Sky Racket là sự kết hợp “tưởng vô lý nhưng lại rất thuyết phục” của thể loại shoot ’em up và “đập đá”. Sau gần nửa năm nay phát hành trên PC, người chơi console đã được “bắn phá” tựa game này mà khởi đầu là Nintendo Switch.
Với thâm niên lâu năm chơi nhiều game shmup, Sky Racket lại mang đến cho tôi cảm giác vừa lạ vừa quen. Lạ vì cơ chế gameplay không hoàn toàn giống những gì tôi thường trải nghiệm từ trước đến nay của thể loại này, còn quen thì chắc chắc chắn do cảm giác shoot ’em up trong đó. Trải nghiệm game rất hấp dẫn nhưng lại mang đến cảm giác không hề giống bất cứ cái tên nào mà tôi từng chơi gần đây. Đó cũng là điểm cộng đáng chú ý nhất của tựa game đến từ Brazil của nhà phát triển Double Dash Studios.
Điểm cộng kế tiếp là Sky Racket hỗ trợ chơi co-op với lựa chọn giữa hai nhân vật Racket Boy và Racket Girl. Đây là hai nhân vật hộ mệnh được nữ thần Capybara trao cho sứ mệnh giải cứu thiên hà khỏi “hung thần vũ trụ” Korrg, nhưng bạn cũng có thể chơi solo nếu muốn. Toàn bộ trải nghiệm được xây dựng trên nền đồ họa pixel art đẹp và bắt mắt với chuyển động mượt mà, đi kèm với phần nhạc nền sôi động gợi nhiều cảm giác hoài cổ của thời đại 16 bit ngày xưa. Nhà phát triển cũng không quên pha trò trong phần mô tả game khi hé lộ nội dung dựa trên câu chuyện có thật khiến tôi bật cười thích thú.
Lối chơi của Sky Racket xoay quanh thể loại shoot ’em up nhưng không giống những gì bạn vẫn thường chơi. Về cơ bản, nhân vật của người chơi không có khả năng bắn mà phải chờ kẻ thù tấn công trước, rồi dùng “cây vợt thần thánh” đập những viên đạn bay ngược về chúng và đập vỡ các chướng ngại vật giống các tựa game brick breaker. Vị trí “phản đạn” của bạn sẽ quyết định đường đạn dội ngược như thế nào giữa muôn vàn những khối gạch xuất hiện nhằm mục đích cản trở đường bay của người chơi. Tuy nhiên, không phải bất cứ viên đạn nào cũng có thể đập vợt. Nếu không chú ý, bạn có thể đẩy Racket Boy hoặc Racket Girl vào chỗ chết.
Thế nhưng, cũng tương tự bất kỳ tựa game shmup nào khác trên thị trường, nhân vật của người chơi di chuyển khá chậm trong khi kẻ thù thì ngược lại. Ngoài ra còn có thêm tính năng lăn tròn để né tránh trong những tình huống nguy cấp, nhưng thường khiến tôi cảm thấy rắc rối không cần thiết hơn là hữu ích. Vấn đề ở chỗ, thao tác điều khiển này tuy mang đến cho bạn vị trí tốt hơn cho những tình huống đập đạn, nhưng không tạo cảm giác thuận tiện khi vừa thao tác lăn tròn lại còn phải canh đúng thời điểm để đập vợt. Trong phần lớn trường hợp, “tự thân vận động” né tránh vẫn tốt hơn nhiều so với vận dụng kỹ năng này.
Ở góc độ người chơi, có lẽ nhà phát triển muốn thiết kế gameplay theo kiểu “liều ăn nhiều”, khuyến khích người chơi di chuyển liều lĩnh để tăng tốc độ trải nghiệm nhanh hơn. Tương tự, bạn cũng có thể vận dụng kỹ năng lăn tròn để né tránh những tình huống hiểm nghèo, nhưng tôi hiếm khi lâm vào các trường hợp đó trong suốt trải nghiệm game. Đó là chưa kể phần điều khiển rất nhạy nút, gameplay xây dựng khá cân bằng, không quá khó đến mức gây ức chế nhưng cũng không quá dễ khiến bạn mau chán và đặc biệt là không tạo những thiết kế màn chơi mang tính “nghịch cảnh”. Nếu nhân vật mất máu, chắc chắn đó là sai lầm của người chơi.
Ngay cả tạo hình kẻ thù cũng vậy, khá đa dạng và hài hước nhưng chắc chắn không “bựa” đến mức khiến tôi bật cười nhiều như khi gặp boss. Tạo hình của boss là sự kết hợp “có 1-0-2” từ những thứ rất dỗi quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn con boss đầu tiên được “thai nghén” từ hình ảnh quả chuối vàng, kết hợp cùng những xúc tu của loài bạch tuộc được “ngụy trang kiểu Brazil” dưới hình hài vỏ chuối. Tạo hình hài hước này khiến tôi nhớ đến “lão chuối thần thánh” trong My Friend Pedro và những con boss của Monster Boy and the Cursed Kingdom, nhiêu đó chắc đủ để bạn hình dung mức độ hài hước của chúng như thế nào.
Boss cũng là một điểm cộng trong trải nhiệm Sky Racket. Chúng không dễ “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” như đám kẻ thù “ranh con” mà bạn gặp trong các màn chơi. Thậm chí, tuy không nhiều về số lượng nhưng boss nào boss nấy đều là những trận chiến đáng nhớ vì độ khó cao, đòi hỏi người chơi phải tận dụng hiệu quả kỹ năng của những sinh vật mà bạn giải cứu trong trải nghiệm để vượt qua thử thách. Không những thế, nhà phát triển còn giấu boss ẩn cho những ai chịu khó hoàn thành tất cả các yêu cầu nhiệm vụ “khó nhằn” mà trò chơi giao phó. Ở góc độ người chơi, có thể xem đây là yếu tố giúp tăng giá trị chơi lại của game.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Sky Racket là lượng nội dung không nhiều. Toàn bộ trải nghiệm chỉ diễn ra ở bốn hành tinh, mỗi hành tinh chỉ có ba màn chơi được gọi là Set. Trong đó, Set cuối của mỗi hình tinh luôn là trận đánh boss, khiến giá trị chơi lại chủ yếu nằm ở những yêu cầu thử thách trong mỗi Set. Phần lớn các thử thách này đều “không phải dạng vừa đâu”, đòi hỏi phải chơi lại khá nhiều lần để thực hiện. Vấn đề ở chỗ, nếu không biết trước có bí mật đang chờ đón bạn khi hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đầy thử thách nói trên, khả năng cao là bạn sẽ bỏ lỡ phần trải nghiệm nhỏ bé nhưng tốn nhiều công sức này.
Sau cuối, Sky Racket mang đến một trải nghiệm shmup rất hấp dẫn với thiết kế màn chơi đa dạng và kết hợp gameplay độc đáo. Đáng tiếc nhất là ngoài các yêu cầu nhiệm vụ nhằm tăng giá trị chơi lại, trò chơi hơi thiếu lượng nội dung đủ nhiều để giữ chân người chơi. Dù vậy, nếu muốn tìm một tựa game co-op hào hứng và khác biệt với “phần còn lại của thế giới”, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc.
Sky Racket hiện có trên PC (Windows, macOS, Linux) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác