Sir Lovelot là game đi cảnh khá thử thách với đồ họa pixel đẹp mắt và nhiều màu sắc. Với hơn 40 màn chơi được chia thành bốn chủ đề khác nhau, trò chơi mang đến cảm giác trải nghiệm khá thú vị trải dài trong suốt thời lượng trải nghiệm vừa đủ. Nó không quá dài khiến bạn ức chế mà có phần hơi ngắn và để lại chút cảm giác hụt hẫng. Thế nhưng, hướng thiết kế quá an toàn với các chướng ngại vật quen thuộc và không có ý tưởng mới của nhà phát triển, vô tình có thể biến trải nghiệm game trở thành điểm trừ với một số người chơi khó tính.
Yếu tố mỹ thuật trong Sir Lovelot thì ngược lại. Không những đẹp mà còn sử dụng những gam màu nhìn rất dịu mắt. Tạo hình nhân vật chính dễ thương khiến tôi không tránh khỏi liên tưởng đến nhân vật Bomberman kinh điển ngày xưa. Thiết kế màn chơi không chỉ dễ hiểu mà còn ẩn chứa những bí mật chờ bạn khám phá trong hành trình chinh phục người đẹp ở mỗi màn. Mặc dù không có cốt truyện cụ thể, nhưng cách xây dựng câu chuyện kể khá hài hước, tạo cho tôi cảm giác nhân vật chính là kẻ sở khanh. Tuy nhiên, sự thật ra sao thì xin dành cho bạn trải nghiệm.
Lối chơi của Sir Lovelot xoay quanh việc giúp “quý ngài đa tình” vượt qua các chướng ngại vật để mang hoa, nhẫn, kẹo hay thậm chí là kim cương cho người đẹp trên tháp ở mỗi màn. Các chướng ngại vật đều khá quen thuộc trong bất kỳ tựa game đi cảnh tự cổ chí kim nào. Từ bãi chông cho đến máy cưa hay những kẻ thù biết bắn đạn, không có ý tưởng gì mới mẻ hay sáng tạo để tạo dấu ấn riêng cả. Mỗi màn chơi thường chia vài cảnh thay cho checkpoint, nhưng một số màn thì checkpoint lại rất gần với những vị trí hiểm, giúp trải nghiệm không quá thử thách.
Một phần cũng nhờ cảm giác điều khiển trong Sir Lovelot khá tốt. Tuy nhiên, tôi gặp chút khó chịu với khía cạnh điều khiển khi trải nghiệm bằng tay cầm Joy-Con. Tuy có cảm giác thiếu chính xác, nhưng vấn đề nhỏ như con thỏ này có thể dễ dàng khắc phục bằng cách đổi qua tay cầm Pro Controller. Đây có lẽ là vấn đề của riêng bản Nintendo Switch ở chế độ handheld vì hành trình ngắn của cần analog trên tay cầm Joy-Con thường tạo cảm giác này trong điều khiển. Nó gây không ít ức chế khi trải nghiệm những tựa game đi cảnh đòi hỏi độ chính xác cao.
Đáng chú ý, so với nhiều tựa game đi cảnh khác thiên về tính thử thách cao trên thị trường, Sir Lovelot kỳ thực không khó trừ khi bạn quan tâm đến thời gian speedrun hoàn thành màn chơi. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi là thời lượng khá ngắn ngay cả khi độ thử thách tăng dần trong trải nghiệm về sau. Chưa kể, mặc dù nhà phát triển có bổ sung thêm các vật phẩm thu thập để kéo dài trải nghiệm thêm chút nữa, nhưng thời lượng vẫn thuộc loại ngắn nếu tính luôn cả thời gian mà bạn để nhân vật chết trong trải nghiệm vì không cẩn thận.
Ở góc độ người chơi, Sir Lovelot gợi nhớ cảm giác hoài cổ của những tựa game đi cảnh kinh điển thời đại 16 bit khi nhiều màu sắc bắt mắt. Ngay cả khía cạnh nghe cũng rất đa dạng với những bản nhạc tươi vui, tạo cảm giác sôi nổi và kịch tính trong suốt trải nghiệm. Chỉ có mấy màn chạy boss là không được kịch tính như thế. Ngay cả trùm cuối cũng vậy, tuy tạo bất ngờ vì tính thử thách thay đổi đáng kể so với toàn bộ trải nghiệm trước đó, nhưng ý tưởng đó không thật sự mới so với những tựa game đi cảnh cứu công chúa quen thuộc như Super Mario Bros.
Sau cuối, Sir Lovelot mang đến một trải nghiệm đi cảnh hấp dẫn và phù hợp với số đông người chơi. Mặc dù điểm trừ lớn nhất là thiếu điểm nhấn mang dấu ấn riêng so với số lượng game cùng thể loại đông đảo trên thị trường, nhưng trò chơi giành được điểm cộng đáng chú ý khi xây dựng trải nghiệm khá toàn diện ở khía cạnh nghe nhìn và cơ chế gameplay, đủ vui để bạn giải trí trong thời gian ngắn.
Sir Lovelot hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác