Salt and Sacrifice là game nhập vai hành động tiếp nối sau thành công của Salt and Sanctuary trước đó. Trò chơi nổi bật với thiết kế game thú vị, kết hợp giữa lối chơi đi cảnh 2D kiểu metroidvania và hệ thống chiến đấu mang đậm cảm giác soulslike. Đáng chú ý, đây còn là dự án của nhà phát triển solo James Silva với nhiều tham vọng hơn game tiền nhiệm. Không chỉ xây dựng thế giới rộng lớn hơn mà độ chi tiết trong thiết kế môi trường màn chơi đều cao hơn. Đặc biệt, tính thử thách cũng tăng vọt đến mức nhiều khi tạo cảm giác bất công.
Có thể ví Salt and Sacrifice như Dark Souls phiên bản 2D với nhiều thiết kế khó chịu hơn. Một trong số đó là không có bản đồ khiến việc định hướng và khám phá rất khó khăn. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất của game, khiến trải nghiệm khám phá nhiều khi rất bực mình. Điều này đặc biệt đúng khi không gian 2D thường khó định hình hướng đi hơn 3D do thiết kế đặc trưng. Cụ thể, hậu cảnh trong game thường được làm mờ để làm nổi bật tiền cảnh. Nó hoàn toàn khác với không gian 3D khi mọi thứ nhìn rất rõ ràng và dễ nhận biết đường đi nước bước.
Bù lại, trò chơi được xây dựng đa dạng màu sắc hơn chứ không còn mang tông màu xám đơn điệu như Salt and Sanctuary nữa. Ngay cả asset cũng được vẽ mới hoàn toàn. Salt and Sacrifice lấy bối cảnh vương quốc hư cấu Alstarstone bị nhấn chìm trong lầm than bởi bọn Mage. Trải nghiệm khám phá tùy thuộc vào tổ tiên của bạn mách bảo giữa những khung cảnh hao hao nhau. Trong vai kẻ tội phạm, người chơi theo dấu nhân vật chính tìm cách mở khóa những vùng đất khác nhau, săn lùng và tiêu diệt tất cả Mage để lập công chuộc tội. Thế nhưng, nói dễ hơn làm.
Salt and Sacrifice có 8 lớp nhân vật cho bạn chọn lựa. Mỗi nhân vật mang đến lối chơi khác nhau với sự khác biệt về chỉ số ban đầu cùng vũ khí cận chiến và tầm xa riêng. Trang bị trong game khá đa dạng, trải dài từ những vũ khí cận chiến quen thuộc như sword, dagger hay mace… cho tới các loại vũ khí tầm xa như hatchet, crossbow hay bomb và nhiều nữa. Đó là chưa kể mỗi loại vũ khí đều có thể gắn Rune Art giúp tăng khả năng chiến đấu với các hiệu ứng đặc trưng, sử dụng Focus và Rage để làm phép hoặc dùng kỹ năng để hấp thu sát thương thuộc tính.
Tuy nhiên, lựa chọn lớp nhân vật chỉ có tính tạm thời ở thời điểm trải nghiệm ban đầu. Người chơi hoàn toàn có thể điều chỉnh lại phong cách chiến đấu của nhân vật thông qua trải nghiệm về sau. Đáng chú ý, nhân vật không được tăng điểm chỉ số khi thăng cấp. Thay vào đó, chỉ có HP tăng tương ứng theo cấp độ nhân vật. Người chơi phải dùng Black Starstone thu thập được để cộng điểm cho cây kỹ năng của nhân vật. Đáng nói, hệ thống kỹ năng được thiết kế như bản đồ các chòm sao, vừa đóng vai trò mở khóa kỹ năng mới vừa tăng chỉ số cho nhân vật.
Vấn đề ở chỗ, hệ thống kỹ năng trong Salt and Sacrifice không hề thân thiện với người chơi mới, thường đòi hỏi bạn phải tự thân vận động tìm hiểu hoặc đào sâu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trước khi quyết định mở khóa kỹ năng mới. Chưa kể, số lượng kỹ năng quá nhiều cũng khiến người chơi “từng trải sự đời” như tôi cảm thấy chóng mặt vì rối, nhất là những kỹ năng không có mục đích nào khác ngoài tăng chỉ số nhất định cho nhân vật. Tuy đây không nhất thiết là bước cải lùi so với Salt and Sanctuary, nhưng chắc chắn là điểm trừ ở góc độ người chơi.
Màn chơi trong Salt and Sacrifice cũng có nhiều thay đổi so với game tiền nhiệm. Thay vì thiết kế màn chơi liên thông nhau thành thế giới rộng lớn, nhà phát triển Ska Studios chia thành các khu vực độc lập. Gọi là độc lập nhưng mỗi khu vực này đều cực kỳ rộng lớn với nhiều hang động, lối đi ẩn cùng hàng loạt bí mật chờ bạn khám phá, mang nhiều cảm giác metroidvania trong thiết kế. Chẳng hạn, người chơi cần đến kỹ năng mới để khám phá trọn vẹn các khu vực mới. Thế nhưng để có được những kỹ năng này, bạn phải quay lại rà soát bí mật ở các khu vực cũ.
Các khu vực nói trên gắn kết với nhau thông qua Mirrorgate ở Pardoner’s Vale đầu trải nghiệm. Tất cả NPC mà người chơi gặp gỡ trong suốt trải nghiệm game đều tụ hội nơi này. Đây cũng là địa điểm mà bạn có thể mua vật phẩm cũng như làm mọi thứ liên quan đến giao thương, đặc biệt là chế tác và nâng cấp vũ khí sử dụng các nguyên liệu thu thập được từ các nhiệm vụ Mage Hunt. Chế tác trong Salt and Sacrifice vay mượn nhiều ý tưởng từ series game Monster Hunter, đồng nghĩa bạn có thể phải làm lại các nhiệm vụ Mage Hunt cũ để săn nguyên liệu chế tác.
Đáng nói, boss trong Salt and Sacrifice thường là cuộc truy tìm và theo dấu boss khá mất thời gian với lũ tay sai trợ chiến. Tương tự các game Monster Hunter, chúng có thể đi lang thang trong màn chơi khiến bạn có thể phải đối mặt không chỉ một mà nhiều con Mage cùng lúc, khá ức chế. Đó là chưa kể người chơi có thể bất ngờ đụng độ con boss nào đó ven đường mà không nhận được bất kỳ cảnh báo nào, khiến việc thu hồi lượng tiền tệ quý giá gọi là Salt khi đại bại dưới tay chúng càng thêm ức chế. Dẫu thế, boss đều là những trận chiến vô cùng thỏa mãn và đáng nhớ.
Ở góc độ người chơi, Salt and Sacrifice có phần trừng phạt người chơi mạnh tay hơn so với Salt and Sactuary. Chẳng hạn, khi nhân vật điều khiển thiệt mạng sẽ bị trạng thái Spellmarked làm suy giảm HP rất nhiều. Cách duy nhất để hóa giải là dùng Guiltless Shard vô cùng hiếm và khó tìm. Đã vậy, hệ thống vật lý của trò chơi cũng gây không ít ức chế. Nhân vật điều khiển có thể bị trúng đòn từ kẻ thù và bay xa như món đồ chơi bị ném trong giận dữ vậy. Điên nhất là nếu canh nhầm khoảng cách lăn tròn né tránh, nhân vật có thể bị bật ngược lại và cái kết khó tả.
Chưa hết, cơ chế tái sinh mỗi khi nhân vật điều khiển thiệt mạng cũng có sự điều chỉnh mang tính trừng phạt cao hơn. Cụ thể, vật phẩm Hearthen Flask dùng để hồi máu cho nhân vật chỉ có thể hồi phục số lượng ban đầu khi bạn có đủ lượng thảo dược tương ứng. Loại thảo dược này có thể hái từ cây ven đường hoặc rơi từ kẻ thù bị tiêu diệt, nhưng cả hai trường hợp này đều khá hạn chế do thiết kế. Đơn cử cây ven đường có cần thời gian cooldown khá lâu để mọc lại thảo dược mới sau khi bị hái sạch, trong khi không phải kẻ thù bị tiêu diệt nào cũng rơi ra thảo dược.
Đặc biệt, Salt and Sacrifice bổ sung tính năng mới mà game tiền nhiệm không có: multiplayer. Người chơi có thể công kích hoặc hỗ trợ người chơi khác thông qua tính năng này. Tuy nhiên, người viết thường gặp tình trạng những người chơi khác lợi dụng multiplayer để quấy rối hơn là mang đến trải nghiệm co-op đầy hào hứng. Ở thời điểm bài viết, trò chơi cũng không hỗ trợ crossplay giữa các nền tảng khác nhau mà chỉ cho phép chơi chung giữa PlayStation 5 và PlayStation 4. Nhà phát triển cho biết sẽ cân nhắc hỗ trợ crossplay giữa các nền tảng trong tương lai.
Sau cuối, Salt and Sacrifice mang đến một trải nghiệm nhập vai hành động đặc sắc với dấu ấn rất riêng, thậm chí còn thử thách hơn game tiền nhiệm rất nhiều. Đây rõ ràng không phải trải nghiệm game dành cho số đông. Thế nhưng những ai yêu thích dòng game soulslike và cảm giác đối đầu thử thách mười khó, chắc chắn càng không thể bỏ qua cái tên vô cùng hào hứng và thỏa mãn này!
Salt and Sacrifice hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!