Đại gia di động Hàn Quốc vừa tung ra mẫu smartphone Tizen thứ hai trong danh mục của mình với tên gọi Z3 – tiếp tục chứng tỏ kế hoạch “Tizen” của hãng là thực sự nghiêm túc. Nhưng liệu sự liều lĩnh này có đem lại được kết quả gì hay không?
Theo lời Samsung, Z3 sẽ được phân phối qua tất cả các kênh bán lẻ tại Ấn Độ kể từ tuần này với giá 8490 Rupee, tương đương 130 USD. Trên không gian mạng, Z3 sẽ chỉ được bán độc quyền qua Snapdeal mà thôi. Hiện chưa rõ Samsung có ý định bán Z3 ở đâu khác ngoài thị trường Ấn Độ hay không, và nếu có thì giá bán sẽ đắt hơn hay rẻ đi.
Được biết Z3 được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Ấn Độ, tích hợp nhiều dịch vụ và tính năng dành riêng cho những người dân Ấn Độ lần đầu sử dụng smartphone. “Việc mở bán Z3 một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Ấn Độ đối với tiến trình phát triển của hệ điều hành Tizen. Ấn Độ là nước đầu tiên trên toàn thế giới đón nhận con dế này”, Phó Chủ tịch Samsung Ấn Độ Asim Warsi tuyên bố.
So với giá bán của nó, cấu hình của Z3 thực sự không tồi: màn hình 5-inch HD (1280 x 720p) dùng công nghệ Super AMOLED, vi xử lý lõi tứ Spreadtrum 1.3 GHz và RAM 1GB. Ngoài ra máy còn có bộ nhớ trong 8GB, mở rộng được tối đa 128GB nhờ khe cắm thẻ nhớ, Camera chính 8MP với đèn flash LED, camera selfie góc rộng 5MP cùng pin 2600 mAh. Các lựa chọn kết nối gồm có hỗ trợ 2 SIM, 3G, Wi-Fi 802.11 b/g/n, Bluetooth 4.0 cùng GPS. Máy cài sẵn hệ điều hành Tizen 2.3.
“Samsung vẫn rất tích cực kiếm tiền từ Android, nhưng hãng cũng chưa đến nỗi quên Tizen, bất chấp xuất phát trắc trở của nền tảng này”, một tờ báo của Ấn Độ bình phẩm về sự kiện.
Năm ngoái, Z1 được tung ra thị trường với giá chỉ có 89 USD, nhưng tại một thị trường có rất nhiều lựa chọn siêu rẻ như Ấn Độ, thì mức giá này đổi lấy màn hình 4-inch, vi xử lý lõi kép và RAM 768MB vẫn bị coi là… đắt. Z1 nhanh chóng xịt ngóm và chẳng được mấy ai đoái hoài tới. Nhưng liệu lần này Samsung đã rút được kinh nghiệm nào từ sai lầm đó hay chưa?
Với phiên bản Tizen 2.3, Samsung cho biết giao diện người dùng đã nhanh và trực quan hơn nhiều so với phiên bản đầu tiên. Các ứng dụng thường dùng nhất sẽ có thể truy cập ngay từ màn hình Home. Với Z3, người dùng cũng có thể tùy biến giao diện người dùng bằng vô số theme khác nhau. Bạn có thể chọn và thay một theme mới tùy theo phong cách hay tâm trạng của mình trong ngày.
Z3 cũng được trau chuốt hơn về ngoại hình, với thân máy kim loại khá mỏng và nhẹ: dày 7.9mm và nặng đúng 137 gram. “Lần này trông chiếc điện thoại không giống đồ rẻ tiền”, một chuyên gia công nghệ nhận xét. Cấu hình mới cũng được cho là nâng cấp rõ rệt so với Z1 đời đầu, dù chúng chỉ đủ để chạy các ứng dụng và game phổ biến. Đối với những tác vụ nặng, bạn sẽ gặp phải tình trạng trễ, giật, máy chạy chậm đáng kể.
Mang nhiều kỳ vọng
Tizen từng là một dự án lớn của Samsung với mục tiêu: giảm bớt sự phụ thuộc vào Google, tăng cường quyền kiểm soát của Samsung đối với cả phần cứng lẫn phần mềm, các ứng dụng trong hệ sinh thái… Thế nhưng rõ ràng, từ kế hoạch cho đến thực tế là cả một quãng đường dài.
Cho đến tận thời điểm này, Tizen vẫn i ạch chạy đà chứ chưa thể cất cánh được, dù Samsung đã tung ra smartphone Z1 hồi năm ngoái và cài sẵn hệ điều hành này cho mẫu đồng hồ thông minh Gear S2. Và chỉ có Chúa mới biết vì sao Samsung lại “nhảy cóc” từ Z1 lên thẳng Z3 trong sự kiện công bố hồi đầu tháng 10 vừa qua. Theo giải thích của Samsung thì lý do hãng này chọn cái tên Z3 cũng tương tự như khi Microsoft nhảy cóc từ Windows 8 lên Windows 10 vậy. “Z3 hiện đại hơn nhiều so với Z1, sở hữu những tính năng và cấu hình mà đáng lẽ ra có thể trang bị cho thế hệ smartphone Tizen thứ ba”. Chính vì thế, Samsung đã quyết định bỏ qua cái tên Z2 để chọn thẳng lên Z3.
Nhưng liệu những lời tuyên bố có cánh này có thể thuyết phục được người dùng Ấn Độ hay không? Đành rằng Z3 nhắm đến những người chưa xài smartphone bao giờ, cũng tức là đối tượng người dùng dễ tính nhất, ít đòi hỏi nhất, nhưng rõ ràng, Android vẫn phổ biến và có sản phẩm phong phú, dễ tiếp cận hơn. Ngay cả ở những thị trấn nhỏ, người ta cũng có thể bắt gặp smartphone Android giá rẻ, nên Z3 chắc chắn sẽ không dễ cạnh tranh. Đấy là chưa kể Tizen không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng lập trình, hệ quả là số lượng ứng dụng và game tương thích với nền tảng này rất hiếm, trái ngược hẳn với quầy ứng dụng Android. Đây là một yếu tố quan trọng ngăn cản khả năng mở rộng thị phần của Tizen trong quá khứ, hiện tại và ít nhất là tương lai gần, cho tới khi Samsung nghĩ được cách nào đó để xoay chuyển tình thế. Samsung có lẽ sẽ vẫn đạt được doanh số mục tiêu với Z3, do con dế này có cấu hình và thiết kế ổn, tròn trịa, cũng như nhờ sức mạnh thương hiệu của họ tại thị trường Ấn, nhưng để bứt phá và vượt lên mạnh mẽ thì e rằng sẽ bất khả thi.
“Samsung rất cố gắng kiểm soát thị trường Ấn Độ – thị trường lớn thứ hai châu Á nhưng đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau khi Trung Quốc đã chững lại. Đó là lý do vì sao hãng lại tập trung mở rộng danh mục, nhắm đến những người dân lần đầu tiếp cận smartphone ở Ấn. Thứ hai nữa, người dùng Ấn không quá khó tính nên Tizen sẽ có cơ hội cao hơn so với việc phải cạnh tranh ở các thị trường khác. Thứ ba nữa là số lượng đối thủ bản địa mà Samsung phải đối mặt ở đây không nhiều như ở Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc có Xiaomi, Huawei, ZTE, Lenovo, Oppo, OnePlus thì Ấn Độ về cơ bản chỉ có Micromax là đáng gờm với Samsung mà thôi”, một chuyên gia giải thích lý do vì sao Z3 lại lựa chọn Ấn Độ làm thị trường mở bán đầu tiên.
Trước đây, Z1 mất gần 6 tháng để bán được 1 triệu máy tại Ấn. Samsung hy vọng Z3 có thể tái lặp thành tích này trong khoảng thời gian ngắn hơn, bởi ngoài sự nâng cấp về cấu hình, con dế này còn có thể truy cập vào nhiều nội dung cũng như chương trình khuyến mại bản địa.
“Z3 sẽ là sản phẩm sát hạch thực sự khả năng thành bại của Tizen tại Ấn Độ. Chỉ có thời gian mới biết Tizen có thể cất cánh được hay không, nhưng nếu Z3 được đón nhận thì khả năng cao là Samsung sẽ mạnh dạn đưa hệ điều hành này vào thêm nhiều sản phẩm smartwatch, TV thông minh và thậm chí là máy ảnh số trong thời gian tới”, trang Forbes nhận định.
Sao vẫn ôm mộng?
Nhưng cũng có không ít ý kiến chất vấn Samsung rằng vì sao phải “ôm rơm nặng bụng”, cứ cố chạy đuổi theo một nền tảng mới từ con số 0 khi mà Android đã quá mạnh, quá phổ biến như hiện nay?
Thực ra không phải là Samsung không biết họ đang liều lĩnh. Nhưng nếu bạn hỏi, điểm yếu lớn nhất của Samsung so với đại địch Apple là gì, rất nhiều chuyên gia IT sẽ đồng thanh trả lời rằng: Samsung không sở hữu hệ điều hành riêng, nên điện thoại của họ muôn đời không có được sự tối ưu hóa giữa phần cứng và phần mềm như iPhone. Chính vì thế, Samsung Electronics, dưới sự lãnh đạo của Phó Chủ tịch Lee Jae-yong đã dồn nhiều nguồn lực cho dự án Tizen, với niềm tin mãnh liệt rằng chỉ có Tizen mới đảm bảo được khả năng tăng trưởng trong kỷ nguyên Internet của vạn vật, cũng như giúp hãng duy trì vị thế mà thôi.
Bản thân ông Lee đã dùng thử Z3 trước khi sản phẩm ra mắt để kiểm tra chất lượng và công năng của nó. Ông thậm chí còn kiểm tra cả chất lượng cuộc gọi bằng cách gọi thử cho các nhân viên dưới quyền. Rõ ràng là ông không muốn Z3 mắc phải sai sót nào cả.
Nhưng Tizen đang vật vã xoay xở giữa hai gọng kìm Android và iOS, hai thế lực tối thượng trong thế giới hệ điều hành di động hiện nay. Có thể nói, thế giới này là một khu vườn cấm đúng nghĩa. Ngoại trừ Android và iOS, các nền tảng khách hầu như chưa làm ăn được gì. Windows và Firefox nhích từng bước, Palm WebOS, MeeGo cùng nhiều nền tảng khác bị khai tử… Cặp đôi quyền lực iOS và Android mạnh đến mức gần như không cho phép bất cứ tân binh nào gia nhập cuộc chơi.
Số liệu từ IDC cho thấy, Android hiện đang kiểm soát tới 81,5% thị trường OS di động toàn cầu, trong khi Apple iOS nắm 14.8%. Con số hơn 4% còn lại là sự xâu xé nhau của các nền tảng khác.
Là thủ lĩnh của phe Android nhưng Samsung Electronics lại nuôi lòng khác. Hãng cần có hệ điều hành riêng để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ smartphone. Việc bị phụ thuộc vào Android khiến Samsung cảm thấy bất bênh, chỉ cần 1 thay đổi trong chính sách từ phía Google cũng có thể khiến hãng mất cả đống tiền. Không ai biết giữa Google và Samsung có thể cơm lành canh ngọt đến bao giờ.
“Nếu cần thiết, chúng tôi có thể đường ai nấy đi với Samsung Electronics”, một Phó Chủ tịch của Google đã từng bình luận như vậy về triển vọng của Tizen bên lề Triển lãm MWC 2015 hồi tháng 3, hiển nhiên là tỏ rõ thái độ bất mãn của mình với kế hoạch của “đối tác thân thiết”.
Hơn nữa, Samsung cần phải chuẩn bị dọn đường cho kỷ nguyên Internet vạn vật (IoT) sắp tới. Hồi đầu năm, gã khổng lồ Hàn Quốc từng tuyên bố sẽ kết nối tất cả các sản phẩm điện tử của mình lại với nhau, từ TV, tủ lạnh, máy giặt cho đến máy tính, smartphone… thông qua IoT trong vòng 5 năm tới. Samsung cũng dự định cài Tizen cho tất cả hệ sinh thái này. Với việc Google cũng đang nhòm ngó thị trường IoT, Samsung lại càng cần một hệ điều hành độc lập hơn bao giờ hết.
Vào ngày 17-18/9 vừa qua, Samsung đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc hội thảo các nhà phát triển Tizen tại Trung Quốc, ra mắt Tizen Platform 3.0 với khả năng tương thích cùng hàng loạt thiết bị IoT khác nhau.
Vậy là đã rõ, smartphone chỉ là mắt xích đầu tiên mà Tizen nhắm đến mà thôi. Samsung muốn một cái đích cao hơn, rộng hơn rất nhiều: thế giới IoT. Hãng thậm chí đang nghĩ đến chuyện nhảy vào lĩnh vực xe thông minh như một hướng đi khả thi của Tizen, bởi khả năng tùy biến cao độ của nền tảng này sẽ cho phép các hãng xe tạo ra những đặc trưng, khác biệt riêng. Sự thành công của Z3 sẽ khiến hãng có thêm sự tự tin và động lực để đi trên hành trình dài ấy. Một tin an ủi cho Samsung là Tizen đã qua mặt Firefox để trở thành hệ điều hành smartphone lớn thứ 5 trong Quý 2.
“Sự hội tụ chéo là một thế mạnh của Samsung vì chúng tôi sản xuất nhiều linh kiện và sản phẩm hoàn chỉnh khác nhau”, CEO J.K.Shin đã từng giải thích như vậy. Những nghi ngờ về việc Samsung mất dần kiên nhẫn và sự hào hứng dành cho Tizen cũng không còn cơ sở, bởi bản thân ông Shin đã bác bỏ chuyện sẽ từ bỏ Tizen.
“Hãy cứ chờ mà xem”, ông Shin úp mở.
Nhưng từ nay cho đến lúc đó, Samsung sẽ phải giải đáp được cho người dùng một thắc mắc vô cùng lớn: Người dùng được lợi gì khi dùng Tizen? Họ có thể nhận được giá trị khi chọn nền tảng này thì Android hay iOS?
Với hầu hết người dùng, giá trị của Android không nằm ở bản thân hệ điều hành này mà ở hệ sinh thái bao quanh nó. Từ các ứng dụng của riêng Google cho đến hàng triệu ứng dụng của bên thứ ba đang cung cấp trên Google Play Store, các mẫu smartphone Android có lợi thế vượt trội so với những nền tảng khác không-phải-là-iOS.
Do đó, nếu Samsung chỉ trả lời người dùng rằng giá trị của Tizen là giá rẻ thì sẽ chẳng thuyết phục được ai, vì Android cũng có dự án Android One rẻ không kém. Nếu Samsung thực sự muốn làm nên chuyện với Tizen, hãng sẽ cần một nguồn lực đáng kể để tiếp thị, xây dựng thương hiệu, thậm chí phải hy sinh cả thị phần điện thoại giá rẻ Android của mình ở thị trường Ấn Độ… Với việc lợi nhuận và doanh thu của Samsung đang liên tục đi xuống suốt 7 quý qua, cộng thêm bộ đôi Galaxy S6, S6 Edge mới không bán chạy như kỳ vọng, thật khó để Samsung hy sinh như vậy.
PHƯƠNG LÂM