Shadow of Loot Box là tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất khá độc đáo khi hướng đến yếu tố châm biếm, phê phán những vấn đề “cộm cán” của ngành game trong những năm gần đây khi “phát minh” ra nhiều tính năng “hút máu” chẳng hạn lootbox, đi ngược lại kỳ vọng của người chơi. Điều này cũng vô tính khiến trò chơi có thể không phù hợp với phần lớn người chơi, nhất là những ai nghiêm túc và khó tính.
Mặc dù Shadow of Loot Box đã phát hành toàn cầu trên PC từ tháng 1/2018 và người chơi console khu vực Âu Mỹ cũng đã được trải nghiệm cách đây gần một năm, nhưng người chơi console khu vực châu Á khá thiệt thòi khi đến bây giờ mới được trải nghiệm tựa game này. Đây là lý do mà đến tận bây giờ tôi mới biết đến trò chơi. Nói đi cũng phải nói lại, dù không phải tất cả nhưng ở thời điểm này, không ít nhà phát triển đã “có tâm” hơn khi thiết kế hệ thống lootbox trong các tựa game của họ, nên nhiều cơ chế gameplay có thể hơi “lỗi thời” một chút ở thời điểm bài viết.
Với những ai dễ dàng đón nhận những “cái mới”, Shadow of Loot Box mang đến một trải nghiệm khá hài hước “thay lời muốn nói” của người chơi đến với các nhà phát triển game. Trò chơi không ngại “một mình cân cả ngành game” khi đả kích đến không chừa trường hợp nào, từ các sản phẩm game đầy lỗi chưa hoàn thiện cho tới những tựa game mang tiếng là thế giới mở, nhưng chỉ được cái vẻ hào nhoáng bên ngoài còn trải nghiệm game rỗng tếch. Dù vậy, một số thiết kế màn chơi có vẻ thất bại, thiếu tinh tế trong việc truyền tải thông điệp châm biến và phê phán mà nhà phát triển muốn đề cập.
Trải nghiệm trong Shadow of Loot Box được chia thành nhiều màn chơi, với toàn bộ thời lượng game tương đối ngắn chỉ khoảng trên dưới hai tiếng đồng hồ. Mỗi màn chơi đều xoay quanh các vấn đề gây tranh cãi trong ngành game, từng vấn đề một. Có màn chơi giao cho bạn nhiệm vụ chạy qua chạy lại giữa vài NPC “sao y bản chính”, hay tìm họ chơi “trốn tìm” hoặc “vừa ăn cướp vừa la làng” trong màn chơi. Ngược lại, cũng có màn chơi ngắn chỉ vài giây ngắn ngủi, “đá xoáy” về vấn đề “hút máu” bằng DLC hay được thiết kế cố ý gây ra tình trạng “treo game” thường xuyên do “sự cố” DRM và nhiều “vấn đề” khác nữa.
Trên thực tế, bạn có thể thấy những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng người chơi này nhan nhản từ rất nhiều tựa game khác trên thị trường, nhất là game AAA từ các nhà phát hành lớn. Khỏi phải nói tôi đã bật cười nhiều như thế nào trước những thiết kế “độc” mà không lạ này. “Cay đắng” nhất là yếu tố lootbox được xây dựng hẳn thành một hệ thống hoàn chỉnh, tích hợp chặt chẽ trải nghiệm trong game. Người chơi sẽ mở lootbox để hồi máu, bổ sung đạn dược và điểm kinh nghiệm nhưng cũng giống như đặc trưng của lootbox, chúng luôn mang đến cho người chơi những thứ mà họ không cần hoặc không muốn.
Hệ thống “quay số trúng thưởng” trong trải nghiệm Shadow of Loot Box thể hiện bản chất châm biếm rõ nét. Nếu đã từng thất vọng không ít lần vì lootbox không mang đến thứ bạn cần, người chơi cũng đừng mong đợi điều tốt đẹp hơn trong trường hợp này. Đơn cử như không ít lần nhân vật “sắp tỏi” tới nơi nhưng thay vì mở lootbox được máu, tôi lại nhận đạn dược mà “đắng lòng” nhất là đạn cho một khẩu súng mà tôi chưa mở khóa được nữa chứ. Chưa kể, chuyện mở lootbox nhận được “vật phẩm” trùng cũng diễn ra như cơm bữa, chẳng hạn như nhận điểm kinh nghiệm ngay cả khi nhân vật đã “max level”.
“Un-đỡ-able” nhất là hệ thống kỹ năng mà Shadow of Loot Box thiết kế khi nhân vật thăng cấp. Về cơ bản, mỗi khi thăng cấp bạn sẽ nhận được một điểm kỹ năng để mở khóa một kỹ năng hỗ trợ tốt hơn cho nhân vật trong trải nghiệm. Lý thuyết là thế và cơ chế gameplay cũng thiết kế “luôn tuân thủ đúng quy trình” như vậy. Vấn đề ở chỗ, những kỹ năng mà bạn mở khóa được trong game lại là những kỹ năng cơ bản, nếu không muốn nói là thiết yếu trong bất kỳ tựa game nào. Từ khả năng nhảy cho đến mở cửa hay thậm chí tương tác với môi trường hoặc vật phẩm trong game, tất cả đều là những kỹ năng mà bạn phải mở khóa.
Thiết kế màn chơi cũng là một điểm cộng ở khía cạnh châm biếm, đả kích. Bạn sẽ thường xuyên gặp những yếu tố môi trường được tái sử dụng, chẳng hạn như không gian bên trong những tòa lâu đài. Thế nhưng, nhà phát triển lại khiến tôi thú vị với cách mà họ “tái chế” những thiết kế này bằng cách thay đổi một tiểu tiết nào đó, khiến màn chơi có cảm giác rất đa dạng về hình thái, tạo sự mới mẻ ngay cả khi “thiết kế mẫu” không có nhiều khác biệt. Shadow of Loot Box càng không ngại “chửi xéo” những kiểu nhiệm vụ “câu giờ” thường gặp trong những tựa game thế giới mở của một tên tuổi lớn mà tôi không muốn nêu tên.
Chẳng hạn như có nhiệm vụ giao cho bạn đi đánh boss là một con rồng, trong đó người chơi sẽ phải chạy đi chạy về để nói chuyện với các NPC, chịu khó nghe những lời thoại nhạt nhẽo và “tào lao mía lao”. Nghe quen quen phải không? Tất nhiên cũng không thiếu những nhiệm vụ kiểu hộ tống hay chạy qua chạy lại “như cún” để kéo dài thời lượng chơi hay được tên-tuổi-lớn-mà-không-nói-tên-thì-chẳng-ai-biết xào đi xào lại chẳng khác nào “trailer như ánh trắng dối lừa”. Bản thân tôi cực ghét những nhiệm vụ dạng này trong các tựa game thế giới mở, nhất là khi nó được nhà phát triển xây dựng thành chuỗi nhiệm vụ chính mà bạn không thể không làm để tiếp tục trải nghiệm.
Ngay cả mô hình free-to-play “xem quảng cáo nhận thưởng” cũng “được” Shadow of Loot Box “ném đá” một cách khéo léo, đậm tính chỉ trích và phê phán. Tiền nhận được trong trường hợp này có thể dùng để mua điểm kỹ năng mới cho nhân vật hoặc các “vật phẩm hỗ trợ” như lootbox hay chìa khóa mở cửa. Nói một cách khác, toàn bộ cơ chế gameplay, thiết kế màn chơi và mục tiêu nhiệm vụ đều xoay quanh những vấn đề gây nhiều tranh cãi về thiết kế game trong ngành, những thứ mà người chơi thấy phản cảm nhưng các nhà phát hành vẫn luôn bào chữa họ không sai vì đã làm “đúng quy trình”.
Tuy Shadow of Loot Box khá thú vị trong phần lớn ý tưởng châm biếm, đả kích, nhưng đáng tiếc tựa game này lại khá “thiếu muối” trong hệ thống chiến đấu, thường không mang đến cảm giác thỏa mãn trong phần lớn trường hợp. Kẻ thù thường khá “nhây”, chúng đơn giản nhưng rất hung hăng, thường truy đuổi tận cùng người chơi đến khi một trong cả hai “ăn tỏi”. Vũ khí ít mà cũng không phải là điểm nhấn, nhưng do cách mở khóa thông qua lootbox nên tôi nghĩ cũng có khả năng bạn sẽ không có dịp dùng cả bốn loại súng trước khi kết thúc trải nghiệm. Dù vậy, khả năng này không xảy ra trong suốt hai lượt chơi của tôi.
Chưa kể, cảm giác bắn không hấp dẫn, không có sự khác biệt giữa các loại súng ngoài sát thương, nhưng tôi không xem đây là điểm trừ lớn. Một phần do trải nghiệm game hướng đến yếu tố châm biếm được trò chơi làm khá tốt, phần còn lại là vì người chơi có thể né tránh việc đấu súng với kẻ thù trong phần lớn các cuộc chiến, nên vấn đề này không gây nhiều khó khăn hay hạn chế trong trải nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Shadow of Loot Box là việc tương tác không dễ dàng, tôi thường gặp khó khăn để tiếp cận vị trí hiện lên tương tác trên phiên bản Nintendo Switch, do cả vấn đề thiết kế game lẫn do độ nhạy của tay cầm Joy-Con.
Sau cuối, Shadow of Loot Box mang đến một trải nghiệm đậm tính châm biếm, phê phán và trò chơi đã làm rất tốt sứ mệnh này ở nhiều khía cạnh. Ngay cả nhạc nền cũng khá đặc biệt khi sử dụng những bài nhạc mang âm hưởng khá ám ảnh, làm nổi bật cái cảm giác khó chịu mà người chơi thường gặp phải khi trải nghiệm những tựa game có những “ý tưởng suy đồi” mà trò chơi chỉ trích. Nếu muốn tìm một trải nghiệm đậm tính giải trí, không bao giờ khiến bạn cảm thấy nhàm chán vì những ý tưởng đả kích “cuộc sống mà” thì đây là một cái tên rất đáng chú ý, trừ khi bạn thuộc đối tượng người chơi khó tính và nghiêm túc.
Shadow of Loot Box được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác