Shadow Warrior Classic Redux là bản remaster của tựa game hành động Shadow Warrior kinh điển cùng thời với Duke Nukem 3D. Ngoài đồ họa và âm thanh đều được remaster, phiên bản này còn đi kèm với hai bản mở rộng “không chính chủ” cũng nổi tiếng không kém tựa game gốc là Twin Dragon và Wanton Destruction.
Với những ai chưa biết thì Shadow Warrior vốn khá được nhiều người biết đến vì nhiều lý do. Một trong số đó là độ khó khá cao và cùng “lò” game engine Build với những cái tên FPS nổi tiếng khác như Duke Nukem 3D và Blood. Có một điểm chung đáng nhớ với kẻ thù trong những tựa game nói trên là chúng đôi lúc có những hành động “xuất thần”, đòi hỏi nhiều ở phản xạ tốt của người chơi. Chính vì thế mà tôi khá bất ngờ khi phát hiện trò chơi được phát hành trên mobile thay vì Nintendo Switch. Rắc rối hơn, các tựa game trong series Shadow Warrior được đặt tên khá lộn xộn, dễ nhầm lẫn giữa các bản game kinh điển, remaster và làm lại (remake).
Theo đánh giá của cá nhân tôi, trong số rất nhiều bản game kinh điển của Shadow Warrior được phát hành, Shadow Warrior Classic Redux mang đến chất lượng đồng bộ nhất về mặt âm thanh và hình ảnh đều được remaster. Phiên bản này có khả năng tương thích cao với nhiều nền tảng do sử dụng thư viện OpenGL xử lý dựng hình đồ họa game. Phiên bản mobile vẫn giữ nguyên các nội dung trên bản PC cùng tựa, nhưng thay thế cơ chế điều khiển thành nút bấm ảo trên màn hình thiết bị di động. Ngoài việc đi kèm với hai bản mở rộng Twin Dragon và Wanton Destruction cũng như remaster cả âm lẫn hình, toàn bộ trải nghiệm đều hoàn toàn giống hệt các bản game kinh điển về mặt nội dung và gameplay.
Shadow Warrior Classic Redux đưa người chơi đến với nhân vật chính Lo Wang, chàng vệ sĩ của tập đoàn Zilla trong bối cảnh đây là tập đoàn lớn, nắm “quyền sinh sát” gần như mọi ngành nghề công nghiệp tại Nhật Bản. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp nếu như ngài chủ tịch Master Zilla của tập đoàn không có tham vọng muốn thống trị cả nước Nhật bởi những sinh vật đến từ “bóng tối”. Khi phát hiện ra điều này, nhân vật chính nghỉ việc và bị chính chủ cũ của mình triệu hồi những sinh vật nói trên truy đuổi để loại trừ hậu họa. Cuộc chiến sinh tồn của Lo Wang được trao vào tay người chơi. Thế nhưng, mọi chuyện vốn dĩ chẳng hề đơn giản như thế, nhất là đối với những ai lần đầu đến với tựa game này.
Cũng giống như bao tựa game FPS ra mắt vào thập niên 90, Shadow Warrior Classic Redux không có bất kỳ chỉ dẫn nào cho người chơi mới mà bạn phải tự trải nghiệm khám phá tất cả mọi thứ, từ thao tác điều khiển cho tới tìm đường giữa những lối đi tăm tối khá mơ hồ. Thế nhưng, nếu những tựa game như Doom hay Duke Nukem 3D thường giấu rất nhiều bí mật làm phần thưởng đầy hào hứng cho những ai chịu khó khám phá bí mật màn chơi, cuộc phiêu lưu của chàng Lo Wang thì ngược lại. Yếu tố giải đố và khám phá không những chiếm một phần không nhỏ trong thời lượng chơi, mà còn buộc bạn phải tìm những khu vực ẩn và các vật phẩm mở khóa được giấu trong đó mới có thể tiếp tục trải nghiệm.
Thậm chí, nhà phát triển còn đi xa hơn khi không để lại gợi ý nào mà mặc kệ mọi thứ vào khả năng kiên nhẫn của người chơi. Đó là chưa kể những phân đoạn giải đố hay đi cảnh cần rất nhiều sự tập trung để điều khiển nhân vật di chuyển chính xác như mong muốn trên màn hình cảm ứng. Có lẽ cũng biết yếu tố điều khiển có thể gây nhiều khó khăn khi xét ở khía cạnh thiết kế màn chơi và gameplay đòi hỏi sự chính xác tương đối cao, nên Shadow Warrior Classic Redux phiên bản mobile bổ sung thêm hỗ trợ tay cầm, giúp trải nghiệm trên các thiết bị di động dễ dàng tương đồng với PC. Vấn đề ở chỗ, không phải phần lớn người chơi di động đều có sẵn tay cầm cho những trải nghiệm như thế này. Đây chắc chắn là một điểm trừ không hề nhỏ cho game.
Mặc dù thiết kế màn chơi và những trận đánh boss vẫn khá hấp dẫn, nhưng yếu tố hài hước trong Shadow Warrior Classic Redux có nhiều điểm thua kém “người anh em thiện lành” Duke Nukem 3D cùng thời. Không những vậy, thiết kế game có nhiều phân đoạn mang đến cảm giác bất công hơn, lợi dụng những bất lợi của người chơi như ánh sáng trong màn chơi thấp hay các “mưu hèn kế bẩn” khác để “rút máu” Lo Wang. Kẻ thù tuy có tạo hình tương đối đa dạng, nhưng không gây ấn tượng sâu sắc về xây dựng hình ảnh như lần đầu tôi điều khiển chàng Duke đi giải cứu thế giới ngày xưa. Tất cả những vấn đề này góp phần khiến trải nghiệm game có phần thiếu sự liền mạch về nhịp độ chơi so với “người Mỹ trầm lặng” Duke Nukem 3D.
Vấn đề ở chỗ, Shadow Warrior Classic Redux không phải là Duke Nukem 3D và ngược lại, nên sự so sánh chỉ nhằm nêu bật ưu và khuyết điểm trong thiết kế gameplay cùng thời. Tuy cùng được phát triển trên game engine Build với lối chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất, nhưng kỳ thực cả hai tựa game này đi theo hai hướng khác nhau. Duke Nukem 3D là một trải nghiệm FPS thuần túy với khẩu súng trên tay. Nhiệm vụ của người chơi là “phơ” tất cả người ngoài hình tinh nào xuất đầu lộ diện và tìm đường đến “điểm tẩu thoát” để qua màn. Ngược lại, Shadow Warrior Classic Redux thiên về FPS kiểu “lẩu thập cẩm” nhiều hơn. Trải nghiệm game kết hợp giữa yếu tố hài hước, giải đố, di chuyển và bắn súng với mức độ thử thách cao hơn rất nhiều.
Shadow Warrior Classic Redux khó đến mức bạn có thể dễ dàng để nhân vật mất mạng vài lần ngay từ màn chơi đầu tiên, có khi chỉ mới vài phát đầu tiên trải nghiệm ở thiết lập độ khó thấp nhất. Vấn đề lớn nhất của phiên bản mobile vẫn là yếu tố điều khiển bằng màn hình cảm ứng với số lượng nút bấm ảo khá “dày”, chiếm nhiều không gian trên màn hình khiến việc thay đổi góc nhìn rất dễ bị nhầm lẫn. Trong khi đó, kẻ thù có xu hướng di chuyển qua lại rất thường xuyên, hiếm khi đứng yên một chỗ cho bạn lại gần chém kiếm hoặc “phơ” từ xa bằng phi tiêu hoặc súng. Kỳ thực, đây không phải là một tựa game FPS dành cho người chơi casual mà đòi hỏi ở bạn nhiều hơn thế nữa, nhất là khi trải nghiệm trên mobile mà không sử dụng tay cầm.
Bên cạnh phần chơi kinh điển chính, Shadow Warrior Classic Redux còn mang đến hai bản mở rộng “không chính chủ” khá hấp dẫn từ các nhà phát triển thứ ba với cốt truyện hoàn toàn mới và giữ nguyên lối chơi quen thuộc cũ, kể cả những điểm trừ trong thiết kế game của phiên bản gốc. Một vấn đề không thể không nhắc đến là game phát hành đã lâu nên không hỗ trợ tỷ lệ màn hình 18:9 trên các thiết bị di động mới hiện nay. Mặc dù vấn đề này không gây tác động về mặt trải nghiệm, nhưng thường khiến tôi bị nhầm lẫn một số thao tác điều khiển bằng cử chỉ trên Android 10. Thay vì quẹt sát viền hiển thị của màn hình để thực thi, tôi toàn quẹt ngay sát viền đen do game tạo ra nên không thể thoát game. Ban đầu còn tưởng là điện thoại bị làm sao.
Sau cuối, Shadow Warrior Classic Redux phiên bản mobile mang đến một trải nghiệm FPS khá hấp dẫn với những ai thích hoài cổ hoặc đã từng góp một phần tuổi thơ vào phiên bản gốc của trò chơi. Tuy nhiên, do thiết kế đặc trưng của thập niên 90 mà phần lớn thiết kế gameplay đều là những “đối tượng gây rối” đối với người chơi mới, nhất là những ai không có sẵn tay cầm để trải nghiệm “dễ thở” hơn. Nếu bạn thích trải nghiệm casual, Shadow Warrior Classic Redux chắc chắn không phải là tựa game dành cho bạn nhưng nếu yêu thích thử thách, đây là cái tên rất xứng đáng để bạn “trổ tài” đấy. Tuy nhiên, cẩn thận coi chừng chơi mà tức á.
Shadow Warrior Classic Redux được phát hành cho PC (Windows, macOS, Linux) và Android.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!