Salt and Sanctuary là game nhập vai hành động mang nhiều cảm giác soulslike trong hệ thống chiến đấu. Thế nhưng, bao phủ bên ngoài là lớp đồ họa 2D vẽ tay rất khác biệt, mang đến không khí u ám rất đặc trưng gợi nhớ đến series Dishwasher cũng do Ska Studios phát triển. Trò chơi không có tính cầm tay chỉ việc mà gần như phụ thuộc vào tổ tiên của người chơi mách bảo trong trải nghiệm khám phá. Thậm chí gọi đây là Dark Souls 2D cũng không sai nhưng chưa đủ. Trò chơi xứng đáng nhiều hơn thế.
Salt and Sanctuary mở đầu với phần tùy biến nhân vật khá nhiều chi tiết. Mặc dù vậy, người viết không thích tạo hình nhân vật chính có cảm giác hơi ác và biểu cảm lúc nào cũng “quạu đeo” của game. Tuy bạn có thể lựa chọn giữa các lớp nhân vật, nhưng kỳ thực chỉ là sự khác biệt về trang bị ban đầu. Trải nghiệm game đưa bạn đến với câu chuyện liên minh của hai quốc gia thông qua đám cưới giữa công chúa nước này và nhà vua nước kia. Không may là chuyến tàu đưa công chúa về dinh lại bị những sinh vật kỳ lạ tấn công.
Giữa loạn lạc, nhân vật chính chạy lên boong tàu và đụng độ con boss đầu tiên nhìn như Kraken trong truyền thuyết Bắc Âu bị đắp bùn lên khắp người. Sau cuộc chiến, nhân vật của người chơi tỉnh dậy trên hòn đảo hoang vu và đi tìm công chúa. Từ thời điểm này trở đi, Salt and Sanctuary không phát triển cốt truyện như thông thường. Thay vào đó, người chơi chỉ có thể vẽ nên bức tranh toàn cảnh từ mô tả các vật phẩm, kẻ thù, địa danh, thậm chí là những chi tiết mà bạn bắt gặp trong môi trường màn chơi.
Tùy vào cảm nhận của mỗi người mà thiết kế này là điểm cộng hay điểm trừ. Bạn không nhất thiết phải quan tâm câu chuyện kể khi trải nghiệm game, nhưng chúng góp phần tạo nên thế giới game có chiều sâu hơn thông qua khám phá và thu thập từng mảnh ghép thông tin. Trải nghiệm game diễn ra trong các khu vực rất đa dạng về chủ đề thiết kế. Từ đầm lầy, hang động, cho đến thị trấn đổ nát hay thậm chí những lối đi sâu dưới lòng đất. Không gian lúc nào cũng có vẻ tăm tối với thứ ánh sáng mờ ảo.
Trải nghiệm khám phá trong Salt and Sanctuary mang nhiều nét tương đồng Castlevania: Symphony of the Night kinh điển. Môi trường màn chơi được xây dựng từ đồ họa vẽ tay khá đặc biệt với bối cảnh đa dạng. Đội ngũ phát triển sử dụng những gam màu nhạt để tạo nên cảm giác tăm tối, ma quái và đặc biệt không gian rất tĩnh. Bạn có thể thấy điều này từ những chi tiết như mặt nước phản chiếu ánh trăng u tối, đến những ngôi sao sáng lấp lánh giữa bầu trời khi nhân vật di chuyển qua lại giữa các khu vực khác nhau.
Đó có thể là khu rừng ảm đạm quanh năm suốt tháng bao phủ trong lớp sương mù dày đặc rồi chuyển sang tòa lâu đài cũ kỹ được xây bằng đá, nối tiếp những hang động tối đen như mực dưới lòng đất. Đơn cử như Festering Banquet là kinh thành sừng sững giữa bầu không khí lạnh giá. Đi xa hơn một chút là Village of Smiles không dành cho những người yếu tim. Bạn khó mà cười như cái tên của ngôi làng này khi thấy lối vào và bên đường là vô số giá treo cổ như lời chào đón đầy cảnh báo trước bất kỳ ai có ý định bước chân vào.
Ẩn sâu trong thế giới tĩnh lặng của Salt and Sanctuary là rất nhiều bất ngờ. Từ cửa bí mật và những cánh cổng lặng thinh như đánh đố người chơi mở được chúng, đến những con boss khổng lồ chỉ chờ bạn tham gia thử thách tử thần với chúng. Đặc biệt, vẻ bề ngoài của nhân vật cũng thay đổi theo trang bị, như giáp và vũ khí góp phần không nhỏ giúp nhân vật trở nên nổi bật giữa khung hình dù tông màu thường tiệp với cảnh nền. Tôi đặc biệt thích cây rìu phải cầm hai tay và cây kiếm dài, nhìn kẻ thù rất “thốn” mỗi khi trúng đòn.
Về cơ bản, Salt and Sanctuary sở hữu lối chơi khá giống Dark Souls, nhưng thay môi trường 3D thành 2D và tập trung nhiều hơn vào khía cạnh đi cảnh. Trò chơi không có gợi ý cho bạn biết phải đi đâu và làm gì, buộc người chơi phải liên tục rút kinh nghiệm từ những sai lầm dẫn đến nhân vật thiệt mạng trước đó. Không những vậy, giao diện game cũng được thiết kế tối giản và không có bản đồ theo dõi đường đi nước bước, dễ khiến bạn vô tình hay cố ý tiếp cận các khu vực gián tiếp dẫn đến những cái chết oan uổng.
Cũng giống như các game soulslike khác, mọi hành động của nhân vật trong Salt and Sanctuary đều liên quan đến thanh thể lực được tự động hồi. Sử dụng vũ khí, lăn tròn né tránh hay nhảy đều tiêu hao thể lực của nhân vật. Nếu để cạn thanh này, bạn không thể làm gì khác để tự vệ trước đòn tấn công của kẻ thù tép riu chứ không cần đến boss. Chưa kể, kẻ thù thường thích tấn công bầy đàn hơn là solo với bạn. Ngay cả bọn cắc ké cũng dễ dàng tiễn nhân vật lên đường trong các tình huống rủi ro mà người chơi tự gây ra như thế.
Không chỉ kẻ thù thông thường, gần như mọi thứ trong Salt and Sanctuary đều gián tiếp dẫn đến cái chết của nhân vật điều khiển, nhất là những cái bẫy gần như tàng hình trong môi trường thoạt nhìn có vẻ vô hại của màn chơi. Boss lại là câu chuyện khác. Phần lớn đều máu trâu. Một số còn có động thái tấn công đôi khi rất khó đoán. Chúng có thể bất ngờ thay đổi đòn tấn công quen thuộc trong tình huống nhất định, khiến bạn phải đấu lại vài lần mới đủ khả năng dạy chúng một bài học và tận hưởng cảm giác thỏa mãn đầy hào hứng đó.
Cái chết trong Salt and Sanctuary cũng giống như các game soulslike khác: nhân vật mất số tiền thu thập được mà cụ thể trong game gọi là muối (salt). Muốn lấy lại chúng, người chơi phải điều khiển nhân vật quay về nơi “tử vì đạo” trước đó với bao rủi ro hoặc chấp nhận mất tất cả của để dành. Tương tự, bạn chỉ có thể save game ở những sanctuary. Đây là “thánh địa” cho mục đích thăng cấp, mua bán vật phẩm và trang bị cũng như nâng cấp từ trang bị đến kỹ năng cho nhân vật. Bạn chỉ có thể kích hoạt tính năng chơi co-op ở sanctuary.
Không chỉ dừng ở đó, sanctuary cũng gắn liền với tín ngưỡng (creed). Người chơi có thể tăng lòng mộ đạo bằng cách dâng lễ vật thu thập được từ kẻ thù mà bạn đánh bại. Mức độ tôn sùng càng cao thì chất lượng đồ bán từ thương gia trong thánh địa càng tăng, mang lại lợi ích rất lớn trong trải nghiệm khám phá và chiến đấu. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc kỹ khi quyết định mở thánh địa ở địa bàn của tín ngưỡng khác. Hành động này có thể biến đôi bên thành thù địch, gây nên hậu quả và rủi ro rất lớn trong trải nghiệm về sau.
Đọc đến đây, có lẽ bạn cũng đoán ra điểm trừ lớn nhất của Salt and Sanctuary là không có hệ thống bản đồ giúp người chơi theo dõi đường đi. Điểm trừ này không hề nhỏ vì trò chơi có rất nhiều địa danh, lối tắt và cả đường đi ngầm, khiến việc định hướng trong trải nghiệm khá thử thách nhất là ở lần chơi đầu tiên. Mặc dù thiết kế này khuyến khích người chơi khám phá và tìm các bí mật giúp trải nghiệm bớt thử thách một chút, nhưng điểm trừ của nó vẫn nổi trội hơn nhất là nhiều khung cảnh mang cảm giác hao hao nhau rất dễ lạc lối.
Salt and Sanctuary có hiệu năng rất tốt trên tất cả nền tảng. Bản Switch khá mượt mà ở tốc độ khung hình 60fps dù thỉnh thoảng có tình trạng trồi sụt nhẹ. Tuy nhiên, phiên bản này có điểm trừ nhỏ liên quan đến độ sáng khi chơi ở chế độ handheld mà tôi không thể không đề cập. Về cơ bản, hình ảnh trong Salt and Sanctuary khá tối, khiến kẻ thù có thể vô tình trở thành “điểm mù” nếu bạn không chú ý, nhất là trên các mẫu máy Switch sử dụng màn hình LCD. Bản Switch dùng màn hình OLED mang đến trải nghiệm handheld tốt hơn.
Sau cuối, Salt and Sanctuary mang đến một trải nghiệm nhập vai hành động đặc sắc ở mọi khía cạnh và không kém phần thử thách với dấu ấn rất riêng. Đây chắc chắn không phải trải nghiệm game dành cho tất cả. Ngược lại, những ai yêu thích cảm giác vượt khó đầy thỏa mãn nói chung và dòng game soulslike nói riêng thì không thể bỏ qua cái tên này!
Salt and Sanctuary hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và PlayStation Vita.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!