Silver Chains là tựa game kinh dị tâm lý được xây dựng khá bài bản trong thiết kế đặc trưng của thể loại này, nhưng tùy vào thâm niên “chạy đi chờ chi” với thể loại này mà một số vấn đề của trò chơi có thể khiến trải nghiệm không như kỳ vọng.
Silver Chains đưa người chơi đến với nhân vật Peter sau một vụ đâm xe vào gốc cây mà bạn không được giải thích rõ nguyên nhân của vụ việc. Đầu óc choáng váng sau va chạm, nhân vật gục ngã trước một tòa nhà hoang vắng giữa nơi đồng hoang hiu quạnh và tỉnh dậy trong một khung cảnh xa lạ, hoàn toàn không nhớ chuyện gì cả. Đây là một mô típ nội dung rất quen thuộc của thể loại này mà những cái tên như Dark Descent, A Machine for Pigs và Justine trong series Amnesia đã khai thác rất tốt. Cuộc khám phá ngôi nhà để đi đến tận cùng của sự thật bắt đầu.
Ngay từ đầu trải nghiệm, Silver Chains đã tạo cho tôi cảm giác trò chơi hướng đến câu chuyện kể nhiều hơn do lối chơi walking simulator khá đặc trưng. Từ đầu, toàn bộ câu chuyện được giấu đi các tình tiết nội dung, đẩy người chơi vào một cuộc trải nghiệm gợi nhiều tò mò không đầu không đuôi, không có chút manh mối nào và để mặc cho bạn tự vùng vẫy. Đây là một điều khá khó chịu ở khoảng thời gian đầu trải nghiệm và để lại cho tôi một ấn tượng ban đầu khá xấu, nên tôi xem nó là điểm trừ nhỏ. Chỉ sau một khoảng thời gian “dạo đầu”, trải nghiệm game mới đi vào “nề nếp” với các yếu tố trải nghiệm đều được rộng mở, chờ đón người chơi khám phá và giải quyết.
Đồ họa trong Silver Chains được xây dựng trên nền tảng Unreal 4 với phong cách tả thực nên khá đẹp. Không gian bên trong tòa nhà được thiết kế tốt, mang cảm giác một ngôi nhà thông thường với nhiều bí mật đang chờ đón Peter. Yếu tố này được thể hiện thông qua những âm thanh tiếng động môi trường hay các lời tự thoại của nhân vật chính. Những chi tiết này mang đến một không khí khá căng thẳng trong trải nghiệm, nhất là khi kết hợp bài bản với các màn hù dọa người chơi. Với thâm niên trải nghiệm thể loại này lâu năm, phần lớn các pha jumpscare trong game chưa “đủ đô” khiến tôi giật mình hay sợ hãi, nhưng tôi nghĩ nó cũng khá đáng sợ nếu bạn thuộc loại yếu tim. Ở khía cạnh này thì nhà phát triển đã làm rất tốt.
Ngoài những màn “hết hồn chưa” nói trên, Silver Chains còn có một số kẻ thù mà nhân vật của người chơi buộc lòng phải “tránh voi chẳng xấu mặt nào” trong suốt trải nghiệm. Nếu chạy đi tìm tủ đồ không kịp để trốn trong những tình huống sinh tử này, Peter sẽ bị kẻ thù sát hại và sau đó là một khoảng thời gian chờ tải dữ liệu khá nhàm chán. Mặc dù chỉ mất khoảng trên dưới hai phút chờ, nhưng có phân đoạn khiến tôi loay hoay mãi không biết tìm chỗ trốn ở đâu khi chưa hình dung ra không gian ngôi nhà. Trải nghiệm khi đó rất dễ trở thành “cơn ác mộng” khiến bạn nổi điên.
Tuy nhiên, trò chơi mang lại chút thất vọng với yếu tố tương tác và giải đố không nhiều và cũng không đủ khiến bạn phải “gãi đầu” như mong đợi. Dù vậy, đây cũng có thể xem là một điểm cộng vì yếu tố nói trên không đòi hỏi người chơi tương tác quá tỉ mỉ để tập trung cho phần cốt truyện. Không có những màn lục ngăn kéo hay tủ nhỏ kinh điển cho mục đích giải đố hay tương tác. Điều này giúp trò chơi thân thiện hơn với người chơi mới của thể loại này, nhưng chắc chắn sẽ khiến những người chơi kỳ cựu như tôi cảm thấy đôi chút thất vọng. Không những vậy, tốc độ khung hình trong Silver Chains thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng sụt giảm nhẹ trong những tình huống di chuyển bình thường hoặc khi kẻ thù xuất hiện, dù chưa đến mức khó chịu.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Silver Chains là các câu đố tuy dễ nhưng được thiết kế quá tuyến tính, mang cảm giác cho mục đích kéo dài thời lượng chơi. Phần lớn thường buộc người chơi phải di chuyển qua lại “như cún” nhiều lúc khá bực mình. Đơn cử như có những câu đố hoặc địa điểm mà bạn chỉ có thể tiếp cận khi đến một thời điểm nhất định nào đó mà nhà phát triển định sẵn. Nó dẫn đến việc người chơi thường phải lòng vòng quay lại những cánh cửa khóa cũ bị khóa kín chưa thể tiếp cận, mục đích chỉ để kiểm tra đã “bẻ khóa” được chưa. Đây là yếu tố chính khiến trải nghiệm game kéo dài hơn cần thiết.
Ở góc độ người chơi, Silver Chains có nhịp độ chơi khá chậm rãi và nhân vật luôn di chuyển khá lề mề và không thể chạy so với tốc độ truy đuổi của kẻ thù cũng là một điểm trừ. Đây dường như là chủ đích thiết kế của nhà phát triển, nhưng nó khiến tôi cảm thấy khó chịu nhiều hơn là cố gắng hiểu ý đồ thiết kế của họ trong trường hợp này nhằm tăng cảm giác căng thẳng trong trải nghiệm. Tương tự, trận đụng độ gần cuối trải nghiệm khiến tôi khá thất vọng do thiếu đi sự căng thẳng và kịch tính cần thiết.
Sau cuối, Silver Chains mang đến một trải nghiệm kinh dị tâm lý khá hấp dẫn ở khía cạnh câu chuyện kể và những màn jumpscare “hú hồn hú vía”. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là trải nghiệm game thiếu sự sáng tạo hay có nét đặc trưng mới mẻ hơn so với những cái tên cùng thể loại trên thị trường, nhưng điều đó có thể chấp nhận được nếu bạn yêu thích thể loại này. Thế nên, trừ khi bạn có thần kinh thép và không hài lòng với một số vấn đề thiết kế nói trên của trò chơi, tôi nghĩ khó tìm được lý do để bỏ qua một trải nghiệm kinh dị tâm lý đáng chú ý như những gì mà tựa game này mang đến.
Silver Chains hiện có trên PC (Windows).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác