Skul: The Hero Slayer là game hành động đi cảnh với lối chơi chặt chém rất có chiều sâu, kết hợp cùng yếu tố roguelike trong xây dựng màn chơi và phần thưởng. Tuy thiết kế game có tính “củ hành” rất cao, nhưng trải nghiệm lại khá thân thiện với người chơi mới nhờ vào cơ chế gameplay đơn giản. Đó là chưa kể hệ thống chiến đấu trực quan, dễ tiếp cận nhưng rất khó để bạn trở nên “bá đạo” do thiết kế đặc trưng. Sau gần một năm phát hành Early Access và cập nhật nội dung mới, tựa game của nhà phát triển SouthPAW cũng đã chính thức ra mắt.
Với nội dung nhẹ nhàng và cảm xúc dù có mô típ quen thuộc, Skul: The Hero Slayer là câu chuyện về nhân vật bộ xương nhỏ Skul vốn chỉ là lính gác trong đội quân của Quỷ Vương. Biến cố bắt đầu sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, loài người bất ngờ lật lọng và đưa quân đột kích vào lâu đài Quỷ Vương. Với sự giúp đỡ của nhiều đồng đội, nhân vật chính phải thực hiện nhiệm vụ truy lùng tên đầu lĩnh First Hero để trả thù cho những ai đã ngã xuống. Thế nhưng dù đó là trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, bạn phải vượt qua rào cản lớn nhất là cảm giác tưởng không khó ai ngờ khó không tưởng.
Ở góc độ người chơi, một trong những điều quan trọng của các game roguelike là cảm giác cuốn hút, khiến bạn cứ muốn thử lại một lần nữa đến mức “máu me” như bị nghiện sau mỗi lần thất bại. Rất hiếm những tựa game nào tạo được cảm giác quyến rũ khó cưỡng như Hades hay cũ hơn chút nữa là Dead Cell. Kỳ thực, Skul: The Hero Slayer chính là một trong số đó. Trò chơi có cách xây dựng trải nghiệm khá đơn giản mà hiệu quả. Người chơi phải tiêu diệt một cơ số kẻ thù trong mỗi cảnh, sử dụng những gì nhân vật thu thập được làm công cụ hỗ trợ và chiến đấu.
Kẻ thù thì ngược lại, chúng thường xuất hiện rất đông và thử thách bạn với tần suất ngày càng tăng về sau. Thậm chí có trường hợp tôi gặp cả đống sprite tạo hình kẻ thù cùng xuất hiện dày đặc, đến mức trải nghiệm cứ như video chiếu chậm. Khi đó, trò chơi đang phản hồi rất tốt thao tác bấm nút thì nhân vật bất ngờ đơ luôn và biến thành bao cát cho kẻ thù tấn công. Tuy trường hợp này rất hiếm xảy ra nhưng gặp phải là ức chế không để đâu cho hết. Vượt qua một số cảnh chiến đấu khó lòi mắt nói trên là trận đánh boss hoành tráng tiếp tục chờ cho bạn “ăn hành”.
Chắn giữa con đường đau khổ trước khi gặp boss còn có mini-boss. Thế nhưng, khác với boss luôn cố định cuối mỗi chapter, mini-boss lại thay đổi ngẫu nhiên và tăng theo số lượng tỷ lệ thuận với chapter. Trải nghiệm cứ thế tiếp diễn đến khi kết thúc theo bất cứ nghĩa nào. Đó có thể là khi bạn thấy credits hiện lên hoặc để nhân vật thiệt mạng và buộc phải tái “khởi nghiệp” tay trắng với chút giúp đỡ từ “đồng đội”. Tuy hầu hết chỉ có hai tình huống nói trên xảy ra, nhưng phần lớn lượt chơi đều có kết quả như trường hợp sau hơn chứ hiếm khi khiến bạn ‘rage quit’. Thú vị ở chỗ đó.
Thế nhưng, trong khi chiến đấu hào hứng bao nhiêu thì Skul: The Hero Slayer lại trừng phạt người chơi kinh khủng bấy nhiêu. Mỗi khi thiệt mạng, bạn không những phải “làm lại cuộc đời” mà còn mất toàn bộ trang bị và vật phẩm hỗ trợ thu thập được trước đó. Không những vậy, trò chơi cũng không có bất kỳ checkpoint nào trong suốt trải nghiệm. Điều đó đồng nghĩa không chỉ khi nhân vật thiệt mạng, muốn tạm nghỉ khi đang chơi dở hoặc xui xẻo hơn là văng game, bạn luôn phải chơi lại từ cảnh 1-1 và chấp nhận mất toàn bộ công sức đã bỏ ra dù muốn hay không.
Chỉ có thứ duy nhất bạn vẫn giữ được là mảnh tinh thể tím Dark Quartz thu thập từ xác kẻ thù, dùng để nâng cấp cây kỹ năng vĩnh viễn cho nhân vật. Tuy vậy, hệ thống kỹ năng trong Skul: The Hero Slayer khá đơn giản với mỗi kỹ năng chia làm nhiều cấp khác nhau, có phần nặng tính cày cuốc khi bạn nhìn những số lượng Dark Quartz yêu cầu. Nó vẫn là tăng sát thương thông qua nhiều hình thức khác nhau, nếu không nói là kém hào hứng và sáng tạo hơn rất nhiều so với các “trang bị” mà bạn thu thập được khi mua tại shop hay được thưởng ngẫu nhiên trong trải nghiệm.
Ngược lại, vòng lặp gameplay của Skul: The Hero Slayer tuy cũng mang thiết kế đơn giản nhưng trải nghiệm lại hấp dẫn bất ngờ. Về cơ bản, tạo hình và khả năng chiến đấu của nhân vật chính luôn thay đổi tùy theo đầu sọ mà người chơi thu thập và sử dụng. Skul có thể chuyển đổi qua lại giữa hai trang bị đầu sọ bất kỳ lúc nào với hạn chế duy nhất là thời gian cooldown. Số lượng đầu sọ rất đa dạng và đều có ưu lẫn khuyết điểm riêng, phần lớn thiên về khả năng tấn công cận chiến. Vấn đề ở chỗ, chiến đấu tầm xa có nhiều lợi thế hơn trong trải nghiệm game.
Đó là chưa kể hàng loạt vật phẩm có tính hỗ trợ chiến đấu mà bạn có thể trang bị. Sự kết hợp giữa đầu sọ và các vật phẩm này không chỉ tạo sự đa dạng về tạo hình nhân vật, mà còn trong những tình huống chiến đấu nhất định theo chiến thuật của mỗi người chơi. Nó không quá phức tạp, nhưng mang đến cảm giác chiến đấu thỏa mãn đậm chất hành động nhanh. Đây cũng là điểm cộng lớn nhất của Skul: The Hero Slayer. Bạn không chỉ “chặt chém” kẻ thù như thông thường, mà còn phải vận dụng dash và các tuyệt kỹ thông qua những vật phẩm hỗ trợ có được để né đòn tấn công của chúng.
Yếu tố đi cảnh vẫn tồn tại trong trải nghiệm Skul: The Hero Slayer, nhưng đóng vai trò như phương tiện để dẫn dắt bạn tham gia chiến đấu hơn. Lối chơi chặt chém đồng nghĩa nện nút như điên là chủ yếu, thỉnh thoảnh dùng các tuyệt kỹ để giảm bớt số lượng kẻ thù trên màn hình hoặc giải vây cho nhân vật trong những trường hợp cần thiết. Thế nhưng, bạn đừng nghĩ có đầu sọ ngon như Grim Reaper và các vật phẩm hỗ trợ xịn, trải nghiệm sẽ trở nên dễ dàng mà thậm chí còn ngược lại là khác. Vấn đề nằm ở “do ăn ở” hay chính xác hơn là sự may mắn của người chơi.
Chưa kể, ngay cả khi bạn kiếm được đầu sọ và vật phẩm hỗ trợ ngon, trải nghiệm đôi lúc vẫn rất thử thách bất chấp bạn là người chơi casual hay hardcore. Một trong số đó và cũng gây ức chế nhất là khi hỗn chiến, người chơi khó lòng theo dõi vị trí của nhân vật và khoảnh khắc khi kẻ thù ra đòn để né tránh. Điều này dễ dẫn đến những trường hợp muốn nổi điên khi Skul bị “đâm sau lưng chiến sĩ” mà bạn không kịp phản ứng. Nếu xui xẻo gặp đúng tình huống kẻ thù vừa đông, vừa tấn công loạn xạ không biết đường nào lần và lại còn bị chậm hay giật hình thì chỉ muốn ‘rage quit’.
Một điểm trừ cũng không thể không đề cập là yếu tố roguelike trong xây dựng màn chơi chưa đa dạng. Bạn sẽ gặp lại rất thường xuyên những khung cảnh quen thuộc giống hệt nhau từng chi tiết trong suốt trải nghiệm. Đó là chưa nói đến trường hợp khá bất công thỉnh thoảng tôi vẫn gặp là nhân vật được thả vào vị trí “chắc chắn thương vong” mà bạn khó lòng phản ứng kịp ngay khi khung cảnh màn chơi vừa hiện lên. Điều này khiến trải nghiệm càng lâu càng mệt mỏi và nặng tính lặp lại, nếu không vì khung cảnh thì cũng do mini-boss và boss mà bạn đã nhẵn mặt.
Sau cuối, Skul: The Hero Slayer mang đến một trải nghiệm đậm chất hành động rất đặc sắc. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là dễ tạo cảm giác lặp lại sau một thời gian dài trải nghiệm, nhất là một số cơ chế gameplay được thiết kế không khác gì con dao hai lưỡi rất ức chế như trường hợp văng game khi đang chơi. Phụ đề hơi khó hiểu và dài dòng không cần thiết, cảm giác như được dịch từng chữ từ ngôn ngữ gốc hơn là chuyển ngữ. Dù vậy, nếu kiên nhẫn và không ngại chút thử thách, đây là cái tên phải có trong thư viện game của bạn vì trải nghiệm đầy thỏa mãn mà nó mang đến.
Skul: The Hero Slayer hiện chỉ có cho PC (Windows, macOS, Linux).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác