Sau vô số đồn đoán và vài lần bị hủy phát hành trong năm ngoái, cuối cùng thì con dế Tizen đầu tiên trên thế giới cũng được Samsung tung ra thị trường. Chỉ có điều, không phải là Nga như dự định ban đầu.
Thay vào đó, Z1 sẽ đáp xuống Ấn Độ, nơi nó được bán với giá khoảng 5700 rupee, tương đương 92 USD kể từ ngày 15/1. Mức giá này đã nói lên chính xác tính chất của Z1: Nó là một con dế bình dân với màn hình 4-inch WVGA, vi xử lý lõi kép 1.2 Ghz, RAM 768MB, máy camera chính 3.1 MP và camera phụ VGA đồ cổ ở mặt trước. Máy cài sẵn hệ điều hành Tizen phiên bản 2.3 và sở hữu bộ nhớ trong 4GB. Tin an ủi là máy có thể mở rộng lên đến 64GB nữa nhờ vào khe cắm thẻ nhớ. Và như rất nhiều con dế ở các thị trường mới nổi khác, Z1 cũng hỗ trợ 2 SIM.
Một điểm đáng chú ý là Samsung tập trung khá nhiều vào nội dung trong đợt ra mắt sản phẩm lần này. Ông Hyun CHil Hong, Chủ tịch kiêm CEO của Samsung Ấn Độ tuyên bố rằng Z1 được thiết kế để đáp ứng “nhu cầu giải trí độc đáo của người dùng Ấn Độ”, do đó, hãng đã thiết kế gói Joy Box, cho phép người dùng truy cập miễn phí vào các nội dung trên Club Samsung, hay những trang như Hungama.com, NextGTv và Bot TV trong thời gian thử nghiệm.
Chỉ có điều tất cả những nội dung này đều đòi hỏi băng thông và Samsung đã rất khéo khi bắt tay cùng nhà mạng Airtel để khuyến mãi cho người dùng 500 MB dữ liệu 3G hoàn toàn miễn phí trong 6 tháng đầu tiên.
Từ lâu, Tizen đã được Samsung quảng cáo là hệ điều hành thay thế cho Android với những ưu điểm như giá rẻ hơn, giao diện đơn giản hơn, mang đến khả năng tùy biến cao hơn. Nhưng giới công nghệ đều ngầm hiểu rằng, Tizen chính là vũ khí để Samsung giảm bớt sự lệ thuộc vào Google và Android, dù cho chính nhờ bệ phóng ANdroid mà Samsung có được vị thế như ngày hôm nay. Nhưng cùng với sự phình to về quy mô và tiềm lực, Samsung cũng không muốn bị Google kiểm soát quá nhiều. Hơn thế nữa, đại gia di động Hàn Quốc còn để mắt đến nguồn doanh thu khổng lồ từ quảng cáo, điều mà hãng chỉ có thể làm được với Tizen mà thôi. Tất nhiên, còn lâu thì Tizen mới có thể cạnh tranh được với ANdroid ở phân khúc cao cấp. Dường như Samsung chỉ định sử dụng nền tảng này cho phân khúc tầm trung trở xuống mà thôi, vì thế, những thị trường đặc biệt nhạy cảm với giá bán như Ấn Độ, Trung Quốc hay Đông Nam Á là một phép thử tuyệt vời.
Nhưng đó không phải là điều duy nhất đáng nói ở Z1. Giá bán của nó, trên thực tế, còn rẻ hơn cả mẫu dế Redmi rẻ nhất của Xiaomi, một đối thủ đang lên như diều của TRung Quốc. Hiện Redmi đang được bán với giá khởi điểm khoảng 150 USD và cực kỳ ăn khách tại Ấn Độ. Số liệu thống kê thị trường cho thấy Apple của Trung Quốc đã bán được tới 1 triệu chiếc Redmi chỉ trong vòng 5 tháng đầu tiên tấn công thị trường Ấn.
Rõ ràng, với chiến lược định giá này, Samsung đang muốn tuyên chiến với Xiaomi nói riêng và các đấu thủ Trung QUốc nói chung. Chính họ là thủ phạm khiến cho Samsung điêu đứng suốt thời gian qua, khi hàng loạt model smartphone giá rẻ được tung ra thị trường, với cấu hình chẳng thua kém là bao so với danh mục sản phẩm trung/cao cấp mà Samsung sở hữu. Dường như Tizen là cơ hội tốt nhất mà Samsung có để phản đòn, ít nhất là ở mặt trận giá.
Thế nhưng không có gì đảm bảo rằng Samsung sẽ thành công. Việc thiếu vắng ứng dụng và dịch vụ tương thích rất có thể sẽ trói chân trói tay Z1 cũng như Tizen, hơn nữa cấu hình khiêm tốn của Z1 cũng không lấy gì làm đặc sắc lắm để thuyết phục người dùng nghĩ lại.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Samsung lại quyết định tung ra Z1 tại thời điểm này? Có khả nhiều giả thiết đã được đưa ra, và một trong số đó chính là việc Tizen được nhắc đến khá nhiều ở triển lãm CES vừa qua. Trước hết, người ta thắc mắc vì sao không có một smartphone Tizen nào được Samsung trình diễn trong dịp này, khi mà MWC 2015 gần như chắc chắn đã được dành cho siêu phẩm Galaxy S6. Thứ hai, Tizen đổ bộ xuống tất cả các dòng TV thông minh mới được Samsung trưng bày ở triển lãm. Không những vậy, Samsung còn tuyên bố rằng tất cả các dòng TV mà hãng tung ra trong thời gian tới sẽ đều cài sẵn Tizen, mở ra một hướng đi hoàn toàn mới và dễ thở hơn nhiều cho hệ điều hành tưởng như là yểu mệnh này.
Hiện tại, không ai rõ sau Z1 thì Samsung còn tung ra bao nhiêu smartphone Tizen nữa, cũng như liệu Z1 có được bán ở nước nào khác ngoài Ấn Độ hay không. Câu trả lời có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình tiêu thụ của Z1 ở thị trường “hoa tiêu” này. Nếu Z1 ăn khách và có được sự chú ý ở mức đáng khích lệ, Samsung sẽ có thêm động lực để tiếp tục đầu tư cho Tizen. Nhưng ngược lại, nếu Z1 xịt ngóm và chẳng được ai đoái hoài, canh bạc của Samsung sẽ thất bại.
Khi được hỏi Tizen hiện đã hỗ trợ bao nhiêu ứng dụng, Samsung từ chối đưa ra con số cụ thể và cũng bác bỏ luôn cả thông tin rằng Z1 có thể chạy cả các ứng dụng ANdroid. “Các ứng dụng ANdroid và iOS đều phải viết lại mã hết nếu muốn chạy trên smartphone Tizen”, đại diện của Samsung lên tiếng. Một bài blog mới đây trên trang chính thức của hãng cũng đề cập đến kế hoạch dành cho Tizen, theo đó, đại gia Hàn Quốc dự định sử dụng nền tảng này cho các thiết bị “INternet của vạn vật” và bổ trợ cho các thiết bị Android.
“Chúng tôi tin rằng Tizen rất tuyệt, nhưng điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ các hệ điều hành khác hay không? Câu trả lời là Không”, Samsung khẳng định như đinh đóng cột.
Ngay cả tên gọi Z1 cũng gây nhiều tranh cãi. Samsung từng tự hào công bố dự án Tizen “Z” cao cấp hồi năm ngoái, nhưng đã nhanh chóng vứt xó model cao cấp này trước cả khi nó kịp đến tay người dùng. Có lẽ hãng đã ngửi thấy trước mùi thất bại cho một sự định vị sai lầm như vậy nên đã chuyển sang tập trung vào việc phát triển các thiết bị bình dân trên nền Tizen. Thế nhưng con dế này lại được đặt là Z1, khiến cho nhiều người nhầm tưởng đây vẫn là một smartphone đắt tiền và là phiên bản hậu duệ của Z. Hơn thế nữa, Sony có thể sẽ khá phật ý vì con dế Xperia Z1 cao cấp của họ lại bị trùng tên với đối thủ rẻ bèo này.
Những ấn tượng ban đầu của báo giới Ấn Độ dành cho Z1 khá trái ngược nhau. Tờ Times of India nói rằng, ngoại hình Z1 chẳng khác gì nhiều so với các smartphone Android khác của Samsung khi vẫn đi theo cùng một ngôn ngữ thiết kế. Màn hình tuy có góc xem tốt nhưng độ sáng thì cần phải cải thiện nhiều, camera VGA cũng là một tính năng quá lạc hậu tại thời điểm này. Dù vậy, đánh giá của họ dành cho Tizen khá tốt: “Hệ điều hành này chạy tương đối mượt, không bị trễ nhiều. Việc chuyển đổi giữa các ứng dụng và mở ứng dụng mới khá nhau. “Có vẻ như Samsung đã tối ưu hóa hệ điều hành đề nó chạy nuột nà trên con dế này”, Times of India nhận định.
“Xét tổng thể thì Z1 có vẻ như là một lựa chọn ổn ở tầm giá bình dân nhưng triển vọng của nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ ủng hộ của giới lập trình ứng dụng. Với những tên tuổi như Xiaomi, Asus và Motorola, phân khúc smartphone bình dân của Android đang cực mạnh và chứng kiến cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Người dùng đang có vô số sự lựa chọn, một số thậm chí còn sở hữu phần cứng ngang ngửa với smartphone tầm trung. Do đó, Samsung sẽ cần phải đảm bảo rằng tất cả các ứng dụng quan trọng đều sẽ góp mặt trên quầy ứng dụng Tizen, cộng với những nội dung giải trí miễn phí mà hãng tặng kèm điện thoại thực sự hấp dẫn, nếu như muốn Z1 gây được sự chú ý nào đó.
Trong khi đó, Financial Times lại đặt dấu hỏi về việc Z1 có thể chinh phục được thị trường Ấn Độ hay không, nhất là khi cuộc cạnh tranh để giành vị trí thống trị thị trường đang cực kỳ khốc liệt, với sự góp mặt của Android One (Google), Moto E (Motorola), Hongmi 1S (Xiaomi)….
Dù đánh giá cấu hình của Z1 khá “ngon” so với giá bán, trang này nghi ngờ về khả năng mở rộng của hệ sinh thái Tizen. “Hiện tại, Samsung đang theo đuổi chiến lược mới khi định vị thị trường cho Tizen. CHiến lược cốt lõi là không chỉ tập trung vào smatphone mà sẽ sử dụng Tizen OS trên nhiều thiết bị khác nhau như đồ điện gia dụng, nhà thông minh, camera, ô tô và robot… Nói cách khác, Samsung dự định biến Tizen thành nền tảng của “Internet của vạn vật””, Financial Times đánh giá.
Nếu Tizen may mắn thành công, Samsung cũng sẽ có cơ hội giảm bớt mức độ phụ thuộc vào Google. Số liệu mới nhất từ hãng nghiên cứu IDC cho thấy, trong Q3 năm nay, Android vẫn chiếm tới 84% thị trường smartphone và vị thế đó càng ngày càng được củng cố hơn. Giới phân tích nhận định rằng, số lượng các OEM và nhà mạng mặn mà với Tizen trong tương lai sẽ quyết định việc hệ sinh thái Tizen có thể cạnh tranh được với Android hay không. Thế nhưng họ cũng thừa nhận, khả năng Tizen trở nên đại chúng là rất khó.
Theo PHƯƠNG LÂM (e-CHIP)