Sid Meier’s Civilization VI – New Frontier Pass là bộ sưu tầm nhiều DLC đã, đang và sẽ phát hành cho tựa game chiến thuật cùng tên. Mô tả đơn giản thì đây là mô hình trả tiền trước rồi chơi sau với các nội dung mới được cập nhật sau phát hành nhằm mở rộng trải nghiệm game. Bộ sưu tầm này hoàn toàn khác với Civilization VI Expansion Bundle phát hành trước đó về mặt nội dung. Tuy nhiên, bạn có thể kết hợp cả hai với nhau để mang đến trải nghiệm mở rộng hơn rất nhiều so với chỉ sở hữu duy nhất “giấy thông hành tân biên giới” này.
Kỳ thực, ban đầu tôi chỉ có ý định viết về DLC Vietnam & Kublai Khan Pack vì quan tâm đến bà Triệu nhiều hơn, nhưng do duyên số bất ngờ mà lại thành New Frontier Pass vào phút cuối. Kết quả giống hệt Civilization VI Expansion Bundle trước đó. Trải nghiệm khiến tôi gần như lao lực trong câu chuyện “thêm một lượt nữa rồi nghỉ” mà mãi đến sáng chẳng hết lượt. Tuy vậy, do chữ nghĩa của người viết có hạn mà nội dung thì nhiều nên bài viết cũng có phần mang tính cưỡi ngựa xem hoa với một số điểm nổi bật chứ đề cập mọi thứ chi tiết quá lại hóa dở.
Tôi cũng nói ngay và luôn rằng Sid Meier’s Civilization VI chỉ sử dụng yếu tố lịch sử làm cảm hứng xây dựng trải nghiệm chứ không phải tựa game mô phỏng lịch sử. Thế nên bạn đừng khắt khe về tính chính xác trong trải nghiệm game mà hãy tập trung vào sự hào hứng khi chơi hơn. Mặc dù mỗi dân tộc trong các DLC của New Frontier Pass đều có những khả năng riêng và các kỳ quan mới, nhưng tôi sẽ để dành cho bạn trải nghiệm. Đầu tiên là DLC Maya & Gran Colombia Pack với hai nền văn minh Colombia và Maya, lần lượt do Simon Bolivar và Lady Six Sky dẫn dắt.
Đáng chú ý nhất là nền văn minh Maya với district Observatory, đòi hỏi bạn phải xây các nông trại hay đồn điền và lợi dụng các district khác để cộng hưởng chứ không phải từ địa hình. Tuy nhiên, vấn đề khó chịu nhất là việc xây thành phố vệ tinh phải nằm ở vị trí nhất định xung quanh thành phố chính để hưởng lợi trong việc phát triển. Những thành phố ở xa vị trị này sẽ bị ảnh hưởng khá đáng kể. Đặc biệt, DLC Maya & Gran Colombia Pack có thêm chế độ chơi mới Apocalypse khá thử thách với điểm nhấn là nâng cường độ thảm họa lên mức 4.
Cấp độ này đủ khiến người chơi hứng trọn mọi cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên với tần suất khá dày. Từ “sao quả tạ” rơi cho tới núi lửa phun trào lẫn bão tuyết cùng hàng đống thảm họa khác chờ bạn trong trải nghiệm game. Cũng liên quan đến thảm họa tự nhiên là quân tiên tri Soothsayer tạo bằng đức tin (faith). Quân này có khả năng kêu gọi thiên tai đến, nhưng bạn có thể xây Great Bath để giảm thiểu tổn thất. Tuy nhiên, nền văn minh này gây cho người viết khá nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố ngẫu nhiên do lối chơi của đặc trưng của Sid Meier’s Civilization VI.
Tiếp đến là DLC Byzantium & Gaul Pack. Nhờ vào các khả năng riêng độc đáo và rất mạnh trong việc dựng và giữ nước, nền văn minh Byzantine hấp dẫn hơn Gaul nếu không nói là một trong những nền văn minh khiến tôi hào hứng nhất trong New Frontier Pass. Thế nhưng, do không bị ảnh hưởng nhiều bởi tính ngẫu nhiên của trải nghiệm đặc trưng, nền văn minh Gaul lại là lựa chọn hàng đầu cho những ai lần đầu trải nghiệm ở thời điểm này. Chỉ có vấn đề nhỏ là chế độ chơi mới Dramatic Ages của DLC này đòi hỏi bạn phải sở hữu Civilization VI Expansion Bundle.
DLC Ethiopia Pack thì chú trọng quan hệ đối ngoại. Bản DLC này có sự xuất hiện của district mới là Diplomatic Quarter nhưng cũng đi kèm vài hạn chế nhỏ liên quan đến district nói trên. Ngoài ra, còn có thêm chế độ chơi mới Secret Societies mang vài thay đổi về điều kiện chiến thắng, nhưng lại tiếp tục cần Civilization VI Expansion Bundle mới có thể trải nghiệm chế độ chơi này. Trong DLC Babylon Pack, đáng chú ý nhất là chế độ chơi Heroes & Legends với 12 anh hùng trong thần thoại, mỗi vị sở hữu các kỹ năng riêng liên quan đến truyền thuyết về họ.
Ở thời điểm bài viết, DLC Vietnam & Kublai Khan Pack là hấp dẫn nhất nếu không nói là hay nhất ở góc độ người chơi. Điểm nhấn của DLC này là sự xuất hiện của hai nhân vật mới: Bà Triệu và Kublai Khan (Hốt Tất Liệt). Thế nhưng, một trong những điều khiến tôi hào hứng nhất là từ tiếng Việt xuất hiện kha khá giữa một rừng tiếng Anh trong trải nghiệm nền văn minh Việt. Từ cái tên Bà Triệu cho tới tên các thành phố cũng như district riêng là Thành và loại quân riêng mà không gì khác hơn Voi Chiến. Chỉ cần nhìn quân này trên bản đồ cũng thấy hào hứng lắm rồi.
Đây là loại quân thay thế cho cung thủ trong phần chơi nguyên bản. Voi Chiến có khả năng di chuyển sau khi tấn công và đặc biệt là tầm di chuyển khá xa. Thành thì thay thế cho Encampment với lợi thế là xây lên ít tốn kém hơn, không đòi hỏi dân số cũng như không bị hạn chế địa hình xây dựng như các district đặc thù. Đó là chưa kể nếu nghiên cứu xong Flight, bạn có thể tăng cường phát triển du lịch từ lợi thế về văn hóa (culture) được cộng thêm từ các district lân cận Thành. Ngoài ra, DLC này còn có thêm một loại district mới là Preserve.
Đây là district đặc thù nên có những yêu cầu khá khắc khe về địa hình xây dựng và đòi hỏi người chơi phải quan tâm đến môi trường hơn. Chẳng hạn không chặt phá rừng để hưởng lợi sự cộng hưởng từ các ô địa hình đặc trưng trên bản đồ. Mặc dù người chơi bị vài hạn chế để bù lại cho một số lợi thế khác khi chỉ có thể xây thành phố và đặt district trên một số địa hình nhất định như rừng nhiệt đới và đầm lầy, nhưng đó lại là điểm cộng tuyệt vời đối với những người chơi có lối trải nghiệm game chậm mà chắc như tôi.
Hào hứng không kém là chế độ chơi mới Monopolies and Corporations, nâng tầm lối chơi phát triển chiến lược kinh tế lên cấp độ hoàn toàn mới xoay quanh việc quản lý các tài nguyên ‘Luxury’. Bạn có thể xây dựng các khu công nghiệp đi lên thành những tập đoàn khổng lồ, từ đó vươn cao lên cái tầm mà tôi chỉ có thể mô tả ngắn gọn là độc quyền nguồn cung trên phạm vi toàn cầu. Thú vị không kém là tình trạng độc quyền này giúp tăng lượng vàng tích lũy sau mỗi lượt và phát triển du lịch rất nhanh nếu bạn biết cách kết hợp với các district liền kề.
Nhạc nền và xây dựng hình ảnh cũng có vài điểm thú vị trong DLC Vietnam & Kublai Khan Pack mà tôi không thể không đề cập đến. Điều này thể hiện ngay từ những hoa văn trên chiếc đai mà Bà Triệu đeo trên người khi bạn chọn nền văn minh Việt cho trải nghiệm. Phần nhạc cũng mang âm hưởng quen thuộc với bài dân ca Bắc Bộ nổi tiếng Trống Cơm được hòa âm phối khí “tân cổ giao duyên” giữa các loại nhạc cụ dân tộc và hiện đại, tạo nên âm nhạc rất độc đáo vừa lạ lại vừa quen trong trải nghiệm game.
Chưa hết, con đường của Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) trong DLC này cũng có vài điểm thú vị khi thay đổi hướng tiếp cận khác biệt so với trải nghiệm Sid Meier’s Civilization VI nguyên bản. Không những vậy, hướng đi này cũng khá phù hợp với chế độ chơi mới Monopolies and Corporations vốn chủ yếu xoay quanh giao thương và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận người viết cảm thấy hào hứng với Bà Triệu nhiều hơn. Lý do hết sức đơn giản là vì nền văn minh Việt có nhiều thứ hấp dẫn người viết về mặt gameplay hơn.
Tuy nhiên, Sid Meier’s Civilization VI – New Frontier Pass không hẳn chỉ có sự hào hứng mà vẫn còn vài điểm trừ đáng đề cập. Một trong số đó là mặc dù bổ sung thêm khá nhiều nền văn minh mới, nhưng nhiều yếu tố trong đó chỉ đơn thuần là mở rộng, tái sử dụng hoặc điều chỉnh lại một chút so với những gì mà trải nghiệm game ban đầu đã xây dựng. Đơn cử như những vị tướng mà bạn có thể chiêu mộ vẫn là những cái tên ở phương trời nào chứ không phải đặc trưng của nền văn minh đó. Tương tự, các chế độ chơi mới được bổ sung trong từng DLC cũng vậy.
Trong khi một số đòi hỏi người chơi phải sở hữu hai bản DLC đầu tiên của trò chơi nguyên bản là Rise and Fall và Gathering Storm, đa phần cũng chỉ là sự thay đổi điều kiện chiến thắng và quy luật chơi, nếu không mang đến tính thử thách hơn thì cũng đơn thuần tạo chút khác biệt nhằm tạo cảm giác mới mẻ. Thế nhưng trừ DLC Vietnam & Kublai Khan Pack, tôi không thấy sự thay đổi khiến trải nghiệm trở nên hấp dẫn và tạo sự khác biệt nhiều về mặt gameplay từ các DLC trong New Frontier Pass đã phát hành trước đó.
Sau cuối, Sid Meier’s Civilization VI – New Frontier Pass mang đến trải nghiệm bổ sung khá hấp dẫn dựa trên nền tảng có sẵn mà tựa game nguyên bản đã làm quá tốt. Nếu yêu thích và cảm thấy “chưa đủ đô” với những gì mà trò chơi mang đến ở thời điểm mới phát hành, đây kỳ thực là gói nội dung rất xứng đáng để xuất hiện trong thư viện game của bạn, nhất là fan cứng của series Civilization nói chung và Civilization VI nói riêng.
Sid Meier’s Civilization VI – New Frontier Pass hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Yêu cầu phải sở hữu tựa game gốc Sid Meier’s Civilization VI để truy cập vào các nội dung New Frontier Pass.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác