Sekiro: Shadows Die Twice là tựa game kết hợp gần như hoàn hảo của lối chơi hành động chiến đấu và hành động lén lút đầy ấn tượng.
Nhắc đến cái tên FromSoftware, nhiều người chơi sẽ nghĩ ngay đến series Souls hay game Bloodborne với độ khó rất cao. Mặc dù nhà phát triển này có cả một di sản game đồ sộ không khó như thế trong nhiều thập niên trước, nhưng những tựa game gần đây của họ lại lấy độ khó như một dấu ấn riêng. Sekiro: Shadows Die Twice cũng là một trò chơi như thế, nhưng với nhiều điểm khác biệt các anh chị em trước đây.
Toàn bộ câu chuyện trong Sekiro: Shadows Die Twice được kể lại thông qua những đoạn hội thoại và phim chuyển cảnh được lồng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật tùy theo thiết lập của người chơi. Nếu bạn có thói quen bỏ qua các lời thoại của các nhân vật khi trải nghiệm game, cách thiết kế này có thể khiến người chơi khó theo dõi tuyến truyện hơn. Nhân vật của người chơi là Wolf hay Sekiro, một shinobi trong thời Chiến Quốc hư cấu. Nhiệm vụ của bạn là tìm cách giải cứu người lãnh chúa trẻ của mình khỏi kẻ xấu đã bắt cóc cô.
Thế giới trong game khá rộng lớn, nhưng không hẳn mở mà mang nhiều cảm giác tuyến tính. So với series Souls thì Sekiro: Shadows Die Twice không còn dùng những “chiêu bẩn” như đang đi thì sập sàn hay chui vào một cái mê cung đầy bẫy rồi lo mà chạy trối chết. Cũng không có những “tai nạn” vớ vẩn dọc đường khiến bạn bị dính “thính độc” này nọ cái kiểu. Thậm chí, rất hiếm có chuyện nhân vật của người chơi bị tác động mạnh bởi yếu tố thuộc tính này. Đặc biệt, nếu bạn để nhân vật rơi xuống vực vì bất cứ lý do gì thì Wolf cũng chỉ bị mất máu và quay trở lại ngay vị trí trước khi rơi tự do đó mà thôi.
Ở góc độ người chơi game, phần lớn cảm giác trải nghiệm Sekiro: Shadows Die Twice đều khá công bằng, nhưng game cũng sở hữu một số cơ chế bất công, đơn cử như giới hạn số lượng cực kỳ hạn chế mỗi vật phẩm mà người chơi có thể mang theo. Hệ thống chiến đấu cận chiến vẫn là điểm nhấn trong trải nghiệm game nhưng có thêm một số cơ chế mới làm thay đổi trải nghiệm rất lớn. Đáng chú ý nhất là cơ chế posture thay cho stamina trước đây trong series Souls, có thể hiểu như thế thủ khi chiến đấu. Cơ chế này áp dụng cho cả nhân vật của người chơi lẫn kẻ thù, biểu thị bằng thanh posture cho cả hai ở cạnh trên và dưới ở giữa màn hình, tương ứng lần lượt cho kẻ thù và nhân vật của người chơi.
Yếu tố thứ hai là khả năng đu bám bằng móc câu lên những vị trí cao và khả năng nhảy khá linh hoạt của nhân vật chính. Cùng với posture, đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa Sekiro: Shadows Die Twice và series game Souls. Tuy chỉ là một sự thay đổi tưởng chừng rất nhỏ, nhưng mang đến một cảm giác trải nghiệm gần như hoàn toàn khác biệt. Chiến đấu trong game giờ đây đòi hỏi rất cao vào khả năng điều khiển của người chơi. Ngược lại, các cơ chế gameplay mới được thiết kế để giảm bớt yếu tố “cày nhân vật” cho mạnh hơn như series Souls. Tuy nhiên, đáng tiếc là người chơi vẫn có thể lợi dụng hệ thống Sculptor’s Idol trong game để cày điểm kỹ năng.
Với người chơi mới và chưa từng trải nghiệm game Bloodborne lẫn series Souls, vấn đề lớn nhất của Sekiro: Shadows Die Twice là trò chơi sở hữu độ khó cực cao. Điều này là do game đòi hỏi kỹ năng điều khiển và phản xạ nhấn nút cản đòn (deflect) đúng thời điểm của người chơi. Đó là chưa nói, trò chơi buộc bạn phải tự lực cánh sinh vì chỉ có trải nghiệm chơi đơn, không hỗ trợ multiplayer co-op như series Souls. Cay đắng nhất là một con gà tây trong game cũng có thể “tiễn bạn lên đường” với hai hay ba cú đạp. Cảm giác đau khổ này có thể đến rất sớm khi người chơi đối mặt trực diện với tên lính đầu tiên, thế nhưng đây cũng là yếu tố mang đến cảm giác hào hứng và cực kỳ thỏa mãn mỗi khi bạn chiến thắng một kẻ thù “xương xẩu” nào đó.
Cơ chế chiến đấu trong Sekiro: Shadows Die Twice xoay quanh posture. Nói đơn giản hơn là khả năng cản đòn của mỗi nhân vật trong chiến đấu. Yếu tố này liên quan đến việc nhấn nút đúng thời điểm khi kẻ thù tấn công nhằm phá vỡ posture của chúng, kết thúc bằng chiêu trí mạng Deathblow ngay khi kẻ thù sơ hở và thất thế. Về cơ bản, máu càng cao thì posture phục hồi càng nhanh, nhưng nếu người chơi để kẻ thù phá vỡ posture của Wolf mà không phải ngược lại thì thật sự là một thảm họa. Bạn có thể thấy rõ điều này khi đối mặt với những mini boss Leader hay General mặc giáp đầy mình, thường tung đòn tấn công liên tục cả chục chiêu khiến Wolf dễ bị mất posture và ăn đòn mệt nghỉ.
Khó nhất là khi kẻ thù sử dụng ba đòn tấn công thuộc dạng “un-đỡ-able” là vật (grab), đâm trực diện (thrust) và chém ngang (sweep). Đòn vật thì bạn chỉ có thể né và không thể làm gì khác, trong khi đòn đâm trực diện thì sau này có thể mở khóa kỹ năng mới để hóa giải. Tuy nhiên, đòn chém ngang thì người chơi chỉ có thể nhảy lên đạp đầu kẻ thù khiến chúng mất tư thế và sơ hở để bạn tấn công hoặc né sang một bên. Vấn đề ở chỗ, không dễ để canh chính xác nhịp nhấn nút để nhảy lên đầu kẻ thù, nhất là khi cuộc chiến đánh diễn ra. Mặt khác, một khi nhảy hụt do nhấn sai nhịp thì gần như bạn quay lưng với kẻ thù, cho không chúng cơ hội phản công ngược lại cực kỳ nguy hiểm. Nhà phát triển rất biết cách dung hòa giữa yếu tố phần thưởng và rủi ro trong trải nghiệm game.
Bên cạnh hệ thống chiến đấu rất có chiều sâu, luôn mang tới cảm giác cực kỳ hấp dẫn và thỏa mãn nhưng không kém phần thử thách, Sekiro: Shadows Die Twice còn sở hữu hệ thống kỹ năng và nhẫn thuật tuyệt vời, cùng hàng loạt nâng cấp Prosthetic Tool đa dạng cho cánh tay giả của nhân vật chính. Chúng khá hữu dụng trong chiến đấu, đặc biệt là một số công cụ trong đó hỗ trợ rất tốt trong việc kiềm chân boss để người chơi tấn công. Chẳng hạn như Flame Vent sẽ giúp bạn dễ thở hơn khi chiến đấu với mini boss Chained Orge. Tuy nhiên, việc tìm được chúng cũng không dễ vì nhiều công cụ hỗ trợ này được giấu khá kỹ, khuyến khích người chơi khám phá và lùng sục trong không gian màn chơi.
Thú vị là những thông tin hữu ích này được nhà phát triển lồng ghép thành các gợi ý ẩn trong trải nghiệm. Nếu bạn chịu khó dùng nhẫn thuật tai vách mạch rừng (Eavesdrop), nghe lén lính gác trò chuyện với nhau hoặc trò chuyện với các bại binh thì mới có được thông tin chỉ dẫn. Chúng giúp người chơi dễ dàng tìm được những công cụ hỗ trợ hơn mà không cần sự trợ giúp từ nguồn bên ngoài, đặc biệt khi giao diện game không có bất kỳ chỉ dẫn hay minimap để bạn theo dõi những thông tin hữu dụng như phần lớn những tựa game thuộc thể loại này. Sekiro: Shadows Die Twice khá mở ở điểm này và ở góc độ người chơi thì đó cũng vừa là điểm cộng lẫn điểm trừ trong thiết kế.
Cách thiết kế này không những khuyến khích người chơi khám phá theo cách mà họ muốn, mà còn cho phép bạn toàn quyền quyết định trải nghiệm game sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, việc không có minimap sẽ khiến không ít người chơi lúng túng, khó nắm bắt được đường cần đi. Điều này đặc biệt trở nên ức chế hơn khi đụng độ những con boss mạnh mà bạn đánh mãi chẳng qua nổi, nhưng lại không biết phải tìm các công cụ hỗ trợ giúp trận đánh “đỡ khổ” hơn ở đâu. Bên cạnh đó, dù ban đầu nhà phát triển tạo cảm giác hành động lén lút là yếu tố chính trong trải nghiệm game, nhưng kỳ thực ngược lại và cũng chỉ được xây dựng ở mức cơ bản.
Về cơ bản, đây là một tựa game phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng điều khiển của người chơi. Trong khi nhiều trận đánh mini boss có thể bỏ qua, nhưng những trận đánh boss luôn đòi hỏi thực lực của bạn chứ không phải là những nhẫn thuật. Chưa kể, việc bỏ qua các mini boss cũng không phải là một ý tưởng hay, vì chúng thường mang đến cho bạn phần thưởng rất hậu hĩnh, giúp nhân vật “sống thọ” hoặc tăng số lượt hồi máu bằng Healing Gourd. Tất nhiên bạn vẫn có thể sử dụng Pellet để hồi máu, nhưng vật phẩm này có số lượng mang theo cực kỳ hạn chế. Chính những vấn đề này khiến việc hành động lén lút để tiêu diệt kẻ thù làm bạn không tập luyện chiến đấu được nhiều, khi tiếp cận boss sẽ không khác gì lấy trứng chọi đá.
Vấn đề ở chỗ, tùy mỗi người chơi mà một trận đánh trùm có thể kéo dài đến chục phút hoặc có khi chỉ vài giây ngắn ngủi mà phần thắng chưa chắc thuộc về người chơi. Một giây sơ sẩy cũng dễ khiến bạn phải trả giá rất đắt với mức độ trừng phạt của game, mỗi lần chết là một lần đau. Không chỉ bạn đau mà các NPC cũng đau, rất khủng khiếp. Ngược lại, một khoảnh khắc “liều ăn nhiều” của người chơi cũng có thể tạo nên kỳ tích. Thế nhưng, quan trọng nhất vẫn là khả năng điều khiển của bạn với mức độ phản ứng nhanh nhạy và nhấn nút đúng thời điểm ra sao. Nếu không, tất cả mọi cố gắng đều trở nên vô ích. Đó là chưa nói yếu tố hành động lén lút thường khiến người chơi mất thời gian hơn do phải theo dõi đường đi nước bước của kẻ thù trước khi ra tay.
Yếu tố này chỉ mang đến lợi thế trong một số trường hợp bạn cần diệt bớt kẻ thù, chủ yếu để dọn đường trước khi vào đấu trùm, tránh không để bị cả đám xúm vào đánh hội đồng mà thôi. Ngoại trừ những trận đánh trùm không thể gian lận được, phần lớn những trận chiến với bọn lính đều có thể gian lận bằng cách này hay cách khác, hầu như đều có đủ từ tẩu vi thượng sách cho tới cả dùng vật phẩm hỗ trợ. Thậm chí, kẻ thù cũng có thể “chơi bẩn” với bạn, chẳng hạn như đá cát vào mặt bạn như những “mưu hèn kế quỷ” mà bạn sử dụng với chúng. Có thể đây là thiết kế chủ ý của nhà phát triển, nhưng nếu lỡ tay “tặng” cho trùm một nhát Deathblow thì hãy đợi đấy, bạn có chạy lên trời cũng chẳng thoát khỏi việc bị hắn truy sát.
Sau cuối, Sekiro: Shadows Die Twice mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động cực kỳ ấn tượng ở nhiều khía cạnh, nhất là hệ thống chiến đấu rất có chiều sâu và mang đến cảm giác hết sức thỏa mãn một khi bạn đã làm chủ được nó. Đồ họa dù khá đẹp nhưng lại không tạo được ấn tượng tương ứng với trải nghiệm game. Ngược lại, âm thanh tiếng động là một điểm cộng khá lớn, tiếng binh khí va chạm nhau nghe rất “đã”, chưa kể phần lồng tiếng song ngữ Anh-Nhật cũng là một điểm cộng thú vị. Mặc dù trò chơi vẫn có một số vấn đề chưa hoàn hảo nhưng hầu hết đều bị hàng loạt ưu điểm phủ lấp. Nếu không ngại thử thách thì đây là một tựa game mà bạn chớ nên bỏ qua.
Sekiro: Shadows Die Twice được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Sekiro: Shadows Die Twice.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!