Việc 87 triệu tài khoản Facebook bị lộ thông tin có liên quan đến công ty Cambridge Analytica khiến doanh nghiệp này sau đó mất hầu như tất cả khách hàng và nhà cung cấp. Hậu quả là ngày 2/5 vừa qua (giờ địa phương), Cambridge Analytica tuyên bố phá sản.
Cambridge Analytica thành lập năm 2013, chủ yếu tập trung vào việc phân tích các cuộc bầu cử Mỹ và đưa ra định hướng chiến lược. Cambridge Analytica có trụ sở tại Anh và trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, công ty Cambridge Analytica được thuê để giúp ông này thắng cử.
Văn phòng của Cambridge Analytica tại Washington, Mỹ trống trơn khiến nhân viên chuyển giao bưu kiện không thể hoàn thành nhiệm vụ ngày 2-5 – Ảnh: REUTERS
Cuối tháng 3 vừa qua, giới truyền thông phanh phui sự thật gây chấn động, rằng Cambridge Analytica đã sử dụng sai mục đích dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook. Như vậy, hơn 80 triệu người dùng mạng xã hội Facebook đã bị thu thập dữ liệu lúc nào, bán đi đâu chính bản thân họ cũng không hề hay biết. Cho tới khi sự việc đổ bể ra.
Bê bối này khiến CEO Facebook phải ra điều trần trước quốc hội. Giá cổ phiếu Facebook lao dốc. Nhiều người dùng mạng xã hội lớn nhất hành tinh tuyên bố tẩy chay, gỡ bỏ ứng dụng này.
Cambridge Analytica lại càng thê thảm hơn. Hầu như tất cả khách hàng và nhà cung cấp của Cambridge Analytica đều bỏ chạy. Điều này khiến Cambridge Analytica ngày 2/5 vừa qua đã chính thức phá sản.
Trong tuyên bố của mình, Cambridge Analytica cho biết công ty đã trở thành nạn nhân của những kẻ “tát nước theo mưa”, trở thành đối tượng bị chỉ trích bởi các cáo buộc vô căn cứ bất chấp tinh thần cầu thị sửa sai. Ngay sau thông báo, trụ sở của Cambridge Analytica tại London (Anh) đã đóng cửa, các biển hiệu bị gỡ bỏ.
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý dữ liệu Anh, các cuộc điều tra nhắm vào những cá nhân và ban giám đốc của Cambridge Analytica vẫn sẽ tiếp tục bất chấp công ty phá sản.