất mạnh nhưng lại ra đòn cực chậm.
Hỗ trợ chiến đấu cho người chơi dĩ nhiên là khả năng né tránh được cân chỉnh để bạn không thể lạm dụng kỹ năng này trong mọi trường hợp. Kết hợp với đó là kỹ năng và hệ thống mũ cho nhân vật điều khiển. Mũ là trang bị duy nhất trong Slime Heroes. Về cơ bản, nó mang nhiều nét tương đồng hệ thống Sigil trong Momodora: Moonlit Farewell với các lợi thế và/hoặc bất lợi mà người chơi phải chấp nhận rủi ro khi trang bị cho nhân vật.
Bên cạnh đó, hệ thống kỹ năng không chỉ tăng cường khả năng chiến đấu mà còn có tính hỗ trợ cho nhân vật. Như đề cập ở đầu bài, Slime Heroes không phải game soulslike hay thậm chí soulslite như cách gọi của nhà phát triển Pancake Games. Trò chơi được thiết kế để kẻ thù tận dụng những góc camera cố định, từ đó gây khó cho người chơi trong trận chiến, nếu không nói đó là cảm giác chiến đấu đầy bất công mà tôi vốn chưa bao giờ đánh giá cao.
Nếu có thể bỏ qua vấn đề đó, Slime Heroes sở hữu cơ chế chiến đấu khá hào hứng và tất nhiên, cũng chẳng dễ dàng khi trò chơi được thiết kế để mang đến trải nghiệm tương tự một game soulslike. Chỉ là yếu tố “cái khó bó cái khôn” thường mang đến những khoảnh khắc ức chế khi đối mặt với những kẻ thù trong trải nghiệm game. Thay vì thử thách kỹ năng chiến đấu của người chơi, chúng lại tận dụng camera cố định và khuất góc để làm lợi thế.
Hệ thống kỹ năng có lẽ là điểm cộng hấp dẫn nhất của Slime Heroes. Thay vì sử dụng riêng lẻ, người chơi có thể kết hợp hai kỹ năng với nhau trong điều kiện cụ thể. Thiết kế thú vị này cho phép bạn có thể tạo ra những kỹ năng chiến đấu được cải tiến tốt hơn, để giành lợi thế trước những kẻ thù thường trốn trong góc khuất đánh úp bạn. Chẳng hạn bạn có thể kết hợp lốc xoáy và khả năng “bắn đạn” của nhân vật để bắn ra cơn lốc xoáy.
Tương tự, bạn cũng có thể kết hợp hai kỹ năng giống hệt nhau để tăng sát thương, nhưng tất nhiên cũng hao MP hơn so với sử dụng đơn lẻ. Thử tượng tượng khi kết hợp các kỹ năng có thuộc tính với những tuyệt kỹ, bạn sẽ hình dung ra khía cạnh chiến đấu hào hứng thế nào trong Slime Heroes. Thú vị hơn là bạn còn có thể chuyển đổi kỹ năng chiến đấu bất kỳ lúc nào trong khi chiến đấu, phù hợp với những chiến thuật mà bạn đặt ra khi đối đầu với kẻ thù.
Kẻ thù đa dạng với khả năng tấn công độc đáo, khiến người chơi bất ngờ cũng là điểm cộng thú vị trong trải nghiệm Slime Heroes. Mỗi khu vực mới đều có những kẻ thù slime mới, đòi hỏi bạn phải xử lý chúng bằng những chiến thuật đối mặt khác nhau. Dù những kẻ thù thông thường không quá thử thách, nhưng trò chơi thường có xu hướng ném bạn vào cuộc chiến “một mình giữa bầy slime”, ít nhiều cũng tạo nên sự thử thách nhất định, đôi khi cũng gây ức chế.
Lối kể chuyện của Slime Heroes cũng để lại cho tôi cảm giác thích thú. Thay vì kể một cách trực diện, nhà phát triển Pancake Gamees chọn tương tác với môi trường để xây dựng câu chuyện kể. Bạn sẽ thường xuyên gặp những bức tượng hộ vệ ở các khu vực. Khi tương tác với chúng, người chơi sẽ được biết một phần của câu chuyện và nếu không quan tâm đến khía cạnh này, bạn cũng có thể xem sự xuất hiện của chúng như yếu tố trang trí cho màn chơi.
Tuy vậy, thiết kế môi trường không phải lúc nào cũng là điểm cộng thiết kế của Slime Heroes. Chẳng hạn có khu vưc phải băng qua các dung nham của núi lửa có thể khiến bạn thiệt mạng bất kỳ lúc nào nếu sơ sẩy. Những lần như vậy, người chơi bị “ném” ngược về một quãng đường khá xa do thiết kế vị trí checkpoint của trò chơi. Điều này gây ức chế đã đành, nhưng vấn đề lớn hơn là cảm giác điều khiển nhân vật thiếu chính xác trong những phân đoạn đi cảnh nói trên.
Đáng chú ý, Slime Heroes cũng hỗ trợ chơi co-op 2 người. Tuy nhiên ở thời điểm trước ngày phát hành và sau khi trò chơi được phát hành được 1 ngày, tính năng này không hoạt động. Thế nhưng ở thời điểm bài viết, tôi lại không tìm được người hỗ trợ có thời gian rảnh để cùng thử nghiệm tính năng này. Đặc biệt, dù trò chơi không có thiết lập độ khó nhưng có các thiết lập tùy biến sát thương và thể lực, giúp trải nghiệm game trở nên dễ tiếp cận với số đông.
Mặt khác, Slime Heroes mang nhiều cảm giác metroidvania trong không ít khoảnh khắc trải nghiệm game khiến bạn rất dễ đi lạc, dẫn tới những cuộc đụng độ không mong muốn. Trò chơi không có chỉ dẫn rõ ràng giúp bạn định hướng. Vậy nên với những người chơi “mù đường” như tôi, điều đó không hiếm lần trở thành thảm họa không hề nhỏ, bất chấp mức độ tiếp cận của trò chơi có thể điều chỉnh dễ dàng thông qua các tùy biến để tăng hoặc giảm độ khó trải nghiệm.
Một điểm trừ khác là hiệu năng của trò chơi không tốt trong một số trường hợp khi kẻ thù quá đông hoặc nhiều hiệu ứng hình ảnh từ kỹ năng tấn công cùng xuất hiện trên màn hình, dẫn tới Slime Heroes bị giảm tốc độ khung hình. Tình trạng hiệu năng chưa tối ưu tốt của trò chơi cũng có thể thấy ngay từ những khoảnh đầu tiên của đoạn phim giới thiệu mởi đầu. Tôi cũng nhận thấy có tình trạng texture môi trường không hiện kịp thời trong trải nghiệm game, thật sự hơi khó chịu.
Sau cuối, Slime Heroes mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động dễ thương với hệ thống kỹ năng và trang bị rất thú vị. Bất chấp những vấn đề kỹ thuật của trò chơi, đây là cái tên cực kỳ đáng chú ý nhờ vào mức độ dễ tiếp cận thông qua các thiết lập tùy biến độ khó, thiết kế thân thiện gia đình cũng như khả năng chơi co-op 2 người.
Slime Heroes hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!